xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hỗ trợ an sinh, ổn định đời sống

VĂN DUẨN thực hiện

TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cho rằng Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục thông qua, triển khai các gói an sinh xã hội song song với gói ưu đãi tín dụng để vừa giải quyết việc làm cho người lao động vừa hỗ trợ doanh nghiệp

* Phóng viên: Theo thống kê chưa đầy đủ của Tổng LĐLĐ Việt Nam, trong quý IV/2022, gần 500.000 người lao động (NLĐ) đã bị giảm giờ làm do doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn, đơn hàng giảm sút. Đáng chú ý, có tới 6.570 người phải nghỉ việc không hưởng lương và 41.642 người bị chấm dứt hợp đồng lao động. Ông có thể chia sẻ cảm nhận về những con số này?


Hỗ trợ an sinh, ổn định đời sống - Ảnh 1.

TS BÙI SỸ LỢI

- TS BÙI SỸ LỢI: Đại dịch COVID-19 trong 2 năm qua đã tác động rất lớn đến thị trường lao động, đặt ra những thách thức không nhỏ về bảo đảm an sinh xã hội. Đa phần NLĐ gặp vô vàn khó khăn trong tìm kiếm, duy trì việc làm, thu nhập; đời sống hết sức chật vật. Một bộ phận NLĐ quyết định rút BHXH một lần để giải quyết khó khăn trước mắt.

Trong khi đó, nhiều diễn biến bất lợi từ tình hình thế giới những tháng cuối năm 2022 có thể kéo dài sang năm 2023. Đáng lo ngại nhất là tình trạng tổng cầu giảm sút khiến nhiều nền kinh tế phải cắt giảm đơn hàng nhập khẩu. DN có vốn đầu tư nước ngoài lẫn DN Việt Nam vì thế phải thu hẹp sản xuất; NLĐ thiếu việc làm, giảm thu nhập.

Dù chưa đến Tết Nguyên đán 2023 nhưng nhiều lao động tại các khu công nghiệp lớn ở TP HCM và Bình Dương, Đồng Nai... đã trở về quê vì không có việc làm. Nhiều DN phải cho công nhân nghỉ Tết sớm hơn và dài ngày hơn thường lệ. Diễn biến không mấy tích cực từ kinh tế toàn cầu có nguy cơ gây hệ lụy vô cùng bất lợi cho nền kinh tế Việt Nam bởi sau khi NLĐ rời khỏi thị trường, nếu DN có đơn hàng trở lại sẽ rơi vào tình trạng thiếu lao động.

* Để hỗ trợ NLĐ và DN, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, cần cấp bách triển khai những giải pháp cụ thể nào, thưa ông?

- Theo tôi, cần tập trung triển khai nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ. Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện 1170 về các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống NLĐ. 

Công điện nêu nhiều giải pháp song quan trọng nhất là Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục triển khai các gói an sinh xã hội song song với gói ưu đãi tín dụng, để vừa giải quyết việc làm cho NLĐ vừa hỗ trợ DN. Cụ thể, hỗ trợ DN tiếp tục vay vốn để trả lương cho NLĐ, từ đó duy trì sản xuất - kinh doanh; hỗ trợ NLĐ phải tạm ngừng việc; hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân và các dịch vụ xã hội khác.

Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu ban hành chính sách giãn thời gian đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp. Trong trường hợp DN khó khăn kéo dài, cho phép DN và NLĐ chốt sổ để tạm dừng đóng BHXH cho đến khi hoạt động sản xuất - kinh doanh trở lại. 

Các đoàn thể như Công đoàn, Mặt trận Tổ quốc cùng các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp... trước mắt cần tiếp tục thực hiện chính sách chăm lo, hỗ trợ, từ thiện, nhân đạo đối với NLĐ để bảo đảm mọi người đều có Tết sum vầy, vui vẻ.

Về phía DN, trong bối cảnh đơn hàng bị cắt giảm, cần phải tái cơ cấu hoạt động theo hướng chuyển đổi ngành nghề sản xuất - kinh doanh; tìm kiếm việc làm mới để giữ chân NLĐ; chủ động đề xuất nhà nước hỗ trợ chi bảo hiểm thất nghiệp; đào tạo lại cho NLĐ để đáp ứng nhu cầu của ngành nghề mới chuyển đổi. 

Đồng thời, tính toán giảm giờ làm thêm, bố trí làm việc luân phiên... nhằm bảo đảm NLĐ vẫn còn thu nhập dù có giảm sút, để họ không bị mất việc, không bơ vơ. Trong tình huống buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động, cần kịp thời giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp để NLĐ trang trải cuộc sống trong giai đoạn mất việc làm.

Hỗ trợ an sinh, ổn định đời sống - Ảnh 2.

Cần tiếp tục triển khai chính sách an sinh xã hội để người lao động an cư lạc nghiệp, chung sức đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.Ảnh: HOÀNG TRIỀU

* Trước tình trạng một bộ phận NLĐ quyết định rút BHXH một lần vì quá khó khăn trong và sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, ông có lời khuyên nào dành cho họ?

- Việc một bộ phận NLĐ rút BHXH một lần có thể mang lại lợi ích trước mắt nhưng để lại hệ quả vô cùng nguy hiểm về lâu dài bởi BHXH được xem như "của để dành". Khi hết tuổi lao động, không có lương hưu và phải chờ đủ 80 tuổi mới được hưởng trợ cấp của nhà nước thì NLĐ sẽ rất khó khăn, sống sao nổi nếu không có tích cóp từ trước?

Cơ quan chức năng cần nhanh chóng tuyên truyền, giải thích, vận động để NLĐ hiểu rõ tầm quan trọng của lương hưu và lợi ích của việc tiếp tục tham gia đóng BHXH để hưởng lương hưu thay vì rút một lần. 

Chính quyền các địa phương cần vào cuộc, hỗ trợ DN giải quyết thủ tục hành chính một cách thuận lợi; phối hợp với tổ chức Công đoàn trong DN giải quyết các vấn đề an sinh xã hội như y tế, giáo dục; vận động chủ nhà trọ giảm tiền thuê cho công nhân. 

Mục tiêu cuối cùng là chăm lo đời sống NLĐ, giữ cho họ có việc làm ổn định cũng là giữ cho thị trường lao động được ổn định để chờ đơn hàng quay lại, hoạt động sản xuất - kinh doanh được khôi phục.

* Đầu năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11 về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình này. Tuy nhiên, việc triển khai chưa như kỳ vọng. Để tiếp tục thực hiện chương trình đạt hiệu quả thực chất trong bối cảnh năm 2023 được dự báo tiếp tục khó khăn, theo ông, các cấp, ngành cần hành động cụ thể ra sao?

- Các bộ, ngành, địa phương cần tuân thủ, chấp hành nghiêm và quyết liệt thực hiện những mục tiêu, chính sách đã được ban hành trong Nghị quyết 11 của Chính phủ để chính sách thực sự đi vào cuộc sống, đến được với người dân và DN. Lưu ý, đối tượng được hỗ trợ bao gồm: người dân, NLĐ bị ảnh hưởng do dịch bệnh; DN, HTX, hộ kinh doanh; ngành, lĩnh vực tạo động lực phục hồi và phát triển cho nền kinh tế.

Nghị quyết 11 nêu rất rõ mục tiêu tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho DN, các tổ chức kinh tế và người dân; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống NLĐ - nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. 

Các bộ, ngành, địa phương phải xem đây là trách nhiệm chính trị hệ trọng. Một chính sách được ban hành mà không đi vào cuộc sống, đối tượng hỗ trợ không tiếp cận được thì không thể xem là một chính sách có hiệu quả.

* "Bão giá" trong những tháng cuối năm 2022 khiến đời sống người dân nói chung, NLĐ bị mất việc làm, giảm thu nhập nói riêng càng chật vật hơn. Ông kiến nghị gì về chính sách điều hành, kiềm chế tăng giá đối với các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, nhiên liệu?

- Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nhà nước cần thể hiện vai trò điều hành kiềm chế lạm phát, ổn định thị trường hàng hóa tiêu dùng, nhất là những mặt hàng có tính chất cơ bản, thiết yếu; xử lý nghiêm hành vi nâng giá tùy tiện. Giá cả ổn định sẽ giúp thu nhập của người dân không bị giảm thêm, từ đó giúp tăng chi tiêu, đẩy tổng cầu tăng, đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. 

Bối cảnh đặc biệt hiện nay đòi hỏi sự sẻ chia từ cả hai phía DN và NLĐ. DN nên tính toán giảm bớt lợi nhuận để có điều kiện chăm lo, hỗ trợ NLĐ. Ngược lại, NLĐ cũng nên đồng hành với DN, “đồng cam cộng khổ”, giữ mối quan hệ hài hòa, chung sức vượt qua khó khăn.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo