xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc thi viết về chủ quyền: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân

TUẤN CƯỜNG

Nhiều năm qua, âu tàu Sinh Tồn cùng các âu tàu ở quần đảo Trường Sa đã trở thành điểm tựa vững chắc, tin cậy cho ngư dân bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền

Những ngày qua, các chiến sĩ làm nhiệm vụ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa tất bật công việc hướng dẫn ngư dân vào các âu tàu trú tránh siêu bão RAI. Đến chiều 18-12, hơn 700 ngư dân của 65 lượt tàu cá ngư dân các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nam Bộ đã được lực lượng Hải quân hướng dẫn, đưa vào các âu tàu neo đậu an toàn.

"Thủ phủ" cứu hộ, cứu nạn

Gần 20 năm qua, đồng hành với việc đưa ngư dân ra Trường Sa sinh sống là việc xây dựng âu tàu trên các đảo Sinh Tồn, Trường Sa lớn, Song Tử Tây, Đá Tây và hai làng chài ở đảo Núi Le, Tốc Tan thuộc quần đảo này. Các âu tàu gắn với tên gọi "trung tâm dịch vụ hậu cần - kỹ thuật". Trong đó, âu tàu đảo Sinh Tồn" (do Hải đoàn 129 thuộc Tổng Công ty Tân Cảng Sài gòn - Quân chủng Hải quân quản lý) được coi là "thủ phủ" cứu hộ, cứu nạn.

Nằm trong cụm đảo Sinh Tồn có vị trí chiến lược phòng thủ quan trọng trong toàn hệ thống quần đảo Trường Sa, âu tàu Sinh Tồn được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hậu cần kỹ thuật hiện đại, bảo đảm tiếp nhận hàng trăm tàu cá ngư dân vào trú, tránh bão cùng lúc. Âu tàu còn bảo đảm nơi ăn nghỉ cho ngư dân, cung cấp ngư cụ, xăng dầu, sửa chữa tàu hư hỏng; chăm sóc sức khỏe, cung cấp muối, nước ngọt miễn phí cho ngư dân.

Cuộc thi viết về chủ quyền: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân - Ảnh 1.

Chiến sĩ Hải đoàn làm nhiệm vụ ở âu tàu đảo Sinh Tồn tiếp nước ngọt miễn phí cho tàu cá ngư dân. (Ảnh do Hải đoàn 129 cung cấp)

Với cán bộ, chiến sĩ Hải đoàn 129, các anh thấm nhuần ra đảo là "cống hiến tuổi xuân cho Tổ quốc". Trung úy chuyên nghiệp Phạm Huy Quân, tổ trưởng tổ kỹ thuật của Trung tâm Dịch vụ hậu cần - kỹ thuật đảo Sinh Tồn, không thể quên những ngày đầu tiên ra đây xây dựng âu tàu gặp vô vàn khó khăn. "Chúng tôi làm quên cả đêm, chạy đua với thời gian, với sóng biển, mưa bão để kịp hoàn thành các hạng mục. Ngày khánh thành âu tàu cũng là lúc rất nhiều tàu cá ngư dân vào đảo tránh bão" - trung úy Quân nhớ lại.

Theo trung úy Quân, ở Trường Sa thời tiết rất khắc nghiệt. Nước biển mặn "phủ" khắp đảo, nắng gió rát bỏng da người. Rau xanh là một thứ xa xỉ ngoài đảo lúc đó. Song cũng từ trong gian khó, nghĩa tình quân dân càng thêm sâu đậm, gắn bó. "Càng thương ngư dân, chúng tôi càng ra sức phấn đấu. Nhiệm vụ chủ yếu là sửa chữa tàu cá, cung cấp xăng dầu, ngư cụ cho ngư dân nhưng cũng luôn sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo vững chắc trong mọi tình huống" - trung úy Quân bộc bạch.

Yên tâm bám biển

Từ nhiều năm qua, âu tàu đảo Sinh Tồn cùng các âu tàu ở Trường Sa thực sự là điểm tựa vững chắc, giúp ngư dân nối dài thêm những chuyến biển. Mỗi năm với hơn 10 cơn bão, các âu tàu đã tiếp nhận, che chắn, bảo vệ cho hàng ngàn lượt tàu cá của ngư dân.

Mới đây, tàu câu mực QNg 090684 TS sau thời gian lênh đênh trên biển bị hỏng máy bơm nhiên liệu, đã được lai dắt vào âu tàu đảo Sinh Tồn. Tàu được cán bộ, kỹ thuật sửa chữa thành công, tiếp tế nước ngọt, lương thực để tiếp tục hành trình câu mực ở Trường Sa. Thuyền trưởng Đỗ Văn Công của tàu QNg 090684 TS nói rằng giữa biển khơi chẳng may gặp sự cố máy hư hỏng, đặc biệt tai nạn lao động, nếu không có điểm dừng an toàn này thì không biết xoay xở ra sao. "Có bộ đội tiếp sức, chúng tôi thêm an tâm. Mỗi lần ra khơi đánh bắt, chúng tôi luôn lấy các điểm đảo, nhà giàn làm điểm tựa. Đánh bắt khơi xa trong khu vực gần nơi đóng quân của bộ đội, cảm nhận như ở gần bờ vậy. Bộ đội, chiến sĩ Hải quân rất nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi" - thuyền trưởng Công bày tỏ.

Quần đảo Trường Sa những ngày cuối cùng của năm cũ sóng to gió lớn, đặc biệt hứng chịu siêu bão RAI giật cấp 17, sóng cao đến 10 m. Trên các "múi biển", một lần nữa, hàng trăm tàu cá của ngư dân đang nhanh chóng được các chiến sĩ Hải quân đưa vào tránh bão.

Giữa mênh mông biển trời, bao năm qua, những âu tàu, làng chài ngoài "chân trời" Tổ quốc ấy đã và đang phát huy tốt các công năng. Đây không chỉ là nơi thực hiện các dịch vụ hậu cần nghề cá, mà còn là nơi tránh trú an toàn và điểm tựa vững chắc giúp ngư dân vươn khơi đánh bắt xa bờ phát triển kinh tế, góp phần khẳng định ngư trường và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. 

Mời tham gia cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm"

Cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" lần 2, năm 2021-2022 được Báo Người Lao Động phát động từ ngày 28-8-2021 đến hết ngày 15-5-2022. Tác phẩm dự thi là bài viết thể loại phóng sự, ký sự, ghi chép, bình luận, phản ánh, tường thuật, ghi nhanh. Mỗi bài dự thi chỉ đăng 1 kỳ, không quá 1.700 chữ; mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm dự thi.

Tác phẩm dự thi gửi qua email: chuquyenbiendao@nld.com.vn. Tác phẩm dự thi ghi rõ tên tác giả, bút danh, kèm địa chỉ, số điện thoại liên lạc, tài khoản ngân hàng. Tác phẩm dự thi đăng báo được trả nhuận bút theo quy định của Báo Người Lao Động. Cơ cấu giải thưởng, gồm 1 giải nhất 50 triệu đồng; 1 giải nhì 30 triệu đồng; 1 giải ba 20 triệu đồng và 2 giải khuyến khích, mỗi giải 10 triệu đồng.

Chi tiết về cuộc thi xem tại: https://nld.com.vn/ban-doc/hap-dan-cuoc-thi-viet-chu-quyen-quoc-gia-bat-kha-xam-pham-20210829123949148.htm.

Cuộc thi viết về chủ quyền: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân - Ảnh 3.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo