xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những tấm gương hiếu thảo: Mong mỗi ngày đều được sống vui vẻ

Bài và ảnh: Ý Linh

Nhiều người nói rằng chị Thùy là cô con dâu hiếm có giữa thời buổi hiện nay khi chấp nhận yêu và cưới một người đàn ông có gia cảnh đặc biệt

"Sao chị liều quá!". Tôi buột miệng cảm thán khi người phụ nữ khệ nệ bụng bầu hơn 8 tháng, kiên nhẫn dỗ dành người chị chồng bị tâm thần làm vệ sinh tay chân, kể cho tôi nghe về quyết định của 19 năm trước, cái quyết định đã đưa chị đến cuộc sống ở thời điểm hiện tại.

18 năm gồng gánh gia đình chồng

Chị là Tạ Ngọc Thùy (ngụ phường 7, quận Tân Bình, TP HCM). Quê ở Sóc Trăng, cha mất sớm, từ nhỏ chị đã theo mẹ lên TP HCM sinh sống. Năm 24 tuổi, chị đồng ý yêu và cưới anh Nguyễn Huy Ánh, con trai thứ trong một gia đình có 6 anh chị em. Ngoài mẹ già, anh Ánh còn nhận trách nhiệm chăm sóc cho 2 anh, chị bị bệnh tâm thần.

"Nhiều người cũng hỏi sao tôi liều quá nhưng yêu thì liều thôi chớ sao". Đó là cách chị nói về quyết định về ở với anh. Quả thật, nếu không vì sức mạnh của một tình yêu chân thành, có lẽ sẽ không có cái gật đầu mạnh dạn của cô gái xuân sắc có không ít người theo đuổi ở thời điểm đó. Còn anh thì thú thật trước khi quen chị, anh đã vài lần bị từ chối chỉ vì gia cảnh quá đặc biệt.

Dù đã xác định từ trước nhưng những khó khăn của cuộc sống thực tế lại vượt xa những gì chị tưởng tượng. Hết chạy xe ôm, anh Ánh lại làm người giao hàng, chăm chỉ sớm hôm nhưng thu nhập cũng không khá khẩm gì. Để phụ giúp kinh tế, chị ngược xuôi buôn bán từ rau củ quả đến quần áo, giày dép. Thời gian còn lại, chị dành hết cho công việc gia đình. Từ chuyện cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con đến chăm lo thuốc men cho mẹ chồng bị liệt vì tai biến và 2 anh, chị chồng bị tâm thần.

Những tấm gương hiếu thảo: Mong mỗi ngày đều được sống vui vẻ - Ảnh 1.

Chị Tạ Ngọc Thùy bên cạnh mẹ chồng

"Thời gian đầu, tôi thấy cũng bình thường vì mình đã chấp nhận cưới thì những việc này là bổn phận của mình" - chị tâm sự.

Thế nhưng, những chuỗi ngày lên cơn loạn thần kinh, anh, chị chồng chửi bới, la hét, đập phá đã khiến chị chán nản đến nỗi phải bồng con về nhà mẹ ruột. Đó là thời điểm chị cảm thấy hối hận với lựa chọn của mình.

Chị kể: "Lần đó tôi quyết buông xuôi, đưa con gái đầu lòng về nhà mẹ đẻ. Vậy mà hễ cứ đến giờ cầm chén cơm ăn, lại thấy lo. Chồng đi làm suốt, ở nhà chỉ còn 1 người già, 2 người tâm thần, không ai nấu cho, không biết tới giờ ăn có gì bỏ bụng không. Nghĩ rồi tự dưng rơm rớm nước mắt. Rồi đâu cần ảnh (chồng chị) đến rước, tự tôi ẵm con về lại".

Chuyện xảy ra cũng đã 19 năm, dù đến nay gia đình vẫn thuộc diện hộ nghèo của địa phương nhưng chị nói cuộc sống đã đỡ cơ cực rất nhiều. Sự hòa thuận của gia đình và đặc biệt cô con gái đầu lòng chăm ngoan, học giỏi chính là động lực, hạnh phúc giúp chị vượt lên khó khăn mỗi ngày. Cũng phải đợi đến lúc này, chị mới quyết định sinh thêm con thứ hai.

Luôn sống lạc quan

Theo thời gian, tấm lòng thơm thảo của chị đã cảm hóa được cả những người không bình thường. Cả nhà ai bảo cũng không được nhưng hễ chị nói là anh, chị chồng sẽ nghe theo. Hai người lớn khờ khạo hễ thấy chị đi bán về lại nhanh tay phụ dọn hàng từ chiếc xe máy chở đồ xuống, rồi hỏi thăm như chị vừa đi xa về.

Nhớ về quãng thời gian trước, chị vẫn tự an ủi mình: "Chuyện lâu rồi! Giờ cứ uống thuốc đầy đủ, tinh thần ổn định thì anh, chị hiền lắm! Tôi dỗ gì cũng nghe" - chị vừa kể vừa nhìn bàn chân người chị chồng mới được cắt giũa sạch sẽ, mỉm cười hài lòng.

Kể về mẹ chồng, chị thật thà: "Mẹ chồng tôi hiền lắm, từ xưa giờ vẫn vậy. Bà hiền và thấu hiểu cho phận dâu con như tôi. Thương nhất là cứ sợ tôi buồn, tôi bỏ đi. Sợ mẹ buồn nên tôi cũng không bao giờ dám có suy nghĩ đó nữa".

Bà Phượng - mẹ chồng chị Thùy - nay đã ngoài 80 tuổi, tóc bạc trắng, hai chân bị liệt hoàn toàn, đôi mắt không còn nhìn được nữa lại mắc nhiều bệnh của tuổi già. Từ việc lo tiền thuốc thang đến vệ sinh hằng ngày, vợ chồng chị gánh vác hết. Theo lời chị Thùy, bà vẫn còn minh mẫn lắm. Bà thương chị như thương cô con gái ruột giỏi giang, thảo hiền. Hễ những lúc chị buồn, chị tâm sư,̣ bà đều kiên nhẫn lắng nghe, chia sẻ với con dâu. Nhắc đến chị Thùy, bà xúc động nói: "Tôi thương nó như con, mười mấy năm sống chung chưa bao giờ mẹ con phải to tiếng qua lại".

Hiếu kính với người già thì trời giáng phúc, quả thật, dù tảo tần lam lũ là vậy nhưng ở tuổi 43, chị vẫn giữ được nét trẻ trung, rạng ngời. Ai có hỏi chị khổ không, nhất định chị sẽ nói: "Khổ chứ nhưng đó là lựa chọn của mình, mình không trách ai, chỉ mong mỗi ngày đều được sống vui vẻ". Suốt buổi gặp mặt, từng câu chuyện dù vui dù buồn đều được chị thuật lại với vẻ lạc quan lạ kỳ. Qua từng ánh mắt, nụ cười dễ khiến người đối diện nghĩ rằng người phụ nữ này đang có một cuộc đời thật sung túc, an nhàn.

Có lẽ về vật chất, tôi không bằng ai nhưng niềm vui, hạnh phúc thì nhiều. Sướng hay khổ, do góc nhìn của từng người. Mỗi ngày tôi đều thấy mình vui, gia đình đông đủ, hòa thuận, vậy là đủ rồi!” - chị Tạ Ngọc Thùy nói.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo