xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc thi viết về chủ quyền biển đảo: Gạc Ma 33 mùa xuân

Trung tá Mai Văn Thắng (Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân)

Dẫu đã lùi vào dĩ vãng, quá khứ đau thương cũng dần xóa nhòa, song lịch sử không bao giờ quên sự kiện Gạc Ma ngày 14-3-1988. Anh linh 64 liệt sĩ đã trở thành "ngọn đuốc bất tử", thắp sáng trong hàng triệu trái tim người dân Việt Nam

33 năm trước, ông Lê Văn Xuân tiễn con trai Lê Văn Xanh ra Trường Sa theo tiếng gọi của Tổ quốc. Đó cũng là lần sau cùng ông nhìn thấy mặt con trai duy nhất. 64 chiến sĩ, trong đó có anh Lê Văn Xanh, hy sinh trong trận Gạc Ma ngày 14-3-1988.

Tuổi đôi mươi hóa thân thành sóng nước

Chúng tôi đến thăm ông Lê Văn Xuân tại nhà riêng ở số 45 Nguyễn Thành Ý, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Vừa thấy anh Trần Đức Lợi (đồng đội của liệt sĩ Lê Văn Xanh sống sót từ Gạc Ma trở về), ông Xuân xúc động, đến ôm thật chặt.

Sau phút giây thăm hỏi, ông Xuân khoác vội chiếc áo dài, dẫn chúng tôi leo lên bậc cầu thang nhỏ để thắp hương cho liệt sĩ Lê Văn Xanh. Trước di ảnh con trai, ông Xuân nghẹn giọng: "Xanh ơi. Có đồng đội của con đến thăm đây này". Ông chỉ nói có vậy rồi nước mắt tuôn trào.

Cuộc thi viết về chủ quyền biển đảo: Gạc Ma 33 mùa xuân - Ảnh 1.

Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa Ảnh: TUẤN CƯỜNG

Mùa xuân 33 năm trước, tròn 18 tuổi, chàng trai trẻ Lê Văn Xanh nhập ngũ, lên tàu HQ 604 ra Trường Sa. Không lâu trước khi anh Xanh lên đường làm nhiệm vụ, vợ chồng ông Xuân giục cậu con trai lấy vợ, vì nếu có hy sinh thì vẫn còn cháu nội nối dõi. "Nó hứa lấy vợ nhưng thời gian gấp quá không kịp. Ngày đưa tiễn, bà nhà tôi khóc bảo: "Mày không lấy vợ cho má, lỡ có chuyện gì thì sao. Khi nhận được tin nó hy sinh, bà nhà tôi ngất rồi đổ bệnh, mất sau đó hơn một năm. Nhiều đêm tôi không ngủ được. Hình ảnh lúc tiễn con lên đường cứ chập chờn trong đầu óc tôi"- ông Xuân trải lòng.

Rời nhà ông Xuân, anh Lợi dẫn tôi đến nhà bà Huỳnh Thị Kế - mẹ liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn. Bà Kế năm nay đã 84 tuổi nhưng ký ức về người con trai hy sinh ở đảo đá Gạc Ma chưa bao giờ phai nhạt. "Ngày thằng Đoàn đi Trường Sa, nó chớm 18 tuổi, chẳng có người yêu gì đâu. Sáng hôm nhận tin nó hy sinh, tui chạy ra biển gào thét" - bà Kế nhớ lại. Tôi hiểu nỗi đau đang ùa trong tim người mẹ già nua mấy chục năm nén chặt.

Bà Kế dẫn chúng tôi ra bàn thờ anh Đoàn phía ngoài sân. Gọi là bàn thờ nhưng thực ra đó là một cái trụ nhỏ, trên đó xây một ô kiểu mái nhà. Cạnh đó là gốc cây me cằn cỗi. Bà Kế kể bà là vợ hai của bố anh Đoàn. Khi anh Đoàn hy sinh, những người con của bà vợ cả không cho bà đem di ảnh con trai mình vào thờ trong nhà, mà bắt thờ ở ngoài trời. Nhiều đêm bà Kế đứng trước di ảnh con gọi thầm: "Đoàn ơi con ở đâu sao mãi không về!".

"Đồng đội hãy yên giấc nhé!"

30 năm sau kể từ ngày 64 cán bộ chiến sĩ hải quân Việt Nam bị hải quân Trung Quốc tàn sát và hy sinh tại Gạc Ma, vào tháng 7-2017, tên tuổi 64 liệt sĩ mới chính thức được vinh danh, quy tụ tại Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa). Tên 64 liệt sĩ được khắc trên tấm bia đá và trong khu mộ gió, còn xương cốt các anh vẫn nằm tận ngàn khơi, tan vào lòng biển mặn.

Trong 14 cựu binh Gạc Ma có mặt tại khu tưởng niệm, dự khánh thành tượng đài chính "Những người nằm lại phía chân trời" hôm ấy, cựu binh Nguyễn Văn Dương, nguyên Phó Chỉ huy đảo Gạc Ma, là một trong những người sống sót trước họng súng quân thù trở về.

Cuộc thi viết về chủ quyền biển đảo: Gạc Ma 33 mùa xuân - Ảnh 2.

Cựu binh Trần Đức Lợi thắp nén hương cho liệt sĩ Lê Văn Xanh Ảnh: TUẤN CƯỜNG

Mùa xuân năm 1987, từ Hải Hưng (nay là Hải Dương), ông lên đường nhập ngũ rồi ra Trường Sa. Ông nhớ từng chi tiết trận hải chiến Gạc Ma: "Lúc đó, chúng tôi xếp hàng ngang ngăn họng súng quân thù. Khi lính Trung Quốc bắn xối xả vào đảo và tàu HQ 405, anh em hy sinh và bị thương rất nhiều. Giữa biển nước không biết bơi phương hướng nào, bỗng trước mặt xuất hiện mạn tàu đen sì. Tôi đưa tay ra hiệu xin cứu liền bị lính Trung Quốc đứng trên lan can tàu thò câu liêm xuống móc vào vai nhưng bị trượt. Tôi lặn sâu vào lòng biển, bọn địch bắn xối xả theo. Có đồng chí bị chúng đưa câu liêm móc trúng ngực rồi dìm lên dìm xuống cho chết hẳn".

Kìm nén xúc động, ông Dương nhìn về phía tượng đài Gạc Ma, nơi tên những đồng đội của ông khắc vào bia đá.

Giữa tháng 7-2020, tôi trở lại bán đảo Cam Ranh để tìm kiếm thêm thông tin về các liệt sĩ Gạc Ma và những ngôi mộ gió ở tượng đài "Những người nằm lại phía chân trời" thì tình cờ gặp lại 2 cựu binh Gạc Ma Trần Thiên Phụng và Lê Hữu Thảo. Cựu binh Phụng bảo: "Bọn anh đến đây có 2 lý do: Một là thắp hương cho đồng đội, hai là gặp nhau để ôn lại "những ngày hoa biển". Còn cựu binh Thảo bộc bạch: "Tao sợ rằng vài ba năm nữa mình già yếu đi không đến đây được nữa".

Qua câu chuyện, tôi hiểu vì sao cứ vào dịp kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ (27-7) và sự kiện Gạc Ma (14-3), các anh và nhiều đồng đội tìm về tượng đài Gạc Ma đầy gió cát này.

Thắp cho đồng đội nén hương thơm, anh Phụng mắt đỏ hoe, vành mũ tai bèo không che hết khuôn mặt hốc hác nhớ thương đồng đội. "Chỉ trừ khi nhắm mắt xuôi tay, tôi mới quên được Gạc Ma. Tôi bị lính Trung Quốc chĩa súng vào ngực bắt đầu hàng nhưng tôi giương lê chỉ vào mặt chúng quát to: "Đất nước chúng tao không bao giờ có người lính đầu hàng".

Cựu binh Lê Hữu Thảo cũng đến từng ngôi mộ gió thắp nén hương trước anh linh đồng đội. Mộ nào ông cũng đưa tay chào và nghiêng mình kính cẩn nói trong xúc động: "Đây là nơi yên nghỉ cuối cùng. Đồng đội hãy yên giấc nhé!". 

Gạc Ma bất tử

Tôi từng đến đảo Cô Lin - hòn đảo nhỏ mà 33 năm trước tàu HQ-505 đã "ủi bãi" để bảo vệ chủ quyền. Bài thơ "Gạc Ma bất tử" được tôi sáng tác trong lần trở lại thăm tượng đài Gạc Ma, xin tri ân các anh với tư cách đồng đội, người lính Hải quân.

"33 năm "sự kiện Gạc Ma"

Cả nước tri ân những anh hùng ngày ấy

Trước họng súng xâm lăng máu đào anh đã chảy

Hòa vào biển Đông sóng nước mặn mòi.

Xương cốt các anh nằm lại biển khơi

33 năm hóa thành san hô trắng

Sâu lắm anh ơi giữa biển trời lạnh vắng

Dưới đại dương chưa thể vớt lên.

Các anh mỗi người một tên

Nhưng cùng chung ngày giỗ

Ngày 14 tháng 3 giữa bạt ngàn giông tố

Trở thành ngày bi tráng kiêu hùng.

64 anh có một cái tên chung

Liệt sĩ Gạc Ma muôn đời bất tử

Dẫu bây giờ đã là quá khứ

Nhưng bi thương sao thể xóa nhòa

Mãi trường tồn bất tử Gạc Ma".

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo