xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ổn định căn cơ đời sống người lao động

Văn Duẩn

Theo TS Nhạc Phan Linh, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam), để ổn định đời sống người lao động, cần thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp

. Phóng viên: Ông có thể phác thảo về bức tranh lao động và đời sống của công nhân (CN) hiện nay?

Ổn định căn cơ đời sống người lao động - Ảnh 1.

TS NHẠC PHAN LINH

- TS NHẠC PHAN LINH: Nhận định chung là rất khó khăn và chưa biết đến bao giờ có thể hồi phục. Theo thống kê của Tổng LĐLĐ Việt Nam, tính từ tháng 9-2022 đến hết tháng 1-2023, đã có khoảng 1.300 doanh nghiệp (DN) tại 50 tỉnh, thành phố gặp khó khăn, bị cắt, giảm đơn hàng nên phải giảm giờ làm của khoảng 550.000 lao động. Con số này vẫn đang tiếp tục gia tăng trong nửa đầu năm 2023, đặc biệt tập trung ở các ngành, lĩnh vực thâm dụng lao động gồm dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử.

Nguyên nhân chính là do các nhà máy sản xuất thiếu hụt đơn hàng, sức tiêu thụ sụt giảm mạnh ở các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như châu Âu, Đông Bắc Á, Bắc Mỹ. Trong khảo sát tình hình việc làm của Viện CN và Công đoàn cuối năm 2022, ngay cả những lao động đang có việc làm, thời giờ làm việc giảm 10% xuống mức 43,5 giờ/ tuần, tương đương với 7 giờ 25 phút/ngày. 61,2% lao động đi làm không có tăng ca. Điều này đồng nghĩa với thu nhập của CN bị sụt giảm, tiêu cực nhất là mất sinh kế.

Tổng cục Thống kê công bố thu nhập bình quân tháng của người lao động (NLĐ) năm 2022 là 6,7 triệu đồng tính chung trên lực lượng lao động. Số liệu của chúng tôi là 8,74 triệu đồng/ tháng tính trên số lao động đang có việc làm. Tuy nhiên, tiền lương cơ bản chỉ ở mức 5,9 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, mức chi tiêu trung bình là 10,3 triệu đồng/tháng, tức là mức thu nhập chỉ đạt 84% mức chi tiêu hằng tháng. Điều này phản ánh mức thu nhập không đủ sống của NLĐ.

. Thu nhập thấp ảnh hưởng đến điều kiện sống của NLĐ, ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

- Nhà ở là một trong những điều kiện sống và làm việc cơ bản của một NLĐ. Tuy nhiên, đa phần người trong độ tuổi lao động (15 - 30) do chưa có tích lũy, mức thu nhập thấp nên đang sống trong các căn nhà trọ nhỏ và siêu nhỏ, đặc biệt là lao động nhập cư - 45,2% phải sống trong các căn nhà trọ cấp 4; 9,7% sống trong các căn hộ tập thể hoặc nơi nghỉ do đơn vị, DN cung cấp. Về không gian sinh hoạt, nhiều căn nhà trọ có diện tích chỉ 2 - 5 m2, không có nước máy, không có phòng vệ sinh khép kín, không có chỗ để xe. Tuy nhà trọ nhỏ nhưng mức phí thuê NLĐ phải chi trả tương đối lớn, dao động từ 600.000 đồng (khi thuê chung) đến 1,8 triệu đồng/tháng (thuê riêng). Theo tính toán của chúng tôi, chi phí cho việc thuê nhà hiện chiếm 17,8% tổng thu nhập và 15% tổng chi tiêu của NLĐ.

Ổn định căn cơ đời sống người lao động - Ảnh 2.

Con công nhân học tại Trường Mầm non Thanh Bình (KCX Linh Trung II, TP Thủ Đức, TP HCM). Ảnh: HỒNG ĐÀO

. Đâu là rào cản trong việc phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) và các thiết chế Công đoàn ở KCX-KCN phục vụ CN và con em họ?

- Có 3 nguyên nhân chính: Thứ nhất, vướng mắc về chính sách. Một số nhóm chính sách cần được thay đổi như: chính sách tăng quỹ đất cho NƠXH, nhà ở cho CN; chính sách miễn tiền sử dụng đất mà không cần thủ tục tính tiền sử dụng đất; chính sách chi phí, giá bán nhà ở theo hướng thủ tục nhanh gọn phù hợp với CN; chính sách đẩy mạnh các hình thức thuê và thuê mua…

Bên cạnh đó, khi Luật Đất đai chưa sửa đổi, việc giao đất xây dựng thiết chế Công đoàn phục vụ nhu cầu ở, sinh hoạt của CN không thể diễn ra, cho dù Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12-5-2017 phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế Công đoàn tại các KCX-KCN". với mục tiêu đầu tư xây dựng nhà ở, nhà trẻ, siêu thị và các công trình văn hóa, thể thao các KCX-KCN nhằm tăng cường sự phối hợp của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội để tạo điều kiện nâng cao đời sống CN trong KCX-KCN.

Điểm nghẽn là theo điều 54 và 55 Luật Đất đai năm 2013, Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội, không thuộc đối tượng được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu thương mại, nhà ở bán và cho thuê. Đối với DN sử dụng lao động, họ cũng khó có thể hỗ trợ CN của mình. Cụ thể, tại khoản 2 điều 53 Luật Nhà ở xác định hình thức DN, hợp tác xã bỏ vốn mua, thuê nhà ở để cho NLĐ trong đơn vị thuê là một hình thức phát triển NƠXH. Tuy nhiên, trong quy định của Luật Nhà ở và các nghị định của Chính phủ không có hành lang pháp lý cho hình thức phát triển NƠXH này.

Thứ hai, vướng mắc về nguồn vốn, quỹ đất. Cụ thể, việc xây dựng NƠXH, nhà ở cho CN còn gặp khó khăn khi thiếu nguồn vốn, nhất là khi gói 30.000 tỉ đồng kết thúc thì nguồn vốn dành cho phát triển NƠXH càng hạn chế. Hai nhóm chính sách được bổ sung hỗ trợ: Nhóm 1 là hỗ trợ cho chủ đầu tư dự án, tham gia đầu tư xây dựng NƠXH được vay vốn, được hỗ trợ với lãi suất 2% với quy mô 40.000 tỉ đồng. Nhóm thứ 2 là gói giúp CN trong KCN-KCX vay vốn với quy mô 15.000 tỉ đồng, thời hạn cho vay 25 năm, lãi suất 4,8%. Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn vay và xác định đối tượng được hưởng ưu đãi vay vẫn còn chậm. Thứ ba, DN chưa mặn mà với việc đầu tư xây dựng NƠXH, nhà ở cho NLĐ thu nhập thấp, do chi phí đầu tư lớn, lợi nhuận thấp, thời gian thu hồi vốn dài.

. Để bảo đảm việc làm, an sinh bền vững cho NLĐ, theo ông, các cấp Công đoàn cũng như các địa phương, bộ, ngành cần làm gì?

- Câu hỏi này rất lớn, đòi hỏi giải pháp hệ thống, toàn diện, kiên trì và lâu dài. Muốn có việc làm bền vững cho CN, cần một loạt hệ thống chính sách cơ bản sau: Thứ nhất, nhóm chính sách tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng khu kinh tế, khu KCN-KCX, chính sách hỗ trợ DN các lĩnh vực ngành nghề trong sản xuất - kinh doanh... Thứ hai, nhóm chính sách về lao động, gồm các chính sách về hướng nghiệp, đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm, chuyển đổi việc làm, tiền lương, nâng cao thu nhập, thời giờ làm việc, điều kiện lao động... Thứ ba, nhóm chính sách chuyên biệt về an sinh xã hội, gồm các chính sách về bảo hiểm, NƠXH, hỗ trợ đời sống, tín dụng vay vốn với lãi suất thấp, hỗ trợ chăm sóc, giáo dục và bảo vệ con NLĐ.

Riêng vấn đề nhà ở, trước nhu cầu cấp thiết của CN về ổn định nơi ăn chốn ở để yên tâm làm việc, cần sự phối hợp đồng bộ cũng như trách nhiệm của nhà nước thể hiện thành quyết tâm tháo gỡ khó khăn về chính sách, thủ tục hành chính của các cơ quan, ban - ngành ở cả trung ương và địa phương, cũng như sự chia sẻ từ phía DN đầu tư trong KCX-KCN nhằm phát triển hạ tầng, xây dựng nhà ở. Công đoàn cần được trao quyền và chức năng đầu tư, phân phối, quản lý các công trình nhà ở cho CN, thiết chế văn hóa Công đoàn.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo