xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vì sao phải giữ kỳ thi tốt nghiệp THPT?

Yến Anh ghi

Việc duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT thực hiện đúng theo Luật Giáo dục sửa đổi, nhằm mục tiêu đánh giá mặt bằng chung của giáo dục phổ thông toàn quốc

* Phóng viên: Kết quả tốt nghiệp THPT nhiều năm qua đạt đến gần 100%. Xét trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, vì sao Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vẫn tổ chức kỳ thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thưa ông?


Vì sao phải giữ kỳ thi tốt nghiệp THPT? - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ

- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ: Do dịch Covid-19, kế hoạch năm học 2019-2020 đã phải điều chỉnh. Kỳ thi THPT sẽ được tổ chức muộn hơn mọi năm, dự kiến vào tháng 8-2020. Thời điểm này cả Luật Giáo dục và Luật Giáo dục ĐH đã có hiệu lực thi hành (Luật Giáo dục ĐH có hiệu lực từ ngày 1-7-2019 và Luật Giáo dục có hiệu lực từ ngày 1-7-2020). Do đó, sẽ không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như mọi năm mà tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Việc duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT thực hiện đúng theo Luật Giáo dục sửa đổi. Tổ chức kỳ thi để đánh giá mặt bằng chung của giáo dục phổ thông toàn quốc. Đây là kết quả đáng tin cậy để chúng ta điều chỉnh chương trình cho phù hợp, nhất là khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Hơn nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi cuối cùng ở bậc phổ thông. Việc tổ chức kỳ thi là cần thiết, tạo động lực học tập tích cực cho học sinh (HS), góp phần duy trì được nền nếp dạy, học trong các cơ sở giáo dục.

Vì sao phải giữ kỳ thi tốt nghiệp THPT? - Ảnh 2.

Thí sinh thi THPT quốc gia năm 2019 tại TP HCM. Năm nay, kỳ thi này chuyển thành thi tốt nghiệp THPT Ảnh: HOÀNG TRIỀU

* Nếu không còn kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh sẽ thi thế nào?

- Kỳ thi tốt nghiệp THPT dự kiến sẽ gồm 3 bài thi độc lập (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) và 2 bài thi tổng hợp khoa học tự nhiên (KHTN, gồm tổ hợp 3 môn vật lý, hóa học và sinh học) và bài thi tổng hợp khoa học xã hội (KHXH, gồm tổ hợp 3 môn lịch sử, địa lý và giáo dục công dân với thí sinh THPT; tổ hợp của 2 môn lịch sử, địa lý với thí sinh GDTX).

Thí sinh THPT phải thi 3 bài thi bắt buộc toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn KHTN hoặc KHXH. Thí sinh GDTX phải thi 2 bài thi bắt buộc toán, ngữ văn và 1 bài thi tự chọn KHTN hoặc KHXH.

Các bài thi toán, ngoại ngữ, KHTN và KHXH thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan; bài thi ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Kỳ thi tổ chức trong 1 ngày rưỡi với 3 buổi thi.

Bộ GD-ĐT xây dựng và cung cấp đề thi cho các địa phương. Nội dung thi nằm trong chương trình giáo dục THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12, phù hợp với nội dung tinh giản chương trình học kỳ II đã được Bộ GD-ĐT công bố. Nội dung đề thi sẽ dễ hơn, độ phân hóa của đề thi cũng sẽ giảm đi so với các năm trước.

* Kỳ thi tốt nghiệp THPT giao cho các địa phương liệu có thể yên tâm là an toàn, nghiêm túc, công bằng không, thưa ông?

- Các tỉnh sẽ thành lập Hội đồng thi để tổ chức thi cho tất cả thí sinh. Hội đồng thi của tỉnh sẽ chịu trách nhiệm tổ chức tất cả các khâu của kỳ thi như: in sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo, công bố kết quả thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT. Mỗi hội đồng thi có các điểm thi được bố trí bảo đảm tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh. Cán bộ coi thi là giáo viên của tỉnh và có sự đổi chéo giáo viên coi thi giữa các trường với nhau.

Công tác thanh tra, giám sát sẽ được tăng cường. Dự kiến ngoài lực lượng thanh tra của bộ, sở GD-ĐT, sẽ có thêm lực lượng thanh tra của tỉnh để thanh tra, giám sát tất cả các khâu của kỳ thi.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 chiều 22-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cơ bản đồng ý với báo cáo, đề xuất tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và tuyển sinh ĐH, CĐ của Bộ GD-ĐT. Thủ tướng yêu cầu bộ sớm ban hành quy chế, hướng dẫn công tác thi THPT cũng như xét tuyển ĐH, CĐ.

Tăng vai trò giám sát của Bộ GD-ĐT

Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, ThS Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP HCM - cho rằng việc giao các trường ĐH tự xét tuyển sẽ tạo thuận lợi như các trường ĐH tự chủ, thể hiện năng lực, bản lĩnh của mình.

Khi giao về địa phương dễ xảy ra tiêu cực nên bộ cần tăng cường vai trò giám sát tại các tỉnh đã xảy ra tiêu cực trong những lần thi trước; giám sát chéo khâu chấm thi và nếu được công bố sớm khi có kết quả theo từng tỉnh, thành.

Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP HCM, khẳng định nên xem nhẹ kỳ thi ở giai đoạn này và tiến tới bỏ hẳn, không tổ chức ở tầm quốc gia mà chỉ nên như một dấu mốc công nhận HS đã hoàn thành một cấp học. Nếu Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi chỉ để xét tốt nghiệp thì các trường sẽ tự biết cách sàng lọc nguồn tuyển. Các địa phương sẽ cạnh tranh nhau về uy tín và chất lượng giáo dục.

Đ.Trinh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo