xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

CUỘC THI VIẾT “CHỦ QUYỀN QUỐC GIA BẤT KHẢ XÂM PHẠM”: Vì biên cương vững chắc

Trần Minh

Với những việc làm thiết thực, bám địa bàn, gần dân, sát dân, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã tạo được sự tin yêu, đồng tình, ủng hộ của người dân trong việc quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh trật tự biên giới

Nhiều phụ nữ là nạn nhân của bọn buôn người, bị lạm dụng tình dục, bóc lột sức lao động hoặc trở thành "cửu vạn" cho các đường dây buôn lậu ở khu vực biên giới. Nhằm bảo vệ phụ nữ, bảo đảm an ninh, trật tự ở vùng phên dậu của Tổ quốc, thời gian qua, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình phối hợp, mang lại hiệu quả thiết thực.

Băng rừng, lội suối tuyên truyền

Chị Ốc Thị H. (trú tại xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) từng là nạn nhân của bọn buôn bán người. 14 năm trước, khi 18 tuổi, chị bị 2 đối tượng dụ dỗ ra nước ngoài làm thuê nhưng sau đó lừa bán với giá 210 triệu đồng để ép làm vợ một người nước ngoài.

Tại đất khách quê người, chị H. bị bóc lột sức lao động, cuộc sống khổ cực vô cùng. May mắn, chị cùng 4 nạn nhân khác được giải cứu về Việt Nam đoàn tụ với gia đình sau hơn 10 năm lưu lạc.

Do cuộc sống khó khăn cộng với thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin, nhiều phụ nữ nghèo vùng biên giới đã trở thành nạn nhân của kẻ xấu như thế. Xuất phát từ thực trạng ấy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp triển khai mô hình "Tiếng loa biên phòng" nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết cho phụ nữ.

CUỘC THI VIẾT “CHỦ QUYỀN QUỐC GIA BẤT KHẢ XÂM PHẠM”: Vì biên cương vững chắc- Ảnh 1.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Chiềng On (xã Chiềng On, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) thu âm văn bản luật để phát qua “Tiếng loa biên phòng” - mô hình đang triển khai hiệu quả ở các vùng biên giới. Ảnh: PHƯƠNG DUNG

Với mô hình này, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đã băng rừng, lội suối mang "Tiếng loa biên phòng" tới các bản làng vùng cao, biên giới để tuyên truyền, thức tỉnh những người nhẹ dạ cả tin như chị H., không nghe theo lời kẻ xấu xúi giục. Đến nay, "Tiếng loa biên phòng" lưu động tại các bản làng vùng cao, biên giới đã thực hiện được 5.500 lượt tuyên truyền. Nhờ mô hình này, phụ nữ vùng biên không còn nghe theo lời xúi dục của kẻ xấu. Các gia đình cũng ý thức hơn trong việc tham gia cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ an ninh, trật tự vùng biên giới.

Bên cạnh đó là chương trình phối hợp "Vận động phụ nữ tham gia xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, biển đảo". Các cấp hội phụ nữ và Bộ đội Biên phòng đã tổ chức 58.000 buổi tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau cho hơn 1,2 triệu lượt cán bộ cơ sở hội và hội viên về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đặc biệt chú trọng tuyên truyền pháp luật về biên giới, biển đảo.

Trong đó, chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" đã tổ chức 7.500 cuộc tuyên truyền, truyền thông, tập huấn cho hơn 74.000 người. Không chỉ tuyên truyền nâng cao nhận thức, chương trình này còn giúp rất nhiều gia đình thoát nghèo.

Trước đây, gia đình chị Tô Thị Lan (bản Long Thắng, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) là hộ nghèo. Nhờ chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", chị được vay vốn không lãi suất, được tham gia lớp tập huấn chăn nuôi.

Sau thành công từ 4 con heo giống ban đầu, chị mạnh dạn vay thêm vốn để nuôi 7 con trâu, bò và trồng keo, xoan, quế. Đến nay, gia đình chị Lan đã thoát nghèo, chị còn được bầu làm chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ kiêm tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn bản Long Thắng.

Nhờ mô hình trên, ở các bản làng của xã biên giới Hạnh Dịch, cuộc sống người dân đang từng ngày được cải thiện. Những ngôi nhà mới khang trang mọc lên ngày càng nhiều ở vùng biên giới.

Tạo được sự tin yêu

Thế trận lòng dân là thế trận vững chắc trong bảo vệ an ninh biên giới và chủ quyền quốc gia. Để có được lòng dân, trước hết dân phải có đời sống ấm no; dân trí, văn hóa và nhận thức xã hội được nâng cao. Với những việc làm thiết thực, bám địa bàn, gần dân, sát dân, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã tạo được sự tin yêu, đồng tình, ủng hộ của người dân trong việc quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh trật tự biên giới.

Nhờ được tuyên truyền, nhiều phụ nữ đã hiểu về các hiệp định, quy chế biên giới; về nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; về việc xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài. Người dân đã nhận thức rõ đúng sai, cung cấp thông tin giá trị, tố giác tội phạm, giúp Bộ đội Biên phòng ngăn chặn, xử lý hiệu quả tình trạng xuất nhập cảnh trái phép, trộm cắp, mua bán ma túy, mua bán phụ nữ, trẻ em. Nhiều người còn tham gia quản lý biên giới, chống xâm canh, xâm cư, bảo vệ cột mốc, chống truyền đạo trái phép...

Đến nay, từ gần 26.000 tin tố giác tội phạm, các cơ quan chức năng đã bắt gần 15.000 đối tượng xuất nhập cảnh trái phép. Riêng các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã ngăn chặn, xử lý khoảng 9.500 vụ, với gần 37.000 lượt người xuất nhập cảnh trái phép; khởi tố điều tra hàng trăm vụ mua bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới; 126 phụ nữ bị các đối tượng lừa bán sang Trung Quốc đã được trở về hòa nhập cộng đồng...

Trong phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phối hợp hoạt động giai đoạn 2023-2025, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Hội LHPN Việt Nam tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, triển khai toàn diện, đồng bộ chương trình phối hợp hoạt động giữa hai bên.

Bộ đội Biên phòng xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh về chính trị; phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch, phản động và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới hiện nay. 

Bên cạnh các chương trình phối hợp giữa Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng với Hội LHPN Việt Nam, đến nay, nhiều chương trình, mô hình, cách làm hay đã được Bộ đội Biên phòng và hội phụ nữ các cấp thực hiện, mang lại kết quả cao. Trong đó, điển hình là các mô hình: "Phụ nữ hướng về biên giới biển đảo" (Quảng Ninh), "Phụ nữ với sự phát triển bình yên tuyến biển", "Phụ nữ với bảo vệ môi trường biển" (Nam Định), "Tổ phụ nữ tham gia giữ gìn đường biên, mốc giới" (Thừa Thiên - Huế, An Giang, Sơn La, Hà Giang), "Tổ phụ nữ tham gia phòng chống vượt biên, xâm nhập trái phép" (Gia Lai, Đắk Lắk)...

CUỘC THI VIẾT “CHỦ QUYỀN QUỐC GIA BẤT KHẢ XÂM PHẠM”: Vì biên cương vững chắc- Ảnh 2.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo