xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tàu ngưng chạy là miếng cơm cũng... dừng

LAN NHI - PHẠM ĐÔNG (LĐO)

Đã xa rồi thời hoàng kim, hễ nhà ai có người làm trong ngành đường sắt là họ hàng đều cảm thấy tự hào. Bởi thu nhập của nhân viên tàu tỏa ngày ấy có thể nuôi được cả gia đình một cách sung túc

Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, khi ngành đường sắt không còn đủ sức cạnh tranh với các loại hình giao thông khác, sân ga ngày một vắng khách hơn khiến những người làm nhiệm vụ gác tàu không khỏi chạnh lòng.

Nghề theo bánh con tàu quay

Nếu như công nhân bộ phận sửa chữa luôn làm việc tập thể thì những người tuần tra đường sắt ở ga Long Biên (Hà Nội) lại lặng lẽ lại làm việc một mình, độc hành trên những tuyến đường dài. Mọi công nhân tuần đường đều phải tự lực cánh sinh, tự thân vận động khi làm việc. Sáng sớm gặp nhau đông đủ tại nơi nhận ca, họ chỉ kịp hỏi thăm nhau dăm ba câu chuyện gia đình, chuyện buồn vui người thợ, rồi khi mọi người chia đi làm hết. Họ lại bắt đầu công việc mà đến máy móc cũng chẳng thể thay thế được.

Được biết, ga Long Biên trước kia còn có tên gọi khác là ga Đầu Cầu, cùng với ga Hà Nội, nhà ga là nơi có tuổi đời thuộc hàng lâu đời nhất cả nước. Từ đây, nhà ga cũng chính là điểm xuất phát của những chuyến tàu chạy từ Hà Nội đến Hải Phòng, Thái Nguyên, Lào Cai, Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn). Với những thống kê báo lỗ dài dằng dặc, nhiều chuyến tàu đi tỉnh phải cắt giảm bớt như hiện nay, đó là những "tín hiệu" buồn mà nhân viên tuần tra trong ngành đường sắt không khỏi chạnh lòng khi nhắc đến.

Tàu ngưng chạy là miếng cơm cũng... dừng     - Ảnh 1.

Công nhân đường sắt bảo dưỡng đường đảm bảo an toàn chạy qua đoạn thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh)

Trao đổi với Lao Động, anh Nguyễn Thế Quyết (sinh năm 1981) - nhân viên Tổ tuần đường cung Long Biên-Gia Lâm - tâm sự: "Ngày nào, tôi cũng đi một lượt dọc tuyến đường mà tổ quản lý. Từng mối ray, từng cây vẹt đều phải được kiểm tra kỹ lưỡng. Chỉ cần một chiếc bu lông mối lỏng thôi là liên kết của đường ray đã không được đảm bảo rồi, tàu qua rất dễ bị cặm. Vì vậy, tôi luôn phải mang sẵn cờ lê bên mình để vặn chặt lại. Đâu chỉ có vậy, mùa mưa đến, đường đầy những mối lún, phụt bùn. Chúng tôi phải đi thường xuyên thì mới biết chỗ nào có vấn đề rồi báo lại cho cấp trên để kịp thời xử lý.

Theo anh Quyết, có kể ra mới biết, nghề tuần đường đâu chỉ đơn giản là đi kiểm tra, thấy sự cố chỉ việc báo cáo cấp trên là xong nhiệm vụ. Nghề này còn phải nắm chắc quy trình, quy phạm kỹ thuật, khả năng xử lý sự cố khi có rủi ro. Họ mang trên vai trách nhiệm vô cùng lớn, trách nhiệm của những người phát hiện, cảnh báo và xử lý sự cố một cách nhanh chóng và kịp thời. Phải là những người nhanh nhẹn, nhạy bén, nhanh mắt, nhanh tay mới có thể đảm đương được công việc quan trọng ấy.

"Mỗi lần đi tuần, tôi đều phải đi một mình chứ không được đi hai người. Mỗi ca trực nhân viên đi và về 2 lượt. Muốn đi thế nào thì đi nhưng mỗi tiếng cũng phải đi được 3km mới đảm bảo lộ trình toàn tuyến là hơn 10km. Nhiều khi có muốn nghỉ ngơi lâu cũng chẳng được vì đi mãi nó cũng thành quen rồi. Mỗi lần tôi đi qua một trạm nào đều phải có sổ sách ghi chép và ký vào đó để họ giám sát chặt chẽ công việc của từng người đi tuần" - anh Quyết nói.

Hàng vạn con công nhân chưa được nhận tiền lương

Đường sắt là một trong những ngành công nghiệp lâu đời tại Việt Nam. Thế nhưng sau 130 năm hoạt động, vị thế dẫn đầu của ngành này giờ đã không còn và liên tục sụt giảm theo thời gian. Những chuyến tàu vắng teo, chạy chỉ để cầm cố hành khách. Hiện tại, ngành Đường sắt đã không còn đủ sức cạnh tranh với các loại hình giao thông khác khi kết cấu hạ tầng của ngành đang ngày một rệu rã, xập xệ. Những chuyến tàu vẫn duy trì được khách phần lớn là vì giá vẫn rẻ, lại đi với quãng đường nên tần suất hoạt động vẫn được đảm bảo.

Hỏi về thu nhập hàng tháng, anh Lại Phú Trường - nhân viên bảo vệ nhà ga - lắc đầu ngao ngán: "Tôi làm ở đây đến nay cũng ngót nghét 10 năm rồi. Ngày trước làm ở bộ phận trực ban, nhưng từ khi tàu ít khách, sau đó lại cắt bớt một số tuyến nên tôi tạm chuyển sang ban bảo vệ vì bên này họ đã nghỉ việc. Tháng nào làm đủ công may ra mới được hơn 4 triệu đồng. Đồng lương ít ỏi, ba cọc ba đồng thế này mà dừng chạy tàu chắc tôi phải làm thêm công việc khác thì mới đủ sống, lo cho gia đình".

Theo lời kể của một số nhân viên đường sắt, nhiều chuyến tàu chạy tại nhà ga đã được cho dừng chạy hẳn từ trước Tết vì quá ế khách. Lực lượng lao động thủ công đường sắt như công nhân gác chắn, tuần đường, công nhân bảo trì, công nhân tác nghiệp ga... đều phải thay nhau nghỉ luân phiên vì không đủ việc. Tháng không đều công nên lương lậu cũng chỉ vỏn vẹn được 3 - 4 triệu đồng sau khi đóng hết các khoản phí, bảo hiểm...

"Lương trả chậm, chúng tôi làm nhưng có đủ ăn đâu, có khi nhiều tháng gia đình vẫn phải trợ cấp thêm thì mới đủ chi tiêu. Đã nhiều lần gia đình khuyên chúng tôi tìm công việc khác nhưng giờ tìm việc mới cũng khó, lại liên quan đến bảo hiểm đang đóng hằng tháng nên khó mà xoay sở được. Công việc khó khăn, vất vả, nặng nhọc, lại đòi hỏi trách nhiệm cao và có yếu tố nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng người lao động nhưng chúng tôi vẫn cố gắng bám trụ lại mong sao nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn này" - những công nhân này cho hay.

Thông tin về những vấn đề khó khăn của ngành đường sắt, ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch Hội đồng Thành viên của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) - cho hay, doanh nghiệp này đang đối diện với nguy cơ phải dừng hoạt động trên toàn quốc do thiếu tiền trả lương cho nhân viên gác chắn và tiền duy trì hoạt động tuần đường. Những vướng mắc hiện tại của ngành đường sắt gặp phải chủ yếu là về ngân sách, cơ chế này đã được VNR báo cáo lên Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước và thậm chí là báo cáo vượt cấp lên Thủ tướng Chính phủ nhưng đến nay những vướng mắc, khó khăn trên vẫn chưa được giải quyết.

Chủ tịch VNR cho biết thêm, hiện nay, các công ty bảo trì đường sắt vốn chỉ 10 - 20 tỉ đồng và không thể vay được ngân hàng. Tổng công ty muốn cho các công ty trực thuộc vay tiền để duy trì nhưng cũng lo sau này kiểm tra, kiểm toán kết luận là sai vì VNR không có chức năng cho vay, vì vậy VNR không thể ký hợp đồng, không thể tạm ứng cho các công ty.

"Hiện có hơn 1 vạn công nhân tuần đường gác chắn không có lương, không thể duy trì hoạt động tuần đường gác chắn thì không còn cách nào khác là phải dừng tàu vào tháng 3 tới. Việc dừng tàu sẽ gây ảnh hưởng tới 3 vạn cán bộ, công nhân viên đường sắt và gián đoạn phục vụ hành khách đi lại, vận chuyển hàng" - ông Minh cho hay.

Tính đến thời điểm hiện tại, mặc dù đã bước sang cuối tháng 2.2020, tức là quá mốc hạn kỳ đến gần 2 tháng mà VNR vẫn chưa nhận được dự toán. Hàng vạn con người của VNR chưa được nhận tiền lương và nguy cơ ngành Đường sắt phải dừng hoạt động trên toàn quốc là rất nhãn tiền. Việc dừng tàu sẽ gây ảnh hưởng rất lớn, nhưng nếu cho chạy tàu thì trái luật, thậm chí tuần đường gác chắn nào bị tai nạn thì lãnh đạo đơn vị đó có thể bị khởi tố.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo