xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhức nhối nạn vứt rác bừa bãi

Lê Vĩnh - Anh Vũ - Tuyết Trinh

Rác nằm trên vỉa hè, rác tràn xuống lòng đường, rác nổi lềnh bềnh dưới sông...; những bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị ngang nhiên tồn tại từ năm này qua năm khác

Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, ông Nguyễn Văn Tuấn ra đốt đống rác trước nhà để bớt mùi hôi thối. Đống rác này đã làm đảo lộn sinh hoạt của hàng chục hộ dân hai bên đường số 4, phường Linh Xuân, TP Thủ Đức, TP HCM. "Dơ quá chú ơi! Không đốt ai mà chịu nổi. Nhân viên môi trường cũng thu gom nhưng nhiều quá, không xử lý kịp nên tôi đốt" - vừa làm ông Tuấn vừa nói.

Rác "nuốt" đường đi

Trên các tuyến đường số 14, đường số 2, số 4 (TP Thủ Đức, TP HCM) nhiều bãi rác lớn nằm ngổn ngang, bốc mùi nồng nặc. Những biển báo cấm đổ rác được cắm lên nhưng biển thì đã cũ còn rác mới thì cứ chồng chất lên nhau. Có những đoạn đường bị rác nuốt chửng, không thể phân biệt được bãi rác hay con đường bởi rác chiếm gần hết diện tích mặt đường.

Bà Đặng Thị Vui (ngụ phường Linh Xuân, TP Thủ Đức) cho biết đoạn đường này trước đây rất sạch, là nơi để mọi người tản bộ nhưng rồi một số người đem rác đến đổ trộm, dần dần nơi đây bị biến thành điểm tập kết rác. "Người ta đổ trộm rác vào ban đêm nên cũng không biết ai mà nhắc nhở được. Giờ nhếch nhác, hôi thối vậy, không còn ai dám ra ngoài đây mà đi dạo nữa" - bà Vui bức xúc.

Tại chân cầu đi bộ nằm trên Quốc lộ 1 gần đó, những bãi đất đá, vật liệu xây dựng, rác thải sinh hoạt cũng tràn lan, đầy ruồi nhặng.

Không chỉ ở TP Thủ Đức, đi dọc các tuyến đường lớn nhỏ khác trong thành phố, không khó để bắt gặp những bãi rác tự phát, cho dù ở quận trung tâm hay quận, huyện vùng ven. Đặc biệt ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều cơ sở kinh doanh trả mặt bằng, trong lúc treo biển cho thuê hoặc bán nhà, những nơi này không có người thường xuyên lui tới, nhiều người lén đem rác đến bỏ. Thêm vào đó, vì không có người ở nên không ai trả tiền thu gom rác, công nhân vệ sinh cũng không thu gom rác những nơi này. Mặt bằng cũ kỹ do bỏ không suốt nhiều tháng, cộng thêm những đống rác dơ bẩn tạo nên cảnh nhếch nhác, xấu xí.

Anh Đoàn Văn Linh (ngụ quận Gò Vấp) kể nhiều tháng nay, anh đau đầu với bãi rác ngay cạnh cửa hàng khiến việc làm ăn mua bán của anh bị ảnh hưởng. "Chủ nhà không ở đây nên không có ai dọn dẹp. Đêm xuống, người ta đem rác tới vứt. Lúc đầu tôi còn dọn dẹp giúp nhưng ngày nào cũng vậy, giờ rác dồn lại nhiều quá rồi, tôi bất lực" - anh Linh thở dài.

Nhức nhối nạn vứt rác bừa bãi - Ảnh 1.
Nhức nhối nạn vứt rác bừa bãi - Ảnh 2.

Bãi rác trên đường Nguyễn Văn Nghi (quận Gò Vấp) và bãi rác ven đường số 14 (TP Thủ Đức)Ảnh: Tuyết Trinh- Anh Vũ

Rác phủ mặt sông rạch

Nằm án ngữ trên đường Nguyễn Văn Nghi (quận Gò Vấp, TP HCM), gần cổng Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, bãi rác tự phát hình thành hơn nửa tháng nay, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân xung quanh.

Theo những người buôn bán gần khu vực này, bãi rác hình thành do Trường ĐH Công nghiệp TP HCM thi công cổng số 4 nhưng không thu dọn xà bần, cây cối mà chất thành đống bên lề đường. Nhiều người đi ngang qua khu vực này thấy vậy nên vứt thêm rác vào, hình thành nên bãi rác to ngay bên đường. Từ sô-pha hư, xà bần đến rác thải sinh hoạt, rau củ quả hư thối... đều được vứt bỏ tại đây. Dưới cái nắng nóng cộng thêm gió làm bãi rác bốc mùi dữ dội. Bãi rác nằm kế trạm xe buýt nhưng vì quá ô nhiễm nên người dân phải đến một trạm xa hơn để bắt xe.

Ông Bùi Công Sơn (buôn bán trái cây kế bên bãi rác) chỉ biết lắc đầu ngao ngán vì đống rác hôi hám, ảnh hưởng đến việc kinh doanh của gia đình. "Ai cũng chăm chăm làm sạch đẹp cho ngôi nhà của mình, còn ngoài đường thì cứ thẳng tay vứt rác. Tôi mong chính quyền sớm xử lý tình trạng này để bà con sinh hoạt và buôn bán được yên ổn" - ông Sơn nói.

Dọc đường Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp, TP HCM), cũng có nhiều bãi rác lớn nhỏ nằm rải rác dọc đường. Bắt nguồn từ việc "người đi trước dám vứt, người đi sau bắt chước", những bãi rác tự phát cứ thế xuất hiện, ai cũng thấy hôi thối, mất vệ sinh nhưng không ai dọn.

Rác ngập tràn trên bộ, dưới sông cũng không khá hơn. Ghi nhận tại sông Vàm Thuật và con kênh ngang qua đường Trần Bá Giao (quận Gò Vấp, TP HCM), rác phủ mặt sông làm mặt nước bốc mùi hôi thối, nước chuyển màu đen ngòm.

Tương tự, dọc đường Ven sông (phường An Phú Đông, quận 12) hình thành những "khu tập kết" rác mới. Khu vực này không có nhà dân, cây cối rậm rạp nên nhiều người đi ngang qua thản nhiên vứt và đốt rác. Những bãi rác này gây nhức nhối cho người dân suốt nhiều năm nay.

Mời tham gia diễn đàn

Cuộc sống phát triển không ngừng với đa dạng các hoạt động dịch vụ tiện ích, công nghệ phát triển. Thế nhưng, ở nước ta, cho dù là ở đô thị lớn, ý thức bảo vệ môi trường của người dân vẫn còn rất kém, trong đó hành vi đổ rác bừa bãi diễn ra từ năm này qua năm khác, như một căn bệnh kinh niên, bất chấp báo chí phản ánh liên tục; các cấp chính quyền đã nỗ lực quản lý, xử lý lượng rác thải trên địa bàn; tăng cường các biện pháp xử phạt...

Làm sao trị bệnh vứt rác bừa bãi? Giải pháp nào là phù hợp, hiệu quả nhất trong tình hình hiện nay? Mời bạn đọc tham gia diễn đàn và hiến kế để xử lý tình trạng này. Thư từ, bài vở xin gửi về địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo