xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Rốt ráo đòi quyền lợi cho người lao động

NGỌC DUNG

Tình trạng nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp của các đơn vị sử dụng lao động đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến quyền thụ hưởng của người lao động

Theo BHXH Việt Nam, bên cạnh những doanh nghiệp (DN) thực sự gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhiều đơn vị đã lợi dụng kẽ hở trong các quy định của pháp luật hiện hành, cố tình nợ đóng, trốn đóng hoặc chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động (NLĐ).

Khó thu hồi nợ BHXH

Cách đây ít ngày, Thanh tra TP Hà Nội đã phối hợp với BHXH Việt Nam công bố quyết định thanh tra việc chấp hành Luật BHXH, Luật BHYT trong việc thu, trích nộp BHXH, BHYT đối với 105 đơn vị, DN trên địa bàn.

Đoàn công tác liên ngành gồm đại diện Thanh tra TP Hà Nội, LĐLĐ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, BHXH và Công an sẽ chia thành 3 đoàn, thanh tra về việc chấp hành Luật BHXH, Luật BHYT trong việc thu, trích nộp BHXH, BHYT; xác định số tiền chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, nguyên nhân và trách nhiệm, giải pháp khắc phục của đơn vị.

Đoàn sẽ tiến hành thanh tra từ thời điểm ngày 1-1-2021 đến hiện nay. Đại diện đoàn công tác cho biết trường hợp các đơn vị được thanh tra tự giác nộp đầy đủ số tiền chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT thì đoàn sẽ xem xét, dừng thanh tra tại đơn vị đó.

Theo BHXH Việt Nam, tình trạng nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) vẫn xảy ra phổ biến tại nhiều địa phương. Ngoài tác động của dịch COVID-19, có DN cố tình chây ì, trốn đóng BHXH…

Báo cáo lãnh đạo BHXH Việt Nam tại các cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thu, thu nợ, phát triển người tham gia bảo hiểm mới đây, đại diện BHXH nhiều địa phương cho biết đang gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Viết Dũng, Giám đốc BHXH tỉnh Thừa Thiên - Huế, dẫn chứng dù cơ quan BHXH đã thông báo số tiền nợ của từng đơn vị cho cơ quan công an, thuế, LĐLĐ để phối hợp đôn đốc đóng; mỗi tháng tổ thu nợ liên ngành làm việc với 30 - 40 đơn vị nhưng số nợ vẫn cao. Đáng chú ý, trong đó có 32 tỉ đồng nợ của các DN giải thể, phá sản; 56 tỉ đồng nợ của các đơn vị ngừng hoạt động.

Đại diện BHXH TP Đà Nẵng cho biết số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN ở địa phương này là gần 300 tỉ đồng (trong đó 70% nợ khó đòi), chiếm 5,2% số phải thu. Dù cơ quan BHXH thực hiện rất nhiều giải pháp nhưng số nợ vẫn còn cao.

Rốt ráo đòi quyền lợi cho người lao động - Ảnh 1.

Công nhân một doanh nghiệp ở quận Tân Bình, TP HCM viết đơn khởi kiện đòi nợ BHXH. Ảnh: MAI CHI

Tăng mức phạt để răn đe

Để hạn chế tình trạng này và bảo đảm quyền thụ hưởng của NLĐ, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã yêu cầu BHXH các tỉnh, thành đẩy mạnh thanh tra đột xuất các đơn vị có dấu hiệu vi phạm; chủ động đề xuất và tích cực tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để đôn đốc thu, thu nợ…

Tại hội nghị thực hiện chính sách BHXH, BHYT những tháng cuối năm do UBND TP Hà Nội tổ chức đầu tháng 8-2022, ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố, cho biết tính đến này, tổ chức Công đoàn đã nhận được gần 600 hồ sơ DN nợ đọng BHXH với số tiền 475,6 tỉ đồng. 175 hồ sơ Công đoàn khởi kiện đã được chuyển sang TAND cùng cấp thụ lý. Qua thủ tục thông báo khởi kiện của tổ chức Công đoàn, 114 đơn vị, DN đã tự giác nộp trên 108 tỉ đồng tiền nợ đọng BHXH. Tuy nhiên, số được thụ lý và khởi kiện không đáng kể. Phần còn lại chưa thực hiện do vướng mắc pháp lý.

Tổ chức Công đoàn là cơ quan đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Tuy nhiên, việc khởi kiện DN nợ BHXH hiện chịu chi phối của 4 bộ luật hiện hành gồm: Luật Tố tụng dân sự, Luật Công đoàn, Luật BHXH năm 2014 và Bộ Luật Lao động năm 2019, dẫn đến sự chồng chéo, cách hiểu chưa đồng nhất.

"Có luật quy định Công đoàn cơ sở được khởi kiện, có luật quy định phải có chữ ký ủy quyền của từng NLĐ. Điều này khó khả thi vì rất ít NLĐ khởi kiện đơn vị, DN mà họ đang làm việc" - ông Hùng băn khoăn.

Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng mức phạt tối đa đối với hành vi chậm đóng BHXH của người sử dụng lao động còn thấp, không quá 75 triệu đồng, tính thêm cả tiền lãi do chậm đóng vẫn thấp hơn lãi suất ngân hàng, nên chưa đủ sức răn đe. Do vậy, để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, một số ý kiến đề xuất tăng mức phạt tiền và mức phạt tối đa đối với các vi phạm hành chính về BHXH nhằm phù hợp với pháp luật xử lý vi phạm hành chính, nhất là đối với một số hành vi thường xuyên diễn ra hiện nay như: trốn đóng, chậm đóng BHXH của chủ sử dụng lao động.

Ông Hùng cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước có thể nghiên cứu áp dụng một số biện pháp cứng rắn như: công khai việc nợ đọng BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng; không cho các đơn vị nợ đọng BHXH tham gia đấu thầu, thi công các dự án…

Bị vạ lây

Theo ông Vũ Đức Thuật, Phó Giám đốc BHXH TP Hà Nội, việc DN chậm đóng, nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.

Thực tế thời gian qua, nhiều NLĐ không được giải quyết các chế độ ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, nghỉ chế độ. Năm 2021, do đơn vị nợ tiền BHXH nên nhiều NLĐ đã không được hưởng hỗ trợ (từ 1,8-3,3 triệu đồng) từ Quỹ BHTN.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo