xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bất cập trên thị trường lao động

NGỌC ANH - MÂY TRINH

Nhiều địa phương than thiếu lao động nhưng có nơi công nhân khó tìm việc

Sàn giao dịch việc làm (GDVL) được tổ chức tại quận 4, TP HCM mới đây có sự tham gia của gần 20 doanh nghiệp (DN), tuyển dụng hơn 1.300 vị trí việc làm. Dù đưa ra mức lương và chế độ đãi ngộ hấp dẫn nhưng các DN vẫn không tuyển đủ nhân sự do quá ít ứng viên tham gia.

Cả buổi sáng nhận chưa đến 10 hồ sơ

Theo ghi nhận của chúng tôi, người lao động (NLĐ) đến sàn GDVL chủ yếu để làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN). Điển hình là chị Huỳnh Nguyễn Kim Tiến (SN 2000; ngụ quận 8, TP HCM).

Trước đó, chị Tiến là nhân viên chăm sóc khách hàng cho một công ty ở quận 1, TP HCM. Do DN kinh doanh khó khăn nên chị Tiến có tên trong danh sách cắt giảm lao động. Giải thích nguyên nhân vì sao có DN cần tuyển đúng chuyên môn mà lại thờ ơ, chị Tiến cười trừ: "Công việc của chồng vẫn ổn định nên không phải lo. Mức TCTN tôi nhẩm tính hằng tháng cũng hơn 3 triệu đồng, vừa đủ chi tiêu nên tranh thủ làm thủ tục hưởng. Vậy nên tôi chưa vội tìm việc mới mà muốn nghỉ ngơi một thời gian rồi tính tiếp".

Anh Phan Thanh Long (SN 1987; ngụ huyện Nhà Bè, TP HCM) cũng đến sàn giao dịch để nộp hồ sơ hưởng TCTN. Anh Long từng làm cho một DN xây dựng tại quận Bình Thạnh, TP HCM, với mức lương kỹ sư gần 30 triệu đồng/tháng. Thị trường bất động sản biến động, công ty phá sản nên anh thất nghiệp.

"Tại sàn GDVL lần này chủ yếu tuyển lao động phổ thông, một vài DN tuyển dụng lao động có trình độ thì không phù hợp với chuyên môn, thu nhập. Hiện có nhiều kênh tuyển dụng chuyên ngành qua mạng xã hội để lựa chọn, không khó để tôi tìm kiếm công việc mới’ - anh Long nói. Ngoài ra, anh còn dự định hưởng hết 12 tháng TCTN và làm thủ tục hưởng BHXH một lần, nên không muốn tìm công việc cố định vào thời điểm này.

Tham gia sàn GDVL để tuyển 3 nhân sự cho các vị trí nhân viên kinh doanh, kế toán, trợ lý định phí bảo hiểm, bà L.K.N - phụ trách tuyển dụng cho một DN chuyên kinh doanh lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ có trụ sở tại quận 4 - cho biết ngồi hết buổi sáng nhận chưa đến 10 hồ sơ. Tuy nhiên, qua sàng lọc thì không có ứng viên nào phù hợp.

"Trước đây, công ty thường đăng tuyển thông qua các website tuyển dụng hoặc nội bộ giới thiệu. Đây là lần đầu công ty tham gia sàn GDVL trực tiếp để tuyển dụng nhân sự nhưng kết quả không như mong muốn" - bà N. than.

Bất cập trên thị trường lao động - Ảnh 1.

Người lao động làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại sàn giao dịch việc làm tổ chức tại quận 4, TP HCM. Ảnh: NGỌC ANH

Nơi thừa, nơi thiếu

Tại tỉnh Đồng Nai, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh mới đây đã tổ chức sàn GDVL lần thứ 3-2023, với sự tham gia của 22 DN có nhu cầu tuyển dụng 865 lao động. Tại sàn giao dịch có khoảng 350 NLĐ tìm việc làm và phỏng vấn trực tiếp. Dự kiến có 220 lao động được tuyển dụng trong các lĩnh vực như: may mặc, xuất khẩu lao động, dịch vụ tài chính..., chưa đáp ứng 1/3 nhu cầu của các DN.

Ông Nguyễn Hoàng Trọng Anh, chuyên viên tuyển dụng Công ty TNHH Fashion Garments (TP Biên Hòa) - chuyên sản xuất sản phẩm may mặc có 3 nhà máy đặt tại tỉnh này, cho hay lượng đơn hàng dồi dào, DN cần tuyển 500 lao động cho nhà máy đặt tại huyện Tân Phú nhưng tìm vẫn chưa đủ người. "Mức lương công ty đưa ra để thu hút lao động hiện cao so với mặt bằng chung, công nhân may có lương cơ bản gần 4,7 triệu đồng/tháng chưa kể tăng ca, thưởng năng suất, chuyên cần. Thu nhập bình quân từ 6-8 triệu đồng/tháng, tùy vị trí làm việc nhưng NLĐ vẫn không mặn mà" - ông Trọng Anh dẫn chứng.

Tại một DN ở KCN Việt Nam - Singapore (VSIP; TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) mới đây, chúng tôi chứng kiến cảnh hàng trăm lao động chen nhau nộp hồ sơ xin việc. Đại diện DN cho biết công ty chỉ tuyển khoảng 150 công nhân nhưng số lượng người nộp hồ sơ quá đông. "Tiêu chí để vào công ty cũng dễ, chỉ cần từ lớp 6 trở lên, phỏng vấn trực tiếp, nên ai đến nộp hồ sơ trước thì sẽ có cơ hội nhiều hơn" - lãnh đạo công ty cho hay. Thất vọng, nhiều NLĐ mang hồ sơ ra về.

Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, cho biết thị trường tuyển dụng từ cuối năm 2022 đến quý I/2023 vẫn chưa có tín hiệu khả quan. Qua khảo sát, đến quý II, các DN mới có nhu cầu tuyển dụng khoảng 10.000 NLĐ, trong đó lao động có tay nghề chiếm 75%-80%, tập trung ở lĩnh vực may quần áo, túi xách, gỗ nội thất, cơ khí. "DN có nhu cầu tuyển dụng đa số là nhỏ và vừa, số lượng từ vài người đến vài chục người. Trong khi những DN lớn hầu như không có nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông mà còn cắt giảm" - ông Tuyên cho hay.

Đồng Nai: Người xin hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng

Theo Trung tâm DVVL tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm 2023 đến nay, trung tâm đã tiếp nhận hơn 12.000 hồ sơ của NLĐ nộp xin hưởng TCTN. Hằng năm, từ tháng 3 đến tháng 9, số lượng NLĐ làm thủ tục sẽ tăng, trong đó những ngày cao điểm, đơn vị tiếp nhận trên 2.500 thủ tục hành chính. Dự báo tháng 4, số người xin hưởng TCTN sẽ tăng thêm khoảng 30% so với các tháng trước. Nguyên nhân là do một số DN gặp khó khăn về đơn hàng nên thu hẹp sản xuất và giảm lao động.

Nhằm hỗ trợ NLĐ thất nghiệp sớm tìm kiếm việc làm mới, Trung tâm DVVL tỉnh Đồng Nai sẽ tuyên truyền thông tin tuyển dụng của DN bằng nhiều kênh nhằm kết nối việc làm cho NLĐ. Bên cạnh đó, hỗ trợ đào tạo nghề để họ tìm được công việc phù hợp, ổn định cuộc sống.

T.Lâm

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo