xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“So tài” trên bàn nhậu

THU HẰNG

Mức sử dụng rượu, bia hiện nay làm tăng 51% nguy cơ mắc ung thư liên quan tới loại thức uống lợi bất cập hại này

“Đi qua các con đường tại TP HCM, tôi bắt gặp rất nhiều người tụ tập uống bia, rượu bất kể đang trong giờ làm việc hay vào thời điểm lẽ ra dành để tập thể dục, rèn luyện sức khỏe. Tệ hơn là cảnh những người say xỉn chạy xe loạng choạng cực kỳ nguy hiểm hay có những người thậm chí còn nằm lăn ra đường…”. Đó là cảm nhận của ông Jean Marc Potlet, một họa sĩ người Pháp, về khoảng thời gian trải nghiệm tại Việt Nam.

Vị họa sĩ này cho rằng không nhất thiết phải ngăn ngừa nghiêm ngặt tới mức cấm bia, rượu ở nơi công cộng và chỉ cấp phép cho một số khách sạn và quán bar được tiêu thụ đồ uống có cồn như ở Dubai nhưng nếu để tình trạng “so tài” thả cửa trên bàn nhậu như ở Việt Nạm thì thực sự đáng ngại.

“Tôi cho rằng thỉnh thoảng dành thời gian “nhậu” với bạn bè là điều tuyệt vời nhưng lạm dụng quá lại tạo ra một hình ảnh chẳng hay ho gì. Nếu là tôi, tôi cũng chẳng muốn ai đó nhìn vào đất nước mình lại thấy “điều nổi bật” nhất là những kẻ mải mê nhậu nhẹt quên cả ngày mai” - ông Potlet nói.

Trong khi đó, chị Aya Matsuzaki, một chuyên gia thiết kế người Nhật, lại cho rằng ở Việt Nam, quán nhậu mọc lên san sát nhau và luôn chật kín người. Khách tràn ra lề đường, lấn cả lối đi của người đi bộ. “Bia, rượu không xấu, tất cả phụ thuộc vào cách người ta sử dụng nó. Tôi không rõ lắm câu chuyện của những người dành phần lớn thời gian của mình ở những quán nhậu như vậy. Tôi chỉ nghĩ rằng họ có quá nhiều thời gian nên mới phí phạm theo cách đó” - chị Aya Matsuzaki bày tỏ.

 

Lạm dụng rượu, bia sẽ dẫn đến những tác hại khôn lườngẢnh: HOÀNG TRIỀU
Lạm dụng rượu, bia sẽ dẫn đến những tác hại khôn lườngẢnh: HOÀNG TRIỀU

 

Cũng “ngả nón” với món ăn nhậu tại Việt Nam, anh John Hendrix, du khách Úc, chia sẻ uống rượu, bia trở thành một phần văn hóa ở nhiều quốc gia trên thế giới. Một đêm trong quán rượu ở Ireland, những bữa tối không thể vắng mặt rượu nho ở Pháp hay Ý, ấm lòng với hũ rượu sake ở Nhật, một ly martini trong quán bar ở Mỹ, lễ hội bia Oktoberfest ở Đức hay ly rượu vang lạnh ở Úc… Đó là những hình ảnh đã ăn sâu vào văn hóa của nhiều người, nhiều quốc gia. Tuy nhiên, để giữ gìn chúng mãi là những nét đẹp thì cần một sự tỉnh táo, nếu không sẽ phải trả giá bằng chính sức khỏe và mạng sống của mình.

“Theo số liệu từ chính phủ Úc, sử dụng các chất có cồn chiếm 30% nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông, 30% các vụ đột quỵ và chết đuối. Cứ 10 vụ bạo hành gia đình thì có đến 4 vụ liên quan bia, rượu. Trong khi tiêu thụ rượu, bia đang giúp các nhà sản xuất thêm “dày túi” thì lại khiến xã hội Úc tiêu tốn 15,3 tỉ USD mỗi năm” - anh John Hendrix dẫn chứng.

Anh Hendrix còn tếu táo rằng: “Nhìn cách người Việt “so tài” trên bàn nhậu, tôi tin chẳng bao lâu nữa, các bạn sẽ không còn đối thủ trên thế giới. Giới chức y tế ở Anh mới đây đã công bố hướng dẫn mới nhất khuyến cáo giới hạn lượng bia, rượu mỗi ngày cho cánh mày râu xuống mức thấp nhất so với châu Âu. Điều đó là cần thiết vì sức khỏe của dân tộc”.

Một nghiên cứu về việc sử dụng rượu, bia được công bố cuối năm 2015 trên tạp chí The Lancet do TS Andrew Smyth, thuộc Viện Nghiên cứu Sức khỏe Dân số - ĐH McMaster (Canada), cho thấy tình trạng sử dụng rượu, bia đang gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư và các tổn thương liên quan. Dù không thể phủ nhận một số lợi ích song sử dụng rượu, bia được cho là nguyên nhân phổ biến thứ ba gây tử vong và khuyết tật. Đáng chú ý, mức sử dụng rượu, bia hiện làm tăng 51% nguy cơ mắc ung thư do rượu bia, như các loại ung thư vòm họng, thực quản, trực tràng, gan, vú, buồng trứng...

 

Từ chuốc bệnh đến gây án

Ngộ độc rượu, các căn bệnh liên quan đến chuyển hóa, tim mạch như gút, huyết áp… - những nguy cơ sức khỏe dễ gặp ở người nghiện rượu mà hầu như ai cũng biết - mới chỉ là bề nổi của tảng băng trôi. Không chỉ chuốc khổ về mình, nhiều người từ nghiện, lệ thuộc rượu đã gây án trong cơn loạn thần.

“Chúng tôi vẫn thường xuyên tiếp nhận những ca giám định hình sự có liên quan đến rượu, trong đó có nhiều vụ án nghiêm trọng như giết người, hiếp dâm, cố ý gây thương tích, cướp giật, hủy hoại tài sản…” - ThS - BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TP HCM, cho biết.

ThS - BS Quang cũng phân tích cơ chế gây bệnh: Aldehyde trong rượu sẽ tích trong máu, đào thải không kịp sẽ thành độc tố tác động đến hệ thần kinh trung ương, làm rối loạn chuyển hóa các hóa chất trung gian thần kinh, từ đó tác động lên các tế bào thần kinh, tổn thương, hủy hoại chúng theo thời gian sử dụng tăng dần và thường xuyên kèm nhiều yếu tố không thuận lợi tác động đến cơ thể. Người bệnh sẽ bị biến đổi về nhân cách, cảm xúc, tư duy, hành vi, trí nhớ...

Trong một hội thảo do Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe TP HCM tổ chức gần đây, BS Huỳnh Thanh Hiển, Bệnh viện Tâm thần TP HCM, cho biết tỉ lệ sử dụng rượu trong cộng đồng là khoảng 85%, trong đó mức lạm dụng/lệ thuộc có thể lên đến 13%.

Theo ThS-BS Quang, sở dĩ nhiều người lạm dụng rượu nhưng người mắc bệnh, người không là do tác động của nhiều yếu tố khác như: thể trạng, khả năng dung nạp và sức đề kháng của cơ thể, trạng thái cảm xúc khi uống, chất lượng rượu. Những người “uống không nổi”, mau mệt, mau say nhưng cố uống sẽ dễ bệnh hơn. Những người sử dụng rượu chưng cất không đúng quy trình với nồng độ aldehyde cao gấp nhiều lần và không qua giai đoạn khử độc tố cũng sẽ bị hủy hoại nhiều hơn, bao gồm cả người sử dụng loại rượu rẻ tiền trôi nổi và người sử dụng rượu đắt tiền nhưng mua nhầm hàng giả.

A.Thư

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo