xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chuyện ở xóm công nhân Khmer

Bài và ảnh: BẠCH ĐẰNG

Cùng giúp đỡ nhau trong cuộc sống và duy trì văn hóa truyền thống là nét đẹp ở các khu xóm trọ công nhân Khmer

Dọc theo đường DT 43, khu vực giáp ranh KCX Linh Trung II (quận Thủ Đức, TP HCM) và phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương là rất nhiều khu trọ của công nhân (CN) người Khmer. Nếu đã một lần đến đây, bạn cứ ngỡ lạc vào một làng Khmer ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Giữ gìn nét văn hóa truyền thống

Họ sống quây quần cùng nhau, nói tiếng Khmer, nghe nhạc Khmer, tổ chức các lễ hội dân tộc mình và nấu các món ăn đặc trưng. Khó kiếm ở đâu trong vùng này mà món bún nước lèo chỉ với bún và cá lóc vừa mộc mạc bình dân lại vừa đậm đà như ở đây.

Đến khu trọ của anh Thạch Na (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) trùng vào dịp Lễ dâng y báo hiếu Kathina, lễ hội chỉ một lần trong năm, mới thấy tính cộng đồng của CN Khmer. Dù vừa kết thúc ca làm việc nhưng các anh chị em CN vẫn đôn đốc nhau hoàn tất những phần việc trong lễ hội, từ dựng bàn, dựng sạp cho tới liên hệ chính quyền địa phương và nhờ hỗ trợ giữ gìn an ninh trật tự. Lễ Kathina năm nay, Thạch Na và nhiều anh em khác đi vận động anh chị em CN Khmer đóng góp kinh phí giúp đỡ một ngôi chùa nghèo ở quê. "Đời sống văn hóa, tinh thần của người Khmer gắn liền với sân chùa. Do vậy, với những người con Khmer xa xứ, giữa 4 bề nhà máy trùng trùng, cứ dịp lễ hội là nỗi nhớ quê nhân lên gấp bội. Đóng góp cho chùa là món quà ý nghĩa mà chúng tôi dành cho quê hương mình. Góp sức xây dựng quê hương nên tất thảy đều rất thanh thản và mong được nhận những điều tốt lành" - anh Thạch Na bộc bạch.

Chuyện ở xóm công nhân Khmer - Ảnh 1.

Công nhân Khmer Bình Hòa mang lễ vật về quê trong dịp lễ Kathina

Anh Thạch Được - CN đang làm tại KCX Linh Trung IImột thành viên trong ban tổ chức lễ hội - cho biết CN mỗi người tùy theo sức của mình mà đóng góp ít nhiều. Có người đóng góp ngay lúc vận động, có người bỏ ống heo đợi đến dịp lễ thì mang tặng. Số tiền quyên góp được niêm yết công khai và mang về quê trao tận tay cho sư trụ trì chùa. Ngày 28-10 vừa qua, chúng tôi có dịp theo chân họ mang lễ vật đến một ngôi chùa tại huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Đến nơi thì trời đã tối nhưng ban tổ chức lễ hội vẫn cố gắng chờ. Bà con đi đường gặp anh chị em CN cứ hỏi: "Ở Bình Dương về phải không con?" nghe rất cảm động. Một cụ cao niên ở địa phương tham gia lễ hội, chia sẻ: "Mỗi dịp lễ này là bà con dưới này đều mong con em của mình về nhà. Người người, nhà nhà thăm hỏi nhau, ai cũng vui và xúc động".

Tối lửa tắt đèn có nhau

Anh Thạch Được cho biết từ năm 2014 đến nay, được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, hằng năm CN Khmer đều đặn tổ chức các lễ Tết truyền thống cho những người con xa xứ. Những lần tổ chức Tết Ok Om Bok, Dolta hay Chol Chnam Thmay…, số lượng CN tham dự ước chừng hơn 2.000 người. Hầu hết họ là người cùng quê, cùng làng hay bà con họ hàng.

Người trước rước người đi sau, cứ thế hình thành xóm CN Khmer. CN trong xóm phần lớn làm trong KCX Linh Trung II và KCN Đồng An. "Tôi lên đây gần 10 năm nhưng chỉ đổi phòng quanh quẩn khu này chứ không đi xa. Sống gần bà con, anh em cùng quê nên tối lửa tắt đèn có nhau" - anh Thạch Được cho biết.

Cũng sống tại xóm trọ nhiều năm, anh Triệu Villa cho biết thể thao là món ưa chuộng nhất của anh em CN sau giờ làm. Chủ nhật là anh em gom lại chơi bóng đá, bóng chuyền. Cả xóm hiện có hơn 10 đội bóng, thi đấu giao hữu thường xuyên mỗi tuần. Các đội bóng ở đây có những cái tên nghe rất lạ như đội Bình Hòa 20, 23, "FC Xa và gần", "Maspéro", "Hội đồng hương Sóc Trăng"… Mỗi cái tên đều mang ý nghĩa riêng, chẳng hạn như "FC Xa và gần" có ý nghĩa anh em dù xa quê vẫn có thể hội tụ, chia sẻ đùm bọc lẫn nhau. Trong khi đó, "Maspéro" là tên một con sông ở Sóc Trăng - nơi tổ chức những cuộc đua ghe Ngo mỗi dịp lễ hội ghi dấu trong tâm thức bao thanh niên CN Khmer. Không chỉ anh em ở đây, còn có những nhóm CN Khmer ở tận Tân Uyên, Bình Dương cũng thường xuyên cử đội đến thi đấu giao lưu. Trong xóm trọ này, CN còn hình thành các đội văn nghệ để biểu diễn phục vụ bà con vào dịp lễ Tết. "Những điệu múa dân gian Khmer hầu như ai cũng thuộc nằm lòng, do vậy chúng tôi chỉ tập dượt và ráp lại thành đội. Trang phục có khi kiếm không đủ phải đặt thuê từ quê gửi lên" - anh Triệu Villa nói.

Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều chủ nhà trọ cho biết CN Khmer sống chan hòa tình cảm. Họ có ý thức hỗ trợ, như giới thiệu việc làm, tìm phòng trọ, đặc biệt là sẵn lòng giúp nhau khi ốm đau, bệnh tật. "Rất ít khi thấy họ đàn đúm, nhậu nhẹt. Tất thảy đều chí thú làm ăn và luôn mong muốn đóng góp thật nhiều cho quê hương. Suy nghĩ và cách sống của họ đáng trân trọng và học hỏi" - chú Chín Bình, một chủ nhà trọ trong xóm, nhận xét. 

Cần được nhà nước hỗ trợ

Theo thạc sĩ Lê Anh Vũ, Trường Đại học Thủ Dầu Một, chủ nhiệm dự án "Hỗ trợ sinh kế cho lao động Khmer nhập cư", lao động Khmer nhập cư ở khu vực Bình Hòa có tính cộng đồng chặt chẽ. "Mang tâm thức của những người con xa quê, họ luôn động viên và hỗ trợ nhau trong công việc lẫn đời sống, một lòng hướng về quê hương. Tuy nhiên, đời sống của họ vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả do những hạn chế về học vấn, tay nghề chuyên môn, thất nghiệp hay rào cản văn hóa, rất cần được nhà nước tiếp sức, hỗ trợ" - ôngVũ bày tỏ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo