xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bẫy người lao động

Bài và ảnh: Mai Chi

Chỉ vì kiến thức pháp luật hạn chế, nhiều người lao động đã vô tình rơi vào những chiếc “bẫy” mà người sử dụng lao động giăng ra

Trong phiên xử sơ thẩm mới đây, TAND huyện Củ Chi, TP HCM đã bác đơn khởi kiện của anh Phan Văn Đâu yêu cầu Công ty TNHH N.V bồi thường thiệt hại vì đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) trái pháp luật. Lý do là vì anh Đâu không cung cấp được bản chính HĐLĐ và không chứng minh được việc công ty đã trả lương cho mình.

Thiệt thòi vì cả tin

Theo trình bày của Đâu, anh và công ty ký HĐLĐ không xác định thời hạn từ ngày 15-10-2012 với công việc lái xe, trả lương qua thẻ ATM. Sau khi ký HĐLĐ, công ty chỉ đưa cho anh Đâu một bản sao HĐLĐ và trả lương bằng tiền mặt theo đề nghị của anh vì trụ ATM quá xa.

“Đến ngày 10-5-2013, tôi ký tiếp 1 bản HĐLĐ khác thời hạn 2 tháng theo yêu cầu của công ty để đối phó với sự kiểm tra của cơ quan chức năng vì không tham gia BHXH cho nhân viên. Khi hợp đồng 2 tháng hết hạn, tôi vẫn làm việc bình thường thì ngày 8-1-2014, công ty đột ngột cho tôi nghỉ việc mà không nói rõ lý do, cũng không bồi thường thiệt hại” - anh Đâu cho biết.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thanh Tuyền, đại diện công ty, khẳng định chữ ký của ông T.X.D, giám đốc công ty, trên bản HĐLĐ không xác định thời hạn là thật nhưng đó chỉ là bản sao, anh Đâu không đưa ra được bản chính nên không thể khẳng định bản HĐLĐ này là có thật.

“Từ tháng 10-2012, anh Đâu lái xe cho cá nhân ông D. Sau đó, công ty có nhu cầu tuyển nhân viên thời vụ nên mời anh Đâu vào làm việc 2 tháng. Hết hạn, anh Đâu lại làm việc cho ông D. Lương anh Đâu được trả từ tài khoản cá nhân của ông D., không phải từ kế toán công ty như những nhân viên khác nên không thể nói là làm việc cho công ty” - bà Tuyền giải thích.

“Do quen biết từ trước, tôi được ông D. mời vào làm cho công ty. Ông D. là chủ công ty nên tôi cho rằng tiền lương của mình do ông ấy trả cũng không có gì lạ. Hơn nữa, chỉ có vài tháng tôi nhận tiền qua tài khoản, còn sau đó ký nhận trực tiếp. Tuy nhiên, bản ký nhận lương do công ty giữ, tôi không có để cung cấp cho tòa nên đành chịu thiệt” - anh Đâu buồn rầu.

Lãnh đủ vì sơ suất

Anh Phạm Hải Anh ký HĐLĐ thời hạn 2 tháng rưỡi với Công ty TNHH Kỹ thuật lắp máy M.N (quận 9, TP HCM) từ ngày 17-10-2013 đến 2-1-2014. Thấy công việc không phù hợp, khi gần hết hạn hợp đồng, anh thông báo miệng với phòng nhân sự về việc sẽ không ký tiếp HĐLĐ mới và yêu cầu tìm người thay thế. Bộ phận nhân sự cũng truyền đạt ý kiến của giám đốc yêu cầu anh phải bàn giao công việc trong vòng 45 ngày.

Công nhân đến Báo Người Lao Động nhờ can thiệp, bảo vệ quyền lợi
Công nhân đến Báo Người Lao Động nhờ can thiệp, bảo vệ quyền lợi

“Tuy yêu cầu của giám đốc là không thỏa đáng nhưng thông cảm với khó khăn của công ty khi chưa tìm được người thay thế, tôi làm thêm đến ngày 12-1-2014 mới nghỉ việc. Thế nhưng đến nay, công ty không chịu trả 20 ngày lương và các khoản phụ cấp còn thiếu cho tôi. Tuy khoản tiền ấy không nhiều nhưng cách hành xử của công ty khiến tôi cảm thấy rất ấm ức” - anh bức xúc.

Trả lời khiếu nại của anh Phạm Hải Anh, bà Nguyễn Thị Thùy, trưởng phòng nhân sự, lý giải: Ngày 2-1, HĐLĐ của anh Anh hết hạn. Tuy anh Anh và công ty chưa ký hợp đồng mới nhưng anh vẫn đi làm bình thường thì giữa 2 bên đã xác lập HĐLĐ mới. Do đó, khoản tiền lương và phụ cấp của anh Anh đã bị công ty khấu trừ vào lỗi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật và vi phạm thời gian báo trước.

Tương tự, HĐLĐ của anh Huỳnh Tấn Phát (quận Tân Phú, TP HCM) hết hạn vào tháng 12-2013 nhưng Công ty TNHH Vĩnh Thái Thành (quận 6, TP HCM) không ký HĐLĐ mới. Nghĩ rằng HĐLĐ hết hạn đã lâu nên không còn gì ràng buộc với công ty, ngày 5-6-2014, anh Phát nộp đơn xin thôi việc và nghỉ việc cùng ngày sau khi được ông Đặng Minh Tâm, quản lý công ty, phê duyệt. Thế nhưng đến nay, công ty vẫn chưa trả hồ sơ gốc lái xe, sổ BHXH và ra quyết định thôi việc cho anh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Minh Tâm giải thích: Vì Phát nghỉ việc nhưng không báo trước 30 ngày theo quy định, đồng thời anh đã ký thỏa thuận đồng ý để công ty giữ hồ sơ gốc lái xe và chỉ trả lại sau khi nghỉ việc 30 ngày nên đúng ngày 5-7, công ty mới trả hồ sơ và hoàn tất thủ tục thôi việc. Dù chúng tôi giải thích việc giữ hồ sơ gốc của người lao động là trái với quy định của pháp luật nhưng ông Tâm vẫn nhất quyết “làm theo cam kết” và thách thức người lao động đi kiện.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo