xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Không gục ngã

Bài và ảnh: THANH NGA

Cuộc sống còn nhiều khó khăn, bệnh tật đeo đẳng nhưng anh Cao Xuân Lộc luôn mong muốn con trai được học hành đến nơi đến chốn

Chúng tôi đến thăm gia đình em Cao Quốc Huy (sinh năm 2006), một trong số 121 em học sinh là con công nhân sẽ được nhận Học bổng Báo Người Lao Động, vào một buổi chiều mưa. Căn nhà nhỏ của gia đình em nằm cuối con hẻm nhỏ trên đường Bến Bình Đông (quận 8, TP HCM) tuềnh toàng, trống trải vì chẳng có thứ gì đáng giá. Khi chúng tôi đến, chỉ có Huy và cha em là anh Cao Xuân Lộc - công nhân (CN) tạp vụ của Công ty CP Sơn Á Đông - ở nhà. Em đang soạn sách vở cho buổi học sáng hôm sau còn cha em vẫn đang trong thời gian nghỉ ngơi, bồi dưỡng sức khỏe sau ca phẫu thuật tim cách đây 2 tháng.

Hai lần cận kề cái chết

Thấy chúng tôi, anh Lộc gắng gượng đứng dậy lấy chiếc ghế đẩu mời ngồi, nét mặt lộ vẻ sự ái ngại. Anh nói cuộc sống còn nhiều lo toan quá, bản thân anh lại bệnh tật triền miên nên vợ chồng anh chẳng mấy khi sắm sửa, cái gì cần thiết lắm cho sinh hoạt gia đình thì mới dành dụm tiền để mua. Kể cả chiếc giường tầng đặt sát cửa cũng do hai cha con tự đóng lấy để làm chỗ nghỉ ngơi. Gương mặt khắc khổ nhưng cách nói chuyện cởi mở, lạc quan, ít ai biết anh vừa trải qua hai lần cận kề cái chết.

Anh Lộc kể vợ chồng anh kết hôn đã lâu nhưng sức khỏe chị không tốt nên chỉ ở nhà nội trợ và chăm con nhỏ, một mình anh làm đủ mọi công việc để kiếm tiền nuôi gia đình. 5 năm trước, anh xin vào làm việc tại Công ty CP Sơn Á Đông. Năm 2018, cảm nhận sức khỏe sa sút, anh mới quyết định đi khám. Khi phát hiện mình bị viêm gan C và buộc phải điều trị với chi phí vài chục triệu đồng, nếu không bệnh sẽ biến chứng, tinh thần anh suy sụp vì gia cảnh quá khó khăn. Thông cảm với hoàn cảnh của anh nên công ty đã hỗ trợ điều trị dứt điểm bệnh tật.

Không gục ngã - Ảnh 1.

Em Cao Quốc Huy chuẩn bị sách vở đến trường

Tuy nhiên, khi bệnh viêm gan C đã chữa khỏi, sức khỏe anh vẫn không khá hơn. Anh vẫn bị hành hạ bởi những cơn đau thắt ở ngực trái, thở cũng rất khó khăn. Nghi ngờ mình mắc bệnh tim, anh một lần nữa đi khám và bác sĩ phát hiện anh bị bệnh tim khá nặng (hẹp van 2 lá, hở van 3 lá, tăng áp phổi, suy tim). Anh tâm sự: "Nhìn chi phí hơn 100 triệu đồng cho ca phẫu thuật tim, tôi không dám nghĩ đến việc chữa trị vì sợ vợ con khổ cực. Trong lúc tôi tuyệt vọng thì Công đoàn công ty làm hồ sơ để nhận sự hỗ trợ từ Chương trình Trái tim nghĩa tình của LĐLĐ TP. Tháng 7-2019, tôi được mổ tim miễn phí tại Viện Tim TP HCM". Tấm biển trao kinh phí mổ tim tượng trưng của Chương trình "Trái tim nghĩa tình" được anh đặt ở vị trí trang trọng nhất trong nhà, xem đó là cách nhắc nhớ sự giúp sức của mọi người trong lúc khốn khó nhất.

Con sẽ không bỏ học nữa

Điều anh Lộc luôn áy náy là trong thời gian bệnh tật đã không nhận thấy sự bất ổn về tinh thần của cậu con trai Cao Quốc Huy, để con gián đoạn việc học tập một năm. Anh kể bản thân anh không biết chữ nên mong con mình được học hành đàng hoàng nhưng chính bệnh tật của mình lại ảnh hưởng đến việc học của con. Đến lúc con nghỉ học hẳn, anh mới biết nhưng đã quá trễ. "Trò chuyện với con, tôi khuyên con ráng học, đừng bỏ dở giữa chừng. Thấy bệnh tình tôi đỡ hơn nên cháu mới hứa sẽ đi học lại" - anh Lộc cho biết.

Chia sẻ với chúng tôi, Huy tỏ ra tiếc nuối vì để việc học gián đoạn. Huy bộc bạch: "Cha bệnh nặng trong khi nhà rất khó khăn, lúc đó em không có tâm trí đâu để học hành. Một phần sợ mình trở thành gánh nặng cho cha mẹ nên em mới nghỉ học. Nghỉ học em cũng buồn, quanh quẩn ở nhà phụ giúp được gì cho ba thì giúp. Thấy bệnh ba đỡ hơn nên em rất muốn đi học lại, lần này em sẽ cố gắng học, không bỏ giữa chừng nữa đâu".

Giữ lời hứa với ba, đầu năm học này, Huy đã đi học trở lại tại Trường THCS Lê Lai với tâm trạng háo hức. Thế nhưng, Huy vẫn canh cánh trong lòng nỗi lo vì cha em vẫn chưa đi làm lại được, gia đình lại không có nguồn thu nhập nào khác. Vì vậy, khi biết mình được nhận học bổng của Báo Người Lao Động, Huy rất vui. "Nhờ phần học bổng này, em san sẻ được một phần nào gánh nặng học phí đầu năm cho cha" - Huy tâm sự.

Lời kêu gọi

Nhằm triển khai có hiệu quả chương trình "Đồng hành cùng người lao động", đồng thời thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, từ năm học 2018-2019, Báo Người Lao Động đã triển khai chương trình học bổng "Chắp cánh ước mơ". Trong năm đầu tiên, với sự ủng hộ của các doanh nghiệp và mạnh thường quân, chương trình đã trao 115 suất học bổng với tổng trị giá gần 200 triệu đồng cho con CN vệ sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại TP HCM. Năm học 2019-2020, chương trình học bổng "Chắp cánh ước mơ" được đổi tên thành Chương trình học bổng Báo Người Lao Động. Nét mới của chương trình năm nay là ngoài con CN vệ sinh, chương trình sẽ mở rộng đối tượng hỗ trợ là con CN bị tai nạn lao động, CN mắc bệnh hiểm nghèo. Năm nay, chương trình tiếp tục trao 121 suất học bổng cho con CN bị tai nạn lao động, mắc bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP HCM.

Báo Người Lao Động trân trọng đón nhận những đóng góp, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, các mạnh thường quân và các nhà hảo tâm để tiếp sức cho chương trình. Mọi đóng góp, vui lòng gửi về: Chương trình học bổng Báo Người Lao Động hoặc chuyển khoản: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam Chi nhánh TP HCM, số tài khoản: 117000004884, đơn vị tiếp nhận: Báo Người Lao Động.

Kỳ tới: Vượt qua nghịch cảnh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo