xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sống tốt với nghề làm đẹp

Bài và ảnh: NGÂN HÀ

Nhiều lao động nữ đã vượt qua số phận, vươn lên làm chủ cuộc đời mình bằng nghề làm đẹp

Nhìn vóc dáng mảnh mai, ít ai biết cô gái nhỏ Trần Thị Kim Ly (31 tuổi) đã là mẹ 2 con (7 tuổi, 6 tuổi) và từng trải qua những tháng ngày khủng khiếp của bạo hành gia đình. Cuộc sống hiện giờ của gia đình Ly vẫn còn khó khăn nhưng cô đã tìm được tia hy vọng khi tham gia học nghề chương trình "Làm đẹp để sống, Sống để làm đẹp" của L’Oréal.

Làm chủ cuộc đời mình

Ly sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo tại Phú Yên. Ba Ly làm bảo vệ, mẹ làm nông. Ba sức khỏe yếu nên cũng không thể theo nghề lâu dài, mẹ bị bệnh đau cột sống, không làm được việc nặng nên cuộc sống gia đình rất chật vật. Ba chị gái của Ly phải nghỉ học sớm để làm công nhân (CN), còn Ly học đến lớp 9 cũng nghỉ ngang để đi bóc vỏ hạt điều ở Phú Yên. Vất vả, cực nhọc nhưng thu nhập của Ly cũng chỉ 2-3 triệu đồng/tháng.

Sống tốt với nghề làm đẹp - Ảnh 1.

Từ một cô gái quê, chị Lê Thị Dung đã thay đổi cuộc đời mình khi được học nghề và trở thành giảng viên Trung tâm Dạy nghề L’Oréal

Năm 22 tuổi, Ly lấy chồng và sinh liên tiếp 2 con. Những tưởng hạnh phúc sẽ đến với cô gái nhỏ sau những năm bươn chải vào đời từ sớm nhưng chồng Ly từ ngày có con lại thay đổi tính nết. Không chịu nổi, Ly quyết định ly thân nhưng người chồng vẫn không buông tha mẹ con cô. Tình thế ấy buộc Ly phải đưa 2 con vào TP HCM sinh sống. Để có tiền nuôi con, cô xin phụ bán quán cà phê và nhận hàng may gia công. "Công việc không ổn định khiến có tháng cuộc sống 3 mẹ con Ly cứ thiếu trước hụt sau. Hai con nhỏ lại đang ở tuổi đến trường nên khó khăn chồng chất, tôi tưởng chừng mình đã buông xuôi" - Ly kể. May mắn, Ly được người quen giới thiệu học nghề tóc tại Trung tâm Dạy nghề miễn phí L’Oréal. Vậy là ban ngày Ly đi học, chiều về cô làm phục vụ quán ăn ở Vĩnh Lộc. Hiện Ly là thợ phụ của một salon tóc tại khu dân cư Jamona City Phú Thuận (quận 7, TP HCM). Cuộc sống của Ly đã dần ổn định với mức thu nhập 8-9 triệu đồng/tháng, có thể lo cho 3 mẹ con.

Viết tiếp ước mơ

Mới sáng sớm, tiệm tóc của Phạm Thị Ngọc Huyền (28 tuổi) tại số 58/7 hẻm 27 Phạm Văn Đồng, quận Thủ Đức, TP HCM đã đông khách. Hồi tưởng về khoảng thời gian đã qua, Huyền không nghĩ một cô gái quê như mình lại có được ngày hôm nay.

Ba mẹ Huyền làm ruộng ở Tiền Giang, 3 chị gái đã lập gia đình ở quê và đều làm nông. Các anh trai Huyền người đi làm thuê, người làm CN. Gia đình còn lo cho em trai đi học nên ba mẹ Huyền lại thêm gánh nặng. Gia cảnh khó khăn nên Huyền phải nghỉ học từ năm lớp 9 để đến TP HCM phụ bán quán cà phê. Mới 16 tuổi, Huyền đã trải qua đủ thứ nghề như phụ việc quán ăn, tiếp thị, CN lắp ráp điện tử... nhưng cuộc sống chẳng khá hơn. Có ngày, Huyền chỉ dám ăn 1 hộp cơm để tiết kiệm chi phí.

Năm 23 tuổi, Huyền được giới thiệu vào học nghề tóc tại Trung tâm Dạy nghề L’Oréal. Sau 6 tháng học, cô tốt nghiệp và được trung tâm giới thiệu vào làm tại các salon tóc ở TP HCM với mức thu nhập từ 3-4 triệu đồng/tháng. Nhận thấy chỉ có làm chủ thì cuộc sống mới thật sự thay đổi, Huyền quyết định mở tiệm tóc của riêng mình. Nhờ vào số vốn hỗ trợ từ dự án "Làm đẹp để sống, Sống để làm đẹp", Huyền thuê một căn nhà nhỏ ở quận Thủ Đức, bắt đầu bước ngoặt mới trong cuộc đời, trở thành bà chủ tiệm tóc. Hiện tiệm tóc nhỏ của Huyền rất thành công với thu nhập trung bình từ 20-30 triệu đồng/tháng. Trở thành trụ cột chính của gia đình và có một mái ấm hạnh phúc là điều Huyền chưa bao giờ hình dung.

Chị Lê Thị Dung (41 tuổi), giáo viên Trung tâm Dạy nghề L’Oréal, cũng không ngờ có ngày mình trở thành cô giáo. Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo ở Bến Tre, chị Dung sớm lập gia đình và có một con gái nhỏ. Vợ chồng chị sống bằng nghề cắt lúa mướn, làm thuê nên cuộc sống rất bấp bênh, hạnh phúc gia đình vì thế sớm tan vỡ. Ly hôn, chị cùng con gái về sống với cha mẹ ruột. "Hoàn cảnh lúc đó khiến tôi cảm thấy rất bế tắc, song khi nghĩ đến con thì tự dặn lòng phải cố gắng vượt qua nghịch cảnh" - chị Dung kể. Rồi chị được Trung tâm Dạy nghề L’Oréal dạy nghề miễn phí. Không chỉ học mà chị học rất giỏi và bất ngờ hơn khi được giữ lại làm giáo viên của trung tâm. Bất kể nơi nào cần, chị đều tình nguyện đến như Cần Thơ, Quảng Bình hay TP HCM. Với thu nhập hiện nay, chị đã có thể lo cho con gái và phụng dưỡng cha mẹ già. "Cuộc đời tôi đã nhận nhiều và đến lúc tôi cho đi" - chị Dung bộc bạch.

NGUYỄN NGỌC TUYẾT TRINH, người sáng lập chương trình "Làm đẹp để sống, Sống để làm đẹp" tại Việt Nam:

Cơ hội cho bạn trẻ khó khăn

Nét đẹp của chương trình này chính là mang đến cơ hội cho những bạn trẻ hoàn cảnh khó khăn và bất hạnh có được sự tự tin và độc lập về tài chính. Những thành công từ việc thay đổi cuộc sống và vị trí xã hội của gần 2.500 người trong 10 năm qua đã trở thành nguồn cảm hứng vô giá cho những ai mong muốn vượt lên số phận để cuộc đời mình tươi sáng hơn. Với niềm tin "Cái đẹp có sức mạnh làm thay đổi cuộc sống của con người", chúng tôi đã biến niềm tin này thành một chương trình hành động thiết thực, ý nghĩa.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo