xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Người mất việc, giảm giờ làm trông chờ hỗ trợ

MAI CHI - HỒNG ĐÀO

Để được hỗ trợ, người lao động mất việc cần có thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động; bản sao các văn bản, phương án, quyết định sắp xếp việc làm, sản xuất - kinh doanh của người sử dụng lao động dẫn đến chấm dứt hợp đồng lao động.

Hôm nay, 31-3, là thời hạn cuối cùng để đoàn viên - lao động mất việc, giảm giờ làm nộp hồ sơ đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định 6696/QĐ-TLĐ của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Tuy nhiên, qua ghi nhận tại một số quận, huyện ở TP HCM, số lượng hồ sơ người lao động (NLĐ) và doanh nghiệp (DN) gửi về còn quá ít.

Nhiều lý do

Theo Quyết định 6696 (hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 06/NQ-ĐCT), NLĐ bị giảm giờ làm việc, ngừng việc; tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương; chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) từ ngày 1-10-2022 đến hết ngày 31-3-2023 thì được hỗ trợ, với mức từ 1-3 triệu đồng/người, tùy đối tượng.

Sau khi có hướng dẫn của LĐLĐ TP HCM, LĐLĐ quận Tân Bình đã chủ động phổ biến cách thực hiện hồ sơ đến Công đoàn cơ sở, DN và NLĐ. Đến nay, chỉ có 1 DN gửi hồ sơ nhưng do chưa hoàn thành nghĩa vụ đóng kinh phí Công đoàn nên không đáp ứng tiêu chí. LĐLĐ quận Tân Phú cũng chỉ nhận được 4 hồ sơ NLĐ ở một DN nhưng không đủ điều kiện hỗ trợ. Tại quận Gò Vấp, đến nay chỉ có 2 DN nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho hơn 100 NLĐ, trong đó 17 trường hợp HĐLĐ tạm hoãn, số còn lại mất việc do công ty giảm đơn hàng...

Người mất việc, giảm giờ làm trông chờ hỗ trợ - Ảnh 1.

Cán bộ Công đoàn Công ty TNHH Việt Nam Samho (bên phải) hướng dẫn người lao động làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Ảnh: MAI CHI

Ông Phạm Văn Tài, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Gò Vấp, cho hay trên địa bàn có DN giảm cả ngàn lao động do thiếu đơn hàng. Tuy nhiên, DN này không xây dựng phương án sử dụng lao động mà thỏa thuận với NLĐ. Sau khi thỏa thuận, NLĐ tự nộp đơn nghỉ việc. Trong khi đó, để được hỗ trợ, NLĐ mất việc cần có thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ; bản sao các văn bản, phương án, quyết định sắp xếp việc làm, sản xuất - kinh doanh của người sử dụng lao động dẫn đến chấm dứt HĐLĐ.

Quận Bình Tân là một trong những địa phương ở TP HCM có nhiều DN gặp khó khăn do thiếu đơn hàng. Ngoài việc giảm giờ làm, tạm hoãn HĐLĐ, một số DN phải cắt giảm số lượng lớn lao động. Chẳng hạn, Công ty TNHH Tỷ Hùng giảm gần 1.200 công nhân (CN) vào tháng 12-2022, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam giảm 2.358 CN vào tháng 3-2023…

Đến nay, số hồ sơ đề nghị hỗ trợ mà LĐLĐ quận Bình Tân tiếp nhận được là 598 - rất thấp so với số lao động bị ảnh hưởng. LĐLĐ quận Bình Tân cho biết nhiều NLĐ tuy mất việc do DN khó khăn nhưng đa số đều đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ theo Quyết định 6696. Trong tổng số hồ sơ nhận được, chỉ có gần 70 lao động mất việc ở Công ty TNHH Tỷ Hùng; số còn lại thuộc các trường hợp tạm hoãn HĐLĐ, giảm giờ làm.

Mong ngóng từng ngày

Do thiếu đơn hàng, chị Lê Thị Kiều Oanh, CN may Công ty TNHH Đại Thành Huy (quận 5, TP HCM) cùng với hơn 100 đồng nghiệp bị tạm hoãn HĐLĐ. Biết tin mình được hỗ trợ, chị rất vui và mong sớm nhận được tiền.

Ông Lê Quang Chính, Trưởng Phòng Hành chính nhân sự - Công ty TNHH Đại Thành Huy, cho biết DN chuyên sản xuất giày dép xuất khẩu sang châu Âu. Từ tháng 7-2022, dù gặp khó khăn nhưng ban giám đốc vẫn cố gắng tìm kiếm đơn hàng để duy trì việc làm cho CN. Khi có đơn hàng thì đối tác yêu cầu công ty phải sửa chữa nhà xưởng theo đúng tiêu chuẩn.

Trước đề nghị này, Công ty TNHH Đại Thành Huy quyết định tạm hoãn HĐLĐ với 101 lao động từ tháng 12-2022 đến hết tháng 4-2023. "Do bị hoãn HĐLĐ nên số đông CN gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều người phải tìm việc làm thêm tại nhà, thậm chí bán vé số để mưu sinh. Rất mong tiền hỗ trợ sớm đến tay CN để họ bớt vất vả" - ông Chính bày tỏ.

Ngoài 1.400 lao động bị cắt giảm cuối năm 2022, do đơn hàng thiếu nên Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi) đã tạm hoãn HĐLĐ với khoảng 500 CN. San sẻ khó khăn với NLĐ, Công đoàn công ty đã tổ chức tiếp nhận, giúp họ chuẩn bị hồ sơ, thủ tục đề nghị hỗ trợ, kể cả những người đã nghỉ việc. Đến nay, Công đoàn công ty đã nhận khoảng 1.000 hồ sơ NLĐ để chuyển lên LĐLĐ huyện Củ Chi xem xét.

"Thu nhập của CN eo hẹp nên khi mất việc hay giảm giờ làm, cuộc sống của chúng tôi lâm vào cảnh khó khăn. Do vậy, khoản tiền hỗ trợ tuy không lớn nhưng rất hữu ích nếu được nhận vào lúc cần" - chị Trần Hiền Như, CN Công ty TNHH Việt Nam Samho, mong mỏi.

Theo Ban Chính sách Pháp luật - LĐLĐ TP HCM, đến ngày 30-3, 5 Công đoàn cấp trên cơ sở đã gửi hồ sơ NLĐ được hưởng hỗ trợ theo Quyết định 6696 về thành phố để xét duyệt theo quy định, gồm: quận 5 (102 hồ sơ), quận 8 (27), quận 12 (1.059), huyện Củ Chi (2.500) và Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn (15). LĐLĐ TP HCM đang đốc thúc các đơn vị thực hiện tiếp nhận hồ sơ đúng tiến độ, đồng thời rà soát, hoàn thiện việc xét duyệt để tiền hỗ trợ sớm đến tay NLĐ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo