- Phóng viên: Động thái nâng lãi suất của các ngân hàng trung ương toàn cầu nhằm hãm đà tăng lạm phát sau thời gian theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng trong đại dịch Covid-19 có thể đặt ra một nguy cơ đáng ngại không kém là suy thoái kinh tế, thưa ông?
+ TS VŨ TIẾN LỘC: Không còn là nguy cơ "xa vời", suy thoái kinh tế đang là mối lo thật sự của nhiều quốc gia trên thế giới. Hãng tin CNN cách đây ít ngày có bài phản ánh nhiều người Mỹ nghỉ hưu phải đi làm lại bởi kinh tế đi xuống, các khoản đầu tư biến động, nhất là khi thị trường chứng khoán, trái phiếu rơi vào "vùng tệ nhất trong lịch sử". Một nhân vật trong bài viết - bà Connie Weyant (59 tuổi, nghỉ hưu năm 2019) - khi phải cải tạo phòng tắm trong nhà, đã vô cùng "choáng váng" bởi chi phí cao hơn rất nhiều so với trước đây.
Hàng hóa ở nền kinh tế số 1 thế giới đang trở nên đắt đỏ kỷ lục, thể hiện ở lạm phát tháng 6-2022 tăng 9,1% so với năm ngoái, mức cao nhất kể từ tháng 12-1981 và cao hơn rất nhiều so với lạm phát giả thiết thông thường khoảng 2%-3,5%. Một chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ là lựa chọn bắt buộc của Mỹ để chạy đua với lạm phát đang có dấu hiệu khó kiểm soát. Tương tự, ngân hàng trung ương của Canada, Hàn Quốc, New Zealand... cũng liên tiếp có những đợt nâng lãi suất từ 0,5-1 điểm % và đang cân nhắc việc tiếp tục nâng.
Các ngân hàng trung ương bỏ qua cảnh báo về nguy cơ giảm tốc tăng trưởng, suy thoái kinh tế khi quyết liệt tăng lãi suất? Không phải! Đó là sự lựa chọn có lẽ không thể nào tốt hơn trong lúc này. "Chúng tôi tin rằng các nhà hoạch định chính sách dám gây ra một cuộc suy thoái kinh tế ở mức độ mà họ cho là cần thiết để dịch chuyển đường cong nhu cầu theo hướng đạt mục tiêu về lạm phát" - các chiến lược gia về lãi suất của Ngân hàng Rabobank nhận định như vậy trong một báo cáo.
- Với độ mở lớn của nền kinh tế, hoạt động của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam không tránh khỏi bị tác động từ lạm phát hiện hữu và nguy cơ suy thoái kinh tế trên toàn cầu?
+ Nhiều chuyên gia lo lắng về điều này nhưng tôi lại không nghĩ như thế. Lạm phát và nguy cơ suy thoái hiện vẫn là câu chuyện của từng quốc gia, khu vực, mặc dù tầm ảnh hưởng của nền kinh tế số 1 thế giới đến các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, có thể rất lớn. Với diễn biến hiện nay, các chính sách thắt chặt tiền tệ của một số ngân hàng trung ương nhằm khống chế lạm phát mới chỉ ảnh hưởng đến chính nền kinh tế của nước đó.
Việt Nam với độ mở lớn của nền kinh tế khó nằm ngoài vòng xoáy tác động song lại "có dư" cơ hội để tận dụng nhằm giữ được đà tăng trưởng kỳ vọng khoảng 6,5% hoặc cao hơn.
Với chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội đang được Chính phủ triển khai quyết liệt, sản xuất và tiêu dùng trong nước có khả năng tăng trưởng tốt. DN xuất khẩu khi bị ảnh hưởng bởi những bất ổn ở thị trường đối tác, có thể quay về khai thác thị trường nội địa nếu nhanh nhạy chuyển đổi, nắm bắt thị hiếu. Thực tế, trong giai đoạn giao thương quốc tế bị gián đoạn bởi dịch Covid-19, không ít DN trong nước đã khai thác thành công một phần thị trường trong nước.
Đúng là nguy cơ suy thoái ở những quốc gia là đối tác thương mại - đầu tư với Việt Nam chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu và dòng vốn đầu tư nước ngoài. Song, Việt Nam vẫn còn nhiều lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới ký kết với không ít thị trường chưa từng khai thác hoặc còn nhiều dư địa.
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy trong 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam với khu vực Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đạt khoảng 19,5 tỉ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang một số nước thành viên chưa có FTA trước đó đạt kết quả tích cực, như Mexico với 1,9 tỉ USD; Peru với 247 triệu USD...
Ngoài ra, việc duy trì ổn định vĩ mô cũng là lợi thế để Việt Nam thu hút dòng vốn đầu tư đang có dấu hiệu dịch chuyển, từ đó đa dạng hóa thị trường và tạo cơ hội cho DN trong nước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
- Đó mới chỉ là lý thuyết. Còn thực tế, DN trong nước hẳn rất vất vả để duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh chi phí tăng cao, chuỗi cung ứng đứt gãy kéo dài, áp lực tăng tỉ giá cùng lãi suất và sức cầu ở các thị trường không như kỳ vọng, thưa ông?
+ Không riêng trong kinh doanh mà làm bất cứ việc gì cũng vậy, không thể ngồi đợi cơ hội đến với mình. Phải chủ động tìm cơ hội, thậm chí tự tạo ra cơ hội trong chính khó khăn. Để làm được, đòi hỏi sự năng động, sáng tạo, nhạy bén. Tôi tin cộng đồng DN Việt có đủ những phẩm chất này.
Câu chuyện tỉ giá nên được nhìn ở 2 chiều. Tỉ giá tăng gây bất lợi cho nhập khẩu, kéo theo nguy cơ lạm phát do chi phí đẩy (giá nhập khẩu cao). Song ở chiều xuất khẩu, hàng hóa của Việt Nam sẽ được lợi. Cũng do lạm phát có nguyên nhân từ chi phí đẩy nên không thể điều tiết bằng chính sách tăng lãi suất như tình huống lạm phát xuất phát từ cung tiền cao. Mặt khác, chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội vẫn đang được triển khai quyết liệt với một trong những yêu cầu quan trọng là giữ ổn định lãi suất. Do đó, tôi tin rằng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ cân nhắc kỹ lưỡng trong điều hành chính sách tiền tệ theo định hướng ổn định lãi suất, hỗ trợ sản xuất - kinh doanh đi đôi với kiểm soát lạm phát, từ đó thực hiện thành công các mục tiêu lớn.
- Ngoài chủ động nắm bắt thời cơ, ông còn lời khuyên gì cho cộng đồng DN trong bối cảnh hiện nay?
+ Tôi vẫn luôn khuyến nghị DN phải tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị, tiết giảm chi phí và không ngại thay đổi để thử nghiệm những cơ hội mới.
Chẳng hạn, trong bối cảnh thương mại điện tử, kinh tế số... phát triển, nhà bán lẻ truyền thống đừng từ chối phương thức bán hàng trên mạng, kể cả xuất khẩu trực tuyến. Đừng ngại đầu tư hệ thống kho bãi, giao - nhận trong phạm vi năng lực của mình để mở rộng thêm khách hàng từ địa phương khác, quốc gia khác.
Hay, trong câu chuyện đổi mới quản trị, DN không nên nghĩ rằng quản trị chỉ là quản lý con người, sổ sách, hoạt động mà có thể còn là năng lực xây dựng dự án, thuyết phục đối tác. Điều kiện tiên quyết để DN tiếp cận vốn là phải có dự án khả thi; bản thân ngân hàng cũng sẵn sàng cho vay với những DN lớn, làm ăn tốt và uy tín. Vấn đề lớn hiện nay không phải là DN khó tiếp cận vốn dù các gói hỗ trợ đã được Chính phủ đưa ra, mà vấn đề là DN có thể chưa thuyết phục được phía ngân hàng, cung - cầu chưa gặp nhau.
Kinh tế có tính chu kỳ, tức là sau giai đoạn tăng trưởng sẽ đến giai đoạn suy thoái. Nếu suy thoái xảy ra trên toàn cầu, chỉ những DN có sự chuẩn bị để tồn tại mới có thể vượt qua. Sự chuẩn bị có thể gồm nhiều cách, như: chủ động cắt giảm quy mô cho phù hợp tình hình, kiểm soát chi phí, duy trì được biên lợi nhuận tối thiểu, xoay chuyển phương thức kinh doanh... Đây cũng chính là cơ hội để sàng lọc DN, loại bỏ những công ty "zombie" (công ty "xác sống") sử dụng tiền cứu trợ của nhà nước nhưng không phát huy tác dụng.
-Vậy còn vai trò của nhà nước trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN hồi phục, phát triển trong bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn, khó lường, thưa ông?
+ Các chính sách và gói hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có gói bù lãi suất bổ sung 40.000 tỉ đồng, đang được triển khai với những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, còn có ý kiến phản ánh gói hỗ trợ được giải ngân chậm, DN khó tiếp cận, các bộ - ngành chưa chủ động phối hợp thực hiện... Vướng mắc ở đâu cần được xem xét, tháo gỡ ở đó; làm đi đôi với giám sát và đánh giá hiệu quả... thì chắc chắn sẽ tạo được bệ đỡ giúp DN vững vàng trước những "cơn bão" có thể xảy ra trên toàn cầu.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm rằng tiền bạc là quan trọng nhưng thể chế và thủ tục hành chính an toàn, thuận lợi thậm chí còn quan trọng hơn. Vì vậy, tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ hơn những cải cách, đột phá để tiếp sức cho người dân, DN.
PHƯƠNG NHUNG - NGUYÊN LÂM