xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gieo thói quen gặt tính cách

Thúy Liễu

Thực tập là cơ hội giúp sinh viên tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng làm việc, tuy nhiên một số bạn vẫn chưa biết tận dụng cơ hội này để học hỏi, nâng cao giá trị sức lao động của bản thân.

"Một số bạn sinh viên (SV) thực tập thấy công ty chúng tôi không quản lý giờ giấc nên thường xuyên đi làm trễ trong khi nhân viên chính thức tại công ty rất hiếm khi mắc lỗi này. Với tác phong làm việc như vậy, các bạn khó có thể tạo thiện cảm với nơi thực tập và điều này đồng nghĩa với việc tự làm khó mình trong quá trình tìm việc" - Bà Vũ Thị Lương, cán bộ phụ trách nhân sự một hệ thống thức ăn nhanh, chia sẻ như vậy sau quá trình hướng dẫn SV thực tập tại công ty.

Tạo thiện cảm từ việc nhỏ

Theo bà Lương, công ty không dùng nội quy để ràng buộc nhân viên mà tôn trọng tính tự giác, ý thức của mỗi người. Thế nhưng, việc các bạn trẻ tùy tiện giờ giấc làm việc là điều nên tránh. "Hành vi này nếu duy trì sẽ trở thành thói quen và bạn sẽ mất điểm trong mắt đồng nghiệp"- bà Lương, bày tỏ.

Gieo thói quen gặt tính cách - Ảnh 1.

Khi đã được người hướng dẫn giao việc, bạn cần chuyên tâm và cố gắng hoàn thành thật tốt công việc

Các chương trình liên kết, hỗ trợ qua lại giữa các đơn vị đào tạo và DN đã và đang mở ra nhiều cơ hội rèn giũa kỹ năng nghề nghiệp cũng như cơ hội việc làm cho bạn trẻ. Thế nhưng, trao đổi với chúng tôi, nhiều chuyên gia quản lý nhân sự cho biết rất ít SV coi đây là cơ hội để bổ sung kiến thức và cọ xát, nâng cao tay nghề. Thậm chí một số bạn trẻ chỉ thực tập cho qua chuyện để đủ điều kiện xác nhận tốt nghiệp. Những lỗi như đi muộn, về sớm, bỏ việc giữa chừng, viện cớ rời khỏi nơi làm công ty để cà phê, tán gẫu cùng bạn bè…vô hình đã khiến nhiều bạn trẻ để lại ấn tượng không tốt trong mắt người hướng dẫn nói riêng và doanh nghiệp (DN) nói chung.

Phải cầu thị

Khi mới vào thực tập, không ít bạn trẻ bị sốc khi bị các đồng nghiệp lớn tuổi giao làm những công việc lặt vặt như photo giấy tờ, sắp xếp hồ sơ, soạn thảo văn bản, thậm chí là pha dùm một tác cà phê...Tuy nhiên, các bạn đừng nản lòng mà hãy thực hiện tốt phần việc được giao bởi có thể đây là những thử thách từ đồng nghiệp để rèn luyện tính kiên nhẫn, khả năng thích nghi với môi trường làm việc cho các bạn.

Khi đã được người hướng dẫn giao việc, bạn cần chuyên tâm và cố gắng hoàn thành thật tốt công việc. Trong quá trình làm việc, nếu gặp khó khăn, bạn hãy mạnh dạn trao đổi thẳng thắn với người hướng dẫn hoặc bạn cùng nhóm. Thậm chí, bạn phải chủ động xin được tham gia vào những công việc mà bạn tự đánh giá mình có thể làm được nhờ vốn kiến thức đã học. "Làm việc với tinh thần cầu thị, chắc chắn bạn sẽ nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ đồng nghiệp đi trước. Bên cạnh đó, sự tự tin cũng sẽ giúp các bạn tạo sự tin tưởng nơi đồng nghiệp"- ông Cao Thanh Hùng, Giám đốc nhân sự Công ty Hùng Thanh (tỉnh Bình Dương), chia sẻ.

Không ngừng hoàn thiện bản thân

Ông VươngĐình Bích, Kế toán trưởng một DN lớn tại TP HCM dẫn chứng rất nhiều trường hợp mà theo ông là "không hiểu nổi các bạn đã học tập như thế nào ở trường". Một ví dụ, trong nghiệp vụ kế toán hoặc sử dụng tin học đơn giản, tổ hợp phím tắt Ctrl + C và Ctrl + V là thao tác đơn giản nhất nhưng các bạn vẫn không biết, thậm chí nhiều bạn cầm quyển hóa đơn hay chứng từ rồi thắc mắc vì sao có đến 3 tờ… Theo ông Bích, có 2 vấn đề mà các bạn SV cần rút kinh nghiệm từ việc này. Một là phải chủ động tìm hiểu xem ngành đang học cần bổ sung kiến thức gì để tự hoàn thiện kỹ năng. Hai là các bạn phải chịu khó quan sát và hỏi thật nhiều khi còn đi học và trong thời gian thực tập. Đặc biệt, đối với người đang đi học việc, đây là cơ hội để các bạn được tích lũy kinh nghiệm từ những người có thâm niên trong nghề".

Đừng tự "cô lập" mình

Có thể các bạn là người năng động, hoạt bát khi còn là SV- môi trường chỉ gồm những bạn bè cùng trang lứa. Tuy nhiên, khi đi thực tập hay thử việc thì văn hóa lại hoàn toàn lạ lẫm từ tác phong, trang phục, đối tượng giao tiếp…nhiều bạn SV trở nên nhút nhát, rụt rè, thụ động. Một số bạn chọn ngồi ở một góc hơi khuất để tránh ánh nhìn tò mò của đồng nghiệp; một số khác có việc thì làm, không có việc thì ngồi chơi, đọc báo, lướt facebook...Đây là một sai lầm khá lớn vì các bạn cần tận dụng khoảng thời gian vàng này để học hỏi và làm việc. Nếu chưa được phân công công việc thì bạn phải biết quan sát, đề nghị được hỗ trợ người hướng dẫn, đồng nghiệp hoặc ít nhất là tạo ấn tượng tốt với mọi người trong công ty.

Bà Nguyễn Thị Âu, nhân viên kế toán kiêm nhân sự tại quận 2, TP HCM chia sẻ: "Vì quá rụt rè nên các bạn cũng thụ động trong việc giao tiếp, chính vì vậy mà xảy ra nhiều chuyện dở khóc dở cười. Nhiều bạn SV thực tập đi cùng thang máy với giám đốc mà không dám mở miệng chào hỏi. Sau khi giám đốc bắt chuyện, hỏi han về quá trình thực tập thì bạn ấy mới chịu mở miệng". Theo bà Âu, các bạn trẻ phải chủ động tương tác với mọi đối tượng tại nơi làm việc bởi điều này giúp các bạn vừa tạo mối quan hệ, thiện cảm với người đối diện vừa rèn luyện khả năng giao tiếp.



Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo