xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc thi viết về chủ quyền biển đảo: Tấm lòng người cựu binh Gạc Ma

PHAN NGỌC QUANG

Là người con miền núi Hà Tĩnh nhưng cả cuộc đời của người cựu binh Gạc Ma Lê Hữu Thảo, tình yêu biển đảo và ý thức bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc vẫn luôn dạt dào, cháy bỏng trong tim

Tôi nhiều lần gặp gỡ cựu binh Lê Hữu Thảo nhưng nhớ nhất là lần anh về thăm trường cũ, Trường THPT Hương Khê (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh), vào năm 2018, nhân dịp nhà trường tổ chức chuyên đề ngoại khóa "Tình yêu biển đảo và biên cương Tổ quốc". Học sinh tham dự thật sự ấn tượng những câu chuyện kể của anh, nhân chứng sống từng tham gia chiến đấu và bảo vệ đảo Gạc Ma.

Chưa vơi niềm thương nhớ đồng đội

Thiêng liêng và xúc động hơn, trong dịp này, anh còn tổ chức một buổi lễ tưởng niệm và tri ân đồng đội đã hy sinh, thả vòng hoa tưởng niệm trên bãi biển Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh). Hàng trăm chiếc hoa đăng được học sinh thắp lên sáng rực một góc biển. Ngắm nhìn hoa đăng trôi dần ra xa, anh không cầm được nước mắt vì tưởng nhớ tới từng khuôn mặt của đồng đội mình đã xả thân để giành lấy từng tấc biển.

Cuộc thi viết về chủ quyền biển đảo: Tấm lòng người cựu binh Gạc Ma - Ảnh 1.

Cựu binh Lê Hữu Thảo (hàng ngồi, bìa phải) cùng đồng đội từng có mặt trong trận hải chiến Gạc Ma. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Lớn lên trên vùng quê nghèo khó xã Hương Thủy, huyện miền núi Hương Khê, năm 1986 sau khi tốt nghiệp phổ thông, Lê Hữu Thảo lên đường nhập ngũ. Anh được biên chế vào Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 147 thuộc Quân chủng Hải quân, đóng quân tại Quảng Ninh. Cuối năm 1987, tình hình ở Trường Sa có nhiều diễn biến phức tạp, Hải quân Trung quốc điều nhiều tàu khu trục và hộ vệ tên lửa từ Hạm đội Nam Hải xuống biển Đông, ngang nhiên đe dọa bộ đội ta rồi chiếm giữ trái phép một số hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Hàng chục năm trôi qua, anh Thảo vẫn nhớ từng sự kiện Gạc Ma. Ngày 13-4-1988, tàu HQ604 đưa gần 100 cán bộ, chiến sĩ của nhiều đơn vị khác nhau cập đảo đá Gạc Ma. 30 phút sau, tàu khu trục Trung Quốc ập đến dùng loa kêu gọi bộ đội ta phải rời đảo nhưng các chiến sĩ của ta lên boong tàu bắt tay lên miệng làm loa, nói đây là lãnh thổ thuộc chủ quyền của Việt Nam, yêu cầu tàu và quân Trung Quốc rút khỏi đây. Sáng hôm sau, trên đảo chỉ có 5 người lính chiến đấu với 2 khẩu AK47 và vài chục lính công binh xây dựng trong tay chỉ có cuốc, xẻng, xà beng phải đối mặt với 50 lính Trung Quốc được trang bị đầy đủ vũ khí. "Khi thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay giữa đảo thì bọn chúng khiêu khích và xả súng vào đội hình của ta đang xếp vòng tròn giữ lá cờ Tổ quốc. Sau khi tàu HQ604 bị bắn chìm, tôi cố gắng tìm vớt thi thể đồng đội và đưa những người bị thương lên đảo khác" - anh Thảo nhớ lại.

Sau trận Gạc Ma, anh Thảo xuất ngũ đi lao động ở Đức vài năm rồi trở về Hương Khê sinh sống. Năm 2013, nhân dịp kỷ niệm 25 năm trận đánh Gạc Ma tổ chức tại Đà Nẵng, nhiều người mới biết đến nhân chứng sống trận Gạc Ma Lê Hữu Thảo. Cũng từ mốc lịch sử này, niềm thương nhớ đồng đội càng nặng trĩu trong anh. "Nỗi nhớ đồng đội không thể lấy gì lấp đầy được, nhất là khi nhiều người vẫn còn nằm lại giữa lòng biển lạnh; cha mẹ, anh em, vợ con những người lính vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống dù được chính quyền quan tâm" - anh trăn trở.

Trách nhiệm với người ngã xuống

Trong một chuyến trở về Hà Tĩnh mới đây, tôi được gặp Trưởng Ban Liên lạc cựu chiến binh Gạc Ma Lê Hữu Thảo. Anh lại nhắc đến đồng đội, nói về những cố gắng để hàn gắn nỗi đau.

Suốt 32 năm qua, kể từ sự kiện Gạc Ma năm 1988, cựu binh Lê Hữu Thảo vẫn tìm mọi cách kết nối với đồng đội cũ, người thân của những đồng đội hy sinh. Trong vai trò Trưởng Ban Liên lạc cựu chiến binh Gạc Ma, anh gọi điện, đến từng nhà thăm hỏi thân nhân liệt sĩ, kêu gọi các tổ chức xã hội chung tay giúp đỡ các gia đình khó khăn. Tận đáy lòng anh vẫn nhận thấy mình phải làm gì đó để động viên an ủi những người đang sống, mong góp một phần trách nhiệm với đồng đội đã hy sinh. Mỗi lần gặp anh, 2 mẹ của liệt sĩ Nguyễn Thanh Hải, Đào Kim Cương và anh liệt sĩ Trần Khắc Bảy đều khóc rất nhiều. Họ đã cống hiến những đứa con, người thân yêu của mình cho chủ quyền biển đảo, cho độc lập, tự do trường tồn của dân tộc.

Dù có thời gian thất nghiệp nhưng bằng ý chí của người lính, anh Lê Hữu Thảo luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, chịu khó làm lụng, gầy dựng cơ nghiệp để lo cho gia đình và hỗ trợ người thân của các liệt sĩ, đồng đội đang gặp khó khăn. Hiện anh có một trang trại chăn nuôi ở xã Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên với sự giúp sức của một người bạn chiến đấu. Gia trang đã làm cho kinh tế gia đình phát triển và quan trọng hơn nơi đây đã trở thành trụ sở liên lạc của những người lính từng làm nên vòng tròn bất tử trên đảo Gạc Ma.

Khi được hỏi về nguyện vọng, anh Thảo mong muốn: "Ngành giáo dục nên đưa các sự kiện về biên giới, hải đảo vào sách giáo khoa, dung lượng từ thấp lên cao, từ cấp tiểu học đến đại học. Nhắc lại lịch sử không phải để khắc sâu hận thù, cũng không phải để kích động chiến tranh mà học lịch sử để hiểu rõ truyền thống đấu tranh gian khổ và sự hy sinh của các thế hệ cha ông ta có từ thuở trước; hiểu rõ cái giá của tự do, độc lập, rút ra những bài học kinh nghiệm xương máu cho hiện tại và tương lai; nhắc nhở và tô thắm thêm niềm tự hào dân tộc, biết tôn trọng và nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ cũng như những người có công với nước làm đẹp truyền thống văn hóa đền ơn đáp nghĩa. Thế kỷ XXI là kỷ nguyên kinh tế biển. Chúng ta phải nắm rõ luật biển, nắm rõ về lục địa và thềm lục địa, quyền chủ quyền và quyền tài phán quản lý khai thác sử dụng cả kinh tế cũng như quốc phòng. Ngành giáo dục cần cân nhắc đưa thêm nhiều hơn thời lượng vào môn địa lý và lịch sử".

Lê Hữu Thảo muốn nhắn gửi với mọi người rằng đồng đội anh đã không tiếc máu xương để giữ những hòn đảo trên biển quê hương nên thế hệ trẻ sau này cũng tiếp nối truyền thống bất khuất đó. 

Trò chuyện với chúng tôi, Lê Hữu Thảo nói anh tâm niệm nhất câu nói của vua Trần Nhân Tông: “Quyết không để một tấc đất của tiền nhân để lại rơi vào tay quân thù”. Anh bảo lời thề của cha ông là lời răn dạy các thế hệ người dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình kiên trì, bền bỉ đấu tranh bảo vệ từng tấc đất, tấc biển, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Mời bạn đọc dự thi viết về chủ quyền biển đảo

Với mục đích đẩy mạnh tuyên truyền, lan tỏa truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, Báo Người Lao Động phát động cuộc thi viết "Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm" năm 2020-2021.

. Phạm vi đề tài:

- Các tác phẩm dự thi phải đề xuất ý tưởng, giải pháp có căn cứ khoa học trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam; cũng như góp phần phát triển kinh tế biển, văn hóa biển và bảo vệ môi trường biển Việt Nam.

- Cảm nhận về biển đảo; tình yêu đối với biển đảo Tổ quốc Việt Nam.

- Sự hy sinh, không ngại khó, ngại khổ của người chiến sĩ Hải quân, Cảnh sát biển… đang ngày đêm canh giữ biển khơi cho Tổ quốc.

- Lực lượng ngư dân có quá trình bám biển lâu dài, không quản gian lao, thậm chí hy sinh tính mạng để ngoài nhiệm vụ làm kinh tế, họ còn là những cột mốc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…

. Thể loại:

- Bút ký, phóng sự, ký sự, tường thuật, ghi nhanh...

. Yêu cầu:

- Tác phẩm dự thi phải bảo đảm tính chân thực, khách quan; chưa đăng/phát trên bất kỳ phương tiện đại chúng nào, kể cả trang cá nhân.

- Tác phẩm tham dự cuộc thi không quá 1.700 chữ. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm dự thi.

. Đối tượng dự thi:

- Tất cả công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam và nước ngoài, người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.

- Đơn vị tài trợ và phóng viên, cộng tác viên cơ hữu của báo không được tham gia.

. Thời gian:

- Bắt đầu nhận bài từ ngày 1-8-2020 đến hết ngày 15-5-2021.

- Dự kiến trao giải vào ngày 1-6-2021 (nhân dịp kỷ niệm 2 năm chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển").

. Giải thưởng:

- Giải nhất (1 giải): 50 triệu đồng;

- Giải nhì (1 giải): 30 triệu đồng;

- Giải ba (1 giải): 20 triệu đồng;

- Giải khuyến khích (2 giải): 10 triệu đồng/giải.

- Tác phẩm dự thi đăng báo được trả nhuận bút theo quy định của Báo Người Lao Động.

. Địa chỉ nhận tác phẩm:

- Tòa soạn Báo Người Lao Động: 123-127 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP HCM.

- Điện thoại: 028.3930 5376 - 0903.343439.

- Email: chuquyenbiendao@nld.com.vn

- Bài dự thi ghi rõ "Bài dự thi viết về chủ quyền biển đảo trên Báo Người Lao Động".

Tòa soạn

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo