xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Từ vụ học sinh tự tử: Giải mã "hiện tượng" Nguyễn Khuyến

NHÓM PHÓNG VIÊN

Để có kết quả thi "đẹp", hàng ngàn học sinh ở Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến phải trải qua quá trình học tập và rèn luyện trong môi trường khắc nghiệt. Việc một nam sinh tự tử do áp lực học tập tại trường này phải chăng là tiếng chuông cảnh báo cho lối giáo dục chú trọng đến thành tích?

Sau khi xảy ra vụ một học sinh (HS) lớp 10 của Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến (TP HCM) tự tử, chiều 12-4, ông Lê Trọng Tín, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, trần tình rằng lâu nay, trường vẫn thực hiện quy định mỗi lớp có 2 giáo viên quản nhiệm, mỗi phòng ngủ cho HS nội trú có 2 giáo viên quan sát. "Thiếu sót của nhà trường là không theo dõi, tìm hiểu kỹ được tâm lý của từng em, còn bỏ sót nhiều em, nhất là những em không có biểu hiện đặc biệt" - ông Tín nói.

Thiếu quan tâm đến tâm lý học sinh

Trước đó, vào trưa 12-4, tại cuộc họp báo do Trường Nguyễn Khuyến tổ chức về việc nam sinh của trường tự tử, ông Tín cho biết khi xảy ra vụ việc, trường có báo cáo ngay cho công an phường và công an quận. Nhà trường cũng nộp cuốn sổ có ghi thư tuyệt mệnh của em Trần Thanh Cao. Sau đó, buổi chiều nhà trường đã cùng với gia đình tới công an quận, tại đây gia đình đã được đọc thư của em Cao và bức thư không trách cứ gì nhà trường.

Từ vụ học sinh tự tử: Giải mã hiện tượng Nguyễn Khuyến - Ảnh 1.

Một cơ sở của Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến Ảnh: ĐẶNG TRINH

"Trong thư tuyệt mệnh gửi gia đình và nhà trường, nam sinh cho biết phải chịu áp lực lớn từ việc học tập khi không đáp ứng được kỳ vọng của gia đình" - ông Tín nói. Thông tin từ nhà trường cho biết Cao là HS ngoan và học giỏi. Điểm trung bình học kỳ I của em là 8,9 điểm.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động về việc có phải lịch học quá nhiều khiến HS mệt mỏi, áp lực, ông Tín cho hay số tiết học của các em là sáng 5 tiết, chiều 3 tiết và buổi tối tự học. Trường cũng không đặt vấn đề phải đỗ thủ khoa để tạo áp lực cho các em. Vì bản thân mỗi em khi đến trường có những động lực học riêng. Và nếu đó là động lực thật của HS thì các em sẽ không cảm thấy áp lực.

"Nhưng thiếu sót của nhà trường là đánh đồng mơ ước, nguyện vọng của các em khi được phụ huynh đưa đến mà không quan tâm, tìm hiểu kỹ năng lực, tâm lý của HS để phối hợp với phụ huynh. Có thể em đó chỉ phù hợp với mức độ học tập này và không hợp để học chương trình khác" - ông Tín thừa nhận.

Áp lực học quá lớn

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Nguyễn Khuyến là một trường tư thục có quy mô phát triển chóng mặt. Khi thành lập năm 1992, trường chỉ có 14 lớp với 630 HS thì đến năm học 2016-2017, trường có 150 lớp với 6.750 HS tại 4 cơ sở.

Trường luôn có tỉ lệ đậu tốt nghiệp 100% và tỉ lệ đậu ĐH rất cao. Cụ thể, từ năm 2011 đến 2014, tỉ lệ thi đậu ĐH của trường là 97,7%-97,8%. Đến năm 2015- 2016, trường có 98,46% thí sinh trúng tuyển vào ĐH, xếp thứ 5 ở TP HCM và thứ 41 trong top 200 trường có thí sinh trúng tuyển cao nhất nước. Đặc biệt, hầu hết mỗi năm trường này đều có nhiều HS thủ khoa và á khoa vào các trường ĐH, ví dụ năm 2012-2013, trường có 20 thủ khoa, 10 á khoa; năm 2013-2014, trường có 27 thủ khoa, 20 á khoa… Một trong các phương châm của trường này là: "Nên người. Học giỏi. Tốt nghiệp 100%. Đường vào ĐH-CĐ thẳng tắp".

Chỉ tính riêng năm 2017, số bài thi đạt điểm 10 của Trường Nguyễn Khuyến chiếm gần 20% tổng số bài thi điểm 10 của cả TP HCM và gần bằng tổng số bài thi điểm 10 của HS Trường Phổ thông Năng khiếu và Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - những trường vốn ít HS hơn nhưng đều là các HS xuất sắc.

Chính vì thành tích như vậy nên dù là trường tư thục nhưng Trường Nguyễn Khuyến nổi danh không chỉ ở TP HCM mà còn là mơ ước của phụ huynh của nhiều tỉnh, thành muốn con có suất học ở đây. Có đến hơn 20% HS từ các tỉnh, thành khác đến học và hơn 1/4 HS Trường Nguyễn Khuyến là từ các trường THPT khác chuyển đến sau lớp 10.

Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, để có kết quả thi "đẹp", học sinh trường này phải trải qua quá trình học tập và rèn luyện trong môi trường khắc nghiệt. Một cựu HS của Trường THCS- THPT Nguyễn Khuyến cho biết ngay khi vào trường, phụ huynh phải ký cam kết để nhà trường rèn luyện HS theo kỷ luật của nhà trường. Trường cũng phân loại năng lực HS, nếu học lực tốt sẽ được phân học lớp chọn, ví dụ như A1, còn lại sẽ vào các lớp A3, A5, A7… Nếu là lớp A1, HS phải 100% đỗ ĐH, các lớp sau sẽ giảm dần tỉ lệ đỗ ĐH và những lớp cuối chú trọng đến đậu tốt nghiệp.

Một cựu HS từng học lớp chọn với trọng trách phải đậu ĐH 100% cho biết bước vào lớp 12, mỗi ngày HS phải dậy từ rất sớm để trả bài cho thầy quản nhiệm và ngày học kết thúc lúc 21 giờ 30 phút. Đến gần kỳ thi, hằng tuần HS phải làm 3 bài kiểm tra rất khó, nếu không đạt được 7 điểm trở lên, sẽ bị phạt.

"Chúng em luôn phải đặt trong sự so sánh với HS trường chuyên, thường xuyên luyện các bộ đề khó. Ngay cả nghỉ Tết cũng phải giải hết khoảng 50 bài tập. Nói chung, áp lực học tập rất nặng" - cựu HS này nhớ lại. 

Chỉ chọn khoa học tự nhiên

Có điều lạ là toàn bộ hơn 2.000 HS lớp 12 của Trường Nguyễn Khuyến dự kỳ thi THPT quốc gia 2017 chỉ chọn duy nhất bài thi tự chọn là bài thi khoa học tự nhiên, không thí sinh nào chọn bài thi khoa học xã hội, trong khi tỉ lệ chọn bài thi khoa học xã hội của cả nước là 49%. Một chuyên gia giáo dục cho rằng sự chọn lựa quá lệch này phải chăng cho thấy mục tiêu vào ĐH rất cao của phụ huynh và HS, tạo áp lực rất lớn cho chính HS? Và liệu trường này đã chú trọng đến tư vấn hướng nghiệp cho HS hay chưa, hay chỉ chăm chăm vào việc "luyện" các môn thi mà biết chắc sẽ có tỉ lệ đậu ĐH cao?

Đừng biến trường học thành cỗ máy luyện thi lạnh lùng

Sự việc một nam sinh tự tử vì áp lực học tập tại Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến không phải là trường hợp đầu tiên khi HS phải tìm đến cái chết vì áp lực. Sự việc đau lòng này không đơn giản chỉ dừng lại ở một cá nhân, một ngôi trường mà là những cảnh báo cho ngành giáo dục, khi lâu nay triết lý giáo dục chỉ quanh quẩn ở thi cử mà chưa thực sự vì tương lai của chính HS.

Trước áp lực học tập dẫn đến việc HS phải tự tử, cô Tô Thụy Diễm Quyên, cố vấn giáo dục của Tập đoàn Microsoft, cho biết các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng não bộ của người trưởng thành chỉ có thể hoạt động hiệu quả khi làm việc từ 90-120 phút. Sau đó chúng ta cần 20-30 phút nghỉ ngơi để quay lại làm việc với hiệu quả cao nhất. Con số này càng nhỏ hơn với lứa tuổi HS. Đó là lý do vì sao một tiết học của HS trung học chỉ 45 phút và một ngày không quá 8 tiết học. Nhưng trên thực tế, hiện nay hầu hết HS đều học trên 12 giờ/ngày. "Áp lực là cần thiết để con người đo lường giới hạn của mình. Nhưng áp lực quá mức sẽ biến con người tê liệt, ngưng trệ. Bản thân tôi chứng kiến sau mỗi mùa thi nhiều em HS bị tâm thần do không chịu nổi áp lực học tập" - cô Quyên nói.

Theo TS Võ Văn Nam, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP HCM, nếu các nhà giáo dục cứ khư khư giữ chương trình quá tải như hiện nay thì khẩu hiệu mỗi ngày đến trường là một ngày vui không còn nữa, thay vào đó là khổ vì học, xem học, thi là một món nợ. Nếu nặng nợ quá thì hậu quả sẽ khó kiểm soát, như trường hợp xảy ra với em HS vừa rồi.

Trong khi đó, giảng viên một trường ĐH phân tích trường hợp em HS tự tử tại Trường Nguyễn Khuyến, nhìn gần thì đó là áp lực học tập nhưng nhìn xa đó lại là lỗi của ngành giáo dục khi biến giáo dục thành thi cử và biến trường học thành trung tâm luyện thi, kể cả bồi dưỡng cũng chỉ để phục vụ thi. Trường học - nơi có chức năng phát hiện, khai mở tối đa những phẩm chất, năng lực của con người để họ biết sống như một người bình thường, một người biết kiếm tìm hạnh phúc cho mình và xã hội - đã biến thành một cỗ máy luyện thi lạnh lùng và tàn nhẫn.

Cô Tô Thụy Diễm Quyên cho rằng thay vì hô hào đổi mới, các nhà giáo dục cần kiến tạo những hướng đi mới mẻ, thay đổi giáo dục từ phía phụ huynh. Một khi phụ huynh hiểu rằng sự kỳ vọng về con của họ không nên là vào ĐH hay một công việc nhàn hạ lương cao mà phải là hạnh phúc cho cuộc đời con mình, lúc ấy giáo dục sẽ không quá coi trọng những kỳ thi và điểm số nữa.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo