xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cần cơ chế đột phá cho giáo dục, khoa học

Bài và ảnh: Đặng Trinh

Việc thu hút người giỏi đến với nghề sư phạm, việc chăm lo cho nhà giáo là rất quan trọng. Đây là vấn đề luôn được lãnh đạo thành phố quan tâm, trăn trở

Sáng 20-11, Thành ủy TP HCM tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11.1982 - 20.11.2022), gặp gỡ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên tiêu biểu thành phố, trao Giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 25 năm 2022 cho 25 cá nhân tiêu biểu.

Trăn trở việc chăm lo cho nhà giáo

Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Văn Phúc, cùng lãnh đạo ban, ngành và các thầy cô giáo.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết mặc dù đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức của một đô thị trung tâm nhưng được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Thành ủy, HĐND, UBND TP HCM, ngành GD-ĐT thành phố trong những năm qua vẫn không ngừng phát triển. Thành phố luôn giữ vững kết quả phổ cập giáo dục các cấp học, bậc học, phát triển hệ thống giáo dục đa dạng, xây dựng xã hội học tập. Hằng năm, thành phố xây thêm nhiều trường học, phòng học mới, ưu tiên trang bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy - học hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của con em thành phố. Thành phố cũng tạo điều kiện triển khai nhiều chế độ, chính sách đặc thù thu hút đội ngũ giáo viên cho ngành GD-ĐT, triển khai hiệu quả nhiều đề án, chương trình có tính đột phá.

Cần cơ chế đột phá cho giáo dục, khoa học - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi tặng bằng khen cho giáo viên đoạt Giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 25

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM cũng nhìn nhận để thực sự trở thành động lực then chốt cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, là trung tâm GD-ĐT thì học sinh cần được tạo điều kiện để phát triển năng lực, phẩm chất cá nhân, dễ dàng thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tất cả mục tiêu quan trọng này đã và đang được ngành GD-ĐT thành phố cùng với đội ngũ giáo viên đầy tâm huyết triển khai thực hiện có hiệu quả. "Nghề giáo tiêu biểu cho sự yêu thương, tính nhân văn. Muốn dạy được học trò, nhà giáo phải tích lũy kiến thức, giữ gìn phẩm chất, phát triển tư duy, luôn nâng cao hiểu biết, tự học và sáng tạo không ngừng" - ông Hiếu nhấn mạnh.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi biểu dương ngành GD-ĐT thành phố đã xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua, đổi mới sáng tạo trong quản lý của ngành. Theo ông Mãi, nghề giáo là một nghề đặc biệt, thầy cô vừa là kỹ sư kiến thiết nền tảng tri thức cho học sinh vừa là nghệ sĩ trên bục giảng. Một nền giáo dục dù có tiên tiến và hiện đại đến đâu thì người thầy vẫn giữ vai trò quyết định. Thầy cô chính là trái tim của hệ thống giáo dục. Việc thu hút người giỏi đến với nghề sư phạm, chăm lo cho nhà giáo là rất quan trọng. Đây là một vấn đề luôn được lãnh đạo thành phố quan tâm, trăn trở.

"Lãnh đạo thành phố đề nghị Sở GD-ĐT nghiên cứu tính toán về biên chế để đáp ứng nhu cầu đào tạo, quy mô dân số tăng nhanh. Ngành GD-ĐT cần nghiên cứu cơ chế để bảo đảm thu nhập, giúp các thầy cô yên tâm gắn bó với nghề" - ông Mãi nhấn mạnh. Chủ tịch UBND TP HCM cho biết thêm để thành phố tiếp tục giữ vững vai trò là đầu tàu của nền kinh tế, văn hóa, xã hội thì vai trò của ngành giáo dục rất lớn. Do đó, thành phố mong muốn ngành giáo dục phải sớm hoàn thiện hệ thống giáo dục theo hướng thông minh, mở, học tập suốt đời, hiện đại. Các trường ĐH phải nhanh chóng tiếp cận chuẩn mực quốc tế, đào tạo nhân lực có kỹ năng, quan tâm xây dựng cơ chế hợp tác giữa ĐH và doanh nghiệp…

Để người thầy có thời gian nghiên cứu, sáng tạo

Từ thực tế cơ sở để thu hút đội ngũ giáo viên, bà Mai Thị Kim Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú), thông tin là nhà trường có chế độ, tiêu chuẩn, định mức, mức chi phù hợp với sự tham gia, đóng góp cho các hoạt động giáo dục của nhà trường; thống nhất và động viên, khuyến khích người lao động cống hiến; tăng cường công tác quản lý phù hợp với hoạt động đặc thù của trường. Tạo quyền chủ động cho cán bộ, viên chức của trường hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao...

PGS-TS Lê Văn Cảnh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TP HCM, cho biết trong thời gian qua thành phố đã đưa ra nhiều cơ chế chính sách để thu hút nguồn nhân lực khoa học - công nghệ (KH-CN), đồng thời thành phố cũng có nhiều giải pháp để thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Để thực hiện thành công các mục tiêu trên, theo TS Lê Văn Cảnh, thành phố cần xem xét xây dựng mô hình "Đặc khu/Viện KH-CN và đổi mới sáng tạo", trong đó cần có cơ chế đặc thù và đột phá về mặt quản lý khoa học, lấy hiệu quả khoa học làm thước đo đánh giá sự thành công.

Theo ông Cảnh, vấn đề hạn chế thực chất trong các hoạt động KH-CN và đổi mới sáng tạo từ trước đến nay chủ yếu nằm ở cơ chế vận hành về chế độ lương bổng, quy định hành chính trong quản lý KH-CN. Không có cơ chế đột phá về quản lý tài chính và quy trình thực hiện nhiệm vụ KH-CN thì các giải pháp và chính sách nêu trên cũng khó thực hiện một cách hiệu quả, động lực thúc đẩy KH-CN và đổi mới sáng tạo sẽ không đạt như kỳ vọng, các nhà khoa học mất nhiều thời gian cho công tác hành chính hơn là dành cho thời gian nghiên cứu và sáng tạo. Nếu chưa thể có cơ chế đặc thù mà vẫn tuân thủ theo các quy định hiện hành thì trong thời gian đầu cần xây dựng đội hỗ trợ chuyên tâm thực hiện các khâu thủ tục hành chính hiệu quả... 

TP HCM sẽ giải quyết các tồn đọng trong giáo dục

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết hiện nay thành phố đang tập trung giải quyết những bất cập tồn đọng về tự chủ ĐH, cơ chế phân cấp giao quyền, đề xuất sửa đổi các quy định chưa phù hợp thực tiễn về quy hoạch sử dụng đất, giải quyết vấn đề định biên, thu hút chính sách, bổ sung biên chế giáo viên ngoại ngữ... "Dường như lãnh đạo thành phố còn nợ thầy cô nhiều vướng mắc chậm giải quyết. Ở góc độ nào đó, xã hội còn nợ sự thấu cảm và tri ân nhà giáo, song tôi có niềm tin sự nghiệp trồng người sẽ tiếp tục được vun đắp mạnh mẽ, đội ngũ nhà giáo sẽ ngày càng được chăm lo để cháy hết mình cho công việc..." - ông Mãi chia sẻ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo