xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chạp và Giêng

THU TRÂN. Ảnh: VŨ MINH QUÂN

Đất trời miền Nam bước vào tháng mười hai âm lịch (tháng chạp) có một thời tiết khác.

Đất trời miền Nam bước vào tháng mười hai âm lịch (tháng chạp) có một thời tiết khác. Nắng rực rỡ cả ngày, nắng màu cam cả ngày nhưng không nóng, không khô lắm, vừa đủ cho mọi người cảm nhận một sự đổi thay khang khác của thời tiết mùa màng - mà má mình gọi nắng này là "nắng Tết".

Quết bánh phồng, sên chuối, làm mứt

Nắng Tết chan hòa trên khắp đồng ruộng, xóm thôn. Nắng Tết chao nghiêng theo tiếng chày giã nếp nặng tay của nhà nhà làm bánh phồng ăn và bán Tết. Đến trưa, nắng càng đượm hơn thì hàng hàng lớp lớp những vỉ bánh đã được cán, cuốn công phu và mang ra tắm lửa của trời. Đó là công việc của một làng nghề làm theo thời vụ khi mùa Tết đến. Còn những nhà trong xóm không quết bánh phồng thì làm gì? Như những người phụ nữ đảm đang khác trong làng, má cũng cắc ca cắc củm làm một chảo chuối khô sên gừng. Chuối khô sên gừng phải được làm từ trái chuối sứ (chuối xiêm) chín rục phơi khô. Có như vậy, chuối mới ngọt thanh, không chát cũng không chua. Trái chuối được ép dẹp ra phơi khô, rồi xắt sợi. Đường mật sên vừa tới, vừa kéo sợi được thì cho chuối khô sợi vào xào. Đảo tới đảo lui vài bận cho đường không khét, khi chuối dậy mùi thơm thì tắt bếp cho gừng sợi và đậu phộng rang thơm giòn vào trộn đều. Đổ chuối sên gừng ra mâm, xong mang phơi nắng. Phơi cho mâm chuối vừa ráo, mang xếp vào keo (hũ thủy tinh), để dành ăn ba ngày Tết với bánh phồng nếp. Ăn sao? Bánh phồng nếp nướng lên, cho chuối khô sên gừng lên mặt bánh, xếp đôi bánh lại, cắn giòn tan. Vị ngọt nhẹ và béo của bánh phồng nếp sẽ hòa cùng vị ngọt ngọt chua chua của chuối, vị beo béo của đậu phộng rang giòn, vị cay cay nồng nồng của gừng... sẽ là món ăn ngày Tết mà người dân miền Nam nào cũng thích!

Chạp và Giêng - Ảnh 1.

Ảnh: VŨ MINH QUÂN

 "Hòa ca" cùng nắng tháng chạp trên khắp nẻo đường quê, sân nhà nào cũng có các món phơi. Ngoài việc phơi các loại mứt vừa sên xong như mứt dừa, mứt bí, mứt khoai lang... người làng còn phơi củ cải, cà rốt, củ kiệu... để làm dưa; dưa chua dưa món đủ loại. Bọn nhóc chúng mình ngày ấy thích quây quần quanh mâm mứt dừa. Cứ đi qua giậu nhà ai, liếc tới liếc lui thấy văng vắng một chút là "xớt" ngay một nắm mứt dừa rồi ù té chạy, chia nhau mỗi đứa một cọng nhai nhâm nhi mà thấy ngon đến mấy ông trời, vui ơi là vui! Trong tâm thế hân hoan chờ đón Tết, các bà, các mẹ, các dì có bắt được đứa trộm mứt dừa, cùng lắm chỉ đét vào mông nó một cái rồi bảo: "Phá hả? Ít bữa nữa Tết, tao bắt ăn tràn bản họng mà không ăn nổi là chết với tao!".

Mùi Tết thân thương

Không đợi đến cận Tết, khoảng giữa chạp, nhà nhà đã bắt đầu giặt giũ phơi phóng. Sau rằm chạp, má tỉ mẩn cạo cái ảng (lu tròn, miệng rộng) thật to, cạo cho sạch rêu dưới đáy ảng, xong đổ nước đầy và đánh bọt bột giặt. Tất cả mùng mền được tống vào ảng ngâm khoảng một tiếng đồng hồ, xong, cả nhà ùa ra giặt. Giặt đồ tập thể chào đón Tết thật vui. Trời trưa tròn bóng, mùng mền mới giặt được nắng hong, thơm phức mùi bột giặt thấm vào từng sợi vải, má gọi là "mùi Tết". Thích nhất đêm đầu tiên ngủ với mùng mền giặt Tết, mình kéo mền phủ kín đầu để nghe mùi Tết loanh quanh. Tiết trời cuối năm lành lạnh bên ngoài ập vào, bạn lại đang ủ kín trong chiếc mền thơm mùi nắng, còn gì thú vị hơn!

Trong nắng Tết, người làng mình còn phơi cả chân đèn và lư đồng. Những chiếc chân đèn cũng làm bằng đồng được mọi người đánh sạch bằng chanh và tro bếp. Có điều phải đánh thật lâu, đánh cho đến khi nào mỏi cong các ngón tay thì thôi. Chân đèn và lư đồng đánh bóng xong, đem ra sân phơi nắng, nhà nào cũng phơi, ánh đồng mới đánh bóng gặp nắng sáng lóa một vùng. Chân đèn và lư đồng đánh lại như mới được chưng trên bàn thờ sáng choang ngày Tết. Người miền Nam tin rằng con cháu chăm sóc bàn thờ ông bà tổ tiên tốt thì sẽ được phù hộ làm ăn khấm khá. Góc lặng lẽ hơn và xanh mát hơn, vài nhà phơi lá chuối dây chuối để gói bánh tét bánh ít. Má nói, chung quy, Tết cái gì cũng hướng đến chuyện bánh trái ăn uống, trước cúng kiếng ông bà, sau con cháu tụ họp về ăn lấy thảo lấy hên. Chạp về, cũng là lúc nhà nhà tổng kết công việc làm ăn trong năm. Chi thu và tích lũy rõ ràng để chuẩn bị kế hoạch năm mới. Gói ghém hết mọi thứ để bắt đầu một chu kỳ mới, chỉ những mong làm ăn ngày càng phát tài, phát lộc.

Nhắc nhớ những thâm tình xưa cũ

Sau chạp tất bật chuẩn bị cho Tết là giêng (tháng một âm lịch). Tháng giêng là tháng ăn chơi. "Tháng giêng ngon như một cặp môi gần" (Vội vàng - Xuân Diệu). Điều gì, cái gì gắn với "giêng" cũng thong dong và mãn nhãn. Giêng là "người bạn rộn ràng" sau chạp, giêng tượng trưng cho những gì may mắn hanh thông khi mọi người bước vào năm mới. Giêng chào đón năm mới, giêng là dịp cho mọi người ăn chơi nghỉ ngơi vui vẻ nhưng cũng bắt đầu cho nhiều khởi đầu tốt đẹp. Sự khởi đầu tốt đẹp này chỉ dành cho chuyện làm ăn, mua bán; chứ xây nhà, dựng vợ gả chồng thì không ai làm trong giêng. "Ra giêng anh cưới em". Như chừng để tháng giêng là tháng thật sự thong dong vậy!

Người Việt có cái Tết thật hay. Tết không chỉ là dịp để tổng kết hay bắt đầu mọi thứ trong một năm; mà Tết còn là cơ hội để gắn kết tình thân, để khơi dậy ký ức khiến cuộc sống mỗi người thêm ý nghĩa và thi vị. Như mình, Tết về để nhớ má và ngoại, nhớ những kỷ niệm quây quần anh em trong gia đình từ thuở bé thơ cho đến lúc trưởng thành. Mà chắc người con nước Việt nào cũng vậy. Như thấy nắng Tết chói chang thì nhớ mùi mứt dừa má sên thơm dậy xóm dậy làng. Bây giờ còn mấy nhà chịu khó đứng sên mứt còng lưng như má? Dây chuyền công nghệ bánh mứt kẹo hiện đại và rẻ rề đầy ra, ai mà ngồi đó hơ lửa từng trái dừa, rồi đập bộp bộp lấy cơm dừa mà bào mà nạo... Như thoáng thấy bếp lửa bập bùng nhà ai đêm ba mươi Tết thì nhớ nồi bánh tét của ngoại. Giờ muốn mua bánh tét, bánh chưng cúng ông bà ngày Tết đã có shipper, a lô một cú là có cặp bánh chưng hay đòn bánh tét như ý.

Ký ức thiêng liêng luôn thuộc về những người để lại "di sản Tết" như ông bà, cha mẹ của chúng ta. Ta càng lớn, càng già đi thì "di sản Tết" càng thấm đẫm. Tỉ lệ thuận với thời gian đi không trở lại bao giờ, những người thân yêu trong ký ức ta dần dà đều trở thành "người muôn năm cũ". Sinh lão bệnh tử, quy luật muôn đời không loại trừ một ai. Nén nhang ta thắp trên bàn thờ ngày Tết dần dà trở nên gần gụi hơn với những người thân yêu quá vãng. Tết là cầu nối để chúng ta không bao giờ quên những thâm tình xưa cũ.

Quần áo, mùng mền bây giờ toàn giặt sấy bằng máy, mấy ai còn nhớ mùi nắng thơm tho quện trong từng nếp chăn, nếp áo trong “mùa giặt Tết”? Nhưng hiện đại cách nào thì phơi phóng các thứ bằng nắng đều vẫn rất đặc trưng và rất thơm tho. Quần áo chăn màn phơi trong nắng Tết, không loại nước xả nào thơm bằng, chấp một tỉ lần quảng cáo. Các loại rau củ để làm dưa như củ kiệu, củ hành, su hào, cà rốt... nếu không có nắng thứ thiệt để phơi như nắng Tết thì không có bà đầu bếp siêu nhân nào có thể khiến chúng giòn tan khi thành phẩm (không kể hàn the hoặc các chất bảo quản khác).
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo