xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cô giáo quê lúa gieo yêu thương vùng cao

Bài và ảnh: Nhật Huy

Hiểu được cảnh gia đình nghèo, lại bị tai nạn suốt 2 năm không thể đi đứng, cô giáo quê lúa Nguyễn Thị Hầng mang hết tình yêu thương trao cho học sinh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa

Trước ngôi nhà thấp lè tè, tường gạch đã đóng rêu sau nhiều năm không tô vữa, Y Huy đang sửa lại chiếc xe đạp, chuẩn bị cho hành trình hơn 50 km vào chủ nhật này để thăm lại người cô giáo mà mình rất đỗi yêu quý và kính trọng - cô Nguyễn Thị Hầng.

Cô giáo quê lúa gieo yêu thương vùng cao - Ảnh 1.

Cô Nguyễn Thị Hầng xúc động khi kể về ngày đầu cô đi dạy và bắt gặp một học sinh không có quần áo mới dự khai giảng

Ôm chuyện khó về mình

"Chiếc xe đạp này cũng của cô Hầng tặng em đấy. Nhờ nó mà mỗi ngày em vượt hơn 20 km đến trường. Cô đã cho em nghị lực tiếp tục học để sau này còn về dạy lại các em ở buôn làng" - Y Huy nói. Trên chiếc xe ấy là 2 kg củ mì mà em vừa nhổ ở rẫy nhà để làm quà tặng người cô kính yêu.

Y Huy giờ đang theo học lớp 10 Trường THPT Phạm Văn Đồng (xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên). Y Huy kể về lần đầu em gặp cô Hầng, cũng là ngày đầu cô Hầng được tăng cường về dạy ở Trường Tiểu học và THCS Sơn Thành Tây (xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa) - nơi Huy học lớp 8. Hôm đó, cũng giống như mọi ngày, em đi bộ 12 km từ nhà ở làng Bana, thôn Lạc Đạo, xã Sơn Thành Tây để đến trường. Vào sân trường, đôi chân rã rời thì tình cờ gặp một cô giáo lạ vừa bước xuống xe máy. Cô giáo hỏi em sao đi học muộn và em kể chuyện đi bộ của mình. "Lúc ấy cô không nói gì, em chỉ thấy đôi mắt cô rơm rớm. Đầu tuần sau, nhà trường gọi em lên, bảo rằng cô Hầng, người em gặp ngoài sân trường hôm trước, tặng em chiếc xe đạp để đi học đúng giờ. Em mừng như muốn khóc" - Y Huy kể. Em cho biết cô Hầng hứa sẽ sát cánh cùng em đến khi em vào đại học.

Thầy Phạm Xuân Tích, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Sơn Thành Tây, cho hay cô Hầng viết đơn tình nguyện tăng cường về trường vào đầu năm học 2020-2021. "Việc tăng cường về trường từ trước đến giờ rất nhiều giáo viên nhưng chưa có giáo viên nào như cô Hầng. Cô không giống như những giáo viên khác là dạy xong rồi về. Cô đến trường như thổi một luồng gió mới về tình thương của thầy cô giáo với học sinh" - thầy Tích nhận xét.

Một lần thầy Tích tỏ ra lo lắng về tình trạng học sinh Bana nghỉ học ngày càng nhiều, cô Hầng xin được thay mặt trường đến buôn làng để vận động. "Không biết cô vận động ra sao mà nhiều em sau đó quay trở lại lớp. Có lẽ tất cả bằng tình thương đặc biệt của một cô giáo trẻ. Vì vậy mà đầu năm học này, khi cô có quyết định điều động trở lại trường cũ là Trường THCS Nguyễn Anh Hào (xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa), nhiều giáo viên, học sinh ở đây đã khóc" - thầy Tích cho hay.

Cô Nguyễn Thị Dung, giáo viên môn văn của Trường THCS Nguyễn Anh Hào, nói cô Hầng không chỉ là một giáo viên năng nổ, nhiệt tình, thương yêu học sinh mà mỗi khi giáo viên hay học sinh gặp khó khăn thì cô sẵn sàng giúp đỡ. Khi trường có chuyện gì khó thì cô Hầng ôm chuyện khó ấy về mình thay cho giáo viên khác.

Cô giáo quê lúa gieo yêu thương vùng cao - Ảnh 2.

Cô Hầng nói chuyện về lịch sử với các em học sinh ngoài sân trường

"Tôi từng nghĩ mình không thể đứng trên bục giảng"

Trò chuyện cùng cô Hầng, tôi như được tiếp thêm tình yêu nghề từ cô giáo 36 tuổi này. Sinh ra trong gia đình có đến 7 anh chị em ở vùng quê lúa Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa, cô Hầng bảo rằng mình từng khóc khi thấy mẹ mang dăm ba cân lúa ra chợ bán để có tiền đóng học phí cho con. Mơ ước được làm cô giáo từ nhỏ nhưng đến khi vừa học xong lớp 12, trong một vụ tai nạn, cô không thể đi đứng. Nằm nhà suốt 2 năm, cô khóc ướt cả gối. "Lúc đó nhiều người nói với tôi người bị khuyết tật khó có thể làm giáo viên, trong khi tôi không thể đi đứng nên nghĩ ước mơ của mình đã dừng lại rồi" - cô Hầng kể.

Thế nhưng, cô quyết không nản chí, mang sách vở lên giường ôn tập rồi nhờ mẹ cõng lên xe để thi vào Trường Đại học Văn hóa TP HCM. Năm đó, cô đỗ đầu vào ngành phát hành - xuất bản và được nhận học bổng của trường. Nhờ sự quyết tâm học tập của mình, cô được các giảng viên của trường yêu quý nên giới thiệu đến các bác sĩ giỏi. Hóa ra, chân cô chỉ bị đứt dây chằng, không thể đi lại nhưng ở quê không tìm ra bệnh. Cô được phẫu thuật miễn phí và sau một thời gian có thể chống nạng đến lớp. Tuy nhiên, nghĩ về khoản học phí mà cha mẹ phải đóng và ước mơ làm cô giáo của mình, cô cứ day dứt. Học hết năm thứ nhất ở Trường Đại học Văn hóa TP HCM, cô xin về thi lại vào ngành sư phạm sử của Trường Đại học Phú Yên. Cô đậu đại học nhưng năm ấy trường không tuyển hệ đại học nên phải học cao đẳng và cô nói cũng không sao, miễn được làm cô giáo.

Sau khi ra trường, cô viết đơn xung phong đến dạy ở vùng sâu của huyện là Trường THCS Đồng Khởi (xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa). "Nói thật, lúc đó nhiều người trong gia đình phản ứng dữ lắm nhưng tôi nghĩ mình đã sống trong nghèo khó, bị nạn đến không đi được, giờ được làm giáo viên như thế này là đã quá hạnh phúc. Tôi phải chia sẻ hạnh phúc ấy cho các em ở những nơi khó khăn. Cuối cùng gia đình cũng chiều tôi" - cô Hầng tâm sự.

Hình ảnh đẹp của người giáo viên nhân dân

Sau 6 năm dạy học ở đây, cô Hầng được điều chuyển về Trường THCS Nguyễn Anh Hào gần nhà. Thế nhưng, chỉ sau 1 năm, cô lại viết đơn xin về Trường Tiểu học và THCS Sơn Thành Tây để dạy tăng cường thay cho giáo viên khác. "Lúc đó, gia đình quả thật rối lên vì 2 con còn nhỏ, đứa nhỏ mới 3 tuổi nhưng vợ đã quyết tâm như vậy thì mình cũng phải tôn trọng, cố gắng làm hậu phương vững chắc cho vợ. Buổi sáng, tôi chạy về nhà mẹ vợ cách xa 15 km để gửi con, đi làm rồi chiều đón về" - anh Nguyễn Đắc Đức, chồng cô Hầng, bộc bạch.

Kể về chuyện vận động học sinh nghỉ học trở lại lớp, cô Hầng bảo không nghĩ lại khó như vậy. Cô trang bị cho mình tiếng Bana bằng cách nhờ học sinh dạy khi ra chơi. Suốt 10 ngày, cứ dạy xong, cô lại chạy xe máy 12 km vào làng Bana, rồi lại phải cuốc bộ thêm 2 km nữa mới đến rẫy, nơi các em đang thu hoạch mì để vận động các em đi học lại. Thế nhưng nói thế nào thì phụ huynh cũng bảo: "Học có no cái bụng đâu, ở nhà làm mới no". Cô quay sang vận động già làng bằng cách đưa những ví dụ cụ thể để cho thấy cái lợi của việc học không no bây giờ nhưng sẽ no về sau, không chỉ no cho riêng mình mà còn giúp buôn làng no cái bụng. "Liên tục 4 ngày như thế, cuối cùng già làng nói: "Nhiều thầy đến đây rồi nhưng không ai như con", rồi già họp dân làng để khuyên dạy. Hôm sau, các em trở lại lớp" - cô Hầng cười hạnh phúc. Ngoài vận động người thân tặng 3 xe đạp cho các em ở xa, cô Hầng còn trích 600.000 đồng mỗi tháng trong khoản tiền lương hơn 5 triệu đồng của mình để giúp "no tạm cái bụng" cho các em khi đi học xa.

Thầy Huỳnh Cát Tạo, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Anh Hào, nói cô Hầng đã tạo hình ảnh rất đẹp về người giáo viên nhân dân trong lòng học sinh và phụ huynh. "Trong lúc có những câu chuyện buồn làm lu mờ hình ảnh cao quý của người giáo viên thì những người như cô Hầng đã dựng lại hình ảnh cao đẹp đó" - thầy Tạo nói và kể khi cô Hầng dạy tăng cường nơi khác về thăm lại trường thì cả giáo viên lẫn học sinh quây lại bên cô ríu rít, như người thân lâu ngày gặp lại.

Không chỉ là giáo viên giỏi cấp tỉnh, năm 2019, cô Hầng được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng bằng khen vì đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động giỏi và hoạt động Công đoàn. Năm 2020, cô được Bộ Giáo dục và Đào tạo vinh danh Nhà giáo trẻ tiêu biểu toàn quốc và tặng bằng khen. Năm 2022, cô Hầng tiếp tục là 1 trong 42 giáo viên sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo vinh danh là Nhà giáo tiêu biểu toàn quốc vào dịp 20-11 sắp tới. "Ngành giáo dục của tỉnh Phú Yên rất tự hào khi có một giáo viên trẻ, năng động, sáng tạo, nhiệt tình với nghề và rất mực yêu thương học sinh như cô Hầng. Tôi biết rất nhiều thầy cô trong tỉnh cũng ngưỡng mộ cô" - ông Trần Khắc Lễ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Yên, nói. 

Khơi nguồn yêu môn sử cho học sinh

"Cô Hầng dạy chúng em dễ hiểu lắm, thuộc luôn trên lớp chứ ít khi về nhà học bài. Cô cho chúng em xây dựng hoạt cảnh hoặc đưa ra một ý kiến nào đó rồi đề nghị chúng em phản biện, cuối cùng cô mới kết luận. Nhờ đó mà chúng em nhớ lâu bài giảng của cô" - Trần Hà My, lớp 9C Trường THCS Nguyễn Anh Hào, nói về việc học môn lịch sử của cô Hầng.

"Để các em yêu thích môn lịch sử, trước hết phải tạo cho các em không khí thoải mái khi vào lớp, sử dụng các trò chơi để kết nối các em với lịch sử, sử dụng trực quan hình ảnh trong giảng dạy. Tôi cho rằng không phải học sinh không yêu thích lịch sử mà do ta chưa khơi đúng nguồn các em thôi" - cô Hầng chia sẻ.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH


Cô giáo quê lúa gieo yêu thương vùng cao - Ảnh 4.
Cô giáo quê lúa gieo yêu thương vùng cao - Ảnh 5.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo