xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Rạng danh nghề giáo

LÊ THOA - ĐẶNG TRINH

Tuổi đời còn rất trẻ, nhiều nhà giáo đã luôn tìm cách đổi mới phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục

TS Trần Văn Hiếu - Phó trưởng Bộ môn Công nghệ sinh học phân tử - môi trường Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP HCM - vừa được công nhận đạt tiêu chuẩn PGS ở tuổi 35.

Dìu dắt sinh viên đến với khoa học

Từ tháng 9-2015 đến tháng 9-2016, PGS-TS Trần Văn Hiếu sở hữu 7 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí khoa học trong nước và quốc tế (có chỉ số ISSN); 4 bài báo từ 2 đề tài nghiên cứu “Thuốc hỗ trợ điều trị ung thư” và “Hạt sắt từ cho cấy ghép tủy”, nhận quyết định khen thưởng của ĐHQG TP HCM về hướng dẫn sinh viên đạt giải nhất và khuyến khích “Công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc sinh viên ĐHQG”… Hiện PGS-TS Trần Văn Hiếu đang nghiên cứu các đề tài: Sản xuất thuốc hỗ trợ điều trị ung thư dựa trên công nghệ protein tái tổ hợp; Phát triển vắc-xin uống dựa trên các lợi khuẩn và Ứng dụng công nghệ nano cho việc phân phối thuốc.

TS Trần Văn Hiếu trong dịp được phong tặng PGS vào đầu tháng 11-2016 (Ảnh do nhân vật cung cấp)

TS Trần Văn Hiếu trong dịp được phong tặng PGS vào đầu tháng 11-2016 (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Trưởng thành trong một gia đình có truyền thống sản xuất, lên men vi sinh thực phẩm từ những năm 1950 ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, PGS-TS Trần Văn Hiếu chọn thi vào ngành công nghệ sinh học ngay từ khóa đầu tiên của miền Nam (1999) tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Lúc đó, rất ít người biết ngành này dạy những gì và hoài nghi về tính ứng dụng, lo sợ đầu ra sau tốt nghiệp.

Ban đầu, anh Hiếu dự định học xong sẽ về quê nhà nối nghiệp ba mẹ, mở rộng cơ sở sản xuất bằng công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, qua 1 học kỳ, chàng sinh viên xứ biển phát hiện mình có niềm đam mê và khả năng với nghiên cứu khoa học. “Trưởng khoa thời đó (GS-TS Trần Linh Thước - hiện là hiệu trưởng nhà trường) và cô trưởng bộ môn di truyền (học từ Pháp về) là hai người khai phá và truyền cảm hứng cho tôi đến với con đường nghiên cứu khoa học” - anh Hiếu kể.

Cụ thể, trong một lần tìm hiểu về vi sinh truyền thống với ý định về phát triển ngành nghề gia đình, anh được các thầy cô tạo điều kiện, giới thiệu đến phòng thí nghiệm nghiên cứu vi sinh về công nghệ sinh học và say mê từ đó. Hiện tại, ngoài giờ giảng dạy, anh dành toàn bộ thời gian cho việc hướng dẫn nhóm nghiên cứu khoa học 14 người, gồm 7 học viên cao học và 7 sinh viên. “Khi tôi không về nối nghiệp gia đình mà đi theo con đường nghiên cứu, giảng dạy, ba mẹ không những không phản đối mà còn rất ủng hộ. Ông bà cảm thấy hạnh phúc khi tạo điều kiện cho con mình đem chất xám để cống hiến, phục vụ cho xã hội” - vị PGS trẻ tuổi kể.

Ngoài giảng dạy và nghiên cứu, PGS-TS Trần Văn Hiếu luôn gần gũi, lắng nghe tâm tư của sinh viên vì lúc còn ngồi trên giảng đường, anh từng phản ứng trước các quyết định không thực tế của giảng viên và “nổi tiếng” là người thích phản biện.

Gần 4 năm du học ở Đức, cộng với tính thích phản biện đã biến chàng sinh viên năm nào trở thành một tấm gương cần cù nghiên cứu nhưng vô cùng gần gũi với sinh viên. Một trong những lý do khiến sinh viên thích vào nhóm nghiên cứu của PGS-TS Trần Văn Hiếu là vì họ được lắng nghe ý kiến, không chỉ làm theo mệnh lệnh, mà cảm thấy được tôn trọng.

Nhiều năm dấn thân vào công tác nghiên cứu, giảng dạy, PGS-TS Trần Văn Hiếu chia sẻ điều anh trăn trở nhất hiện nay là nguồn hỗ trợ nghiên cứu. “Tôi mong muốn nước ta có một ý tưởng, dự án khởi nghiệp cho nhà khoa học trẻ để họ được thỏa sức cống hiến” - PGS-TS Trần Văn Hiếu tâm sự.

Áp dụng bài giảng “mở”

ThS Thân Trọng Khánh Đạt (26 tuổi) là giảng viên trẻ nhất đạt giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” TP HCM năm 2016. Giảng viên Khoa Cơ khí Trường ĐH Bách Khoa - ĐHQG TP HCM từng đạt các danh hiệu “Cán bộ trẻ tiêu biểu cấp ĐHQG TP HCM năm 2015”, “Viên chức trẻ tiêu biểu Trường ĐH Bách khoa”. Về chuyên môn, ThS Đạt có giải pháp đổi mới phương pháp dạy học, sử dụng công cụ e-learning để đưa bài tập, kết hợp bài tập nhóm và cá nhân, 1 bài báo đăng tạp chí quốc tế, 2 bài báo đăng tạp chí trong nước, 2 bài báo tham dự hội nghị nước ngoài và 5 bài báo tham gia hội nghị trong nước.

Anh Đạt cho biết làm giảng viên Trường ĐH Bách khoa là cơ duyên. “Sau một thời gian ngắn đầu quân cho công ty nước ngoài, thầy hướng dẫn thuyết phục tôi trở lại trường cống hiến. Qua 2 tháng thử việc, tôi cảm thấy thích thú với môi trường sư phạm” - anh kể. Từ đó đến nay, người giảng viên trẻ cùng các thầy cô trong khoa tập trung nghiên cứu lĩnh vực công nghệ chế tạo máy, cơ khí, như: phương pháp hàn ma sát, cắt gọt, gia công gia tốc… Theo ThS Đạt, lợi thế tuổi trẻ giúp anh nắm được tâm lý sinh viên. “Tôi luôn cố gắng áp dụng cách dạy “mở” cho sinh viên, với bài giảng tham khảo tài liệu nước ngoài. Hiện nay, thời gian đào tạo rút ngắn từ 4,5 năm còn 4 năm là thử thách rất lớn cho cả thầy lẫn trò. Sinh viên mới từ THPT lên, tinh thần tự học chưa cao nên giảng viên phải làm sao để các em thấy được ý nghĩa của môn học, kiến thức qua bài tổng quan” - ThS Đạt nói.

ThS Thân Trọng Khánh Đạt thuyết trình tại một hội nghị năm 2015. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
ThS Thân Trọng Khánh Đạt thuyết trình tại một hội nghị năm 2015. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Giảng viên trẻ này cho biết ngoài thời gian giảng dạy, anh thường tham gia thực hiện các đề tài bên ngoài, tìm hiểu các loại máy móc tân tiến để cập nhật thực tế, giúp bản thân không bị lạc hậu. Trong khi giảng dạy các môn như chi tiết máy, động lực học, tính toán và mô phỏng trong thiết kế máy, anh luôn tiếp cận vấn đề, liên hệ những cái mới học được từ các dự án bên ngoài cho sinh viên. “Mỗi ngày, tôi dành 4-5 giờ/ngày để tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, điều tôi canh cánh trên con đường mình đang đi là cơ sở vật chất nghiên cứu khoa học ở các trường cần được đầu tư nhiều hơn nữa để có kết quả tốt hơn” - ThS Đạt bày tỏ.

Đưa luật vào cuộc sống

Với tuổi đời 27, ngoài công việc đứng trên bục giảng, giảng viên Lường Minh Sơn, Trường ĐH Luật TP HCM, còn luôn tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện liên quan đến chuyên môn như phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhiều đối tượng như công nhân lao động, học sinh, sinh viên và cả phạm nhân. Với những thành tích tiêu biểu như vậy, anh được Thành đoàn TP HCM bình chọn trao giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” 2016, đại diện duy nhất của Trường Đại học Luật nhận danh hiệu năm nay. Hiện giảng viên Lường Minh Sơn là Bí thư Đoàn khoa của trường, đang hoàn thành chương trình thạc sĩ trong năm 2016.

Được kết nạp Đảng khi là học sinh lớp 12. Tốt nghiệp cử nhân luật, anh Sơn thi đỗ giảng viên, chính thức giảng dạy tại Khoa Luật dân sự đến nay được 5 năm. Từ tháng 3-2015, anh tham gia cùng với Trung tâm Tư vấn pháp luật và đào tạo ngắn hạn của Trường Đại học Luật TP HCM thực hiện tư vấn, phổ biến kiến thức về Luật Hình sự, thi hành án dân sự và hướng dẫn các thủ tục hành chính cho phạm nhân. Cùng với các giảng viên và sinh viên hỗ trợ, tính đến nay, đội hình này đã giáo dục pháp luật cho phạm nhân tại nhiều trại giam khu vực phía Nam như: Z30D, Thủ Đức, Chí Hòa... Giảng dạy, phổ biến pháp luật là công việc khá khô khan và phức tạp, theo anh Sơn, khi tuyên truyền thì phải nghiên cứu sao cho các đối tượng dễ tiếp thu. Chẳng hạn, để các phạm nhân dễ hiểu thì hình thức phổ biến phải gần gũi, chọn lọc những câu từ đơn giản và phải có cách tiếp cận phù hợp. Tư vấn về luật lao động cho công nhân thì sử dụng hình thức “Câu chuyện pháp đình”, sinh viên sắm vai các nhân vật tham gia diễn kịch để công nhân tiếp cận kiến thức một cách nhẹ nhàng. Ngoài ra, giảng viên Lường Minh Sơn cùng với Trung tâm Hỗ trợ học sinh - sinh viên TP HCM phổ biến và tư vấn pháp luật cho học sinh THPT tại các trường trên địa bàn.

Dạy tiếng Việt trên nước bạn

Không những gắn bó với chuyên môn giảng dạy, khi tạm gác công việc ở trường, thầy giáo trẻ Lường Minh Sơn cùng các đồng nghiệp và sinh viên tham gia tích cực chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh. Tại các mặt trận đóng quân, cùng với phổ biến, tư vấn pháp luật…, anh Sơn còn dạy chữ cho học sinh, người dân vùng khó khăn, nhất là người dân Lào. “Ấn tượng nhất trong các lần tham gia Mùa hè xanh là trong 2 năm 2014 và 2016. Tại đây, tôi đã dạy tiếng Việt cho học sinh và người dân Lào. Công việc này không liên quan nhiều đến chuyên môn ngành luật nhưng tôi lại thấy hạnh phúc vì được phổ biến cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ dân tộc mình cho nước bạn” - anh Sơn chia sẻ.

Giảng viên Lường Minh Sơn đang dạy tiếng Việt ở Lào
Giảng viên Lường Minh Sơn đang dạy tiếng Việt ở Lào
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo