15/07/2021 11:06

Mùa dịch - cơ hội huấn luyện chồng lười

Kiên trì kéo anh vào việc nhà, tôi muốn anh hiểu nấu một bữa ăn cực ra sao, quần áo làm thế nào để sạch sẽ...

Chồng tôi tốt tính, chúng tôi lấy nhau mười mấy năm, chưa một lần anh cáu giận với vợ con. Những khi tôi cáu thì anh vội làm lành, nhận lỗi. Con lỡ làm gì sai là anh xung phong gánh tội giùm dù là tội "uống một lốc sữa một ngày" hay tội "xé bỉm làm băng tuyết". Mỗi lần anh nhận tội thay con đều khiến tôi phì cười, quên cả giận.

Chồng tôi cũng rất chịu khó làm ăn. Anh say việc quên giờ giấc, đến nỗi có thể ngồi từ 7 giờ tối đến 4 giờ sáng, và vì mê việc nên thu nhập của anh khá tốt. Thế nhưng chồng tôi không biết làm việc nhà. 

Mùa dịch - cơ hội huấn luyện chồng lười - Ảnh 1.

Tôi quyết tâm "cải tạo" chồng (Ảnh minh họa)

Dịch COVID-19 bùng phát, cũng như bao người, cả tôi và chồng đều làm việc ở nhà. Vì đối tác của chồng tôi toàn ở nước ngoài nên giờ giấc của anh cũng theo họ, ngày nghỉ đêm làm.

Ngày nghỉ đêm làm nên chồng tôi thường nằm khểnh coi tivi, còn hùa với con bày việc cho tôi làm trong khi tôi luôn chân luôn tay mà mãi không hết việc. Bực mình, tôi quyết tâm... "cải tạo" chồng.

Đầu tiên là việc nấu ăn, tôi ngỡ ngàng khi anh không phân biệt được rau muống với xà lách xoong, cải thìa với cải xanh, tần ô với rau mùi...

Bảo anh phân biệt bằng mùi thì anh hồn nhiên: "Anh chỉ quen với mùi khi nó chín thôi, còn sống mùi nó khác!".

Thịt anh cũng không biết đâu là ba chỉ, đâu là thịt vai, tại sao cũng nạc mà chỗ này kêu nạc dăm, miếng đó lại là cốt lết. Các loại cá thì anh càng mù tịt, không phân biệt được loại nào tên gì, may mà anh còn phân biệt được cá, tôm, mực.

Để giúp anh phân biệt các loại rau, tôi cho anh ngắm rau khi sống, vò lá cho anh ngửi và để anh nhận diện khi nấu chín. Mỗi lần như thế anh lại quay sang hai con, than thở: "Tên với tuổi, nhức cả đầu!".

Tôi còn phải chỉ anh cách nấu cơm. "Công cuộc" chỉ anh nấu cơm cũng mất cả tuần. Tôi bảo anh lường nước bằng lóng tay thì anh cho rằng lóng tay anh dài, lỡ đâu cơm nhão, thế rồi anh lén đổ nước đi, kết quả là cơm sống. Hôm sau anh cũng chịu đo đúng một lóng tay nhưng quên là bữa ấy còn cơm nguội, chỉ nấu thêm một ít gạo, bữa đó cơm thành cháo.

Khi tôi cằn nhằn, anh hồn nhiên bảo cơm khô thì thêm nước vào, cơm nhão giúp cho dạ dày đỡ phải làm việc vất vả... Vậy rồi, sau một tuần, anh đã biết nấu nồi cơm không khô không nhão. 

Rồi còn phải chỉ anh cách luộc rau. Ơn trời, gần một tháng ngày ngày cặm cụi, anh đã biết luộc rau là phải đợi nước sôi mới cho rau vào chứ không phải xếp rau gọn trong nồi rồi đổ nước lạnh vào nấu như khi luộc khoai. Anh cũng biết chiên trứng, chiên thịt, chiên chả giò... với điều kiện đừng để anh ướp thịt.

Lại còn chuyện giặt quần áo. Đã mấy lần tôi suýt nổi khùng khi anh bảo cái này 100% cotton thì giặt khác, áo kia có 35% cotton thì giặt riêng. Thấy tôi gom hết quần áo của con cho vào máy giặt, anh ngơ ngác: "Làm sao máy biết phân biệt đồ nào dơ nhiều đồ nào dơ ít?".

Lúc này, không nhịn được, tôi điên tiết: "Sao anh không hỏi vì sao em biết phân biệt thịt cá, sao giữ được quần áo không lem màu mà lại đi lo cho cái máy giặt?".

Thấy anh tiu nghỉu tôi lại thương, đôi lần suýt bỏ cuộc vì nghĩ trên đời có ai hoàn hảo đâu. Rồi tôi lại kiên trì kéo anh vào những công việc hàng ngày, để anh hiểu nấu một bữa ăn cần chăm chút thế nào, quần áo anh mặc thế nào mới sạch sẽ vậy. Và biết đâu được một ngày nào đó vắng tôi, anh có thể tự mình lo cho bản thân và hai con.

Lúc trước không biết thì thôi, bây giờ biết rồi anh làm rất cẩn thận. Để lau nhà, anh lau hết bàn tủ kệ rồi mới hút bụi. Giặt áo, anh trải áo xuống nền, vuốt ve thẳng thớm rồi mới chà từng phần. Nhặt đậu cove, măng tây, anh bẻ từng khúc đều tăm tắp. Rửa chén, anh úp nghiêng từng cái gọn gàng. Thấy anh "tiến bộ", đôi khi tôi cảm thấy ghen tị, nghĩ mình sẽ nhanh chóng bị anh qua mặt.

Hai con thấy bố làm đâu ra đấy thì ngưỡng mộ và đòi bố dạy, anh nói với con: "Nấu ăn là một môn khoa học nghệ thuật tinh tế, cần áp dụng kiến thức toán lý hóa và phải có thêm kiến thức về xã hội, y tế...", tôi nằm nghe mà không nhịn được cười. Sáng nay tôi mới đi chích vắc xin COVID-19, người mệt mệt nhưng không phải lo lắng cơm nước vì đã có anh phụ trách.

Lần đầu tiên được ăn một bữa hoàn toàn do anh nấu, tôi thấy vui. Anh tự tin: "Cứ đà này bố đi thi cây đũa vàng vô tư!". Tôi gật gù đồng tình và ăn hết phần rồi yên tâm đi nghỉ. Nhìn ba bố con cùng nhau dọn bàn rửa chén, tôi quyết định không nói, thực ra thì hôm nay tô cháo thịt bằm trứng muối anh nấu hơi mặn, nhưng không hiểu sao tôi vẫn thấy rất ngon.

Theo Thảo Nguyên (phunuonline.com.vn)

Tin liên quan

Viết bình luận

10 món ăn độc đáo nhất thế giới và 4 nước châu Âu có nền ẩm thực hàng đầu
5/6/2023 548 1k
Cùng khám phá top 10 món ăn độc đáo trên thế giới, từ món ăn được làm từ hải sản kỳ lạ đến những loại thực phẩm được chế biến theo cách độc đáo của người dân địa phương. Châu Âu là một trong những vùng đất có nền ẩm thực đa dạng và phong phú nhất.
Bún bò Huế tóp mỡ cay bán 500 bát/ngày, gỏi gà măng cụt thu 100 triệu đồng/ngày
4/6/2023 548 1k
Quán của chị Đậu Thị Như (Hà Nội) phục vụ tóp mỡ cay miễn phí ăn kèm bún bò Huế, thu hút đông khách đến thưởng thức, bán 500 - 700 bát mỗi ngày. Cũng ở Hà Nội, anh Phạm Ngọc Đức bắt đầu kinh doanh món gỏi gà măng cụt được gần một tháng nay, mỗi ngày bán trên 400 suất, ngày thu cả 100 triệu!
Người mẫu Huỳnh Kim Anh làm vedete tại Phnom Penh Designers Week 2023
4/6/2023 548 1k
Tại tuần lễ thời trang Phnom Penh Designers Week, người mẫu Huỳnh Kim Anh được chọn là Vedete trình diễn BST thời trang của nhà thiết kế nổi tiếng Natacha Van.
VietHarvest mở rộng hoạt động vì cộng đồng tại TP HCM
3/6/2023 548 1k
Sau một năm ra mắt ở Hà Nội, VietHarvest đã công bố mở rộng hoạt động vì cộng đồng tại khách sạn InterContinental Saigon. Đồng thời giới thiệu sự kiện ẩm thực đặc sắc sẽ diễn ra với sự góp mặt của các đầu bếp nổi tiếng như Thi Le - đầu bếp người Úc gốc Việt sở hữu nhà hàng Jeow trứ danh tại Melbourne và Tommy Phạm - cựu thí sinh chương trình Vua đầu bếp tại Úc (MasterChef Australia).
Phạm Thị Nga – Cô giáo dạy ngoại ngữ đam mê dựng kịch bằng tiếng Anh cho học sinh

Phạm Thị Nga – Cô giáo dạy ngoại ngữ đam mê dựng kịch bằng tiếng Anh cho học sinh

Theo suốt chiều dài năm học, cô giáo Phạm Thị Nga luôn có những vở kịch tiếng Anh cho các sự kiện của năm học như: Khai giảng, Lễ hội hóa trang Halloween, Giáng sinh, Ngày hội tiếng Anh, hay lễ...