xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm": Kế thừa cha ông, phát huy vai trò cảng biển

Tôn Thất Thọ

Bài học phát huy vai trò cảng biển để quốc gia mạnh lên từ biển từ thời các chúa Nguyễn đã và đang được chúng ta kế thừa, vận dụng hiệu quả trong công cuộc bảo vệ chủ quyền, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Lịch sử ghi chép trong suốt thế kỷ XVII-XVIII, thương mại cảng biển xứ Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn không ngừng phát triển. Việc lấy cảng biển để phát triển kinh tế, bang giao là những giá trị cốt lõi mà ngày nay, chúng ta đã và đang tiếp tục phát huy.

Thời các chúa Nguyễn, những thuyền buôn tấp nập ở vùng biển Đàng Trong đã tạo nên sự phục hưng cho nhiều cảng thị lúc bấy giờ như Thanh Hà, Hội An, Nước Mặn, Hà Tiên... Nhờ các cảng này, Đàng Trong trở thành điểm đến lý tưởng cho các thuyền buôn đến giao thương, kể cả thiết lập bang giao. Không những thế, vai trò trung chuyển đã biến những hải cảng này trở thành cửa ngõ quan trọng trong mạng lưới giao thương khu vực.

Trong cuốn "Hồi ký xứ Đàng Trong" viết năm 1621 (NXB TP HCM phát hành năm 1998, trang 91), giáo sĩ người Ý Cristophoro Borri Boris mô tả: "Chỉ trong khoảng hơn một trăm dặm một chút mà người ta đếm được hơn sáu mươi cảng. Tất cả đều rất thuận lợi để cập bến và lên đất liền là vì ở ven bờ có rất nhiều nhánh biển. Hải cảng đẹp nhất, nơi tất cả người ngoại quốc đều tới và cũng là nơi có hội chợ danh tiếng chính là hải cảng thuộc tỉnh Quảng Nam".

Về sự phong phú của các hải cảng ở vùng Thuận Quảng, trong tác phẩm "Hành trình và truyền giáo" (Tủ sách Đại Kết, Ủy ban Đoàn kết công giáo TP HCM, phát hành năm1994, trang 49), nhà truyền giáo Alexandre Rhodes khắc họa: "Họ cũng rất giàu vì có đất đai phì nhiêu với 24 con sông cung cấp nước. Cũng nhờ đó mà rất tiện việc đi lại bằng đường thủy, tiện việc thông thương và hành trình".

Cuộc thi viết Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm: Kế thừa cha ông, phát huy vai trò cảng biển - Ảnh 1.

Bến sông Hội An thế kỷ XVIII (tranh trong sách của tác giả John Barrow xuất bản tại Anh năm 1806)

Cùng với hải cảng, những hòn đảo, quần đảo ngoài biển Đông cũng đóng vai trò đặc biệt trong thương mại xứ Đàng Trong. Chúng ta biết rằng, mặc dù sự phát triển vượt bậc của ngành hàng hải đã tạo ra các con tàu lớn vượt đại dương, đẩy nhanh những phát kiến địa lý của người phương Tây khi tìm đường sang phương Đông nhưng nhìn chung, sự đi lại của những con tàu vượt biển trong giai đoạn cận đại vẫn phụ thuộc vào chế độ gió mùa. Trong lộ trình đó, những cơn bão chính là thách thức nguy hiểm với các nhà hàng hải. Chính nhờ sự tồn tại của những hòn đảo ngoài khơi nước ta như Cù lao Chàm, Cù lao Xanh, Côn Đảo… đã cung cấp một nơi trú tránh an toàn cho tàu thuyền qua lại.

Không chỉ đóng vai trò như một nơi trú ngụ, tránh bão, các hòn đảo còn trở thành điểm kết nối vùng biển Đông của Đàng Trong với khu vực, bởi toàn bộ dòng chảy ven biển phía Nam của Cù lao Chàm hợp với lối thông hành chính yếu trên biển, nối kết Trung Hoa và Ấn Độ Dương để tạo nên dòng duy nhất.

Hơn nữa, sự có mặt của những hòn đảo ngoài khơi đã thúc đẩy hoạt động buôn bán trong các điều kiện thuận lợi. Đó là các tàu neo đậu để được cung cấp những chỉ dẫn về thương mại, nước ngọt, sửa chữa tàu. Tuy nhiên, có một thực tế là vai trò cung cấp nước ngọt hay địa điểm sửa chữa tàu thuyền không phải chỉ bắt đầu xuất hiện trong thương mại của chúa Nguyễn. Trước thời chúa Nguyễn Hoàng, cha ông ta vốn có truyền thống hướng biển mạnh mẽ, đã rất nhanh nhạy phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên để xây dựng các cảng tránh bão, sửa chữa tàu thuyền cùng với việc cho đào hàng loạt giếng nước ngọt ven biển để cung cấp cho thương nhân ngoại quốc.

Nhận thức của các chúa Nguyễn với cái nhìn cởi mở về biển, đảo đã mang lại sinh khí cho các hòn đảo ngoài khơi. Tầm quan trọng của chúng nhanh chóng được phát hiện bởi các thương nhân ngoại quốc như Bồ Đồ Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh... Lịch sử còn ghi chép, khi đến Đàng Trong, người của các Công ty Đông Ấn Anh (English East India Company, EIC), Công ty Đông Ấn Pháp (La Companie Française de Indes Orientalets, CIO) đã nhìn ra tiềm năng thương mại của Côn Đảo nước ta. Họ cho rằng Côn Đảo sẽ là nơi trú ẩn cho các tàu của người châu Âu đi sang Trung Quốc, người ta có thể trú chân vào mùa Đông để sửa sang tàu thuyền...

Có thể nói rằng với hàng loạt hải cảng lớn dọc bờ biển, cùng hệ thống sông ngòi dày đặc trên toàn lãnh thổ được phát huy tối đa là cơ sở để chúa Nguyễn phát triển hoạt động kinh tế ngoại thương, cả trên bộ và trên biển.

Đến thế kỷ XIX, kế thừa ý thức coi trọng biển, đảo trong việc ngoại thương, các vua đầu nhà Nguyễn rất coi trọng vai trò cảng biển và biển, đảo, bằng cách ưu tiên xây dựng lực lượng thủy quân; tiến hành điều tra, nghiên cứu về hải trình và đường biển nhằm tìm hiểu nhiều hơn về biển. Đặc biệt là chú trọng việc học tập kỹ thuật tiên tiến của phương Tây, tăng cường xây dựng phòng ngự biển để chống nguy cơ xâm lược từ biển. Điển hình là vua Minh Mạng (1820-1840) ban Dụ, xác định "(biển Đông) là nơi xung yếu nhất của cõi biển, tàu thuyền phương Tây sang nhất định đi qua nơi đây’’; từ đó cho xây dựng các pháo đài dọc theo bờ biển nhằm tăng cường phòng thủ bảo vệ đất nước, tránh nguy cơ bị xâm chiếm.

Hệ thống phòng thủ cảng biển được đầu tư và xây dựng kiên cố đã phát huy tích cực khả năng chặn đánh quân xâm lược. Năm 1859, quan quân triều đình và nhân dân tại Đà Nẵng đã chiến đấu anh dũng, ngăn chặn được cuộc tiến công rầm rộ, muốn đánh nhanh thắng nhanh vào kinh thành Huế của quân Pháp do Đô đốc Rigault de Genouilly chỉ huy. Thắng lợi của cuộc chiến đấu quả cảm này đã khiến quân viễn chinh Pháp bị cầm chân, vây chặt tại mặt trận Đà Nẵng, mưu đồ lấn chiếm Việt Nam không thể thực hiện nhanh chóng được... 

Lần giở sử sách để thấy ông cha ta rất chú tâm đến phát triển cảng biển, coi biển và đảo đóng vai trò quan trọng trong công cuộc bảo vệ, phát triển đất nước. Bài học phát huy vai trò cảng biển để quốc gia mạnh lên từ biển đã và đang được chúng ta kế thừa, vận dụng hiệu quả trong công cuộc bảo vệ chủ quyền, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm"

Từ thành công của cuộc thi viết "Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm" lần 1 năm 2020-2021, Báo Người Lao Động phát động cuộc thi viết lần 2 năm 2021-2022 với chủ đề "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm".

Nội dung, phạm vi đề tài:

- Phản ánh việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành, của địa phương trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhất là đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; công cuộc bảo vệ, xây dựng, phân giới, cắm mốc, bảo vệ đường biên giới trên bộ.

- Phản ánh khách quan, sinh động, sâu sắc về đường lối ngoại giao của Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia của Việt Nam.

- Biểu dương tập thể, cá nhân, gương điển hình trong thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền; sự hy sinh, cống hiến của người chiến sĩ Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng... đang ngày đêm canh gác ngoài biển khơi, vùng biên giới.

- Đề xuất ý tưởng, giải pháp có căn cứ khoa học trong việc tuyên truyền đấu tranh bảo vệ chủ quyền; về phát triển kinh tế biển, văn hóa biển, bảo vệ môi trường biển Việt Nam, phát triển kinh tế khu vực biên giới...

Thể lệ, yêu cầu:

- Là bài viết thể loại phóng sự, ký sự, ghi chép, bình luận, phản ánh, tường thuật, ghi nhanh...

- Tác phẩm dự thi (bài và ảnh; clip/video) chưa đăng, phát trên bất kỳ phương tiện đại chúng nào, kể cả trang cá nhân.

- Các tác phẩm có liên quan đến tư liệu, tài liệu lịch sử..., tác giả phải gửi kèm bài viết hoặc trích nguồn, dẫn nguồn.

- Mỗi bài dự thi chỉ đăng 1 kỳ, không quá 1.700 chữ; bắt buộc có ít nhất 3 ảnh chụp nhân vật hoặc vấn đề liên quan tình tiết, nội dung bài báo. Ảnh gửi kèm theo bài, không dán ảnh vào bản thảo dự thi.

- Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm dự thi.

Đối tượng tham gia:

Tất cả công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam và nước ngoài, người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam đều được tham gia cuộc thi trên.

Thời gian:

- Nhận tác phẩm dự thi từ ngày 28-8-2021 đến hết ngày 15-5-2022. Lễ trao giải dự kiến trong tháng 6-2022.

- Tác phẩm dự thi gửi qua email: chuquyenbiendao@nld.com.vn. Tác phẩm dự thi ghi rõ tên tác giả, bút danh, kèm địa chỉ, số điện thoại liên lạc, tài khoản ngân hàng. Tác phẩm dự thi đăng báo được trả nhuận bút theo quy định của Báo Người Lao Động.

Cơ cấu giải thưởng:

- Giải nhất (1 giải): 50 triệu đồng.

- Giải nhì (1 giải): 30 triệu đồng.

- Giải ba (1 giải): 20 triệu đồng.

- Giải khuyến khích (2 giải): 10 triệu đồng/giải.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Cuộc thi viết Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm: Kế thừa cha ông, phát huy vai trò cảng biển - Ảnh 4.
Cuộc thi viết Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm: Kế thừa cha ông, phát huy vai trò cảng biển - Ảnh 5.
Cuộc thi viết Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm: Kế thừa cha ông, phát huy vai trò cảng biển - Ảnh 6.
Cuộc thi viết Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm: Kế thừa cha ông, phát huy vai trò cảng biển - Ảnh 7.
Cuộc thi viết Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm: Kế thừa cha ông, phát huy vai trò cảng biển - Ảnh 8.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo