xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Áp lực của người làm mẹ đơn thân

Vũ Lương

Đừng bi kịch hóa số phận, hãy làm cho hoàn cảnh của mình trở nên tích cực hơn bằng cách xây dựng và giữ gìn những mối quan hệ đang có

Gần đây, thỉnh thoảng chị T.T.N (30 tuổi; ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) lại quặn lòng khi nhận được câu hỏi: "Ba con đâu mẹ? Sao các bạn đều có ba mà con không có?".

"Có lúc tôi thấy kiệt sức…". Chị N. là nhân viên tuyển dụng tại một công ty công nghệ, làm mẹ đơn thân được 5 năm, bé T. (con chị N.) đang học mẫu giáo. "Tôi quen ba của T. khi đang học đại học. Tốt nghiệp, anh đưa tôi về nhà ngỏ chuyện cưới xin nhưng gia đình anh phản đối, chê không môn đăng hộ đối... Anh chọn chia tay tôi, không lâu sau thì ra nước ngoài" - chị N. kể.

Hai năm xa anh, chị N. đã rất hạnh phúc khi nhận điện thoại anh cho biết đã về Việt Nam. Gặp lại nhau, chị lại hy vọng, nghĩ về hôn lễ trong một ngày không xa. "Nhưng tôi đã chết lặng khi biết sau khi chia tay, anh đã có bạn gái. Anh tìm đến tôi khi họ đang có mâu thuẫn. Đáng sợ hơn là sau đó, tôi đã có thai nhưng anh lại lạnh lùng nói tôi đi xét nghiệm, nếu đúng con anh thì anh nhận. Khoảnh khắc đó, tôi biết con mình sẽ không có cha" - chị N. trải lòng.

Đến bây giờ, chị T.N.L.X (43 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Nam) chưa quên được những cảm xúc và khó khăn từ ngày chồng mất. Chị X. tâm sự: "Tôi từng có hôn nhân hạnh phúc. Khi con gái gần 8 tuổi thì chồng tôi mất, con rơi vào chứng trầm cảm, phải điều trị tâm lý một thời gian. Đến nay đã hơn 4 năm, con vẫn diễn đạt ý khá khó khăn và xa cách mẹ dù tôi cố gắng gần gũi, quan tâm. Ngày nghỉ, tôi muốn rủ con đi ăn, xem phim nhưng con từ chối, nói chuyện được một lúc thì con tỏ ra khó chịu. Từ ngày anh ra đi, tôi chưa từng có bạn trai, vì thời gian đã dành hết cho công việc, chăm con. Có lúc tôi thật sự thấy đuối sức".

Áp lực của người làm mẹ đơn thân - Ảnh 1.

Ly hôn chồng hơn 1 năm, chị N.X.T (32 tuổi; ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) nói trở thành mẹ đơn thân không đáng sợ bằng việc nhiều lần nhận được tin nhắn khiếm nhã lúc nửa đêm.

"Tôi ly hôn chồng được hơn một năm, có công việc ổn định, tự mình nuôi con. Nhiều lần tôi nhận được tin nhắn nửa đùa nửa thật: "Nay em mặc đầm đẹp lắm, có muốn làm đêm kiếm tiền nuôi con không?". Tôi giận, cảm thấy bị xúc phạm. Trở thành mẹ đơn thân đâu phải là cái tội, sao một số người đàn ông cho mình quyền xem thường phụ nữ như chúng tôi bằng việc đòi làm quen, "tâm sự"… Tôi chỉ muốn yên ổn nuôi con" - chị T. bức xúc.

Đừng bi kịch hóa số phận! Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Hải An, xã hội hiện nay không còn khắt khe, rất chia sẻ, cảm thông với những phụ nữ là mẹ đơn thân. Nhưng thực tế, mẹ đơn thân nuôi con thì kinh tế sẽ khó khăn hơn so với gia đình có đủ vợ chồng. Việc giáo dục con cũng thiệt thòi hơn bởi một đứa trẻ sinh ra cần có sự chăm sóc của cả cha và mẹ. Trừ yếu tố bất khả kháng, con cái có đủ cha mẹ vẫn là điều tốt đẹp hơn.

Ông Nguyễn Hải An chia sẻ thêm: "Dù độc lập về tài chính thì trong sâu thẳm, thỉnh thoảng người mẹ đơn thân vẫn mong có người đồng điệu cảm xúc với mình quan tâm, che chở. Chính vì vậy, trở thành mẹ đơn thân là một sự lựa chọn cá nhân, không nên cổ xúy, khuyến khích, bởi mái ấm gia đình có đủ cha mẹ mới là trọn vẹn. Tuy vậy, một khi người phụ nữ chọn và chịu trách nhiệm cho việc làm mẹ đơn thân thì cần được tôn trọng thay vì phán xét, bởi chỉ cần họ làm tốt vai trò là rất đáng trân trọng".

Cũng theo ông Nguyễn Hải An, việc nuôi con không hề đơn giản, mẹ đơn thân cần có kế hoạch và định hướng thật tốt để nuôi dạy con, vì tính cách, tâm lý của trẻ chịu ảnh hưởng nhiều bởi người mẹ. Trong đó, cần dành thời gian để chia sẻ và làm bạn với con nhiều hơn, tạo không khí ấm áp, hạnh phúc hơn cho con.

Bà Mai Thanh Thủy - chuyên gia tâm lý, Trung tâm Tham vấn tâm lý The Sight - nói làm mẹ đơn thân không phải là bước vào bế tắc mà là có một kiểu hạnh phúc khác. Nhưng mẹ đơn thân phải tự mình vượt qua cô đơn để đảm nhận vai trò và trách nhiệm chăm sóc con cái.

"Những ngày tháng nhiều áp lực, căng thẳng là không thể tránh khỏi. Có những giây phút thấy thiệt thòi, chạnh lòng vì 2 mẹ con thiếu bóng dáng người chồng, người cha nhưng đó vẫn hạnh phúc hơn nhiều so với việc sống trong hôn nhân không phù hợp. Vì vậy, đừng bi kịch hóa số phận, hãy làm cho hoàn cảnh của mình trở nên tích cực hơn bằng cách xây dựng và bảo vệ những mối quan hệ mình đang có" - bà Mai Thanh Thủy nói.

Nếu có dự định làm mẹ đơn thân, hãy lường trước và sẵn sàng tâm lý cho một hạnh phúc không trọn vẹn. Đồng thời, trò chuyện với con về tình trạng mình đang đối mặt, lắng nghe và cố gắng trả lời câu hỏi của con một cách thành thật nhất.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo