11/08/2020 08:11

Vượt lên số phận

Nghị lực phi thường đã giúp anh Hà Văn Hồng vượt lên nỗi bất hạnh để sống đẹp mỗi ngày

Ngày ngày, bất kể nắng mưa, mọi người thường quen thuộc hình ảnh người đàn ông có dáng đi khập khiễng với chiếc xe nhỏ cùng bộ đồ nghề cũ kỹ trên một góc đường Phan Văn Hớn, quận 12, TP HCM. Người đàn ông ấy có làn da rám nắng, đôi mắt luôn lạc quan cùng nụ cười ấm áp, thân thiện truyền đi năng lượng tích cực cho bất kỳ ai đối diện. Đó là anh Hà Văn Hồng.

Sống lạc quan

Anh Hồng sinh năm 1977 tại Quảng Bình. Không may bị nhiễm chất độc da cam từ lúc còn trong bụng mẹ, anh sinh ra với hình hài khiếm khuyết, hai chân bị teo, đi đứng vô cùng khó khăn. Phải mất nhiều năm luyện tập, vượt qua đau đớn, anh mới có thể tự mình đi lại được mà không cần nhờ đến sự trợ giúp của người thân.

Sinh ra với cơ thể không lành lặn nhưng điều đó không làm anh mất hết hy vọng. Trái lại, anh vẫn nuôi dưỡng trong tâm hồn niềm tin về một tương lai tươi sáng. Chính cách nghĩ tích cực ấy đã giúp anh vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Là anh cả trong gia đình nghèo có đến 6 anh chị em nên anh Hồng luôn ý thức được trách nhiệm của mình. Mới 12 tuổi, anh đã một mình rời quê vào TP HCM với mong muốn phụ giúp gia đình. Anh kể: "Thấy bố mẹ và các em sống kham khổ quá, bản thân thì bệnh tật, tôi không muốn làm cha mẹ khổ thêm nên quyết định rời quê với hai bàn tay trắng. Để vào TP HCM, tôi phải xin đi nhờ xe và cứ thế biền biệt 6 năm, thậm chí bố mẹ tưởng tôi mất tích".

Vượt lên số phận - Ảnh 1.

Anh Hà Văn Hồng và công việc sửa xe mưu sinh hằng ngày

Ở nơi đất khách không người thân thích, anh Hồng làm rất nhiều nghề để tự nuôi thân. Ròng rã 2 năm đầu, cuộc sống vẫn bấp bênh. Sau đó, tình cờ biết được Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Hàn (Nghệ An) mở lớp dạy sửa xe, anh gom hết số tiền tích cóp được ra Nghệ An vừa đi học vừa đi làm để kiếm sống. Ra trường, một lần nữa, anh trở lại TP HCM lập nghiệp với nghề sửa xe.

Không vốn liếng, anh mượn tạm góc đường Phan Văn Hớn để mưu sinh. Nhớ lại những ngày đầu, anh cười nói: "Thấy tôi khuyết tật nên mọi người không tin tưởng lắm, do vậy thời gian đầu tiệm rất ít khách. Sau đó, có một vài người đi đường ghé sửa, thấy tôi làm kỹ lưỡng nên họ giới thiệu cho bạn bè, nhờ vậy cuộc sống dần ổn định". Năm 2004, anh kết hôn với chị Âu Thị Mận, một khách hàng thường lui tới sửa xe.

Sẻ chia với người khuyết tật

Hằng ngày, ngoài thu nhập chính từ nghề sửa xe, anh Hồng còn nhận sửa ống nước, thông cống, làm mộc... nên cuộc sống gia đình tương đối ổn định. Làm được bao nhiêu, vợ chồng anh cố gắng chắt chiu để phòng khi con ốm đau, lo cho các con ăn học và gửi về phụ giúp cha mẹ ở quê. "Bản thân tôi học hành dở dang nên cố gắng hết mức để các con được học hành đến nơi đến chốn. Thương cha vất vả nên tụi nhỏ rất ngoan và học giỏi. Đây là động lực giúp tôi vượt qua khó khăn hằng ngày" - anh Hồng tâm sự.

Đã từng trải qua khốn khó nên anh rất thông cảm với bà con nghèo, nhất là những người khuyết tật. Ở quận 12, TP HCM, nhắc đến anh Hồng là nhiều người lao động rất quý bởi anh luôn sẵn lòng giúp đỡ họ. Chị Lê Thị Bé (quê ở Hải Phòng), một người khuyết tật hành nghề bán vé số dạo, bộc bạch: "Tôi biết anh Hồng hơn 7 năm nay. Mỗi lần xe lăn trục trặc, tôi đều tìm đến chỗ anh và không bao giờ anh nhận tiền công sửa chữa.

Cùng cảnh ngộ nên anh hay hỏi thăm, động viên tôi cố gắng lạc quan. Anh ấy như ân nhân vậy". Cũng vì thấu hiểu được khó khăn của người nghèo, đặc biệt là người khuyết tật, nên không chỉ nhận sửa xe miễn phí, anh Hồng còn dạy nghề cho họ. Tiệm sửa xe lề đường của anh nhiều năm nay được Ủy ban MTTQ phường Tân Thới Nhất (quận 12) công nhận là "Điểm dạy nghề và sửa xe miễn phí cho người nghèo, người khuyết tật". Nhờ anh Hồng hết lòng truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm mà nhiều người lao động nghèo có một nghề ổn định để tự nuôi thân. Chứng kiến nhiều lứa "học trò" an cư lạc nghiệp, anh thấy cuộc sống của mình thêm ý nghĩa.

Những ngày này, dù thời tiết thất thường và dịch bệnh khiến thu nhập giảm song anh Hồng vẫn lạc quan và luôn tận tình giúp đỡ người nghèo, khi thì bơm xe, vá ruột, thay sên miễn phí. Nhận được những lời ngợi khen nhưng anh Hồng rất khiêm tốn. "Xây dựng tinh thần sống lạc quan và sống có ích giúp tôi trụ vững trong khó khăn. Với người nghèo, nhất là người khuyết tật, tôi luôn sẵn lòng giúp đỡ vì những khó khăn, vất vả của họ tôi đã từng nếm trải" - anh Hồng bộc bạch.

Bài và ảnh: PHÙNG MY

Tin liên quan

Viết bình luận

Tai nạn lao động 5 người thương vong tại Đà Nẵng, ai chịu trách nhiệm?
26 phút trước 548 1k
(NLĐO) – Ngày 28-5, cơ quan chức năng tạm đình chỉ công trình để phục vụ công tác điều tra, làm rõ trách nhiệm chủ đầu tư, đơn vị thi công trong vụ sập sàn bê tông khiến 5 công nhân thương vong tại Đà Nẵng vào rạng sáng 25-5.
Sự thật về "việc nhẹ, lương cao" ở Philippines
2 giờ trước 548 1k
Chính quyền Philippines vừa giải cứu 1.090 nạn nhân buôn người với chiêu thức "việc nhẹ, lương cao" nhưng thực chất là lừa đảo
Lo âu vì bệnh viện nợ lương và BHXH
3 giờ trước 548 1k
Báo Người Lao Động vừa tiếp nhận đơn của tập thể người lao động (NLĐ) tại Bệnh viện (BV) Bình An Quảng Nam (thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên), phản ánh BV này nợ lương, không đóng BHXH nhiều tháng liền.
San sẻ khó khăn với công nhân
4 giờ trước 548 1k
Những chương trình tặng quà, bán hàng giảm giá, khám bệnh miễn phí... do các cấp Công đoàn TP HCM thực hiện giúp công nhân khó khăn vơi đi nỗi lo
Ngày ấm áp của những công nhân bị bệnh hiểm nghèo, giảm giờ làm

Ngày ấm áp của những công nhân bị bệnh hiểm nghèo, giảm giờ làm

(NLĐO) - Những phần quà từ lãnh đạo tỉnh Bình Dương, tổ chức Công đoàn đã tiếp thêm niềm tin, nghị lực để anh chị em công nhân vượt qua khó khăn.