xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thuê lại lao động để đi đếm ốc vít!

LÊ AN NHIÊN (Báo LAO ĐỘNG)

Cho thuê lại lao động nhằm đáp ứng tạm thời sự gia tăng đột ngột về nhân lực trong khoảng thời gian nhất định; thay thế người lao động trong thời gian nghỉ thai sản, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp...

Pháp luật quy định rất rõ các ngành nghề được phép cho thuê lại lao động. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) bất chấp các quy định, thuê lại lao động với số lượng lớn, làm các công việc phổ thông đơn giản để nhằm trốn tránh trách nhiệm BHXH hoặc các quy định khác đối với người lao động (NLĐ).

Thuê lại lao động để… lựa sản phẩm lỗi!

Anh Hà Minh Th (quê Bình Định), làm việc tại Công ty N (KCX Tân Thuận, TP HCM) đã hơn một năm nay, nhưng được tính công nhật, tức là trả lương theo ngày. Anh Th không nhận lương trực tiếp từ công ty N mà được Công ty M.T trả lương theo ngày. Anh Th cho biết: Công việc của anh không khác gì các công nhân khác ở công ty N, đó là làm việc tại bộ phận dập khuôn sản phẩm. Không chỉ mình anh mà còn có rất nhiều người khác làm việc tại Cty N ở các bộ phận như hoàn thiện, sắp xếp sản phẩm hay đơn giản là lựa sản phẩm lỗi đều là lao động được thuê lại, được một đơn vị khác trả lương theo ngày.

Pháp luật có quy định rõ những ngành nghề được phép cho thuê lại lao động (ảnh minh họa) - Ảnh: L.T
Pháp luật có quy định rõ những ngành nghề được phép cho thuê lại lao động (ảnh minh họa) - Ảnh: L.T

“Mỗi ngày làm việc 10 tiếng đồng hồ, từ 7h sáng đến 18h mỗi ngày, không tính giờ nghỉ trưa, anh Th nhận được 180.000 đồng/ngày. Nói là làm ngày nào trả tiền ngày đó nhưng hai công ty đều yêu cầu phải làm đủ ngày, đủ giờ, muốn nghỉ phải xin phép Công ty N, được Cty N đồng ý rồi về xin phép tiếp công ty thuê mình. Nghỉ ngang là bị trừ tiền ghê lắm!” – Anh Th cho biết.

Làm việc gần một năm nay, công việc thường xuyên, lâu dài nhưng anh Th không được đóng BHXH, không được tham gia Công đoàn, khi có vấn đề bức xúc ở công ty cũng không biết kêu ai. “Từ Bình Định vào TP HCM kiếm việc, mới tới đầu KCX Tân Thuận tôi đã được Công ty M.T rao tuyển lao động phổ thông, không cần hồ sơ, chỉ cần có chứng minh nhân dân là được, tôi liền đăng ký ứng tuyển. Một ngày sau tôi được đưa xuống công ty N làm công nhân (CN) ở bộ phận dập khuôn cho đến nay. Tôi nhiều lần hỏi xem công ty N có tuyển CN không tôi ứng tuyển để được làm chính thức, nhận lương từ Công ty N, được đóng BHXH, được có quyền lợi như những NLĐ khác nhưng Công ty N không tuyển mà chỉ sử dụng lao động được thuê lại từ các đơn vị khác” – Anh Th thở dài.

Tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp lao động

Cách đây không lâu, rất nhiều NLĐ vốn là nhân viên của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ PB (TP.Biên Hòa, Đồng Nai, là DN cho thuê lại lao động) đã tập trung về Công ty CP C.T (KCX Tân Thuận, quận.7, TP HCM, là DN thuê lại lao động) để đòi tiền lương. Họ là những lao động được Công ty TNHH thương mại và dịch vụ PB “gom” từ nhiều tỉnh, sau đó thỏa thuận (miệng) với NLĐ là đưa họ lên TPHCM làm việc tại Công ty C.T, theo hình thức “cho thuê lại lao động”. Công việc là lựa những sản phẩm bằng sắt bị lỗi, thời gian làm trong 1 tháng, lương mỗi ngày là 140.000 đồng/người, ngày làm từ 8h sáng đến 18h tối...

Tuy nhiên, đến ngày nhận lương thì những NLĐ này được giám đốc Công ty PB thông báo, phía Công ty C.T cho rằng, CN làm chưa đạt yêu cầu nên chỉ thanh toán cho PB 85% tổng số tiền trên hợp đồng. Sau đó, PB cũng trả 85% lương cho CN. Khi CN phản ứng thì giám đốc Công ty PB “xúi” họ lên Công ty C.T mà đòi! Sau nhiều ngày tập trung đòi lương nhưng không được phía công ty thuê lại lao động là Công ty C.T trả lời, NLĐ tức giận đòi tiền ông giám đốc PB. Vị giám đốc này giải thích: “Khi Công ty PB ký hợp đồng với Công ty C.T, tiền lương của NLĐ được thỏa thuận là tính theo thời gian. Thế nhưng, sau đó phía Công ty C.T lại đi lựa ra một CN giỏi nhất làm mẫu và buộc tất cả CN khác cũng phải làm được bằng đúng số sản phẩm mà CN “mẫu” này làm. Các CN không làm theo kịp nên Công ty C.T viện lý do đó, chấm dứt hợp đồng và trừ khoảng 15% tiền công đối với Cty PB”. Trái ngược với giải thích của giám đốc Công ty PB, phía công ty thuê lại lao động cho rằng, đã thực hiện đúng cam kết vì hai bên khi thỏa thuận hợp đồng đã thống nhất là trả công theo sản phẩm, đến ngày thanh lý hợp đồng, ông giám đốc đã ký nhận tiền thì không có lý do gì “xúi” CN lên đây đòi tiền!

Về vấn đề cho thuê lại lao động, ông Nguyễn Thành Đô – Chủ tịch CĐ KCN – KCX TP HCM cho biết, vừa qua CĐ KCN – KCX TP đã có văn bản gửi cho Ban quản lý KCN – KCX TP đề nghị thanh tra các công ty thuê lại lao động và gửi văn bản cho CĐ cơ sở các công ty có thông tin thuê lại lao động trái quy định pháp luật đề nghị trao đổi với chủ doanh nghiệp (DN). Cụ thể, CĐ KCN – KCX TP có nhận được thông tin phản ảnh của nhiều CN đang làm việc tại Công ty TNHH Nidec Copal, Nidec Tosok, FAPV thuộc KCX Tân Thuận, các công ty này hiện đang sử dụng một số lao động được thuê lại từ các DN cho thuê lại lao động không đúng danh mục các công việc được phép cho thuê lao động theo quy định tại Nghị định 55/2013/NĐ-CP. Các đơn vị này thuê từ 50 đến 200 đến trên 1.000 lao động và có chiều hướng tăng thêm.

“Với việc thuê một lượng lớn lao động phổ thông, làm các công việc đơn giản là tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn. Nguyên nhân vì NLĐ có những bức xúc có thể dẫn đến tranh chấp lao động tập thể do DN không thực hiện đầy đủ chế độ đối với số lượng lao động này” – ông Nguyễn Thành Đô nhận định.

17 công việc được thực hiện cho thuê lại lao động theo Nghị định 55/2013/NĐ-CP:

1- Phiên dịch/ Biên dịch/ Tốc ký; 2- Thư ký/Trợ lý hành chính; 3- Lễ tân; 4- Hướng dẫn du lịch; 5- Hỗ trợ bán hàng; 6- Hỗ trợ dự án; 7- Lập trình hệ thống máy sản xuất; 8- Sản xuất, lắp đặt thiết bị truyền hình, viễn thông; 9- Vận hành/kiểm tra/sửa chữa máy móc xây dựng, hệ thống điện sản xuất; 10- Dọn dẹp vệ sinh toà nhà, nhà máy; 11- Biên tập tài liệu; 12- Vệ sĩ/Bảo vệ; 13- Tiếp thị/Chăm sóc khách hàng qua điện thoại; 14- Xử lý các vấn đề tài chính, thuế; 15- Sửa chữa/Kiểm tra vận hành ô tô; 16- Scan, vẽ kỹ thuật công nghiệp/Trang trí nội thất; 17- Lái xe.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo