xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

PHẬP PHỒNG THƯỞNG TẾT (*): Đi cũng dở, ở chẳng xong

NHÓM PHÓNG VIÊN

Việc làm, thu nhập không ổn định trong khi chưa biết có thưởng Tết hay không khiến công nhân rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ngay từ đầu năm và kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp (DN), khiến nhiều công nhân (CN) bị mất việc làm, giảm thu nhập. Nhận định về tình hình lương, thưởng Tết Tân Sửu 2021, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam - cho rằng những DN ít bị tác động thì vẫn thưởng Tết tháng lương thứ 13 cho người lao động (NLĐ). Đối với những DN ít đơn hàng, phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động hoặc cho CN nghỉ việc luân phiên thì việc bảo đảm có lương cho NLĐ đã là sự cố gắng, còn để có thưởng Tết như mọi năm là điều rất khó khăn.

Xoay trở chật vật

Công ty liên tục gặp khó khăn từ đầu năm, khi dịch Covid-19 bùng phát khiến thu nhập của chị Diệp Thị Mai, CN Công ty TNHH B.T (quận 6, TP HCM), giảm hơn một nửa. Khoản lương vỏn vẹn 3 triệu đồng/tháng chỉ đủ đóng học phí cho 2 con. Để có tiền trang trải chi phí sinh hoạt, chị phải vay mượn người quen, bạn bè. Khi chúng tôi hỏi đến chuyện thưởng Tết, chị Mai tỏ ra bi quan. "Công ty vẫn chưa có thông báo gì về thưởng Tết nhưng ai cũng mong được như năm ngoái vì Tết nhất bao nhiêu thứ phải lo. Khó khăn quá thì 3 mẹ con tôi ở lại TP ăn Tết, nếu tình hình DN cải thiện thì đợi qua Tết về thăm ông bà" - chị Mai cho biết.

Thời điểm này năm ngoái, anh Lê Đình Thụy (35 tuổi, quê Hà Tĩnh) đã rục rịch mua vé tàu cho cả nhà về quê đón Tết. Nhưng năm nay thì khác. "Hai vợ chồng mới đi làm lại được mấy tháng chưa ổn định lại cuộc sống thì nói gì đến Tết. Giữa năm cả vợ chồng thất nghiệp nhưng vẫn phải ăn uống, tiền trọ phải trả và con vẫn phải đóng tiền học nên đã vay mượn bạn bè giờ còn chưa trả hết. Nên năm nay ở lại TP ăn Tết chứ tiền đâu mà mua vé" - anh Thụy chua chát.

PHẬP PHỒNG THƯỞNG TẾT (*): Đi cũng dở, ở chẳng xong - Ảnh 1.

Việc làm và thu nhập không ổn định khiến nhiều công nhân ngoại tỉnh không mơ đến chuyện thưởng Tết Ảnh: HỒNG ĐÀO

Vợ chồng anh Thụy đang làm CN may cho một công ty ở huyện Bình Chánh, TP HCM với tổng thu nhập hằng tháng hơn 12 triệu đồng. Hai con đang tuổi ăn tuổi học nên vợ chồng anh dù tằn tiện lắm vẫn thiếu trước hụt sau. Những tháng chờ việc, anh chạy xe ôm công nghệ, còn vợ thì trông con. Công ty mới hoạt động trở lại nên anh không trông mong gì vào việc thưởng Tết. "Vừa rồi bà ngoại các cháu gọi vào hỏi năm nay các con có về không để mẹ giữ mấy con gà đang nuôi dành Tết về ăn. Tôi động viên mẹ và báo Tết này nhà con không về được" - vợ anh Thụy nghẹn ngào.

Cùng quê với vợ chồng anh Thụy là chị Ngô Thị Khánh, CN một công ty ở KCN Tân Thới Hiệp (quận 12, TP HCM), không giấu được vẻ lo lắng. Do thiếu đơn hàng, mấy tháng trước, công ty nơi chị làm việc cho CN nghỉ chờ việc khiến chị và nhiều đồng nghiệp lâm vào khó khăn. "Vợ chồng tôi có 1 bé gái 5 tuổi và tôi mới sinh con nhỏ được 3 tháng. Chồng tôi cũng làm CN nên thu nhập thất thường. Tình hình công ty khó khăn như thế này không biết có thưởng Tết hay không. Quê nhà lũ lụt, sập nhà mà tôi đang nghỉ thai sản nên không có tiền gửi về quê cho bố mẹ. Tôi cũng không dám nghĩ đến việc ăn Tết năm nay như thế nào và khả năng cao là ở lại" - chị Khánh bộc bạch.

Ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) các KCX-KCN TP HCM, cho biết đến thời điểm này mới có khoảng 70% DN báo cáo có thưởng Tết 2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mức tiền thưởng năm nay giảm so với năm ngoái, chỉ từ 0,5 đến 0,7 tháng lương của CN. Đáng lưu ý là có 33 DN đang gặp khó khăn (nợ BHXH, thường xuyên chậm trả lương, nợ lương CN…). "Khó có thể nói trước các DN này có thưởng Tết hay không nhưng chắc chắn CN sẽ phải đối mặt nhiều khó khăn" - ông Tuấn cho hay.

Bươn chải kiếm sống

Du lịch là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất do tác động của dịch Covid-19, khiến không chỉ DN gặp khó mà những người làm trong ngành du lịch cũng lao đao. Thưởng Tết là chuyện xa vời, nên về quê hay ở lại TP cũng là bài toán khó.

Trong những vị trí nhân sự của ngành du lịch bị ảnh hưởng, hướng dẫn viên cho khách outbound (đưa khách Việt ra nước ngoài) và inbound (đón khách quốc tế vào Việt Nam) bị thiệt thòi không ít. Kể từ khi dịch bùng phát, họ không có việc làm hoặc phải chuyển sang phục vụ khách nội địa hoặc phải chuyển nghề.

Nguyễn Đại, hướng dẫn viên chuyên đón khách inbound của một công ty du lịch lớn ở TP HCM, cho biết nhiều tháng qua anh đã trở thành một người "đa năng", làm đủ nghề để kiếm sống, khi khách quốc tế chưa trở lại. Quê ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đại đang làm việc ở TP HCM, anh cũng chưa xem giá vé máy bay Tết năm nay, vì chưa thể tính kế hoạch khi công việc bấp bênh. "Tôi đang dẫn khách đi tour nội địa rồi kiêm thêm bán hàng online, bán bất động sản rồi đi dạy khi có yêu cầu. Làm đủ nghề để có thu nhập trang trải cuộc sống nhưng không có ý định bỏ nghề du lịch" - anh Đại chia sẻ.

Là một trong 600 CN Công ty TNHH Yesum Vina (100% vốn Hàn Quốc; KCX Linh Trung II, quận Thủ Đức, TP HCM) mất việc làm vì dịch Covid-19, chị Thái Thị Liên (quê Nghệ An) lâm vào cảnh khó khăn. Mất việc ngay đúng cao điểm của dịch Covid-19, chị Liên và nhiều đồng nghiệp khó khăn trong việc tìm việc làm mới. Mới đây, chị được nhận vào làm CN may cho một DN tại KCN Đồng An (tỉnh Bình Dương). Chị kể: "Tôi mới vào công ty làm được hơn 1 tháng chắc là không được thưởng Tết. Nhưng tôi xem như may mắn vì tìm được việc làm, nhiều đồng nghiệp của tôi hiện vẫn chưa có việc, phải chạy xe ôm công nghệ hay phụ bán quán ăn, cửa hàng quần áo… sống qua ngày. Chuyện về quê ăn Tết đối với chúng tôi rất xa vời".

Gắn bó với Công ty TNHH K.R (quận Bình Tân, TP HCM) vì môi trường làm việc thoải mái và năm nào cũng có thưởng Tết, chị Thạch Thị Hân cho biết không hy vọng nhiều vào thưởng Tết kỳ này. Khi dịch Covid-19 bùng phát, công ty nơi chị Hân làm việc bị ảnh hưởng nặng nề, đơn hàng sụt giảm khoảng 70% - 80%. Vì vậy, CN phải ngừng việc không hưởng lương vào tháng 5 và gần trọn tháng 6-2020. Sau đó, công ty cố gắng tìm đơn hàng để duy trì việc làm cho CN nhưng chỉ đạt 30% - 40% hiệu suất.

"Công ty của chồng tôi cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên thu nhập sụt giảm. Là dân ngoại tỉnh ở nhà thuê, hằng tháng còn phải gửi tiền về quê nhờ cha mẹ chồng chăm sóc con gái 2 tuổi nên vợ chồng tôi không có dư. Thời điểm ngừng việc, không ít đồng nghiệp của tôi đã xin nghỉ nhưng tôi ở lại. Tôi đã 45 tuổi, muốn tìm việc mới cũng khó" - chị Hân chia sẻ. 

Ông PHẠM XUÂN HỒNG, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM:

Giật gấu vá vai thưởng Tết

Hai đợt dịch Covid-19 khiến nhiều DN - đặc biệt là DN dệt may, da giày - bị tác động rất lớn. Nhiều DN không có đơn hàng phải thu hẹp sản xuất và cắt giảm lao động, khiến CN mất việc hoặc giãn việc. Từ đầu tháng 10, tình hình đơn hàng có cải thiện đôi chút nhưng khó khăn với DN vẫn còn. DN nào cũng muốn lo cho CN một cái Tết chu đáo để ổn định nguồn lao động sau Tết, tuy nhiên với tình hình này sẽ rất khó bảo đảm mức thưởng bằng năm ngoái (bình quân một tháng lương). Theo tôi, nhiều DN sẽ phải giật gấu vá vai để lo Tết cho CN.

Tổ chức "Tết sum vầy" cho 4.000 gia đình công nhân

LĐLĐ TP HCM chiều 2-12 đã triển khai kế hoạch tổ chức "Tết sum vầy" năm 2021 đến các cấp CĐ. Theo kế hoạch, LĐLĐ TP phân công LĐLĐ các quận 12, Phú Nhuận, Bình Tân, huyện Nhà Bè, CĐ Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn TNHH MTV, CĐ các KCX-KCN TP chọn 1 đơn vị có trên 300 lao động gặp khó khăn, thu hẹp sản xuất bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để phối hợp tổ chức "Tết sum vầy" tại cơ sở. Chương trình dự kiến có 4.000 gia đình CN tham gia với các hoạt động như: văn nghệ, tặng quà, thiệp chúc Xuân, lì xì cho con CN... LĐLĐ TP cũng lưu ý các CĐ cấp trên cơ sở căn cứ vào tình hình thực tế, phối hợp cùng các ban ngành, chính quyền, ban quản lý khu lưu trú, nhà trọ... tổ chức văn nghệ, hội thi bánh tét, bánh chưng, mâm ngũ quả, làm cành mai - đào cho NLĐ, tổ CN tự quản. Đối với các CĐ cơ sở, tổ chức "Tết sum vầy" bằng hình thức họp mặt tất niên, thăm hỏi, tặng quà cho NLĐ. Bên cạnh các chính sách chăm lo của DN, các CĐ cơ sở căn cứ nguồn kinh phí CĐ, chăm lo cho đoàn viên tại đơn vị.

H.Đào

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 2-12

Kỳ tới: Khó mấy cũng lo Tết cho công nhân

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo