xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nên dẹp lễ hội bạo lực: Hủ tục cản trở sự phát triển xã hội

Văn Công Hùng

Hủ tục có từ thời con người còn u mê, khoa học chưa phát triển, niềm tin hết sức mù mờ... Nhưng bây giờ, sự hiểu biết đã nhân lên rất nhiều lần, sao vẫn tin vào những điều hết sức mông lung?

Đang có một nghịch lý song hành trong xã hội ta hiện nay, vừa khó lý giải nhưng lại có thể quy nạp về một thứ gọi là văn hóa tạp nham. Một niềm tin hết sức mù mờ và vô định, ấy là cùng một lúc người ta đi chùa chiền tràn lan, tất cả chùa lớn chùa bé, kể cả chùa chưa làm xong đều có người tới dâng hương, viếng và công quả; thì cũng những con người ấy, họ có thể quay ngoắt về những "lễ hội" hết sức man rợ như chém lợn, vặt lông lợn, treo cổ trâu cũng để... làm việc thiện và thanh thản tâm hồn (!).

Niềm tin u muội

Năm nào đấy, ở Yên Bái, người ta treo cổ con trâu trong cái lễ hội ở đền Đông Cuông khiến người xem clip phải dựng tóc gáy nhưng những người thực hiện và xem trực tiếp thì hết sức hể hả. Cũng như thế, thật kinh hãi khi người ta chém ngang thân con lợn giữa thanh thiên bạch nhật và kinh hãi hơn nữa là người ta lấy tiền thấm máu con lợn đang lênh láng trên sân, ai có nhiều tờ tiền nhúng máu như thế được tin là sẽ may mắn. Mới đây nhất, hình ảnh con lợn bị vặt lông khiến chúng ta phải nửa cười nửa mếu. Cười là vì sao lại có thứ niềm tin u muội đến thế, vặt lông lợn để cầu may, cầu phước. Mếu vì nghĩ nếu như trong chúng ta, có ai đó, bị khiêng đi như thế, rồi bị lũ lợn xúm lại nhổ lông như thế để cầu may, ít nhất là cầu không bị con người... vặt lông.

Phải nói rõ một điều thế này, những tục lệ này có từ ngày xưa, cái thời con người còn u mê, khoa học chưa phát triển, niềm tin hết sức mù mờ, người ta tin vào những điều không giải thích được, quy tất cả những gì chưa biết là do thánh thần. Họ tạ lễ thánh thần bằng cách mà họ nghĩ ra là dâng những gì quý nhất của họ cho thánh thần. Đã từng có chuyện cổ tích là hằng năm, còn phải dâng cô gái đẹp nhất làng, còn trinh, cho Hà Bá hoặc vị thần nào đấy sao? Nhưng bây giờ, sự hiểu biết đã nhân lên rất nhiều lần mà vẫn đi tin vào những điều hết sức mông lung và tàn ác ấy thì quả là không thể nào hiểu nổi. Thêm nữa, ngày xưa người ta có làm thì cũng chỉ cao nhất là trong phạm vi một làng hoặc một nhóm người. Giờ phương tiện hiện đại, chỉ một cái smartphone là có thể ghi hình cho hàng vạn người xem. Chưa kể có du lịch nhúng vào, có cả nhân danh văn hóa để tổ chức, nó trở thành sự kiện đông người, hàng triệu người chứng kiến hoặc đọc/nghe/xem tường thuật, cái ác cứ thế nhân ra...

Nên dẹp lễ hội bạo lực: Hủ tục cản trở sự phát triển xã hội - Ảnh 1.

Phục dựng lễ hội đâm trâu tại xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng năm 2015. Nay tỉnh Lâm Đồng đã bỏ nghi thức này vì có yếu tố man rợ, kích động bạo lực. Ảnh: ĐÌNH THI

Hồn nhiên làm điều ác

Ngày xưa, để tổ chức những "lễ" như thế này, người ta phải biết rất rõ mục đích của việc làm, họ làm bằng sự thành kính thiêng liêng, bằng tâm thế chịu ơn, bằng sự mong mỏi bình an cho cộng đồng nhỏ của họ. Giờ chúng ta làm là để... diễn và người xem đa phần thấy lạ là xáp vào xem, hả hê và toại nguyện. Thấy người ta nhúng tiền vào máu thì cũng nhúng, người ta vặt lông heo cũng vặt... mà chả hiểu rồi sẽ làm gì với những "chiến lợi phẩm" ấy.

Như ở Tây Nguyên có tục "ăn trâu", một thời cũng bị lên án. Nó là việc làm của một làng, dùng con trâu thay người để cúng cho Yang (cái việc lấy trâu thay người là một sự tiến bộ rất lớn của các bộ lạc Tây Nguyên xưa) và nó diễn ra vào lúc rạng sáng, chỉ những người có trách nhiệm, người trưởng thành mới được tham gia. Đùng một cái, người ta biến nó thành "lễ hội" - lễ hội đâm trâu, rồi xách ông trâu ra giữa sân vận động hoặc một nơi có thể chứa được nhiều người, cột cứng vào cây nêu, đánh chiêng múa may xung quanh cho con trâu mật xanh mật vàng ra, rồi lấy giáo đâm, hàng chục nhát mới chết, có nơi cẩn thận còn lấy dao chặt hai khoeo chân sau và gọi đấy là tinh thần thượng võ của người Tây Nguyên. Thực ra, hoàn toàn không có cái lễ hội đâm trâu nào hết, mà việc dùng con trâu tế Yang - cũng như ta làm con gà trong mâm cỗ cúng vậy, nó là một thành tố của lễ hội chứ bản thân nó không phải là lễ hội.

Chỉ trong mấy ngày Tết này thôi, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều tội ác xảy ra, mà đỉnh điểm là vụ cô sinh viên bị lừa đi giao gà giúp mẹ rồi bị bắt và sát hại; anh cán bộ ngân hàng giết người thân. Chưa hết, cũng chỉ trong mấy ngày Tết, có tới 3.440 người vào viện vì đánh nhau, trong đó 1.820 trường hợp phải điều trị nội trú. Có sự liên quan nào chăng giữa việc chúng ta cổ xúy, dẫu vô tình hay cố ý, cho các hành vi bạo lực, thậm chí là tội ác, với những con vật nuôi của mình, với việc con người ngày càng ác, càng vô cảm? Có sự liên quan nào chăng giữa việc chúng ta gọi là phóng sinh nhưng thực ra là đẩy những con vật được phóng sinh vào chỗ chết? Bởi phóng sinh là thấy con vật gặp nguy hiểm thì ta cứu chúng, thả chúng lại với tự nhiên nhưng giờ chúng ta lại đi bắt những con vật đang sống bình yên ở tự nhiên về, rồi mang ra chợ bán, rồi lũ lượt đi mua về và... phóng sinh. Phóng sinh mà không thèm mở miệng bao ni-lông, không thèm biết có những kẻ mang sẵn bình điện chờ bắt lại ngay để quay vòng. Cứ thế, con người làm điều ác một cách... hồn nhiên, một cách tự tin là ta đang làm điều thiện, điều tốt.

Ủng hộ bỏ hủ tục

Loạt bài "Nên dẹp lễ hội bạo lực" đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình của bạn đọc. Hầu hết cho rằng những hình thức tế lễ thánh thần xuất phát từ mong muốn của con người chứ không phải do ý muốn của thần thánh nên "đừng đổ thừa cho thần thánh". Ngành văn hóa cần xem xét lại các lễ hội ở Việt Nam, những lễ hội với phong tục tốt đẹp, nhân văn thì giữ lại, phát huy, nhân rộng; những gì cổ hủ, lạc hậu, phản cảm, không phù hợp với xu hướng văn minh của thời đại thì mạnh dạn dẹp bỏ. "Nếu dùng biện pháp kiên trì thuyết phục không được thì nên chuyển sang biện pháp cưỡng chế" - bạn đọc Kim Trần đề xuất.

Ở góc nhìn khác, bạn đọc Nguyên Viên cho rằng con cháu không thể học được gì tốt đẹp từ những lễ hội bạo lực, dã man ấy.

Không ít bạn đọc nghi ngại bạo hành gia đình, bạo lực học đường, bạo lực xã hội... có một phần ảnh hưởng từ hình ảnh những tế lễ quá dã man. "Lễ hội bạo lực là phản văn hóa, cần dẹp bỏ. Chúng ta phải thấy rằng trẻ con nhìn cảnh này rồi lớn lên đánh nhau, đánh thầy, đánh bạn. Tết cổ truyền mà gần 4.000 ca nhập viện do đánh nhau thì chẳng phải do ảnh hưởng từ những hình ảnh bạo lực này sao?" - bạn đọc Trần Cảnh Tâm nhận định.

V.Thư

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 13-2

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo