xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xe buýt: Tăng tiền tỉ, khách ít dần

TRƯỜNG HOÀNG - GIA MINH - SỸ ĐÔNG

Trợ giá xe buýt mỗi năm khoảng 1.000 tỉ đồng nhưng lượng hành khách lại giảm liên tục trong 3 năm khiến TP HCM phải đánh giá lại hiệu quả của việc trợ giá cũng như cách tính trợ giá

Kể từ chuyến xe buýt thể nghiệm đầu tiên đi vào vận chuyển hành khách từ năm 2002 đến nay, hoạt động vận tải khách công cộng bằng xe buýt có nhiều chuyển biến.

Khó tồn tại nếu không trợ giá

Thời kỳ hoàng kim của xe buýt là những năm 2005-2011 khi sản lượng vé tăng liên tục và tiền trợ giá cũng tăng theo. Sau đó, sản lượng hành khách chững lại rồi giảm và tiền trợ giá cũng giảm trong các năm 2014-2015. Năm 2016, trợ giá xe buýt ước tính khoảng 995 tỉ đồng và cũng là năm thứ ba liên tiếp khách đi xe buýt giảm. Năm 2017, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) ước tính trợ giá xe buýt khoảng 1.226 tỉ đồng (tăng 23% so với năm 2016) với hy vọng sẽ phục vụ hơn 640.000 lượt khách đi xe buýt. Trong bối cảnh lượng khách đi xe buýt giảm năm thứ ba liên tục nhưng Sở GTVT TP vẫn lấy con số hơn 640.000 lượt hành khách để làm cơ sở tính trợ giá năm 2017 là do theo lộ trình đến năm 2020, UBND TP đặt mục tiêu 15%-17% người dân đi xe buýt nên sản lượng năm sau phải cao hơn năm trước.

Ông Lê Trung Tính, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng TP HCM, cho biết từ năm 2002 (năm đầu tiên áp dụng việc trợ giá) đến nay, tiền trợ giá cho xe buýt liên tục tăng (từ 39,5 tỉ đồng vào năm 2002 lên 610 tỉ đồng năm 2008 và khoảng 1.500 tỉ đồng trong các năm 2012-2013). Do xe buýt hoạt động theo biểu đồ vận hành nên dù không có khách, xe vẫn phải chạy, trong khi giá vé thấp nên nếu không trợ giá thì xe buýt khó tồn tại và thu hút người dân đi lại.

TS Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Chính sách quốc gia, Trường Đại học KHXH-NV TP, cho rằng ngoài những nguyên nhân khiến hành khách “chê” xe buýt như trễ giờ, thiếu an ninh trên xe, thái độ phục vụ kém,… còn do TP chỉ có khoảng 1/3 số tuyến đường đủ chiều rộng để xe buýt có thể hoạt động.

Chuyện dân sinh làm nóng nghị trường

Tại kỳ họp thứ 3 HĐND TP khóa IX đang diễn ra, nhiều đại biểu cũng đề cập chất lượng xe buýt và đầu tư trợ giá xe buýt không hiệu quả. Đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy nói người đi xe buýt liên tục giảm, trong khi ngân sách thành phố phải chi hơn 1.000 tỉ đồng mỗi năm, như vậy là không hiệu quả. Theo bà Thúy, cách tính trợ giá hiện nay là trợ giá cho doanh nghiệp chứ không phải cho người đi nên doanh nghiệp không cạnh tranh nâng cao chất lượng và những doanh nghiệp muốn đầu tư có tâm lý e ngại.

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP, cho biết nguyên nhân khiến lượng khách đi xe buýt giảm là do ùn tắc giao thông; chưa kết nối mạng lưới xe buýt với phương tiện vận tải công cộng khác như đường sắt đô thị, xe điện mặt đất; hạ tầng dành cho xe buýt chưa được đồng bộ và quản lý điều hành yếu kém. Trong đó nổi bật nhiều vấn đề như xe buýt chạy không đúng giờ, xe buýt cũ ảnh hưởng đến chất lượng, cơ chế chính sách hỗ trợ cho phát triển vận tải xe buýt chưa đồng bộ.

“Cơ cấu trợ giá xe buýt theo chi phí năm 2016 là 41%, một số TP khác trên thế giới có trợ giá cao hơn nên việc trợ giá là đúng” - ông Cường dẫn chứng và cho rằng vấn đề đáng nói hiện nay là tìm phương pháp trợ giá cho phù hợp.

Xe buýt xếp hàng chờ xuất bến ở Bến xe Miền ĐôngẢnh: Sỹ Đông
Xe buýt xếp hàng chờ xuất bến ở Bến xe Miền ĐôngẢnh: Sỹ Đông

Giải pháp nào hút khách trở lại?

Để xe buýt có thể thu hút người dân, theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, cần đa dạng kích cỡ phương tiện theo hướng giảm cỡ lớn, tăng cỡ vừa và nhỏ nhằm thích hợp với từng loại đường giao thông ở từng khu vực.

“Nếu muốn giảm xe máy bằng cách tăng cường xe buýt thì sẽ rơi vào nghịch lý: đường hẹp, xe lớn; xe nhiều, ít khách dẫn đến lãng phí, làm ùn tắc giao thông và càng khiến người dân quay lưng với xe buýt” - TS Nguyên nói.

Ông Lê Trung Tính cho rằng giải pháp trước mắt để vực dậy hệ thống xe buýt ở TP là đa dạng các loại hình vé và mở rộng hệ thống bán vé trước; thay thế các loại xe phù hợp với lượng khách, điều kiện mặt đường, điều chỉnh lộ trình hợp lý hơn…

Đề án đầu tư xe buýt giai đoạn 2014-2017 sẽ đưa 1.680 xe buýt mới vào hoạt động với nhiều kỳ vọng hành khách đi xe buýt trở lại. Ông Nguyễn Văn Thảo, Giám đốc HTX Vận tải số 15, nói quá trình tăng sản lượng vé có thể chậm nhưng người dân thấy tiện lợi, xe máy lạnh mát mẻ và rẻ sẽ rủ nhau đi. Trong thời gian đó, trợ giá là cần thiết để xã viên ổn định kinh tế và có lợi nhuận tái đầu tư.

Đồng quan điểm, ông Phùng Đăng Hải, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Vận tải TP, nhìn nhận khi xe buýt mới đi vào hoạt động, thái độ của nhân viên và tài xế cũng được kiểm soát chặt chẽ bởi hệ thống camera trên xe, giờ giấc được bảo đảm bởi hệ thống định vị GPS nên không có chuyện tài xế bỏ trạm.

Xe buýt: Tăng tiền tỉ, khách ít dần

Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP HCM:

Không hiệu quả là thiếu trách nhiệm với dân

Phải xem xét thấu đáo vì sao mỗi năm TP đầu tư hơn ngàn tỉ đồng để trợ giá xe buýt nhưng người đi xe buýt liên tục giảm. Sở GTVT TP cứ hứa tính lại cách trợ giá mà chưa có gì mới. Đến một lúc nào đó, TP sẽ tính có trợ giá cho xe buýt nữa hay không? Đầu tư không hiệu quả là thiếu trách nhiệm với người dân. Sở GTVT TP cần tính toán hằng năm TP có bao nhiêu chuyến xe được trợ giá, trên cơ sở tổng số người đi sẽ chia ra số tiền hỗ trợ. HĐND TP cũng đặt ra với UBND TP và Sở GTVT TP xem lại có đổi mới gì không trong trợ giá. Song sở hứa hoài mà chưa thấy gì mới. Tôi thấy có gì đó chưa ổn. Nguyên nhân nào cần phải chỉ ra và tìm hướng giải quyết.

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP HCM:
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP HCM:

Trợ giá thẳng cho người đi xe buýt

TP đã tập trung đầu tư thay mới phương tiện, mở luồng tuyến mới nhưng có giai đoạn không đầu tư gì thêm nên sản lượng thấp như 3 năm vừa qua. Hiện nay, TP đang trợ giá theo chuyến, cho doanh nghiệp và Sở GTVT đang tính đến phương pháp trợ giá thẳng cho người đi xe buýt. Muốn làm được việc này thì đồng bộ hóa phương tiện kỹ thuật và đưa vào sử dụng vé thông minh. Đến nay, TP đã có hơn 1.200 xe buýt được lắp đặt camera để phục vụ công tác giám sát, quản lý. Trong thời gian tới, sở cũng tập trung triển khai nhiều nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động xe buýt. Hiện Sở GTVT đang trình dự án về kiểm soát tài chính chờ phê duyệt nhưng UBND TP yêu cầu phải đấu thầu quốc tế nên khâu chuẩn bị lâu hơn, dự kiến triển khai đấu thầu vào tháng 2-2017.

Bà Phan Thị Hồng Xuân, đại biểu HĐND TP HCM:
Phan Thị Hồng Xuân, đại biểu HĐND TP HCM:

Tiền hỗ trợ nhiều, hiệu quả không cao

TP HCM hỗ trợ cho xe buýt rất lớn nhưng hiệu quả không cao, người đi xe buýt giảm. Nên chăng thay đổi hình thức trợ giá, không trợ giá cho nhà thầu nữa mà trợ giá trực tiếp cho người thụ hưởng, người thu nhập thấp cần sử dụng dịch vụ này. Đây là một trong những biện pháp chúng ta nên làm mà cũng không khó thực hiện. Vì hiện nay trên xe buýt đã lắp đặt camera hành trình nên chỉ trang bị thêm thùng quẹt thẻ, những đối tượng được trợ giá (học sinh, sinh viên, người khuyết tật, thương binh…) khi đi xe buýt, họ sẽ quẹt thẻ. Để triển khai vấn đề này phải có lộ trình, tập trung vào những nơi như có nhiều đối tượng học sinh, sinh viên, công nhân.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo