xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

CHÊNH VÊNH LAO ĐỘNG PHI CHÍNH THỨC (*): Cần một điểm tựa

THÙY DƯƠNG

Đào tạo lại nghề một cách bài bản và kích thích phát triển khu vực kinh tế tư nhân nhằm tạo việc làm cho người lao động là cách đưa họ "cần câu" thay vì cho "con cá"

Nhìn vào con số gần 31 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng các giải pháp hỗ trợ cần được triển khai khẩn cấp hơn bao giờ hết. Nếu không, số lao động mất việc làm vào cuối năm sẽ còn nhiều hơn nữa, gây gánh nặng không nhỏ cho xã hội.

Đẩy mạnh chuyển đổi ngành nghề

Dẫn số liệu đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân có đăng ký vào GDP chỉ khoảng 8% - 9% trong khi kinh tế hộ gia đình và các khu vực phi chính thức khác lên đến 32%, TS Lê Đăng Doanh đánh giá cao sự đóng góp của khu vực phi chính thức đối với nền kinh tế trong nhiều năm qua. Tuy vậy, đây lại là khu vực dễ bị tổn thương nhất trong bối cảnh dịch Covid-19.

"Nếu không đánh giá toàn diện các đối tượng tham gia vào hoạt động kinh tế nói chung, rất có thể chúng ta sẽ bỏ rơi một bộ phận khi họ đứng ngoài các gói hỗ trợ" - TS Lê Đăng Doanh cảnh báo và đề nghị giảm bớt thủ tục phiền phức của các gói hỗ trợ để tạo điều kiện cho người lao động (NLĐ) yếu thế có thể tiếp cận.

Song, theo TS Lê Đăng Doanh, hỗ trợ bằng tiền mặt không giúp ích nhiều cho NLĐ bởi khoản trợ cấp gần như không đáng kể, ngân sách nhà nước cũng không đủ sức để tung ra quá nhiều gói giải cứu. "Quan trọng nhất là chính quyền địa phương phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức chuyển đổi sản xuất cho một bộ phận lao động ở khu vực phi chính thức bị ảnh hưởng thu nhập bởi dịch bệnh cũng như bộ phận lao động ở khu vực chính thức bị mất việc làm. Các ngành nghề có thể triển khai tạm thời là sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hàng handmade (làm thủ công)… để NLĐ cầm cự qua giai đoạn này. Tất nhiên, để sản xuất bài bản và sản phẩm có thể tiêu thụ được, cần có sự hướng dẫn chuyên nghiệp, đồng bộ từ địa phương, hội phụ nữ, hội nông dân… Qua giai đoạn này, khi kinh tế phục hồi, NLĐ thậm chí có thể sống tốt với nghề tạm thời này và biến nó thành nghề chính" - TS Lê Đăng Doanh góp ý.

CHÊNH VÊNH LAO ĐỘNG PHI CHÍNH THỨC (*): Cần một điểm tựa - Ảnh 1.

Lao động khu vực phi chính thức cần được nhà nước hỗ trợ về nhiều mặt để trụ lại, vượt qua khó khăn Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Mặt khác, cũng theo TS Lê Đăng Doanh, dù nền kinh tế đang lâm vào khó khăn, sức cầu giảm sút lớn nhưng Chính phủ vẫn nên có giải pháp tiếp tục kích thích kinh tế tư nhân phát triển sôi động hơn nữa thông qua hỗ trợ về vốn, lãi suất, khoa học - công nghệ… Chính khu vực này sẽ giải quyết được một lượng lớn lao động dư thừa từ trong và sau đại dịch Covid-19.

"Một ngành nghề có thể bị phá sản trong dịch nhưng không có nghĩa ngành nghề khác cũng sẽ bế tắc. Phát triển doanh nghiệp (DN) tư nhân với ngành nghề phù hợp trong giai đoạn này, chẳng hạn lĩnh vực công nghệ, giao vận, thương mại điện tử… có thể là một trong những lối ra" - TS Lê Đăng Doanh nói thêm.

Trao "cần câu" cho lao động yếu thế

Chuyên gia chính sách công Nguyễn Quang Đồng lưu ý chính sách cụ thể cho bộ phận lao động vốn hoạt động trong khu vực chính thức nhưng bị mất việc làm và trở thành lao động thời vụ, vãng lai. Nếu chính sách không đủ tốt, không những không hỗ trợ được NLĐ mà còn tiềm ẩn nguy cơ tệ nạn xã hội, gây bất ổn trật tự an toàn xã hội… Bên cạnh chính sách ngắn hạn như hỗ trợ tiền mặt thông qua thuế, trợ cấp thất nghiệp…, theo ông Đồng, cần tính đến chính sách dài hạn, trong đó quan trọng nhất là đào tạo lại nghề để người mất việc có khả năng tiếp cận việc làm mới khi có cơ hội.

"Thực tế, nguồn ngân sách cho các chương trình dạy nghề, đào tạo việc làm không thiếu. Đã có rất nhiều chương trình được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai nhưng tình hình giải ngân rất kém, chất lượng giải ngân không cao" - ông Đồng nêu thực trạng. Bởi vậy, ông Đồng góp ý giải pháp triển khai đào tạo dạy nghề theo kiểu mới để khắc phục tình trạng "giải ngân cho có", "giải ngân để kiếm lợi". Cụ thể, không giải ngân theo cách chuyển tiền xuống địa phương, DN để các cơ quan này tự tuyển dụng và đào tạo, thay vào đó, có thể phát cho người mất việc, lao động tự do, người thất nghiệp… các phiếu học nghề để họ tự tìm đến nơi đào tạo phù hợp với nhu cầu của họ.

Về phía cơ sở đào tạo nghề, sau khi tiếp nhận học viên, nhà nước sẽ thanh toán chi phí đào tạo tương ứng với số phiếu học nghề thực tế. "Từ đó, giảm được tình trạng móc ngoặc, các cơ sở và DN có thể cạnh tranh thu hút người học bằng đãi ngộ, bằng cơ hội việc làm hấp dẫn cho họ. Khi đó, sẽ tạo được thị trường đào tạo lao động có sự hỗ trợ của nhà nước một cách đúng nghĩa với hiệu quả lâu dài, căn cơ" - ông Đồng nói thêm và nhấn mạnh đây cũng là cách đưa cho NLĐ "cần câu" thay vì "con cá".

Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, dạy nghề lại là tối quan trọng bởi hoạt động này giúp tạo sẵn nguồn nhân lực đạt chất lượng cho quá trình hồi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19. Trong giai đoạn dịch bệnh, nếu khó tổ chức các lớp học tập trung, có thể triển khai học trực tuyến để nâng cao nhận thức, bổ sung lý thuyết cho NLĐ. Các hoạt động đào tạo lại nghề phải được miễn phí, triển khai song song với việc hỗ trợ nhanh chóng bằng tiền mặt (gồm tiền thuộc gói cứu trợ, tiền trợ cấp thất nghiệp…) để NLĐ có thể vừa cầm cự vừa đi học nâng cao kiến thức cũng như đi kiếm việc làm mới.

Mở rộng BHXH tự nguyện

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết năm 2016, cả nước có hơn 203.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Đến năm 2017, có hơn 224.000 người tham gia, tăng khoảng 10% so năm trước; đến năm 2018, khi có hỗ trợ tiền đóng của nhà nước, số người tham gia tiếp tục tăng nhanh, đạt hơn 277.000 người, tăng 23,6% so năm 2017. Đặc biệt, từ năm 2019, số người tham gia BHXH tự nguyện đã tăng vượt bậc, đạt hơn 574.000 người, tăng hơn 296.000 người. Tuy nhiên, so với tiềm năng phát triển, số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn rất thấp, nhất là số người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo tham gia BHXH tự nguyện trong 2 năm qua chỉ chiếm dưới 3% so với tổng số người tham gia BHXH tự nguyện. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này nhưng tập trung vào mấy vấn đề chính như: về chính sách, mức hỗ trợ của nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn thấp.

Mới đây, BHXH Việt Nam có Công văn số 2620 đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ tăng mức hỗ trợ từ nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện, nhất là người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, để nhiều người có đủ khả năng tham gia BHXH tự nguyện, hạn chế số người đang tham gia nhưng vì không có điều kiện tiếp tục tham gia đã phải dừng đóng, hưởng BHXH một lần. Theo đó, nâng mức hỗ trợ từ 30% lên 50% đối với hộ nghèo, từ 25% lên 30% đối với hộ cận nghèo và từ 10% lên 20% đối với các đối tượng còn lại.

"BHXH Việt Nam sẽ sửa đổi quy định về điều kiện, thời gian đóng BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu, kết hợp với điều chỉnh cách tính hưởng lương hưu. BHXH sẽ quy định điều chỉnh tăng và linh hoạt hơn về sự hỗ trợ của nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện, nhất là đối tượng nông dân, NLĐ phi chính thức không thuộc diện hộ gia đình nghèo, cận nghèo; quy định điều kiện về tuổi để được hưởng lương hưu giữa nam và nữ cho phù hợp để khuyến khích nông dân, NLĐ khu vực phi chính thức là nam giới tham gia BHXH tự nguyện" - ông Trần Đình Liệu cho biết.

N.Dung

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 9-9

Kỳ tới: Tập hợp người lao động vào nghiệp đoàn

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo