xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

CHẬT VẬT XOAY XỞ TRONG "BÃO GIÁ" (*): Tăng lương tối thiểu càng sớm càng tốt

NHÓM PHÓNG VIÊN

Việc tăng lương tối thiểu vùng sớm sẽ giúp cải thiện đời sống đang rất khó khăn của người lao động sau 2 năm không điều chỉnh lương

Đồng cảm với loạt bài "Chật vật xoay xở trong bão giá" của Báo Người Lao Động, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam, khẳng định đời sống của người lao động (NLĐ) hiện gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn tác động của đại dịch Covid-19. Lương tối thiểu (LTT) vùng không được điều chỉnh trong 2 năm, trong khi chỉ số CPI tăng cao, chính vì vậy, việc tăng LTT vùng sớm sẽ giúp cải thiện đời sống NLĐ.

Lương tăng, năng suất lao động sẽ cao hơn

Theo ông Quảng, khi được tăng lương, năng suất lao động của NLĐ cũng sẽ được cải thiện, từ đó gắn bó hơn với doanh nghiệp (DN). Bên cạnh đó, không chỉ ở góc độ NLĐ, việc tăng lương còn giúp DN giải bài toán thiếu hụt lao động sau dịch, nhất là ở các KCN, khu kinh tế trọng điểm. "Việc tăng LTT vùng chính là thông điệp, càng sớm càng tốt, để thu hút, lôi kéo NLĐ quay lại thị trường lao động hiện nay" - ông Quảng nói.

CHẬT VẬT XOAY XỞ TRONG BÃO GIÁ (*): Tăng lương tối thiểu càng sớm càng tốt - Ảnh 1.

Lương tối thiểu vùng không tăng khiến đời sống công nhân thêm chồng chất khó khăn. Ảnh: HUỲNH NHƯ

Theo các chuyên gia lao động, kinh nghiệm các quốc gia sau đại dịch cho thấy mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng đều tăng LTT vùng để bảo đảm NLĐ có điều kiện cùng DN vượt qua khó khăn. Việc tăng lương cũng gây áp lực nhất định với DN, nhưng đòi hỏi DN phải tìm cách nâng cao năng suất lao động, cải tiến khoa học công nghệ, quy trình sản xuất, từ đó tăng năng suất lao động, đặc biệt là cải thiện đời sống NLĐ.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắc Lắk) cho biết NLĐ đang rất ngóng chờ việc tăng LTT. Theo bà Xuân, thời gian vừa qua, NLĐ đã chia sẻ khó khăn với DN, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Ở nhiều DN, NLĐ phải làm việc 3 tại chỗ và đồng ý tăng giờ làm thêm. Theo nữ đại biểu Quốc hội, việc tăng LTT vùng từ ngày 1-7 là cần thiết, đúng đắn. Thời gian đầu, DN có thể gặp khó khăn với chính sách tăng LTT, nhưng về lâu dài, việc tăng lương không chỉ giúp NLĐ có thêm thu nhập, mà giúp ích cả DN có thêm động lực để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. "Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ quyết định tăng LTT với NLĐ theo hợp đồng từ ngày 1-7-2022 như Tờ trình của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và kiến nghị của Tổng LĐLĐ Việt Nam và theo nguyện vọng của hàng triệu lao động" - bà Xuân nói.

Về sự cấp bách khi đề xuất tăng LTT vùng từ ngày 1-7, đại biểu Phạm Trọng Nhân, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, cho rằng không cần phải bàn, dù nó thực sự chưa thể bù đắp được nhiều so mức tăng của giá cả mà chỉ như là một cơn mưa giải hạn. Trả lời câu hỏi vì sao NLĐ trông chờ tăng lương, ông Nhân dẫn chứng thực tế tại tỉnh Bình Dương, địa phương có số lao động làm việc trong các nhà máy cao thứ 3 cả nước. Tình trạng lương chưa tăng nhưng giá cả đã rục rịch lên làm cho những nỗ lực của nhà làm chính sách về lương ít nhiều giảm đi ý nghĩa, bởi chưa thể giải quyết một cách căn cơ vấn đề nâng cao đời sống cho NLĐ. "Giá cả lương thực hàng hóa, nhu yếu phẩm bày bán quanh khu vực sinh sống của NLĐ do người bán lẻ tự quyết nhưng việc kiểm soát giá cả không hiệu quả. Theo tôi, việc quản lý giá cả hàng hóa cần được xem là một chính sách mang tính nhân văn đối với đại bộ phận NLĐ chứ không chỉ đơn thuần là kiểm soát lạm phát" - ông Nhân nói.

Phải có thiện chí chăm lo

Cùng NLĐ trải qua giai đoạn vượt khó suốt thời gian dài chống dịch, ông Đào Sĩ Trung, Chủ tịch Công ty CP Gilimex (quận Bình Thạnh, TP HCM), cũng cho rằng không nên lùi thời điểm tăng LTT vùng. Suốt hơn 2 năm qua, NLĐ đã phải chịu rất nhiều thiệt thòi khi chấp nhận điều kiện làm việc khắc nghiệt hơn vì dịch bệnh trong khi LTT không được điều chỉnh. Mặt khác, nhiều CN còn phải chịu thêm nhiều khoản chi phí phát sinh để phòng dịch và điều trị (trong trường hợp nhiễm bệnh). Họ đã chịu khó, chịu khổ, cố gắng bám trụ cho đến thời điểm này. Vì vậy, ông Trung cho rằng việc tăng LTT vùng nên bắt đầu từ ngày 1-7 là hợp tình hợp lý.

Để san sẻ khó khăn với NLĐ sau dịch Covid-19, nhiều DN tại TP HCM đã chủ động tăng lương cho NLĐ. Mới đây, Công ty CP Vĩnh Thành Đạt (quận 12, TP HCM) đã quyết định tăng lương cho 200 công nhân (CN). Tùy vị trí công việc, CN được tăng lương từ 10%-15%. Hiện thu nhập bình quân của NLĐ trong công ty trên 10 triệu đồng/tháng. Theo ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP Vĩnh Thành Đạt, việc sớm tăng lương cũng là cách giữ chân NLĐ trong tình hình cạnh tranh lao động gay gắt như hiện nay. Tương tự, Công ty CP Kềm Nghĩa (KCN Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP HCM) đã chủ động tăng lương cho hơn 1.100 CN từ tháng 2-2022. Hiện thu nhập bình quân của CN đạt hơn 8 triệu đồng/tháng. Đại diện DN cho biết rất ủng hộ chính phủ tăng LTT vùng nhằm bảo đảm đời sống NLĐ. 

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 5-6

Kỳ tới: Chia khó cùng công nhân


Luật sư NGUYỄN VĂN PHÚC, Đoàn Luật sư TP HCM: Chưa đáp ứng mức sống tối thiểu

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số tiêu dùng (CPI) từ năm 2020 đến nay liên tục tăng. Năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,23%, năm 2021 tăng 1,84% và CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2022 tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, gần 2 năm qua Chính phủ không điều chỉnh LTT vùng nên thu nhập của NLĐ không tăng, đời sống của họ vì thế gặp nhiều khó khăn. Vừa qua, sau khi thống nhất ý kiến giữa các bên gồm đại diện NLĐ và giới chủ, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đề xuất Chính phủ tiến hành điều chỉnh LTT vùng cho NLĐ từ ngày 1-7-2022, mức tăng 6%. Nếu đối chiếu với mức tăng gộp CPI từ năm 2020 đến nay thì mức tăng lương cho NLĐ chưa theo kịp. Bên cạnh đó, với mức LTT đề xuất tăng ở mức 4,68 triệu đồng (vùng 1), 4,16 triệu đồng (vùng 2), 3,63 triệu đồng (vùng 3) và 3,25 triệu đồng (vùng 4) vẫn chưa đáp ứng mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ theo khái niệm của Bộ Luật Lao động. Việc chấp nhận mức lương không đổi suốt 2 năm qua và mức tăng đề xuất không như kỳ vọng thể hiện sự sẻ chia của NLĐ với người sử dụng lao động trong giai đoạn khó khăn. Đáp lại sự sẻ chia đó khi tình hình sản xuất kinh doanh dần hồi phục, người sử dụng lao động cũng cần sớm điều chỉnh tiền lương cho NLĐ. Để thúc đẩy điều này, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định về tiền LTT vùng theo đề xuất của Hội đồng Tiền lương quốc gia.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo