xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lao động ngoại tỉnh không đơn độc

Bài và ảnh: MAI CHI

Luôn nhận được sự hỗ trợ, sẻ chia khi gặp khó khăn, nhiều công nhân ngoại tỉnh đã quyết định gắn bó và xem TP HCM như quê hương của mình

"Thấy vợ chồng tôi khó khăn, gia đình nhắn về quê sinh sống để dễ bề giúp đỡ. Thế nhưng, suy đi tính lại, vợ chồng tôi quyết định ở lại TP HCM vì ở đây có việc làm, thu nhập, có rất nhiều người sẵn sàng dang rộng vòng tay giúp đỡ khi chúng tôi gặp khó khăn. Sống ở đất khách nhưng chúng tôi không cảm thấy đơn độc". Chị Triệu Thị Mơ - 48 tuổi, công nhân (CN) Công ty TNHH Fly High Garment (quận Gò Vấp, TP HCM) - chia sẻ khi nói về lý do tiếp tục gắn bó với TP HCM.

Giúp nhau vượt khó

Hơn 20 năm trước, vợ chồng chị Mơ từ Nam Định vào TP HCM mưu sinh. Năm 2015, chị bị trượt đốt sống, vỡ đĩa đệm, phải phẫu thuật. Khi vết thương chưa hồi phục, chị lại mắc thêm bệnh Parkinson khiến sức khỏe giảm sút, chân yếu, tay run nên đi lại và làm việc rất khó khăn. Số phận như trêu ngươi khi 4 năm sau, chồng chị lại bị tai biến, liệt nửa người, không thể làm được gì. Từ đó, cuộc sống gia đình chị lâm vào cảnh khốn khó, mọi chi phí sinh hoạt, chữa bệnh đều phụ thuộc vào khoản thu nhập hơn 5 triệu đồng của chị.

Trong tình cảnh đó, chị Mơ nhận được sự cảm thông, sẻ chia chí tình từ lãnh đạo công ty và đồng nghiệp. Trải qua nhiều đợt cắt giảm lao động do doanh nghiệp gặp khó khăn, chị vẫn được ưu tiên giữ lại dù lớn tuổi, bệnh tật và năng suất lao động thấp. Giám đốc công ty còn hứa khi nào ông còn quản lý thì ngày đó chị còn có việc làm. Minh chứng là giữa năm 2020, khi công ty bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, trong khi nhiều đồng nghiệp phải ngừng việc 1 tháng không hưởng lương thì chị vẫn được bố trí việc để làm, chỉ nghỉ 3 ngày. Cùng với sự hỗ trợ từ công ty, chị Mơ còn thường xuyên được Công đoàn các cấp và chủ nhà trọ chăm lo. Bên cạnh đó, chị còn nhận được sự giúp đỡ thường xuyên của những người đồng cảnh ngộ trong khu trọ, chẳng hạn như chị Nguyễn Thị Bích Loan - nhân viên vệ sinh Công ty TNHH Ý Nhân. Chị Loan hiện sống cùng con trai và con dâu trong phòng trọ chật hẹp. Con trai chị vừa giao hàng vừa chạy Grab, còn con dâu là nhân viên bán hàng. Thu nhập bấp bênh, con dâu lại đang mang thai nên cuộc sống gia đình hết sức chật vật. Do vậy, vào những ngày cuối tuần, chị Loan phải xin đi phụ việc tiệc cưới để kiếm thêm thu nhập. Khó khăn là vậy nhưng chị không ngần ngại chia sẻ bữa ăn hằng ngày với vợ chồng chị Mơ. "Chồng mất sớm, tôi một mình nuôi con vất vả nên rất đồng cảm với hoàn cảnh vợ chồng chị Mơ. Do vậy, trong khả năng của mình, tôi giúp được gì cho vợ chồng chị ấy thì giúp" - chị Loan trải lòng.

Lao động ngoại tỉnh không đơn độc - Ảnh 1.

Chị Triệu Thị Mơ đang chăm sóc chồng tại khu nhà trọ

Xem như người thân

Cũng vì mưu sinh mà vợ chồng anh Nguyễn Tiến Nhân lên TP HCM mưu sinh từ hơn 10 năm nay. Khi đó, anh chị đến thuê phòng ở khu nhà trọ của ông Hồ Văn Trở ở ấp Nhị Tân, xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn. Làm việc ở TP và luôn nhận được sự sẻ chia kịp thời của chủ nhà trọ nên vợ chồng anh trụ lại TP từ đó đến bây giờ.

Trước đây, vợ chồng anh Nhân đều là CN Công ty TNHH MTV 27-7. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên cả hai vợ chồng lâm cảnh thất nghiệp. Anh Nhân may mắn tìm được việc làm ở một doanh nghiệp tư nhân với đồng lương khoảng 5 triệu đồng/tháng, còn vợ anh thì ai kêu gì làm nấy nên thu nhập không ổn định. Mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình đều phụ thuộc khoản thu nhập ít ỏi của anh, do vậy thiếu trước hụt sau. Hiểu được khó khăn đó, ông Trở đã quyết định tặng "Căn phòng mơ ước" cho gia đình anh Nhân. Ở "Căn phòng mơ ước", anh Nhân được miễn phí tiền thuê phòng 1 năm, chỉ trả tiền điện, nước; nhờ đó có điều kiện lo cho 2 con ăn học. "Từ lâu, vợ chồng tôi đã xem chú Trở như người thân và khu trọ là nhà của mình. Tình cảm và sự sẻ chia của chú khiến vợ chồng tôi cảm kích" - anh Nhân bộc bạch.

Khu trọ của ông Trở có 37 phòng, 85% người ở trọ là CN có hoàn cảnh khó khăn. Do vậy, nhiều năm liền, ông Trở không tăng giá thuê phòng (giá thuê chỉ từ 1-1,2 triệu đồng/phòng/tháng), điện, nước thu đúng giá quy định. Hằng năm, ngoài việc tổ chức tất niên, tặng quà vào dịp Tết, ông còn thường xuyên phối hợp cùng LĐLĐ huyện và các tổ chức, đoàn thể thành lập tổ CN tự quản, thực hiện nhiều chương trình tuyên truyền pháp luật, chăm lo cho CN ở trọ. Đặc biệt, từ năm 2018, ông còn kết hợp với Tổ chức Tài chính vi mô CEP hỗ trợ CN ở trọ vay vốn để giải quyết khó khăn đột xuất. Đến nay, có khoảng 20 trường hợp được vay vốn với tổng số tiền 300 triệu đồng.

"Đời sống của số đông CN ngoại tỉnh rất khó khăn, do vậy họ rất cần sự hỗ trợ khi gặp khó khăn. Sống cùng nhau nhiều năm, tôi hiểu và dần có tình cảm nên xem họ như người thân của mình. Do vậy, khi họ gặp khó khăn, tôi sẵn lòng giúp, đơn giản chỉ có vậy" - ông Hồ Văn Trở thổ lộ. 

Đối đãi chân tình

Với hơn 200 CN ở khu nhà trọ 155/25 Lê Đình Cẩn, khu phố 6, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP HCM, bà Nguyễn Thị Huệ còn hơn là người thân. Nhiều năm qua, giá thuê phòng luôn được bà Huệ giữ ổn định ở mức 1-1,2 triệu đồng/tháng. Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, bà giảm giá thuê trong tháng 5 và 6-2020 cho tất cả phòng với mức 300.000 đồng/phòng/tháng. Khi CN ở trọ gặp khó khăn, bà luôn động viên, thậm chí cho mượn tiền để giải quyết khó khăn đột xuất. Bà Huệ cũng là một trong những nhân tố tích cực tham gia các phong trào chăm lo cho CN do LĐLĐ quận Bình Tân phát động hằng năm.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo