xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tôi là phóng viên Người Lao Động

MINH HÀ

Năm 1990, tôi di cư vào TP HCM. Cuối năm đó, tôi "chân ướt chân ráo" vào Báo Người Lao Động. Và đến bây giờ, khi đã vào tuổi heo may, tờ báo này vẫn là một nơi chốn đi về đầy gắn bó thân thương của tôi.

Tôi thuộc thế hệ may mắn được làm báo trong thời kỳ đất nước có nhiều biến đổi quan trọng, cả về tư duy lẫn đường lối, chính sách thời mở cửa. Dĩ nhiên, càng nhiều biến động càng dễ va chạm, nhất là khi báo chí theo sát phản ánh những vấn đề quốc kế, dân sinh.

Báo Người Lao Động đã đi vào lòng bạn đọc nhờ khai thác những chủ đề được người dân quan tâm, trong đó phải kể đến sự dũng cảm của các tổng biên tập. Còn nhớ, khi góp ý cho Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Lao động, vấn đề đình công đang rất nhạy cảm và gây nhiều tranh luận. Bên cạnh các vệt bài phản ánh những tranh chấp lao động liên quan đến lương, thưởng, giờ làm việc…, Báo Người Lao Động còn có bài xã luận "Đình công - vũ khí cuối cùng của người lao động". Ngay lập tức, có ý kiến từ Ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐ Việt Nam nhắc nhở: Đình công là chuyện chẳng đặng đừng nhưng không nên dùng từ "vũ khí", dễ gây kích động. Thế nhưng, Tổng Biên tập Phan Hồng Chiến vẫn giữ quan điểm của mình, bảo vệ người viết bài là tôi. Đình công hợp pháp cuối cùng đã được đưa vào Bộ Luật Lao động 2012.

Tôi là phóng viên Người Lao Động - Ảnh 1.

Nhà báo Minh Hà (bìa phải) tác nghiệp tại một kỳ họp Quốc hội Ảnh: Tư liệu

Dấu ấn sâu đậm nhất gắn bó Báo Người Lao Động với tôi chính là những lần phỏng vấn Thủ tướng, tân Thủ tướng. Những năm 1990-2000, Người Lao Động vẫn là tờ báo nghèo. Song, Ban Biên tập vẫn mạnh dạn thành lập Văn phòng đại diện tại Hà Nội và cử phóng viên ra tác nghiệp các sự kiện quan trọng để mở rộng tầm phủ sóng thông tin. Trong đó, "nặng ký" nhất là các kỳ họp Quốc hội. Ngoài nhiệm vụ chính là tường thuật các buổi họp, khai thác sâu những chủ đề riêng liên quan đến đối tượng bạn đọc của báo thì thông lệ không thể thiếu là phải có bài phỏng vấn Thủ tướng Chính phủ ngay sau phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội và tân Thủ tướng khi vừa nhậm chức.

Thủ tướng đầu tiên trong đời làm báo mà tôi tiếp cận là ông Võ Văn Kiệt. Lính mới tò te lần đầu tiên ra "chiến trường", tôi hồi hộp đến nỗi đêm hôm trước chỉ dành để tập đi tập lại thao tác ghi âm, tua băng - chỉ lo run quá bấm nhầm nút delete (xóa). Và cũng vì run mà khi các phóng viên ùa ra hội trường để tìm nhân vật phỏng vấn, tôi không xác định được Thủ tướng Võ Văn Kiệt đang ở giữa những nhóm phóng viên nào. Lao đến nơi đông người vây quanh nhất, tôi giật áo một phóng viên hỏi "ông đó có phải là Thủ tướng Võ Văn Kiệt?". Từ đó, tôi có luôn giai thoại "ông nớ là ông nào?"!

Đến lần tôi phỏng vấn tân Thủ tướng Phan Văn Khải lại là một tình huống khác. Ngay giờ giải lao sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua chức danh Thủ tướng, ông Phan Văn Khải thoắt cái đã biến mất vào hậu trường. Một số phóng viên nhanh trí "phục" tân Thủ tướng ngay... cửa nhà vệ sinh nhưng ông lại vội vã đi ra rất nhanh. Lo lắng bài phỏng vấn không thành, tôi chạy theo kéo tay ông nài nỉ: "Thủ tướng cho em phỏng vấn mấy câu, không thì về em bị đuổi việc". Quá ngạc nhiên, ông dừng lại. Và thế là báo chí có được bài phỏng vấn nóng hổi. Sau này, trong một lần trả lời phỏng vấn báo Xuân, Thủ tướng Phan Văn Khải cho biết ông thường xuyên đọc Người Lao Động vì báo luôn đề cập những vấn đề gần gũi và sát sườn, không chỉ người dân mà cả Chính phủ đều quan tâm.

Có rất nhiều chuyện đáng nhớ sau gần 30 năm tôi gắn bó với Báo Người Lao Động. Điều đọng lại với thế hệ chúng tôi là sự tự hào khi xưng danh "Tôi là phóng viên Báo Người Lao Động". Bởi lẽ, tờ báo tuy không giàu về lương, thưởng nhưng giàu về tình người; giàu nhiệt huyết và hoài bão về một xã hội hướng thiện; giàu những trăn trở suy tư với người lao động, với những bất cập trong đời sống thường nhật. Chính vì đi đúng tôn chỉ, mục đích mà tờ báo đã đào tạo được những thế hệ phóng viên giỏi nghề, vững vàng trong mọi hoàn cảnh. Đồng nghiệp các báo vẫn nói đùa với chúng tôi: "Báo Người Lao Động là lò đào tạo, cung cấp sếp cho các báo". Đó chính là thương hiệu của Người Lao Động.

Thanh xuân như một chén trà… Với một thế hệ đã qua tuổi thanh xuân với Người Lao Động, chúng tôi luôn mong tờ báo của mình vẫn mãi thanh xuân.

Một lần bị từ chối

Cũng đã có lần xưng danh phóng viên Báo Người Lao Động, chúng tôi bị từ chối trả lời phỏng vấn. Đó là khi Quốc hội thảo luận lần đầu Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Ngay trong dự thảo, luật này đã có những bất cập và nhiều nội dung khó thực thi ở một loạt vấn đề: thu nhập chịu thuế, giảm trừ gia cảnh, biểu thuế suất, khoảng cách giữa các biểu thuế… Báo Người Lao Động đã ghi nhận những bất cập ấy với cái tít gây sốc: "Bộ Tài chính nhìn dân bằng mắt nào?" (hồi ấy và cả bây giờ, hầu hết dự thảo luật đều do các bộ, ngành liên quan soạn thảo nên thường nghiêng về hướng có lợi cho quản lý ngành mà thiếu sự sâu sát với đời sống thực tế).

Để rộng đường dư luận, tại kỳ họp Quốc hội, Báo Người Lao Động tiếp tục phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính thời ấy là ông Hồ Tế về vấn đề này. Thế nhưng, khi chúng tôi vừa cất lời, ông đã gạt phắt, xua tay không trả lời.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo