xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển: Tất bật cho chuyến đi dài

HOÀNG THANH - ÐÌNH THI

Có ăn, ở cùng ngư dân trong những ngày vươn khơi bám biển mới thấy việc ra khơi không chỉ đơn thuần là vì miếng cơm manh áo mà còn có cả niềm tự hào của những người con quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo cha ông đã dày công tạo lập, giữ gìn.

Dự định qua lễ 30-4 và 1-5 sẽ đi nhưng thuyền trưởng Trần Khắc Thạch (SN 1979; ngụ TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) gọi điện thoại giục: "Không kịp đâu. Qua rằm là phải đi". Thế là chúng tôi vội vàng khăn gói để kịp lên tàu vào ngày 25-4

Ðó là một hành trình, một trải nghiệm mà có lẽ chúng tôi không thể nào quên trong cuộc đời cầm bút của mình. Chúng tôi như nếm đủ những cung bậc cảm xúc, và trên hết là niềm tự hào được vươn khơi để cùng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Háo hức ra khơi

Trong lúc chờ lên tàu, tiếp xúc với nhiều lão ngư, chúng tôi mới biết nghề này khi vào vụ, con trăng mới là yếu tố quyết định cho chuyến đi. Qua rằm là đi và về trước rằm tháng sau để tránh những đêm trăng sáng, câu không được cá.

Từ sáng sớm, tại khu neo đậu Vĩnh Phước, trên sông Cái ở TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), có đến hơn 100 người đang hối hả vận chuyển lương thực, vật dụng chuẩn bị cho một chuyến đi dài từ trên bờ lên những chiếc thuyền nhỏ để chuyên chở ra những tàu cá đang neo cách bờ cả trăm mét. Cô chủ quán nước bên cảng cũng được một ngày tất bật. Tiếng nói cười làm xao động cả mặt sông. Cũng có những cuộc tiễn đưa, những bịn rịn nho nhỏ giấu trong ánh mắt của những người vợ trẻ tiễn chồng ra khơi.

Chúng tôi cũng vội vã cùng các bạn thuyền đưa hàng hóa lên tàu cá 450 mã lực số hiệu KH-99766-TS - con tàu sẽ đưa chúng tôi ra khơi. Khi tất cả đã lên tàu, thuyền trưởng Thạch điểm danh: Chú Tám (thuyền viên Trần Quang Minh, SN 1965), máy trưởng Ðỗ Văn Ủy (SN 1986), Trương Văn Tây (thuyền viên, SN 1996) và 2 anh em ruột Vũ "anh" (Lê Khắc Vũ, SN 1994), Vũ "em" (Lê Tấn Vũ, SN 1995). Xong, thuyền trưởng Thạch mới giới thiệu sự hiện diện của chúng tôi là "2 cần thủ thiện xạ". Cả đám phá lên cười.

Sau khi mọi việc ổn định, các thuyền viên cùng nhau dựng cột định vị, cột thu phát sóng bộ đàm phía trên nóc tàu, chuẩn bị nhổ neo. 10 giờ trưa, gần tới giờ khởi hành, Vũ "em" cẩn thận chuẩn bị 5 loại trái cây, bánh kẹo, muối, rượu và đặc biệt là mía đã chặt khúc bày lên phía mũi tàu. Thuyền trưởng Thạch đốt bó nhang thơm, quần áo chỉnh tề ra phía trước mũi tàu làm lễ cúng, cầu cho "bà cậu" (thần Nam Hải) phù hộ cho chuyến đi được thuận buồm xuôi gió, câu được nhiều cá, bình an trở về. Cúng xong, thuyền trưởng Thạch xuống hầm kiểm tra lại máy móc lần cuối, rồi nổ máy xuất phát.

Ra tới cửa biển, thuyền trưởng Thạch cho tàu dừng lại, quay mặt về đất liền hành lễ cúng thêm một lần nữa rồi hạ lệnh "dang cần", các thuyền viên lần lượt dựng 5 cần câu là những cây tre già, dài vươn ra khỏi thân tàu. Thuyền trưởng mang ra 5 quả trứng gà "gửi" xuống biển cầu "bà cậu" phù hộ cho chuyến đi thành công. Khi các cần câu vừa được dang xong, thuyền trưởng lại nổ máy. Con tàu chồm lên những ngọn sóng, hướng về vùng biển Trường Sa.

Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển: Tất bật cho chuyến đi dài - Ảnh 1.

Thuyền trưởng Trần Khắc Thạch cẩn thận kiểm tra lại dây buộc Quốc kỳ trước khi cho tàu ra khơi Ảnh: HOÀNG THANH

Tàu là nhà, biển là cuộc sống

Chuyến tàu ra khơi, chỉ thuyền trưởng Trần Khắc Thạch bận lái tàu, những người còn lại lúc này mới có thời gian nghỉ ngơi, chia sẻ những câu chuyện về cuộc sống. Theo các ngư dân, đã nhiều năm nay họ gắn bó với thuyền trưởng Thạch, với con tàu KH-99766-TS mà họ đã xem là nhà của mình để bám biển mưu sinh.

Tâm sự về gia đình, về nghề, các ngư dân cho biết họ gắn bó với biển từ nhỏ, đã quen với tiếng sóng, với sự dữ dằn nhưng bao dung của biển, với những con người cục mịch nhưng tấm lòng rộng mở nơi đây. Có những chuyến biển lỗ cả chi phí chuyến đi nhưng cũng có chuyến biển "bà cậu" thương tình giúp câu được nhiều cá, chia mỗi bạn thuyền hơn chục triệu đồng, nhờ đó cứ thôi thúc họ bám biển. Cũng có người bỏ biển lên bờ kiếm kế sinh nhai với mong khá hơn nhưng rồi lại xuống tàu, quay về với biển. "Biển bây giờ đã là cuộc sống của anh em, chú cháu tôi. Bám biển cũng là giữ gìn nghề của ông cha để lại và góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo của đất nước" - ngư dân Trần Quang Minh tâm sự.

Thuyền trưởng Trần Khắc Thạch bảo rằng mỗi chuyến biển là mỗi lần hy vọng kiếm chén cơm, quyển sách cho con và cao hơn nữa là một lần hy vọng đổi đời cho không chỉ các ngư dân mà cả gia đình ở đất liền. Anh nhẩm tính mỗi chuyến ra khơi không chỉ 6 ngư dân trên tàu mong đánh bắt được nhiều cá mà phải là 40 người gồm vợ con, cha mẹ ở quê nhà. Bởi đa phần những bạn thuyền đều là những người đàn ông trụ cột của gia đình.

Thuyền trưởng kể chuyến đi trước hơn 20 ngày nhưng chỉ câu được 36 con cá, trừ chi phí dầu máy, mua thực phẩm, hàng hóa khoảng 90 triệu đồng thì bán cá xong chia nhau, mỗi người được chừng hơn 5 triệu đồng. "Chuyến này phải nhiều hơn, dân biển chúng tôi gọi là biển giả nhưng "bà cậu" mà thương cho đầy 4 hầm cá thì về sớm cho vợ con vui mừng" - ông Thạch nói, đầy hy vọng.

Còn Vũ "em" thì hy vọng chuyến này sẽ được kha khá vì con gái nhỏ đang cai sữa, cần thêm tiền để mua sữa hộp cho con. Trương Văn Tây cũng hy vọng kiếm thêm được ít tiền phụ cha mẹ trả nợ mới mượn để xây nhà…

Với những ngư dân như họ, đi biển là không có mùa, không có ngày nghỉ lễ, Tết mà chỉ cần hết trăng là ra khơi. "Có thể mình vất vả nhưng gia đình mình bữa cơm đầy đặn hơn, con cái được ăn mặc, học hành đầy đủ hơn thì mọi vất vả với mình đều nhỏ bé, chịu đựng được hết" - anh Ðỗ Văn Ủy chia sẻ khi đang mở điện thoại xem lại bức ảnh con gái nhỏ 6 tuổi đang mặc áo đỏ, đeo dải băng trên đầu cổ vũ đội tuyển bóng đá Việt Nam với đầy niềm yêu thương...

Báo Người Lao Động phát động chương trình

"Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển"

Nhằm tiếp sức, động viên tinh thần ngư dân kiên cường bám biển, cùng chung tay khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, Báo Người Lao Ðộng chủ trì, phối hợp các cơ quan chức năng và doanh nghiệp cùng cộng đồng xã hội tổ chức chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển".

Trong 63 tỉnh, TP của cả nước thì 28 tỉnh, TP có biển và gần một nửa dân số sinh sống tại các tỉnh, thành ven biển. Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, biển đảo luôn gắn với quá trình xây dựng và phát triển của đất nước và con người Việt Nam. Sự có mặt của ngư dân trên các vùng biển Việt Nam là sự "hiện diện dân sự"; mỗi tàu, thuyền đánh cá của ngư dân với lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió là những "cột mốc sống" khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Cứ mỗi lần nhìn lên lá cờ đỏ sao vàng tung bay giữa muôn trùng sóng gió, tôi như thấy làng xóm, gia đình, bạn bè mình quanh đây. Thiêng liêng lắm và gần gũi lắm! Nói vậy để thấy chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” của Báo Người Lao Ðộng sẽ tiếp thêm sức mạnh cho anh em chúng tôi” - thuyền trưởng Trần Khắc Thạch tâm sự.

Chỉ cách nhau lớp ván gỗ

Giải thích về sự thành kính của tất cả ngư dân khi đều phải làm lễ cúng mỗi chuyến ra khơi, thuyền trưởng Trần Khắc Thạch nói dù ngày nay, thiết bị trên tàu đã có nhiều tiến bộ thì mỗi chuyến ra khơi đều là một hành trình dài nhiều may rủi nên họ cần sự yên tâm, niềm tin không chỉ cho bạn thuyền mà cho cả gia đình ở nhà. "Cuộc sống an toàn của bạn thuyền suốt hành trình gần một tháng chỉ cách nhau một lớp ván gỗ thuyền. Cầu cho thuận buồm xuôi gió, cầu cho bình an, cầu cho câu được nhiều cá là điều không ngư dân nào không mong muốn mỗi khi ra khơi" - thuyền trưởng Thạch chia sẻ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo