xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mệnh lệnh con tim người làm báo

Tố Trâm

Lòng nhân ái, sự chung sức, đồng lòng của nhiều cá nhân, tập thể đã tạo nên cây ATM thực phẩm và những ngày lăn xả phục vụ cộng đồng đã trở thành những ngày tháng 4 khó quên

Sau gần nửa tháng hoạt động (từ ngày 17 đến 29-4), cây "ATM thực phẩm miễn phí" tại Báo Người Lao Động đã hoàn thành "sứ mệnh" phục vụ người lao động mất việc, người bán vé số, bán hàng rong... Phần quà còn lại của các nhà hảo tâm được tiếp tục trao tặng đến bà con nghèo ở các địa phương trong và ngoài TP HCM; các mái ấm, nhà mở, cơ sở từ thiện…

Đến bây giờ có thể nói, hoạt động xã hội này của Báo Người Lao Động đã thành công. Nhưng để làm được điều này, chính là nhờ tình cảm, công sức của rất nhiều cá nhân, đơn vị.

Khi ý tưởng gặp nhau

Ngay sau Tết nguyên đán, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 (Covid-19) diễn biến ngày càng phức tạp, Chính phủ kêu gọi người dân Việt Nam đồng lòng thực hiện nhiều biện pháp, chung tay phòng, chống và đẩy lùi dịch bệnh.

Với trách nhiệm của người làm báo, Báo Người Lao Động đã làm cầu nối, kêu gọi người dân, doanh nghiệp chung tay tham gia chương trình "Cùng Chính phủ chống dịch Covid-19" và "Cùng cộng đồng chung tay phòng, chống dịch Covid-19", đóng góp tiền, khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn... tặng những chiến sĩ làm nhiệm vụ cao cả ở tuyến đầu.

Mệnh lệnh con tim người làm báo - Ảnh 1.

Tình nguyện viên Hoàng Mỹ (phải) tham gia phục vụ tại cây “ATM thực phẩm miễn phí”. Ảnh: ANH THƯ

0 giờ ngày 1-4, Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội có hiệu lực (kéo dài đến 22-4). Dù Chính phủ nỗ lực hết sức để chăm lo đời sống của người dân trong thời gian giãn cách xã hội nhưng hàng triệu công nhân, người lao động phổ thông, bán vé số… vẫn lâm vào hoàn cảnh khó khăn vì thất nghiệp hoặc chỉ làm việc cầm chừng. Họ không có thu nhập cũng không có khoản dư để tích góp, những bữa cơm hằng ngày bỗng chốc thành gánh nặng.

Phải làm gì và làm như thế nào trong điều kiện giãn cách xã hội để có thể giúp đỡ bà con vơi đi nỗi lo chạy ăn từng bữa? Câu hỏi đó trở đi, trở lại trong các cuộc họp tòa soạn, họp Ban Biên tập Báo Người Lao Động. Thêm vào đó, có nhiều tin nhắn, nhiều cuộc điện thoại của bạn đọc, doanh nghiệp gọi đến tòa soạn bày tỏ mong muốn được giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Bà con nghèo đang rất cần hỗ trợ; bạn đọc, doanh nghiệp tin tưởng vào báo, phải nhanh chóng tìm giải pháp. Đó là trách nhiệm cũng là mệnh lệnh con tim của người làm báo.

Cứ đi rồi sẽ đến, tìm sẽ thấy. Biết được Công ty Adam đang nghiên cứu để cho ra đời "ATM thực phẩm miễn phí" - mô hình lý tưởng đang cần, Ban Biên tập lập tức kết nối, bàn bạc. Và rồi ngày 17-4, cây "ATM thực phẩm miễn phí" bắt đầu đi vào hoạt động tại trụ sở Báo Người Lao Động. Bữa cơm của người nghèo không chỉ có gạo mà còn có trứng, xúc xích, đồ hộp…., đủ năng lượng và ngon miệng.

Ngay trong ngày khai trương, trong lúc hàng trăm người dân xếp hàng trật tự chờ nhận quà, thì hàng chục doanh nghiệp, cá nhân liên hệ hỗ trợ gạo, thực phẩm. Vậy là cây "ATM thực phẩm miễn phí" đã có thể duy trì lâu ngày hơn, thêm nhiều người khó khăn được no bụng, ấm lòng.

Đong đầy yêu thương

Những ngày "ATM thực phẩm miễn phí" hoạt động, trụ sở Báo Người Lao Động trở thành kho thực phẩm lớn. Gạo, mì gói, trứng, dầu ăn, đồ hộp… liên tục được chở tới. Tất cả chúng tôi, từ tổng biên tập đến phóng viên, biên tập viên, nhân viên đều sẵn sàng trở thành… phu khuân vác, người tiếp nhận và chia thực phẩm, hướng dẫn người dân xếp hàng, nhận hàng… Buông công việc chuyên môn ra, chúng tôi lại tất bật phục vụ cho cây ATM này. Phát quà xong 10 giờ 30 phút và 16 giờ mỗi ngày nhưng sau đó công tác chuẩn bị cho 200-300 phần quà lại bắt đầu: chia gạo ra từng bao 2 kg, tính toán thực phẩm ngày hôm sau sao cho hợp lý và đầy đủ nhất; tổng kết sổ sách trong ngày, mãi đến tối mới xong... Rất nhiều anh chị suốt 2 tuần thứ bảy, chủ nhật đều túc trực ở cơ quan, thậm chí rủ cả gia đình lên làm tình nguyện viên.

Đến với công việc thiện nguyện này, dường như ai cũng rạng rỡ, ân cần, nhẫn nại, chu đáo. Ngồi sắp xếp các gói quà trước khi trao tận tay người nhận, có anh chị vui mừng reo lên: "Quà khá ghê. Ngoài 2 kg gạo, 1 vỉ trứng còn có mì, cháo, xúc xích. Chiều nay có thêm phần cá hộp, thịt hộp, nước tương, bà con được đổi món mới rồi". "Gạo hôm nay nhìn ngon. Bữa nào cũng được vậy thì thích quá"... Dù người nhận là… người dưng và trong số các anh chị, có những người không dám bỏ tiền mua món đồ hộp hấp dẫn hay loại gạo ngon đó.

Cũng tại cây ATM này, chúng tôi học được bài học về tình người, lòng tự trọng của những người đến nhận quà. Nhiều người sẵn sàng nhường vị trí đã xếp hàng rất lâu cho người già yếu, khó khăn hơn. Nghèo khó nhưng có người nhất quyết không tham, chỉ nhận đúng 1 phần quà của mình trong ngày: "Lúc sáng em đã nhận rồi, để dành cho người khác".

Ở nơi đây còn chứng kiến tình người không biên giới khi có nhiều cá nhân, doanh nghiệp nước ngoài, sau nhiều hôm lặng lẽ quan sát hoạt động của cây ATM thực phẩm đã chở hàng tấn gạo, thực phẩm và tiền đến hỗ trợ, bởi "Chúng tôi thực sự rất hạnh phúc vì có thể đóng góp cho công việc thiện nguyện tuyệt vời này. Xin gửi lời nhắn tới tất cả những người đang gặp khó khăn rằng có rất nhiều người đang quan tâm đến các bạn, chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua".

Và nơi đây còn có những bạn tình nguyện viên trẻ trong những ngày nghỉ học hoặc làm việc nửa buổi, đã đến phục vụ cây "ATM thực phẩm miễn phí". Xông xáo, nhiệt tình, không nề hà bất cứ việc gì đơn giản vì "được góp sức cho xã hội là hạnh phúc".

Tất cả họ đã tiếp thêm động lực, sức mạnh để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ này. Và cũng chính nhờ họ mà Báo Người Lao Động mở thêm cây "ATM thực phẩm miễn phí" tại quận 12 và Hà Nội, để rồi tình người, lòng nhân ái, sự tử tế theo đó lan tỏa, rất nhiều người thụ hưởng được tiếp thêm niềm tin rằng họ không bị bỏ lại phía sau, cho dù cuộc chiến với Covid-19 khốc liệt cỡ nào. Yêu thương trao đi sẽ nhận lại được yêu thương. Mãi là như thế.

Tiếp nối chương trình

Tiếp chương trình "ATM thực phẩm miễn phí", từ ngày 12-5, Báo Người Lao Động tổ chức trao quà trực tiếp đến cơ sở bảo trợ xã hội, nhà mở, mái ấm khó khăn do dịch Covid-19. Cụ thể, trao quà tại Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè; Trung tâm Điều dưỡng tâm thần Gia Định; Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc, chùa Kỳ Quang 2; Trung tâm Nuôi trẻ mồ côi - Mái ấm Phúc Lâm; Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Đồng Nai, Khu cách ly Đồn biên phòng Mộc Hóa.

Anh Bùi Văn Phước:

Tôi đã nhận được rất nhiều thứ

Tôi biết đến "ATM thực phẩm miễn phí" qua một phóng viên của Báo Người Lao Động. Trong thời gian nghỉ học, tôi muốn làm việc gì đó có ích cho xã hội nên đã đến làm tình nguyện viên. Qua việc này, tôi đã được nhận lại rất nhiều: niềm hạnh phúc khi trao quà cho người khác, lời cảm ơn của những người nhận quà, bài học về chân tình, sự tử tế…

Điều trăn trở lớn nhất trong ngày "ATM thực phẩm miễn phí" ngừng hoạt động đó là xã hội vẫn còn nhiều người khó khăn quá và nhiều người cũng nghèo nhưng không có điều kiện đến tận nơi để nhận được quà, vì xa, bệnh hoặc già yếu…

Vì vậy, tôi rất vui khi biết được có nhiều nhà hảo tâm vẫn tiếp tục tặng thực phẩm và Báo Người Lao Động trực tiếp trao số thực phẩm này đến người cần giúp đỡ, thông qua sự phối hợp với các địa phương, các cơ sở xã hội, mái ấm, nhà mở...

Nếu mai này Báo Người Lao Động tổ chức các hoạt động thiện nguyện như vậy, các anh chị đừng quên gọi tôi.

Chị Vũ Sử Hoàng My:

Trao đi tình yêu thương

Trong những ngày giãn cách xã hội, biết được rất nhiều người nghèo gặp khó khăn vì mất việc, tôi mong muốn được làm điều gì đó giúp cho họ. Tình cờ đọc được thông tin về chương trình "ATM thực phẩm miễn phí" qua Facebook của một người bạn, tôi vui mừng vì điều mong ước thành hiện thực. Tôi đến xin làm tình nguyện viên phục vụ cho "ATM thực phẩm miễn phí" và được các anh chị Báo Người Lao Động hồ hởi đón nhận.

Điều làm tôi nhớ nhất khi làm việc ở cây ATM thực phẩm là hình ảnh những cụ già - bằng tuổi với ông, bà tôi - nhẫn nại xếp hàng chờ nhận thực phẩm. Khi họ cảm ơn, tôi đã rơi nước mắt.

Tôi nghĩ rằng thứ đã được trao đi không chỉ là thực phẩm, mà còn là tình yêu thương. Những người khó khăn sẽ cảm thấy an ủi khi được xã hội, cộng đồng quan tâm, chia sẻ.

Tôi rất vui khi Báo Người Lao Động vẫn tiếp tục chương trình, kết hợp với địa phương trao những phần quà tận tay người nghèo, người bệnh. Nếu được góp sức cùng các anh chị ở Báo Người Lao Động, tôi sẽ sẵn sàng.

Anh Thư ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo