xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc thi viết về chủ quyền: Ký ức của lính biển

Bài và ảnh: Lê Thị Hiệp (giảng viên Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh Bình Dương)

Kỷ niệm lính biển gắn liền những lần cứu nạn, thấy được niềm vui, nỗi vất vả nhưng đầy tự hào của mỗi ngư dân trong hành trình bám biển, làm giàu từ biển và giữ biển

Tôi thường được nghe các chiến sĩ Hải quân kể về ký ức khó phai của những năm tháng làm nhiệm vụ trên biển. Ẩn trong những ký ức là sự hy sinh, cống hiến thầm lặng.

Đối với các chiến sĩ Hải quân, nhìn thấy mỗi một ngư dân bám biển là thấy cột mốc sống hiện diện trên vùng biển quê hương.

Trong ký ức những năm tháng đi biển, đại úy Vũ Trọng Phú (nguyên thuyền trưởng tàu HQ-884 thuộc Hải đội 695, Đoàn Đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển - Quân chủng Hải quân) không bao giờ phai nhòa những ký ức từ các chuyến cứu nạn ngư dân. Kỷ niệm của anh gắn liền những lần cứu nạn, thấy được niềm vui, nỗi vất vả nhưng đầy tự hào của mỗi ngư dân trong hành trình bám biển, làm giàu từ biển và giữ biển.

Cuộc thi viết về chủ quyền: Ký ức của lính biển - Ảnh 1.

Cán bộ, chiến sĩ tàu 956 thuộc Hải đội 5, Lữ đoàn 125 Hải quân sẵn sàng thi hành nhiệm vụ trên biển

Trong những trang kỷ niệm của đại úy Vũ Trọng Phú vẫn còn những hình ảnh về chuyến cứu nạn sinh tử 16 ngư dân gặp nạn trên tàu QNg-96084 tại khu vực cách Lý Sơn khoảng gần 100 hải lý vào tháng 6-2014. Đại úy Phú chia sẻ: "Khi con tàu bị cháy, vô vọng giữa biển khơi, 16 con người bé nhỏ tập hợp lại đứng dưới lá cờ Tổ quốc gắn trên nóc tàu, chờ đợi phép mầu. Trong phút giây sinh tử, họ bảo ban, động viên nhau vượt qua nỗi sợ hãi… Sau hơn 18 giờ bên bờ vực cái chết, phép mầu đã đến, họ được tàu HQ-884 cứu nạn thành công. Điều cảm phục là sau đó họ không bỏ cuộc. Họ tiếp tục vay tiền, đóng tàu mới để bám biển, giữ ngư trường".

Sau này, khi được điều động về công tác ở vị trí mới trên đất liền, ký ức về những ngày cứu nạn, ký ức về hình ảnh ngư dân đứng dưới cờ Tổ quốc trong phút giây sinh tử vẫn theo đại úy Phú như những trang đẹp nhất của đời lính Hải quân.

Cuộc thi viết về chủ quyền: Ký ức của lính biển - Ảnh 2.

Đại úy Vũ Trọng Phú (đứng giữa) cùng 16 ngư dân trên tàu QNg-96084 gặp nạn được cứu hộ thành công vào năm 2014

Với đại úy Trần Khánh Duy, nguyên thuyền trưởng tàu 956 thuộc Hải đội 5, Lữ đoàn 125 Hải quân (tiền thân là đoàn tàu Không số trước đây), khắc sâu trong ký ức của anh là lần đầu đón Tết trên biển, vào năm 2013. Lúc đó, anh là thuyền phó tàu 956. Đại úy Duy kể, khoảng 2 tháng trước Tết Nguyên đán năm 2013, cơn bão Hải Yến (Haiyan) đổ vào vùng biển nước ta. Đây là 1 trong 4 siêu bão khủng khiếp nhất lịch sử nhân loại, sau khi quét qua Philippines làm hơn 6.300 người thiệt mạng. "Lúc nhận được tin báo bão sẽ quét qua nhà giàn DK1, tàu 956 nhận lệnh của Quân chủng Hải quân di chuyển nhanh về cứu hộ cán bộ, chiến sĩ nhà giàn. "Gần một ngày vượt bão, chúng tôi mới đến nhà giàn DK1. Tàu cứu hộ và anh em trên nhà giàn "gần nhau trong gang tấc" nhưng rất khó tiếp cận do sóng cao, biển động dữ dội. Phương án cuối cùng được đưa ra là thả dây để đưa chiến sĩ nhà giàn lên tàu. Sợi dây cứu hộ căng chìm trong sóng bão. Các chiến sĩ trên tàu cố gắng hết sức để lần lượt đưa từng người lên tàu. Không ai tưởng tượng hết chặng đường đến với mùa xuân năm ấy của nhà giàn DK1 lại gian nan đến vậy!" - đại úy Duy nhớ lại.

Tết đã về trên nhà giàn DK1 năm đó thật yên bình. Ngày tàu 956 rồi nhà giàn, chiến sĩ Hải quân và nhà giàn hẹn gặp nhau trong một cái Tết ở đất liền. "Càng nghĩ càng trân quý sự hy sinh, cống hiến, chấp nhận gian khó của chiến sĩ Hải quân, nhà giàn. Với tôi, đó không chỉ là kỷ niệm mà còn là hành trang quý báu trong cuộc đời rèn luyện quân ngũ của mình" - đại úy Duy bộc bạch.

Đại úy Duy hiện đã chuyển công tác về TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Và cứ thế, người đi trước hoàn thành nhiệm vụ trở về, lớp trẻ sau tiếp tục lên đường ra tuyến đầu canh gác biển trời của Tổ quốc… 

Nỗi nhớ đất liền

Chỉ còn không lâu nữa là đến Tết Nguyên đán năm 2023. Với các chiến sĩ ở các điểm đóng quân trên đảo, cứ đến Tết là lại nhớ hơi thở của đất liền. Các anh mong có dịp trở về để thỏa nỗi nhớ nhà; để kể cho người thân, gia đình, các em nhỏ về những năm tháng oai hùng nơi đảo xa.

Đại úy Đào Văn Hùng, đóng quân tại đảo Phan Vinh thuộc quần đảo Trường Sa, bày tỏ: "Ở đảo nhiều thứ thiếu thốn nhưng gần Tết anh em luôn có sự chuẩn bị sớm nhất cho Tết đủ đầy. Hương vị Tết của đất liền cũng lần lượt được chuyển đến đảo. Trong cái lạnh của gió biển sáng sớm, nhớ Tết là nhớ cành đào phai da diết".

Đại úy Hùng còn bộc bạch: Những ngày này, ngắm nhìn Tổ quốc từ phía biển, nghĩ đến xuân đất liền yên bình và thiêng liêng sắp về, càng thôi thúc chiến sĩ hăng say làm nhiệm vụ!

Cuộc thi viết về chủ quyền: Ký ức của lính biển - Ảnh 4.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo