xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Làm sao giám sát bữa ăn bán trú?

Đặng Trinh

Bữa ăn bán trú được phụ huynh cho là kém chất lượng tại Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi (quận 9, TP HCM) đã đặt ra vấn đề giám sát các bữa ăn bán trú

Dù quy định của ngành giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) TP HCM là các trường cần có kế hoạch cụ thể về việc mời phụ huynh tham gia giám sát bữa ăn; thảo luận, thống nhất ngay trong hội nghị Ban Đại diện cha mẹ học sinh (HS) đầu năm nhưng thực tế phụ huynh gặp muôn vàn khó khăn để biết chất lượng bữa ăn ở trường.

Không thể đến đột xuất

Chị Đ.H, phụ huynh một trường tiểu học tại quận Thủ Đức, cho biết từ đầu năm học, chị có hỏi ý kiến giáo viên (GV) chủ nhiệm để xin vào trường buổi trưa xem con ăn uống, ngủ nghỉ thế nào nhưng GV không đồng ý. "Cô nói phải đăng ký một ngày cụ thể, không thể đến xem đột xuất. Rất muốn đến trường theo cách tình cờ để xem các con ăn ngủ ra sao nhưng nếu phải đăng ký, xếp lịch, hoặc nhà trường cho một ngày theo lịch của trường thì còn gì là giám sát" - chị H. bày tỏ.

Chị T.H, phụ huynh có con đang học lớp 3 một trường tiểu học tại quận Tân Bình, chia sẻ chị chưa từng có niềm tin vào những bữa ăn bán trú ở trường của con nhưng đành phải "sống chung với lũ" và chọn cách nói với các cô: "Con ăn được bao nhiêu thì ăn, đừng ép con, mẹ sẽ bổ sung thêm thức ăn ở nhà".

Theo quy định của ngành GD-ĐT TP, các trường cần khuyến khích phụ huynh tham gia các hoạt động giáo dục trong nhà trường. Trong đó, mọi hoạt động cần được công khai và chủ động tiếp nhận những ý kiến đóng góp của phụ huynh. Thủ trưởng đơn vị phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về các trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra trong trường.

Quy định là vậy nhưng thực tế lại khác, phụ huynh gặp rất nhiều khó khăn khi muốn tham gia giám sát bữa ăn bán trú của con. Theo phản ánh của nhiều phụ huynh, một số trường công khai thông báo suất ăn mỗi ngày, kèm quy chuẩn về dinh dưỡng để phụ huynh tiện theo dõi nhưng không ít trường chủ yếu là mua suất ăn công nghiệp bên ngoài nên phụ huynh muốn giám sát cũng không thể.

Làm sao giám sát bữa ăn bán trú? - Ảnh 1.

Chuẩn bị suất ăn bán trú tại một trường tiểu học ở TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH

Ai được quyền kiểm tra bữa ăn?

Theo Sở GD-ĐT TP HCM, sở sẽ thường xuyên đi kiểm tra định kỳ và đột xuất các bếp ăn bán trú, căng-tin, cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp cho nhà trường để phòng chống ngộ độc thực phẩm. Sở cũng khuyến khích các cơ sở giáo dục phối hợp với Ban Đại diện cha mẹ HS tham gia giám sát các bếp ăn tập thể và suất ăn công nghiệp, căng-tin tại trường học; khuyến khích trường chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức xét nghiệm để kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu và sản phẩm chế biến thức ăn trong trường. Sở GD-ĐT TP yêu cầu các trường chỉ lấy nguồn thực phẩm từ những đơn vị được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Theo bà Phạm Thúy Hà, Phó Phòng GD-ĐT quận 4, mỗi trường thường sẽ có một ban giám sát các hoạt động trong trường, trong đó bao gồm cả hoạt động bán trú. Ban đại diện này sẽ gồm các thành viên là GV, phụ huynh, nhân viên y tế, dinh dưỡng…

Còn theo GV một trường tiểu học tại quận 2, theo nguyên tắc là phụ huynh nào cũng được quyền tham gia kiểm tra, giám sát bữa ăn của HS. Nhưng việc kiểm tra đột xuất là hầu như không thể. "Trường học cần phải an toàn, nên các trường sẽ lấy lý do này để từ chối phụ huynh bởi phụ huynh không thể ra vào tùy tiện" - GV này nêu thực tế.

Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 7 nhìn nhận hiện nay, hoạt động bán trú rất mang tiếng và gây mệt mỏi. Vì nếu không may xảy ra bất kỳ một sơ suất nào thì người đứng đầu nhà trường chịu trách nhiệm hết. Chính vì thế, không ít trường THPT dù có điều kiện cũng không tổ chức. Theo nguyên tắc, để có một bữa ăn bán trú, điều đầu tiên là phải an toàn, thứ hai mới đến khẩu phần ăn, thứ ba mới là ngon. Phục vụ một lúc từ 1.000-2.000 HS cũng không dễ dàng. "Nhưng có trường chọn cách công khai mọi quy trình để phụ huynh giám sát. Cũng có trường không cởi mở với phụ huynh" - vị này nhận xét.

Yêu cầu công khai về bữa ăn

Chiều 3-11, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 9, chia sẻ với tư cách là người đứng đầu ngành GD-ĐT quận, để xảy ra sự việc trên ở Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi, bà rất buồn và xin được rút kinh nghiệm sâu sắc trong công tác quản lý, chỉ đạo. Ngay chiều qua, phòng đã có cuộc họp với các hiệu trưởng trên địa bàn để rút kinh nghiệm và yêu cầu các trường tăng cường giám sát bữa ăn bán trú, công khai chất lượng bữa ăn như nguồn thực phẩm nhập từ đâu, giá cả... Đồng thời, tăng cường sự tương tác với phụ huynh để tạo niềm tin với bữa ăn bán trú của trường cũng như chất lượng giáo dục nhà trường. Bà Hiền cũng cho rằng cuối tuần này, Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi sẽ ngồi lại với phụ huynh để bàn bạc, đi đến quyết định có nên thay đổi đơn vị nấu hay không.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo