img
Thế giới biến động, Việt Nam gây ngạc nhiên: Thế năng đã có, còn thiếu động năng - Ảnh 1.

- Phóng viên: Thưa PGS-TS Vũ Minh Khương, nhiều ý kiến cho rằng dù kinh tế Việt Nam đầu năm 2023 bắt đầu bộc lộ những khó khăn song vẫn có thể khai thác hiệu quả một số động lực để tăng trưởng cả năm đạt 6%-6,5%. Quan điểm của ông về nhận định này?

Thế giới biến động, Việt Nam gây ngạc nhiên: Thế năng đã có, còn thiếu động năng - Ảnh 2.

PGS-TS Vũ Minh Khương

+ PGS-TS VŨ MINH KHƯƠNG: Nền kinh tế Việt Nam đã có những bước "lụt" nhất định về mặt thị trường cũng như mặt định vị chiến lược. Chúng ta không còn tạo kỳ vọng mạnh mẽ cho nhà đầu tư nhiều như trước nữa. Dù Việt Nam vẫn có những ưu đãi lớn cho nhà đầu tư, thậm chí là trải thảm đón nhà đầu tư, nhưng họ đầu tư vào không chỉ vì ưu đãi hấp dẫn mà còn vì những kỳ vọng ở tương lai về một môi trường đầu tư tốt, thể chế ổn định, thị trường đủ lớn...

Tôi hoàn toàn đồng tình với việc nhà nước mạnh tay xử lý những hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán, bất động sản thời gian qua với mục đích thanh lọc thị trường. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên nhìn nhận lại rằng chúng ta đã xây dựng được một cơ sở, nền tảng vững chắc cho tương lại chưa hay mới dừng lại ở "bắt sâu", tức là chỗ nào, ai vi phạm thì xử lý lẻ mẻ? Nhà đầu tư e sợ nhất chính là môi trường, thể chế không ổn định để có sự chuẩn bị trước cho kế hoạch dài hạn. Đây là điều kiện mang tính chất chiến lược mà chúng ta phải đạt được để thu hút nhà đầu tư.

img
img

Nếu so sánh với Bangladesh, đối thủ của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu dệt may, có thể nhận thấy chúng ta có dấu hiệu chững lại, đuối hơn. Nước này đặt mục tiêu xuất khẩu sản phẩm may mặc đạt kim ngạch 100 tỉ USD. Từ nền kinh tế kém phát triển, họ có bước tiến ngoạn mục trong việc xây dựng tàu điện ngầm, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh... Chúng ta đang ở những bước gấp khúc, buộc phải có sự chuyển đổi quan trọng. Tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng ta hấp dẫn nhà đầu tư không chỉ ở tiềm năng, nội lực, năng lực mà còn ở chiến lược, tín hiệu cho thấy mình sẽ đi đến đâu.

- Đó là mặt tồn tại của kinh tế Việt Nam hiện nay. Vậy con đường chúng ta phải đi cụ thể như nào, thưa ông?

+ Chúng ta thiếu một động lực để mỗi người dân, DN, bộ, ngành, địa phương làm việc, cống hiến hết lòng. Tiếp xúc với một số cơ quan ở Việt Nam, tôi thấy nhiều người, nhiều nơi có thái độ làm việc rất lừng khừng, không có sự hợp lực, cộng hưởng. Đừng lấy lý do rằng sợ làm sai nên không làm mà quan trọng là cần xây dựng một cơ chế mới để mỗi người không làm sai được. Đó cũng chính là kinh nghiệm của Singapore.

img
img

Bài toán kinh tế của Việt Nam thời điểm này thật ra rất đơn giản. Nền kinh tế đang trên một toa tàu chạy rồi. Mặc dù phải đối mặt với bối cảnh thế giới đầy biến động, mới nhất là vụ 2 ngân hàng Silicon Valley (SVB) và Signature ở Mỹ sụp đổ và là ngân hàng First Republic gặp khó khăn, nhưng chúng ta vẫn có những động lực rất tốt. Chẳng hạn: hạ tầng số khá tốt, nguồn lực dân số vàng vẫn còn phát huy ít nhất đến năm 2030, nhiều tập đoàn lớn đặt trụ sở hoặc đầu tư ở Việt Nam nhờ vị thế và môi trường ổn định trong cục diện địa chính trị bất ổn của thế giới, mức độ hội nhập toàn cầu khá cao... 

Như vậy, chúng ta đã có "thế năng" tốt, vấn đề còn lại là phải kích hoạt, điều chỉnh "động năng" ra sao để có thể phát huy được những động lực này.

Cụ thể, bài toán ách tắc hạ tầng ở TP HCM và Hà Nội cần phải được xử lý ngay để phát tín hiệu cho thấy lợi thế về sức cạnh tranh khi thu hút nhà đầu đầu tư. Ngoài ra, chúng ta đã ký khá nhiều hiệp định thương mại tự do kéo theo hoạt động thương mại - đầu tư với nước ngoài đang tốt nhưng chúng ta vẫn chưa có quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu trong khi bắt đầu từ năm 2024, một số quốc gia sẽ áp dụng quy tắc này. Bên cạnh đó, nguồn năng lượng xanh, sạch vẫn chưa được Việt Nam tận dụng hiệu quả, đem lại ý nghĩa với nền kinh tế... 

Chúng ta hướng tới xây dựng trung tâm tài chính tầm quốc tế nhưng những vấn đề tối thiểu của một đô thị như giao thông thông thoáng, thị trường ổn định, pháp luật chặt chẽ... chưa làm tốt thì làm những việc lớn hơn sẽ rất khó.

Thế giới biến động, Việt Nam gây ngạc nhiên: Thế năng đã có, còn thiếu động năng - Ảnh 5.

- Nhiều động lực của nền kinh tế đã giảm đáng kể. Chẳng hạn, xuất nhập khẩu - một chân kiềng quan trọng của tăng trưởng - đang giảm; giải ngân đầu tư công chậm; bất động sản đang đi xuống, thanh khoản thấp, DN bị chôn vốn; tiến trình số hoá và hướng đến kinh tế xanh còn chậm... Chúng ta còn động lực mới nào có thể khai thác được để bảo đảm tăng trưởng ổn định không, thưa ông?

+ Động lực ngay ở chính những hạn chế, tồn tại này và phải giải bằng những lời giải mang tính cấu trúc, những lời giải có tính nền tảng chứ không phải "gặp đâu tháo đấy" một cách tủn mủn. Muốn tiến lên thì trước hết cần lùi lại một chút để phân tích nguyên nhân của những điểm nghẽn, những hạn chế, những động lực bị giảm sút để tìm ra cách xử lý. Những vấn đề trên đều giải quyết, điều chỉnh được và tăng trưởng kinh tế nằm ở đó chứ không phải đi kiếm tìm động lực mới.

Một nguyên tắc quan trọng là tuyệt đối không tìm lời giải dễ cho những bài toán khó. Đơn cử, dòng vốn tín dụng bị nghẽn, DN gặp khó về dòng tiền... thì phải có bài toán tổng thể hay thậm chí là bài toán thể chế để xử lý, thay vì giải quyết ngắn hạn bằng cách nới hạn mức tín dụng hay gia hạn trả nợ...

Thế giới biến động, Việt Nam gây ngạc nhiên: Thế năng đã có, còn thiếu động năng - Ảnh 6.

- Ông có thể dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay và giai đoạn tiếp theo?

+ Tăng trưởng của Việt Nam năm nay hoàn toàn có khả năng đạt tốc độ 6%-6,5%. Lĩnh vực dịch vụ, du lịch sẽ hồi phục tốt hơn từ quý II trở đi; nông nghiệp ổn định, bền vững; sản xuất công nghiệp dù sụt giảm nhưng vẫn ở mức độ khá; đầu tư công được đẩy mạnh hơn...

Tôi không lo lắng về tình hình kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn bởi dư địa tăng trưởng vẫn còn, mà lo nhiều hơn cho dài hạn. Mặc dù Chính phủ quyết liệt đốc thúc triển khai các dự án đầu tư công để tạo động lực cho nền kinh tế song chưa thấy những ý tưởng dự án mới hay những sáng kiến vượt bậc cho trung và dài hạn. E rằng điều này sẽ để lại hậu quả lâu dài cho giai đoạn tiếp theo khi các nước trong khu vực đều có chiến lược riêng đột phá.

img
img

Có 3 cấp độ trong quyết sách phát triển. Thứ nhất, đưa ra thông điệp hợp tác, gắn kết với toàn cầu, trong đó bao gồm cả các nước thuộc thế giới thứ nhất (nước phát triển). Thứ hai, giải quyết những vấn đề, điểm nghẽn có thể đem lại hiệu quả ngay, như nắm bắt công nghệ xanh, công nghệ số hay cải cách doanh nghiệp nhà nước - khu vực đang nắm giữ giá trị tương đương 450 tỉ USD, cải thiện hạ tầng giao thông đô thị... Thứ ba, đẩy mạnh xây dựng thể chế có thể giải quyết được những bài toán quan trọng đang đặt ra cho nền kinh tế bằng 3 lời giải quan trọng: đi vào gốc rễ của vấn đề, học hỏi tối đa kinh nghiệm thế giới để đi nhanh hơn và ứng dụng công nghệ số - yếu tố mang tính chất nền tảng.

Chúng ta muốn đi đến tương lai năm 2045 là quốc gia phát triển, thịnh vượng thì phải có thể chế của 2045 và phải bắt tay xây dựng ngay từ hôm nay. Thế năng đã có, động năng đang bị tắc lại thì phải khơi thông với mục tiêu xa là phát triển kinh tế đi cùng với nâng cao phẩm giá dân tộc.

- Đối thoại với Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến thăm Singapore của Thủ tướng mới đây, ông đã hiến kế nhiều giải pháp tạo nên những "trận Điện Biên Phủ thành công trên mặt trận kinh tế - xã hội"? Ông có thể chia sẻ thêm về ý nghĩa của những giải pháp này?

+ Chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam đã từng làm chấn động địa cầu. Bài học từ chiến thắng này là cần tài thao lược, lựa chọn những điểm quyết chiến chiến lược làm xoay chuyển cục diện chứ không phải dàn quân, dàn sức. Trên "mặt trận kinh tế - xã hội" cũng như vậy, Chính phủ cần lựa chọn những vấn đề trọng điểm, những bài toán lớn để dồn sức thực hiện nhằm mang lại hiệu quả cao nhất, có sức lan toả đến mọi thành phần kinh tế.

Thế giới biến động, Việt Nam gây ngạc nhiên: Thế năng đã có, còn thiếu động năng - Ảnh 8.

Bài toán thứ nhất tôi muốn đề cập là xây dựng bộ máy công quyền ưu tú từ việc đào tạo đến lựa chọn con người và quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ. Bộ máy của chúng ta đã tốt, chỉ cần cơ chế rõ ràng, minh bạch hơn chúng ta sẽ thực hiện được

Bài toán thứ hai là cải tổ mạnh mẽ DN nhà nước. Đã làm việc với nhiều DN ở Việt Nam và cũng từng quản lý DN nhà nước, tôi nhận thấy tốc độ cải cách ở khu vực này còn chậm. Chúng ta dường như không coi cải cách như "chữa trị trọng bệnh" mà chỉ coi như việc "tập thể dục", làm cũng được mà không làm cũng chưa sao. Khu vực này đang khu trú nhiều mầm bệnh. Nếu không xử lý được tận gốc thì không chỉ không tận dụng hết giá trị, động lực mà còn có thể để lại hậu hoạ, cản trở sự phát triển của nền kinh tế. Ngược lại, nếu cải tổ thành công thì có thể trở thành kho giá trị lớn.

Bài toán thứ ba, theo tôi là giải quyết điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng, ít nhất là có được hệ thống tàu điện ngầm cao tốc mà ngay cả những quốc gia có nền kinh tế kém phát triển như Bangladesh, Etiopia... cũng đã làm được.

Cuối cùng là chuyển đổi nền kinh tế theo hướng xanh hoá, chuyển đổi số.

https://nld.com.vn/danh-cho-ban-doc-vip/the-gioi-bien-dong-viet-nam-gay-ngac-nhien-20230319224216864.htm

https://nld.com.vn/danh-cho-ban-doc-vip/the-gioi-bien-dong-viet-nam-gay-ngac-nhien-tan-dung-diem-sang-20230321085928482.htm

Phương Nhung
A.Thanh
Hoàng Triều
Lên đầu Top

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên