xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mạnh dạn ứng tuyển những vị trí trái ngành

NHÓM PHÓNG VIÊN

(NLĐO) - Tham dự chương trình Toạ đàm "Kết nối đào tạo với tuyển dụng" sáng 9-11 do Báo Người Lao Động tổ chức có đại diện Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội TP HCM; đại diện các trường ĐH, doanh nghiệp...

Trên thị trường lao động, cử nhân tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ trong nước là nguồn tuyển đông đảo. Nguồn nhân lực này đã bảo đảm chất lượng và đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp hay không? Mối quan hệ và đặt hàng giữa bên tuyển dụng và bên đào tạo đang diễn ra như thế nào? Làm thế nào để gia tăng hiệu quả kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp? Đó là những vấn đề đặt ra trong buổi tọa đàm "Kết nối đào tạo với tuyển dụng".

Mạnh dạn ứng tuyển những vị trí trái ngành - Ảnh 1.

Tham dự toạ đàm có đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM và đại diện các trường ĐH, các doanh nghiệp:

- TS Đỗ Thanh Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, Sở LĐ-TB-XH TP HCM;

- PGS- TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo - Trường ĐH Bách khoa TP HCM;

- TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo - Trường ĐH Công nghiệp TP HCM;

- TS Quách Thanh Hải, Trưởng Phòng Đào tạo - Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM;

- ThS Hồ Đức Sinh, Giám đốc Trung tâm Hợp tác doanh nghiệp, Trường ĐH Công nghệ TP HCM;

- ThS Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp- Trường ĐH Tài chính - Marketing;

- ThS Trương Tiến Sĩ, Phó Trưởng Phòng công tác sinh viên, Trưởng Bộ phận Quan hệ Doanh nghiệp – Trường ĐH Ngân hàng TP HCM;

- Ông Trần Thanh Hương, Giám đốc Điều hành - Tập đoàn Hùng Hậu Holdings;

- Ông Phan Văn Tâm, Giám đốc Marketing Công ty CP Phân bón Bình Điền;

- Bà Nguyễn Hoàng Phượng Linh, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Amura CNS Precision (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP HCM);

- Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Phòng Nhân sự kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Cơ khí Xây dựng và Thương mại Đại Dũng (huyện Bình Chánh, TP HCM);

- Bà Lương Tú Anh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nodex Asia (chuyên dịch vụ nhân sự trung cao cấp và cho thuê ngoài);

- Bà Trần Minh Ngọc - Giám đốc Việc Làm Tốt.

Toạ đàm "Kết nối đào tạo với tuyển dụng" là chương trình cuối trong chuỗi chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" năm 2022 do Báo Người Lao Động tổ chức.

Báo Người Lao Động trân trọng cảm ơn các đơn vị đồng hành chương trình:

- Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền

- Công ty CP Thương mại và Truyền thông Thời Đại (Sungroup)

- Trường Cao đẳng Nova (Nova College)

- Tập đoàn Vingroup - Công ty CP

- Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - CN TP HCM

- Công ty CP Uniben

11:33 ngày 09/11/2022

Sinh viên có nên làm thêm?

MC: Một số bạn đọc gởi câu hỏi đến tọa đàm: Sinh viên có nên làm thêm?

TS Nguyễn Trung Nhân:

Các trường đều khuyến khích sinh viên làm thêm. Cá nhân tôi cũng ủng hộ sinh viên làm thêm.

Tuy nhiên, việc cân đối giữa làm thêm với việc học là quan trọng. Không nên để làm thêm ảnh hưởng đến kết quả học tập. Hiện nay, nhiều sinh viên bị cảnh báo học vụ vì bê trễ trong học tập, thậm chí sau này không thể tốt nghiệp.

undefined - Ảnh 1.

ThS Hồ Đức Sinh

ThS Hồ Đức Sinh:

Sinh viên đi làm thêm có phần vì kinh tế gia đình khó khăn. Nhiều sinh viên khác đi làm thêm để có thêm trải nghiệm. Ở khía cạnh nào cũng tốt và quan trọng nhất là khi đi làm thêm các em hình thành được kỹ năng, thái độ làm việc. Vấn đề là các em phải cân đối việc học và làm.

11:26 ngày 09/11/2022

Có nhiều cơ hội cho ứng viên trái ngành

MC: Nhiều bạn đọc gởi câu hỏi đến tọa đàm, trong đó tập trung nhiều vào câu hỏi: Muốn làm trái ngành đã học thì có nhiều cơ hội?

undefined - Ảnh 1.

Bà Lương Tú Anh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nodex Asia

Bà Lương Tú Anh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nodex Asia:

Việc người lao động ứng tuyển trái ngành là bình thường trong thị trường lao động. Điều quan trọng là cách ứng viên ứng tuyển trái ngành chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy mình đủ điều kiện để làm công việc trái ngành đó. 

Để có nhiều cơ hội với công việc trái ngành, ứng viên cần thể hiện cho được kỹ năng, kiến thức và thái độ công việc của mình trước nhà tuyển dụng. 

Trong quy trình tuyển dụng, quan trọng nhất ở khâu sàng lọc hồ sơ. Chính vì vậy, ứng viên trái ngành cần phải đầu tư một bản CV chuyên nghiệp, ấn tượng. Điều này sẽ giúp họ vượt qua vòng lọc hồ sơ để đi đến phỏng vấn.

undefined - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Phòng Nhân sự kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Cơ khí Xây dựng và Thương mại Đại Dũng

Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Phòng Nhân sự kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Cơ khí Xây dựng và Thương mại Đại Dũng:

Các bạn hãy mạnh dạn ứng tuyển những vị trí trái ngành, điều này rất là bình thường. Tuy nhiên, các bạn phải xác định luôn học hỏi để phát triển bản thân. Có thể khi học xong ĐH thì các bạn thấy không có dam mê với ngành mình học. Một khi không có đam mê thì rất khó làm việc. Nếu các bạn thấy mình có đam mê, kỹ năng, khả năng ở ngành khác thì mạnh dạn đề xuất, doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện để các bạn làm việc. Khi nào những việc mình có đam mê thì tạo ra giá trị rất lớn.

undefined - Ảnh 3.

Ông Phan Văn Tâm, Giám đốc Marketing Công ty CP Phân bón Bình Điền

Ông Phan Văn Tâm, Giám đốc Marketing Công ty CP Phân bón Bình Điền: 

5 năm trở lại đây, các trường ĐH đào tạo rất tốt, bản thân các trường đã thay đổi rất nhiều, đầu tư công nghệ để dạy. Cốt lõi vẫn là thái độ của sinh viên. Nếu như sinh viên có định hướng tốt, có năng lực ở ngành khác thì có thể làm trái ngành. Các em cần chuẩn bị CV thật tốt để đưa hồ sơ vào vòng phỏng vấn, bộ CV phải chuyên nghiệp, bắt mắt. Doanh nghiệp họ cũng thích tuyển người mới vì dễ đi vào nề nếp văn hoá của công ty, nên sinh viên cần thể hiện sự mong muốn, chỉnh chu khi ứng tuyển vào doanh nghiệp.

11:17 ngày 09/11/2022

Nên nói "đào tạo bổ sung" thay vì "đào tạo lại"

ThS Hồ Đức Sinh, Giám đốc Trung tâm Hợp tác doanh nghiệp, Trường ĐH Công nghệ TP HCM (HUTECH) 

HUTECH đào tạo đa ngành theo hướng ứng dụng nên việc hợp tác sâu với doanh nghiệp để các em có trải nghiệm thực tế là sứ mệnh thường xuyên. Nếu tốt nghiệp mà sinh viên không có việc làm là vấn đề quan trọng nên chúng tôi sẽ làm hết sức để các em có việc và việc tốt.

Hiện nay, doanh nghiệp cần sinh viên làm việc được chứ không phải là "bằng đỏ", dựa vào yếu tố: kiến thức, kỹ năng, thái độ.

undefined - Ảnh 1.

ThS Hồ Đức Sinh, Giám đốc Trung tâm Hợp tác doanh nghiệp, Trường ĐH Công nghệ TP HCM

Về vấn đề các doanh nghiệp phải đào tạo lại, tôi chưa đồng ý cách nói này vì đào tạo lại là gần như xóa hết làm lại. Theo tôi, cách nói đúng là đào tạo bổ sung. Trường ĐH không thể đào tạo nhân lực riêng cho một doanh nghiệp nào, phải đào tạo kiến thức nền tảng rồi doanh nghiệp đào tạo bổ sung chuyên môn. Cái này thì doanh nghiệp nào cũng nên làm.

Tại sao doanh nghiệp thiếu nguồn nhân lực? Đối với tuyển dụng có 3 cấp độ: lao động thường, chuyên gia, quản lý. Đối với chuyên gia và quản lý thì phải đi săn, còn lao động thường thì không khó. Kinh nghiệm ở những tập đoàn đa quốc gia là tuyển dụng rất kỹ sinh viên mới ra trường. Họ săn từ lúc sinh viên chưa tốt nghiệp, khi lọt vào tầm ngắm thì họ đưa vào quy trình đào tạo. Những người này sau 6 tháng làmviệc tốt hơn những người làm việc lâu năm. Ở những công ty đa quốc gia, họ hoà nhập rất nhanh. Do đó theo tôi, tuyển một người có kinh nghiệm lâu năm nghỉ việc ở công ty khác về làm sẽ khó thay đổi họ để theo văn hóa công ty so với những người trẻ.

HUTECH chú trọng đến công tác hợp tác doanh nghiệp, lực lượng làm công tác hợp tác doanh nghiệp gần 100 người. Ở HUTECH, sinh viên năm 2, 3 đều trải qua học kỳ doanh nghiệp 4- 6 tháng, đến năm 4 các em sẽ thực hành tại doanh nghiệp để khi tốt nghiệp hòa nhập doanh nghiệp một cách nhanh chóng.

11:10 ngày 09/11/2022

Cần dự báo nhân lực dài hạn

TS Quách Thanh Hải, Trưởng phòng Đào tạo - Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM

Chất lượng đào tạo của các trường hiện nay đang theo đúng chuẩn mực của Bộ GD-ĐT. Chất lượng đào tạo đã được các trường nhìn nhận. Tuy nhiên, để kết nối đào tạo - tuyển dụng, trường đã và sẽ thực hiện mọi biện pháp.

undefined - Ảnh 1.

TS Quách Thanh Hải, Trưởng phòng Đào tạo - Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM

Mỗi doanh nghiệp có văn hóa khác nhau, điều kiện khác nhau nên trường khó có thể đào tạo sinh viên đáp ứng tất cả tiêu chí. Để giải quyết vấn đề này, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp phải gắn kết hơn nữa, chẳng hạn như đặt hàng đào tạo để sinh viên đáp ứng đúng tốt cầu doanh nghiệp.

Về chuẩn ngoại ngữ đầu ra, tôi được biết các trường ĐH đang đánh giá theo bài thi nên tới đây cần đều chỉnh thiên về khả năng giao tiếp.

Về việc lao động nhảy việc, theo tôi việc chuyển đổi nghề nghiệp là thường xuyên xảy ra. Do đó, trường phải điều chỉnh để xây dựng chương trình đào tạo có tính phổ quát, cơ bản nhất; đồng thời xây dựng đạo đức, tác phong, thái độ cho sinh viên.

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM có chương trình học kỳ doanh nghiệp 8 tuần. Trường quan niệm rằng không chỉ sinh viên cần học kỳ doanh nghiệp mà ngay cả giảng viên cũng cần tham gia môi trường doanh nghiệp.

Từ kinh nghiệm từng làm doanh nghiệp, tôi cho rằng ngay cả doanh nghiệp cũng cần tích cực tham gia cùng nhà trường; hết sức tạo điều kiện cho sinh viên tham gia sâu vào doanh nghiệp.

Trong kết nối đào tạo - tuyển dụng để hiệu quả, theo tôi cần có dự báo nhu cầu nhân lực. Dự báo nhu cầu cần có chiến lược để dự báo xa.

undefined - Ảnh 2.

TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo - Trường ĐH Công nghiệp TP HCM

TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo - Trường ĐH Công nghiệp TP HCM: 

Hàng năm, trường cung cấp khoảng 7.000 nhân lực ở các lĩnh vực ngành nghề. Về phía đào tạo, các trường sẵn sàng làm tất cả để sinh viên đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, kể cả đầu tư thiết bị hàng trăm tỉ đồng cho sinh viên học tập.

Các trường không thể ngay lập tức đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, vì vậy cần thêm ý kiến của doanh nghiệp.

10:48 ngày 09/11/2022

Sinh viên cần được đào tạo thái độ làm việc

Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Phòng Nhân sự kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Cơ khí Xây dựng và Thương mại Đại Dũng

Người lao động tại Đại Dũng đa phần đến từ các trường đại học tham gia trong toạ đàm hôm nay. Đại Dũng đánh giá cao chất lượng đào tạo từ các trường đại học tại TP HCM.

Là doanh nghiệp hoạt động trong ngành cơ khí công nghiệp, Đại Dũng sử dụng rất nhiều lao động nên việc kết nối với các trường đào tạo, kể cả các trường trung cấp, cao đẳng để tạo điều kiện cho sinh viên thực tập trải nghiệm, cọ xác thực tế. Sau khi tốt nghiệp sẽ được Đại Dũng tuyển dụng, bố trí việc làm phù hợp. 

Đại Dũng cũng đang phối hợp cùng với các trường thiết kế chương trình học kết nối với doanh nghiệp nhằm gia tăng thời gian trải nghiệm cho sinh viên. Đại Dũng cũng khuyến khích sinh viên năm 2, năm 3 đến công ty cọ xác thực tế công việc nếu sắp xếp được thời gian. Công ty có rất nhiều bộ phận khác nhau nên sinh viên có nhiều sự lựa chọn phù hợp với chuyên môn đang học. 

undefined - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Phòng Nhân sự kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Cơ khí Xây dựng và Thương mại Đại Dũng

Khi đến Đại Dũng kiến tập, sinh viên được công ty cắt cử người kèm cặp, hướng dẫn để làm quen với công việc ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Sau đó, nếu thấy môi trường làm việc phù hợp, sinh viên ra trường sẽ được Đại Dũng tuyển vào làm chính thức.

Đại Dũng có bộ phận chuyên trách đào tạo để đào tạo mới, đào tạo lại cho người lao động mới tuyển. Trong chương trình đào tạo, Đại Dũng chú trọng đào tạo kỹ năng, chuyên môn và cả đào tạo cả thái độ làm việc cho người lao động. Đào tạo thái độ làm việc là khâu khó nhất cho nên doanh nghiệp rất mong các trường đào tạo quan tâm hơn trong việc nâng cao thái độ nghề nghiệp cho sinh viên.

Quan điểm tuyển dụng của Đại Dũng không phân biệt người có kinh nghiệm hay chưa có. Cho nên Đại Dũng tuyển dụng rất nhiều sinh viên mới ra trường. Nếu không tạo điều kiện cho sinh viên mới ra trường vào làm việc thì làm sao họ có kinh nghiệm, làm sao có bệ phóng để phát triển sự nghiệp?

10:30 ngày 09/11/2022

Doanh nghiệp - giáo dục: Mô hình nhiều ưu điểm

Ông Trần Thanh Hương, Giám đốc Điều hành - Tập đoàn Hùng Hậu Holdings

Tập đoàn Hùng Hậu Holdings vừa là doanh nghiệp vừa là đơn vị tham gia ngành giáo dục. Để trả lời nguồn nhân lực đã đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp hay chưa, thực tế là không thể có điểm chung để hài lòng nhau. 

Ở góc độ trường ĐH, doanh nghiệp phải nhìn nhận là trường đang đào tạo ra một sản phẩm như vậy, thì phải chấp nhận những sản phẩm đó. Còn những khác biệt thì mình sẽ tìm kiếm ở ngoài. Vì vậy, công ty luôn ưu tiên tạo điều kiện để sinh viên làm việc ở công ty.

Ở góc độ doanh nghiệp, chúng tôi tạo ra văn hoá bền vững trong lộ trình phát triển nghề nghiệp. Mỗi trường sẽ có triết lý riêng trong đào tạo giáo dục, các doanh nghiệp của Hùng Hậu phải chấp nhận triết lý của trường mình để tiếp nhận các em. Hiện các em rất thích và cũng là một thế mạnh của trường có doanh nghiệp, vì khi đó các em được tham gia thực tế nhiều hơn. 

Thêm vào đó, giữa trường và doanh nghiệp kết nối với nhau thông qua các đề tài nghiên cứu. Khi trường có đề tài có thể triển khai thực tế thì doanh nghiệp sẽ triển khai ngay.

undefined - Ảnh 1.

Ông Trần Thanh Hương, Giám đốc Điều hành - Tập đoàn Hùng Hậu Holdings

Sinh viên bây giờ ý chí cá nhân rất mạnh mẽ. Vì vậy, nên tạo ra môi trường khởi nghiệp. Khi đó, phải có doanh nghiệp hỗ trợ. Đó là thế mạnh để mô hình doanh nghiệp - giáo dục đi chung với nhau. 

Tính khẳng định của các em sinh viên rất lớn, mong muốn đốt cháy giai đoạn, khi ra trường muốn được là thế này thế kia. Đó là mong muốn. Vì vậy, các trường phải định hướng cho sự phát triển tư duy, nhân cách của các em. 

Ngoài ra, sinh viên bây giờ luôn sẵn sàng thay đổi môi trường làm việc. Do đó, họ cần học cách giữ vững lập trường khi thay đổi.

10:15 ngày 09/11/2022

Doanh nghiệp cần cởi mở hơn với sinh viên

ThS Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp - Trường ĐH Tài chính - Marketing

Việc định hướng nghề nghiệp cho sinh viên hiện chưa có chiều sâu dù có các hoạt động tham quan doanh nghiệp, thực hành nghề nghiệp. Thời gian cho thực hành nghề nghiệp hiện khá ngắn nên không thể lột tả hết yêu cầu của doanh nghiệp đối với nhân sự.

undefined - Ảnh 1.

ThS Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp - Trường ĐH Tài chính - Marketing

Trước đây, Trường ĐH Tài chính - Marketing chỉ tổ chức Ngày hội việc làm cho sinh viên năm cuối nhưng gần đây, trường tổ chức cho cả sinh viên năm 1, 2, 3 để các em có định hướng nghề nghiệp sớm, rõ ràng.

Tôi hy vọng các doanh nghiệp chia sẻ nhiều hơn cho sinh viên, tiếp nhận sinh viên nhiều hơn, hỗ trợ các em sâu hơn ở những vị trí doanh nghiệp cần để các em có thể hòa nhập sớm ở môi trường doanh nghiệp.

ThS Trương Tiến Sĩ, Phó Trưởng Phòng công tác sinh viên, Trưởng Bộ phận Quan hệ Doanh nghiệp – Trường ĐH Ngân hàng TP HCM

Xu hướng chung của các trường ĐH là đào tạo đa ngành. Tuy nhiên, mỗi trường có những ngành là mũi nhọn, thế mạnh. 

Với vai trò của cơ sở đào tạo, việc trang bị kiến thức nền tảng cho sinh viên rất quan trọng. Ở Trường ĐH Ngân hàng TP HCM cũng chú trọng trang bị cho sinh viên nhiều kỹ năng khác nhau để các em không chỉ có thể làm tốt lĩnh vực nghề nghiệp được đào tạo mà còn sẵn sàng chuyển đổi sang lĩnh vực khác.

undefined - Ảnh 2.

ThS Trương Tiến Sĩ, Phó Trưởng Phòng công tác sinh viên, Trưởng Bộ phận Quan hệ Doanh nghiệp – Trường ĐH Ngân hàng TP HCM

Ngoài kiến thức được đào tạo ở trường, sinh viên cần trải nghiệm môi trường thực tế. Trường không đào tạo cái mình có mà cần đào tạo phù hợp với doanh nghiệp. Trong hoạt động, trường đều mời doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình đào tạo cùng các hoạt động khác nhằm hỗ trợ sinh viên trong định hướng nghề nghiệp.

Để thành công trong tương lai, ngoài những cố gắng của nhà trường, sinh viên cũng cần nỗ lực thường xuyên, không ngừng trau dồi kiến thức.

10:03 ngày 09/11/2022

Hướng nghiệp đúng sẽ hạn chế nhảy việc

PGS- TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo - Trường ĐH Bách khoa TP HCM

Nói về nhân sự thì chắc chắn doanh nghiệp mong muốn tuyển được lao động có trình độ, có kỹ năng và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Ở đây chúng ta cần nói đến sự chính chắn, trưởng thành của người lao động. Ở góc độ là đơn vị đào tạo, chúng tôi nhận thấy tầm quan trọng của hướng nghiệp. Nếu người học chọn sai ngành sẽ dẫn đến việc ra trường đi làm sẽ khó phù hợp với công việc.

Về đào tạo, các trường tập trung đào tạo chuyên môn, sau đó các doanh nghiệp tiếp tục đào tạo để người lao động có thể đảm nhận công việc được giao.

undefined - Ảnh 1.

PGS- TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo - Trường ĐH Bách khoa TP HCM

Trường Đại học Bách khoa TP HCM hiện hợp tác với rất nhiều doanh nghiệp để cùng đào tạo. Ở trường có chuyên gia mà trường gọi là "chuyên gia nghề nghiệp học" để giúp sinh viên khám phá được khả năng của bản thân và tự tin đi làm sau khi ra trường. Việc định hướng nghề nghiệp cũng được trường đặc biệt quan tâm cho nên hàng năm nhà trường kết nối với các doanh nghiệp để tổ chức hướng nghiệp, kết hợp với ngày hội việc làm tại trường.

Hiện nay, các trường rất cần sự đồng hành của doanh nghiệp cả trong quá trình đào tạo và phát triển nghề nghiệp. Mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp không thể thiếu trong mục tiêu đảm bảo đào tạo và việc làm sau đào tạo.

09:48 ngày 09/11/2022

Nhân sự nhảy việc: Doanh nghiệp nên nhìn lại mình

Ông Phan Văn Tâm, Giám đốc Marketing Công ty CP Phân bón Bình Điền:

Nhiều người nói nhân lực có nhiều biến động, nhưng gần như ai làm ở Bình Điền thì ở lại làm rất lâu, nếu nghỉ thì ra mở doanh nghiệp riêng chứ rất ít chuyển qua doanh nghiệp khác. Đối với những ngành như nông nghiệp thì rất muốn tuyển những em mới ra trường vì họ có tính sáng tạo, tư duy mới mẻ.

Chúng ta cần nhìn nhận sinh viên mới ra trường thì có chung nền tảng đào tạo. Tuy nhiên, trong doanh nghiệp thì phải có trưởng phòng, phó phòng, chuyên viên, lao động phổ thông... Các vị trí không thể ngang bằng nhau. Vì vậy, những người có kiến thức, năng lực cao mà mình để vào vị trí thấp hơn giá trị của họ thì tất nhiên họ sẽ rời đi. 

undefined - Ảnh 1.

Ông Phan Văn Tâm, Giám đốc Marketing Công ty CP Phân bón Bình Điền

Doanh nghiệp khi tuyển người vào mà để người ta đi thì phải nhìn lại xem mình đã trả lương xứng đáng với giá trị của họ không. Lực lượng lao động bây giờ rất năng động, sáng tạo, họ có góc nhìn về việc làm rất khác. 

Theo tôi, chúng ta nên tạo cho các em một định hướng ban đầu. Về học thuật, kỹ năng thì các trường đang làm tốt, nhưng trải nghiệm doanh nghiệp vẫn chưa có. Tuy nhiên, phải lật lại vấn đề, doanh nghiệp cũng đâu dám cho những sinh viên mới đi sâu vào dây chuyền sản xuất hay tham gia thực hiện kế hoạch kinh doanh. Vì vậy, cần nhìn nhận lại vấn đề này, nên đào tạo cho sinh viên kỹ năng có định hướng khi môi trường và tình hình xã hội thay đổi. 

09:37 ngày 09/11/2022

Gen Z thiếu mục tiêu nghề nghiệp, hay nhảy việc

Bà Lương Tú Anh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nodex Asia

Buổi toạ đàm có ý nghĩa rất thiết thực khi diễn ra trong bối cảnh thị trường lao động, việc làm có nhiều thay đổi, biến động trong thời gian qua, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng bởi dịch COVID-19.

Có thể nói rằng nhân lực là một nhu cầu thường xuyên của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp ngày nay đòi hỏi cao hơn ở người lao động từ chuyên môn đến các kỹ năng khác. Hiện nay, doanh nghiệp gặp khó khăn khi tuyển dụng bởi sinh viên ra trường có trình độ chuyên môn nhưng thiếu nhiều kỹ năng. Mọi công việc trong kỷ nguyên số hiện nay cần người lao động phải có nhiều kỹ năng, trong đó có kỹ năng liên quan đến CNTT. 


undefined - Ảnh 1.

Bà Lương Tú Anh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nodex Asia

Tất cả những kỹ năng nghề nghiệp có thể được đào tạo, rèn luyện ở các cơ sở đào tạo. Do đó, doanh nghiệp đang mong chờ các trường cao đẳng, đại học đổi mới phương pháp giảng dạy để có thể cung cấp cho thị trường lao động những nhân sự chất lượng, có thể bắt tay ngay vào việc mà không phải đào tạo lại, đào tạo thêm.

Để chia sẻ với các doanh nghiệp, Nodex Asia đang phát triển phòng đào tạo bên ngoài để đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu thời gian đào tạo theo yêu cầu, nhanh chóng có nhân sự đủ tiêu chuẩn để làm việc.

Hiện nay, doanh nghiệp nào cũng đang có nhân sự thế hệ gen Z. Đây là thế hệ người lao động trẻ tuổi, năng động và rất linh hoạt. Tuy nhiên, lao động trẻ gen Z khá mơ hồ về mục tiêu sự nghiệp của mình, họ gần như không đặt ra mục tiêu 3 năm, 5 năm sắp tới mình sẽ như thế nào. Thiếu mục tiêu khiến lao động trẻ thiếu luôn động lực để phấn đấu, từ đó họ hay nhảy việc và đây là nỗi khổ của các doanh nghiệp.

09:32 ngày 09/11/2022

Thiếu lao động, doanh nghiệp phải nhượng bộ về kiến thức

Bà Trần Minh Ngọc - Giám đốc Việc Làm Tốt

Các doanh nghiệp luôn than thở về việc tuyển không đủ nhân sự, sự cam kết của nhân sự không cao. Thực tế, khi không đủ nhân sự thì có sự nhân nhượng về kiến thức.

undefined - Ảnh 1.

Bà Trần Minh Ngọc - Giám đốc Việc Làm Tốt

Các bạn trẻ hiện nay có kiến thức nhưng năng lực làm việc còn hạn chế. Doanh nghiệp cần nhân sự làm việc độc lập và nhanh chóng hòa nhập. Hiện tại, nhóm kỹ năng thực tế còn thiếu rất nhiều, nhất là trong lĩnh vực CNTT. 

Ngày nay, với sự ra đời của nhóm ngành mới, nhiều bạn trẻ không muốn làm công việc cố định ở doanh nghiệp mà làm tự do như ship công nghệ... Đây là hạn chế của nhiều bạn trẻ vì thực tế không biết các bạn muốn gì trong tương lai. 

09:24 ngày 09/11/2022

Vất vả đào tạo lại, đau đầu với "chảy máu" chất xám

Bà Nguyễn Hoàng Phượng Linh, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Amura CNS Precision (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP HCM): 

Công ty tôi chủ yếu xuất khẩu, nguồn nhân lực cũng yêu cầu cao, là ngành có đặc thù riêng, nhưng cũng có những ngành có vị trí tuyển dụng phổ thông. Tôi nhận thấy những năm gần đây, các trường đã tập trung đào tạo trang bị kiến thức tương đối khá cho sinh viên, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. 

undefined - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Hoàng Phượng Linh, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Amura CNS Precision (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP HCM) phát biểu tại toạ đàm

Tuy nhiên, riêng về ngành cơ khí cần sự chính xác cao, một số vị trí các trường còn chưa có sự quan tâm đào tạo đúng mức, điển hình là kỹ năng đọc bản vẽ kỹ thuật của các em còn yếu. 

Kỹ năng cơ bản ở những vị trí bình thường thì các em đáp ứng được và đa số có kỹ năng mềm. Tuy nhiên, về ngoại ngữ thì một số em ở các trường nghề chưa đạt, đây cũng là vấn đề các trường cần khuyến khích các em trang bị thêm. 

Riêng về những ngành kỹ thuật đặt thù các em còn thiếu kỹ năng thực tế, một số trường có trang bị thiết bị thực hành nhưng vẫn còn ít. Khi tuyển dụng, doanh nghiệp phải đào tạo lại. Ví dụ, việc đào tạo vận hành máy đơn giản mất từ 3-6 tháng, còn các vị trí cao hơn phải 1-2 năm, thậm chí 3 năm mới làm được thiết kế một khuôn hoàn chỉnh. 

Về thái độ, ứng xử, nhìn chung các em có hoài bão nhưng còn thiếu tính kỷ luật và nhìn nhận vấn đề hơi hẹp. Ví dụ, mới ra trường các em được trả 8 triệu đồng/tháng, nhưng qua năm sau thấy doanh nghiệp khác trả hơn 500.000 đồng/tháng thì chuyển sang. Các em chưa nhìn nhận được sự phát triển lâu dài của nghề nghiệp. Việc này cũng dẫn đến vấn đề chảy máu chất xám ở doanh nghiệp. 

Tóm lại, theo tôi, các trường nên đào tạo sâu hơn ở những ngành đặc thù, liên hệ với các doanh nghiệp để sinh viên thực tập. Ở công ty tôi, thông thường sinh viên thực tập sau đó sẽ được nhận vào làm luôn. 

09:16 ngày 09/11/2022

Thị trường lao động 2 tháng cuối năm 2022 chuyển biến tích cực


undefined - Ảnh 1.

TS Đỗ Thanh Vân, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, Sở LĐ - TB - XH TP HCM

TS Đỗ Thanh Vân, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, Sở LĐ - TB - XH TP HCM cung cấp một sồ thông tin về thực thực trạng thị trường lao động 10 tháng đầu năm 2022. 

Thị trường lao động trong những tháng cuối năm dự kiến sẽ có nhiều chuyển biến tích cực khi phần lớn doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết cùng với việc hoàn thành các đơn hàng trong năm.

Dự kiến nhu cầu nhân lực 2 tháng cuối năm 2022, TP HCM cần khoảng 45.879 – 53.479 chỗ làm việc. Trong đó, nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực thành thị với 41.281 – 48.120 chỗ làm việc (chiếm 89,98%), khu vực nông thôn cần khoảng 4.598 – 5.359 (chiếm 10,02%).

08:56 ngày 09/11/2022

Báo Người Lao Động sẵn sàng làm cầu nối đào tạo - tuyển dụng

undefined - Ảnh 1.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, nhà báo Dương Quang, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, Trưởng Ban tổ chức Chương trình Đưa trường học đến thí sinh, cho biết buổi toạ đàm chưa hẳn giải quyết cơ bản những tồn đọng của thị trường lao động nhưng sẽ làm sáng tỏ những vấn đề mà bên đào tạo lẫn tuyển dụng quan tâm. Buổi toạ đàm là cơ hội để các trường và nhà tuyển dụng gặp nhau, qua đó đặt hàng đào tạo, Báo Người Lao Động sẵn sàng làm cầu nối giữa nhà trường và doanh nghiệp.


Lên trên
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo