xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Con đường Di sản, 15 năm nhìn lại

TRẦN TRUNG SÁNG

Bước vào mùa Xuân 2019, chương trình du lịch có tên "Con đường Di sản miền Trung" vừa tròn 15 năm hình thành và phát triển. Trong quãng thời gian ấy, chương trình này đã đem lại thành công, lợi ích về nhiều mặt

Đến nay, không chỉ có 3 địa phương trong mục tiêu ban đầu (bao gồm Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam) tham gia vào chuỗi liên kết mà các địa phương khác trên dải đất miền Trung như Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa… cũng đã tham gia và phát huy tiềm năng, đem lại nhiều kết quả đáng khích lệ, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế đất nước, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, quảng bá hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Hợp tác rộng hơn, phát triển tốt hơn

Mới đây, vào những ngày cuối năm 2018, tại khu du lịch Alba Thanh Tân (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế), Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị và Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện các nội dung hợp tác phát triển du lịch 3 tỉnh thời gian qua, đồng thời triển khai kế hoạch hợp tác phát triển du lịch trong năm 2019 và hướng về lâu dài 3 tỉnh cần đẩy mạnh liên kết trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; liên kết trong việc phát triển sản phẩm du lịch và tăng cường trao đổi, phối hợp, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về du lịch.

Con đường Di sản, 15 năm nhìn lại - Ảnh 1.

Múa Cung đình Huế là sản phẩm du lịch - văn hóa độc đáo trong chương trình “Con đường Di sản miền Trung” Ảnh: NGUYỄN Á

Theo báo cáo, trong năm 2018, 3 địa phương đã triển khai nhiều nội dung hợp tác quan trọng không chỉ trong lĩnh vực về quản lý nhà nước, về du lịch mà còn tiến hành hợp tác phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá xúc tiến du lịch, phát triển nhân lực du lịch. Cụ thể, ngành du lịch của 3 tỉnh đã làm việc với các hiệp hội du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong việc triển khai và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với khu vực Bình - Trị - Thiên như "Con đường Di sản miền Trung"; "Đường Hồ Chí Minh huyền thoại"; "Con đường sinh thái, văn hóa tâm linh Bắc miền Trung gắn với du lịch có trách nhiệm và bền vững"; tham quan chiến trường xưa Huế - Quảng Trị, du lịch đường bộ cho khách du lịch Thái Lan và Lào đi qua cửa khẩu Hồng Vân (Thừa Thiên - Huế), Cha Lo (Quảng Bình), Lao Bảo (Quảng Trị)…

Trong đó, bên cạnh việc tích cực hỗ trợ lẫn nhau trong công tác giới thiệu thông tin, kết nối quảng bá, triển khai các sản phẩm du lịch mới, 3 tỉnh còn triển khai phát triển nguồn nhân lực với các chương trình đào tạo, hợp tác giữa Trường ĐH Quảng Bình, Khoa Du lịch - ĐH Huế, Trường CĐ Du lịch Huế, Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị, Trường Trung cấp Mai Lĩnh Quảng Trị với một số doanh nghiệp, địa phương đào tạo các ngành, chuyên ngành như phục vụ nhà hàng, nghiệp vụ lễ tân, nghiệp vụ bar và pha chế đồ uống, nghiệp vụ hướng dẫn du lịch… cho hàng trăm lao động.

Cũng tại hội nghị nói trên, 3 địa phương đã đề xuất phương án hợp tác với UBND tỉnh Quảng Nam, UBND TP Đà Nẵng để lên kế hoạch liên kết vùng du lịch Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Quảng Trị.

Trong khi đó, Đà Nẵng - nơi được xem là điểm trung chuyển quan trọng trên hành trình "Con đường Di sản miền Trung" nhiều năm qua luôn chú trọng việc liên kết với các địa phương lân cận. Vào năm 2006, chiến lược liên kết phát triển du lịch giữa Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế đã chính thức được triển khai. Bắt đầu từ năm 2016, nhóm liên kết này có sự tham gia của Hà Nội. Đặc biệt, sau khi Hải Vân Quan đón nhận bằng Di tích quốc gia, Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng đã ký bản ghi nhớ về phối hợp để quản lý di tích, xây dựng và ban hành quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Hải Vân Quan; lập hồ sơ quy hoạch tổng thể tu bổ, tôn tạo, bảo quản và phục hồi di tích gắn với phát triển du lịch bền vững...

Hành động quyết liệt, lượng khách tăng cao

Tại một hội nghị về phát triển du lịch trong năm 2018, ông Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung, nhận định: Đà Nẵng hiện nay là cửa ngõ du lịch của khu vực miền Trung, vì vậy liên kết để thúc đẩy du lịch là điều cần thiết. Nhà ga hành khách quốc tế Đà Nẵng đã có 27 đường bay trực tiếp, chủ yếu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... đến Đà Nẵng. Phần nhiều lượng khách quốc tế này sau khi đến Đà Nẵng sẽ đi đến các địa phương lân cận như Thừa Thiên - Huế hay Quảng Nam - những địa phương chưa đón các đường bay quốc tế.

Việc mở rộng sân bay quốc tế Đà Nẵng và kết nối với sân bay Chu Lai ở Quảng Nam đang được đầu tư mở rộng sẽ tạo điều kiện không chỉ để phát triển du lịch mà còn cả kinh tế của vùng. Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cũng có ý kiến tương đồng trong việc kết nối 2 sân bay này để phát triển kinh tế. Ông nói: "Thậm chí, Đà Nẵng có thể nghĩ đến phương án hợp tác, phát triển vùng đô thị sân bay với các ngành kinh tế vệ tinh xung quanh".

Theo báo cáo của Sở Du lịch TP Đà Nẵng, trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019 này, ước tính có khoảng 332.465 lượt khách du lịch, tham quan TP, tăng 12% so với Tết Mậu Tuất 2018. Trong đó, khách quốc tế là 62.629 lượt người, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Về lý do lượng khách đến với Đà Nẵng tăng nhiều so với trước, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch, cho rằng lượng khách quốc tế tăng bởi Tết Kỷ Hợi cũng là mùa du lịch của khách Đông Á như Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Gần nhất, vào ngày 23-1-2019, tại TP Hội An (tỉnh Quảng Nam), hội nghị liên kết, hợp tác phát triển du lịch 4 địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Hà Nội đã diễn ra nhằm đánh giá hoạt động liên kết quảng bá xúc tiến du lịch năm qua và đề ra những định hướng kế hoạch năm 2019. Trong đó, Sở Du lịch TP Đà Nẵng với vai trò trưởng liên kết trong năm 2018 đã triển khai nhiều nội dung về liên kết trong chính sách quản lý và phát triển du lịch.

Cụ thể, năm 2019, việc liên kết phát triển sản phẩm du lịch sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, nhất là phối hợp trong việc xây dựng các lễ hội, sự kiện hợp lý giữa các địa phương nhằm tránh trùng lặp về kế hoạch và thời gian diễn ra; liên kết phát huy, khai thác sản phẩm du lịch liên vùng, ưu tiên 2 dòng sản phẩm "Con đường Di sản" và "Đường mòn sinh thái" theo kết quả hỗ trợ phát triển du lịch có trách nhiệm của Liên minh châu Âu (EU). Chú trọng quảng bá các chương trình, sự kiện, hoạt động du lịch tiêu biểu trong năm 2019 của 4 địa phương.

Tăng cường liên kết trong xây dựng chính sách quản lý, phát triển du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, môi trường du lịch, phát triển nguồn nhân lực, hoạt động lữ hành, hướng dẫn viên, lưu trú du lịch. Từng bước định vị thương hiệu du lịch vùng của 3 địa phương Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam như một điểm đến hấp dẫn, độc đáo với sản phẩm đa dạng, chất lượng dịch vụ tốt. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp du lịch của 4 địa phương giao lưu, hợp tác, kết nối hợp tác với các đối tác trong nước, quốc tế.

Trước đó, vào tháng 4-2017, sự hợp tác phát triển du lịch của Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam được ghi dấu bằng sự kiện công bố Bộ nhận diện thương hiệu 3 địa phương tên là "The Essence of Vietnam" (Tinh hoa Việt Nam), thể hiện 3 dòng sản phẩm cốt lõi của các tỉnh là biển đảo, văn hóa và thiên nhiên. Cùng với đó là sản phẩm chung: "Con đường Di sản" và "Con đường Thiên nhiên".

Theo báo cáo của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, riêng trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019 (tính từ ngày 2 đến 10-2), tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh ước đạt 209.172 lượt khách, tăng 30,73% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó khách quốc tế ước đạt 130.080 lượt khách, tăng 21,46% so với cùng kỳ năm 2018; khách nội địa ước đạt 79.092 lượt khách, tăng 49,51% so với cùng kỳ năm 2018. Tại TP Hội An, chỉ tính riêng từ ngày 28 tháng chạp đến mùng 4 Tết, tổng lượt khách lưu trú trên địa bàn hơn 100.000 lượt, phần lớn là khách quốc tế. Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, cho hay chưa năm nào lượng khách đến Hội An tăng đột biến như mấy ngày Tết vừa qua. 

Nhìn lại 15 năm hình thành “Con đường Di sản miền Trung”, nếu như so với ban đầu còn rất thô sơ thì nay ngày càng phát triển, lan tỏa, mở rộng đến thêm nhiều địa phương... với những thành quả không thể phủ nhận. Tuy nhiên, nhận định về những khuyết điểm, nhiều chuyên gia cũng đã chỉ ra không ít thiếu sót, đặc biệt là ngành du lịch các địa phương liên kết cần có sự phân công cụ thể hơn cho mỗi đơn vị, bộ phận trực tiếp theo dõi và triển khai những hoạt động theo kế hoạch năm đã được các sở du lịch đồng thuận; đề nghị Hiệp hội Du lịch của các địa phương tham gia chủ động và tích cực hơn với ngành du lịch.

Từ kết nối di sản đến kết nối quốc gia

"Con đường Di sản miền Trung" là tên một chương trình du lịch có mục tiêu kết nối các di sản thế giới tại Trung Bộ, bao gồm: Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình); cố đô Huế với 2 di sản là quần thể di tích cố đô Huế và Nhã nhạc Cung đình Huế; tỉnh Quảng Nam với 2 di sản là thánh địa Mỹ Sơn và phố cổ Hội An. Cùng với 2 di sản thế giới khác là cố đô Luang Prabang và quần thể Angkor, kết hợp thành một chương trình hợp tác du lịch lớn hơn là "Lào, Campuchia, Việt Nam: Ba quốc gia, một điểm đến".

10-nguyen-a-2

Phố cổ Hội An là điểm đến hấp dẫn bậc nhất đối với du khách quốc tế trên hành trình di sản Ảnh: NGUYỄN Á

Vào năm 2002, ông Paul Stone, lúc này là Tổng Giám đốc khu nghỉ dưỡng Furama Đà Nẵng, đã đưa ra ý tưởng về "Con đường Di sản miền Trung" nhằm kết nối các địa phương có di sản thế giới tại khu vực này và để đa dạng sản phẩm du lịch, thu hút thêm du khách. Hai năm sau, vào năm 2004, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã "bật đèn xanh" cho sự phát triển của con đường di sản này, hình thành và phát triển đến nay.

Hội nghị "Phát triển du lịch miền Trung và Tây Nguyên"

Tổ chức tại TP Huế. Một số nội dung chính như sau:

Ngày 15-2:

- 14 giờ: Khai mạc Gian hàng triển lãm xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch vùng duyên hải miền Trung.

- 14 giờ 30 phút: Họp Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

- 18 giờ 30 phút: Gala Dinner.

Sáng 16-2:

- 8 giờ 30 phút: Chiếu phim phóng sự "Du lịch vùng duyên hải miền Trung - Cần bước đột phá mới".

- 8 giờ 50 phút: Phát biểu khai mạc hội nghị và báo cáo tổng hợp kiến nghị của các tỉnh, thành phố trong vùng.

- 9 giờ: Phát biểu của lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

- 9 giờ 10 phút: Phát biểu của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- 9 giờ 20 phút: Phát biểu của Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc và Nhật Bản.

- 9 giờ 45 phút: Báo cáo đề dẫn hội nghị.

- 10 giờ: Phát biểu tham luận, trao đổi và thảo luận.

- 10 giờ 45 phút: Phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

- 11 giờ 15 phút: Lễ trao quyết định chủ trương đầu tư.

- 11 giờ 30 phút: Phát biểu bế mạc hội nghị.

Chiều 16-2:

Đại biểu đi khảo sát vùng trọng điểm phát triển du lịch.

Kỳ tới: Ba quốc gia, một điểm đến

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo