17/06/2020 10:35

Xâm hại cây rồi trồng lại theo... phong thủy

Dù không được phép nhưng một số người vẫn phá bỏ, đầu độc cây xanh được nhà nước trồng do nằm ở vị trí không "đẹp mắt" hoặc muốn trồng loại cây theo sở thích, phong thủy

Theo Công ty TNHH Công viên Cây xanh TP HCM, 4 năm qua, TP HCM có trên 15 trường hợp cổ thụ nhóm 1 (cây có đường kính 0,5 m trở lên) hàng chục năm tuổi bị bức hại với nguyên nhân cố ý hủy hoại do yếu tố con người.

Đầu độc vì cổ thụ... chắn lối làm ăn

Ngoài ra, mỗi năm có trên dưới 200 cây xanh bị xâm hại do thi công vỉa hè; thi công ngầm hóa lưới điện và các tuyến ống cấp nước, thoát nước...

Một kỹ sư thuộc Công ty TNHH Công viên Cây xanh TP cho biết khi được giao nhiệm vụ bảo dưỡng, chăm sóc cổ thụ, các công nhân đều quan tâm đặc biệt đối với những cây nằm giữa các lối ra vào nhà dân. "Lý do, từng xảy ra hàng loạt vụ giết cây vì yếu tố phong thủy. Chúng nằm giữa cửa ra vào, nhiều người quan niệm không thuận lợi cho việc làm ăn. Đơn cử như cây dầu cổ thụ có mã số 126 trên đường Hòa Hảo (quận 11) và cây xanh mã số 207 nằm trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 10) bỗng dưng chết héo, công nhân phát hiện xung quanh gốc cây bị đào xới có mùi hóa chất" - kỹ sư trên dẫn chứng.

Lần tìm theo danh sách một số cây có dấu hiệu bị đổ hóa chất, chúng tôi thấy trên đường Ba Tháng Hai (quận 11) có 2 cây xanh vừa mới được trồng. Trước đó, vị trí này là những cây lớn nhưng bị xâm hại vì nằm ở vị trí không "đẹp mắt".

Hay một cây xanh trước hẻm 59 Trần Phú (quận 5) có đường kính thân gần 1 m, cách nay 4 năm bị đốn bỏ vì héo úa, chết khô bất thường. Nguyên nhân cây chết được xác định là có dấu hiệu tác động ngoại lực, cụ thể là vạt vỏ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa tìm ra thủ phạm. Hiện phía sau cây này là một công trình nhà ở, diện tích tầng 2 và tầng 3 nhô hẳn ra ngoài.

Tương tự, trên đường Trần Quang Khải (quận 1) cũng xảy ra tình trạng một công trình vừa được xây dựng cũng là lúc một cây dầu trăm tuổi ngã xuống. Lực lượng chức năng xác định nguyên nhân cây chết do bị phá hoại bằng hóa chất.

Xâm hại cây rồi trồng lại theo... phong thủy - Ảnh 1.

Cây sala được người dân tự ý trồng tại khu dân cư Trung Sơn (huyện Bình Chánh) theo ý thích

Phá cây để trồng mới theo sở thích

Thực tế, rất nhiều cây ở khu dân cư và một số tuyến đường cũng bị nhiều người phá hủy để trồng mới theo sở thích. Đơn cử, tại khu dân cư Trung Sơn (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) có khoảng 10 giống cây không được phép trồng trên hè phố. Đặc biệt ở đường số 6 (khu Trung Sơn) dài chưa đến 500 m nhưng có 5 giống cây thuộc danh mục không được phép tồn tại trên vỉa hè. Ghi nhận cho thấy đa phần người dân tự ý trồng cây lộc vừng, cây sala, thông, sứ và dừa.

"Ban đầu quy hoạch khu Trung Sơn phía bờ hồ trồng cây phi lao, bên trong các con đường lần lượt là cây muồng hoàng yến, cây sao... Nhưng khi người dân vào sinh sống đã tự phá đi và trồng theo ý thích. Hễ trồng mới cây nào thì người dân phá hủy và trồng cây khác mà phần lớn những cây này mang yếu tố phong thủy" - một kỹ sư chăm sóc cây xanh thuộc Công ty TNHH Công viên Cây xanh TP nhận định.

Theo đánh giá của Công ty TNHH Công viên Cây xanh TP, số lượng cây do người dân trồng tự phát thuộc danh mục cấm trồng và những cây không phù hợp với tiêu chí trồng trên đường phố vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên, do nhiều tuyến đường có vỉa hè hẹp hay cao độ chưa ổn định, nếu thực hiện cải tạo thì sẽ không thể trồng lại nên tạm thời vẫn duy trì cây để tạo bóng mát cho người dân trong khu vực. Thống kê chi tiết cho thấy đường phố đang có hơn 50 loài thuộc danh mục cây cấm trồng, như: bàng, da, sung, bã đậu, trứng cá, hoa sữa, sọ khỉ, các loại cây ăn trái...

TS Trần Khánh Hà, giảng viên Trường Đại học Nông Lâm TP HCM, cho rằng dù các cây xanh được trồng ở khu dân cư nhưng nếu trồng ở vỉa hè cũng phải theo quy hoạch. Bởi những giống cây như lộc vừng, bã đậu, trứng cá rụng bông, lá ảnh hưởng đến môi trường. Ngoài ra, nếu mưa bão gây gãy đổ, nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, cần có danh mục chi tiết theo từng khu vực để hướng dẫn người dân. Mục đích cuối cùng là tạo bóng mát và lọc sạch không khí.

23 cây xanh bị xâm hại do bảng quảng cáo

Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP HCM) cho biết gần đây nổi lên trường hợp xâm hại cây xanh do thiếu ý thức. Trong đó, phổ biến như đóng đinh, giăng mắc các vật dụng, bảng quảng cáo vào thân cây; xây bục, bệ bao quanh hoặc trám bít gốc cây... Gần đây nhất, 23 cây xanh quanh trụ quảng cáo bị phá hoại bằng hành động cắt tỉa cành, nhánh và làm suy giảm sức sống. Hiện nay, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật đang đề xuất thu hồi việc khai thác các trụ quảng cáo này và cũng không cho các đơn vị này khai thác tại những vị trí khác.

Bài và ảnh: Lê Phong

Tin liên quan

Viết bình luận

Bãi rác đã được thay bằng bồn hoa
2 giờ trước 548 1k
Những ngày này, nếu đi trên đường Phan Xích Long, đoạn thuộc quận Bình Thạnh (TP HCM), mọi người sẽ được chứng kiến sự thay da đổi thịt với những bồn hoa rất đẹp (ảnh).
CUỘC THI ẢNH THIÊNG LIÊNG CỜ TỔ QUỐC: Hào khí miền Đông
4/6/2023 548 1k
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Trung Trực đã thực hiện bộ ảnh "Hào khí miền Đông" gửi dự thi cuộc thi ảnh "Thiêng liêng cờ Tổ quốc".
Tăng hiệu quả quản lý kế hoạch đầu tư công
3/6/2023 548 1k
Việc phân bổ hiệu quả các dự án đầu tư công sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống người dân, tạo cơ hội cho họ tiếp cận giáo dục bình đẳng và hưởng thụ các dịch vụ y tế, văn hóa
Giá bán căn hộ tái định cư đúng quy định
3/6/2023 548 1k
Bà NGUYỄN THỊ HUYỀN CƠ và ông TẦN VIỆT CƯỜNG (ngụ chung cư Phú Mỹ, quận 7, TP HCM) phản ánh: Căn nhà ông, bà ở đường Tôn Thất Thuyết, phường 3, quận 4, TP HCM bị ảnh hưởng bởi dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng để xây dựng công viên. Tuy nhiên, gia đình ông, bà phải mua nhà tái định cư (TĐC) với giá cao hơn quy định của nhà nước…
Bị lùa đi xem đất, ép "xuống cọc"

Bị lùa đi xem đất, ép "xuống cọc"

Thời gian qua rộ lên việc một số công ty bất động sản lấy lý do tổ chức hội nghị tri ân khách hàng, sau đó ép khách hàng đi xem đất ở Long An, Đồng Nai… rồi dụ dỗ đóng tiền cọc...