xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khi nào công an được quyền kiểm tra cư trú?

Phạm Dũng - Lê Phong

Công an khu vực có quyền kiểm tra cư trú định kỳ, đột xuất hoặc do yêu cầu phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự

“Nếu công an đến đột xuất, yêu cầu mở cửa để kiểm tra hành chính hoặc khám xét, người dân phải hành xử ra sao?”. Đó là câu hỏi nhiều bạn đọc gửi đến Báo Người Lao Động sau vụ một người dân ở Hà Nội tố công an khu vực phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội đêm khuya đến yêu cầu vào nhà kiểm tra hành chính rồi nhổ nước bọt khi người dân cự cãi, xảy ra vào tối 7-4.

Khám xét chỗ ở phải có lệnh

Theo TS - luật sư (LS) Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP HCM), căn cứ điều 22 Hiến pháp năm 2013, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý.

Việc khám xét chỗ ở được quy định tại Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2003, có hiệu lực đến hết ngày 31-6-2016. Theo đó, chỉ được tiến hành khám xét chỗ ở khi có căn cứ để nhận định trong chỗ ở của một người có công cụ, phương tiện phạm tội, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, tài liệu khác có liên quan đến vụ án hoặc khi cần phát hiện người đang bị truy nã.

“Việc khám xét chỗ ở phải có lệnh khám xét của người có thẩm quyền ra lệnh khám xét. Khi tiến hành khám xét chỗ ở, người tiến hành phải đọc lệnh khám xét cho chủ nhà được biết hoặc người đã thành niên trong gia đình họ, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và láng giềng chứng kiến” - LS Trạch lưu ý.

Còn theo một vị trưởng công an phường thuộc quận Gò Vấp, TP HCM, vừa qua, Công an quận Bình Thạnh phát hiện 2 đối tượng giả công an và an ninh để lừa đảo cửa hàng điện thoại di động ngay tại trụ sở nhà nước. Việc mua quân phục rất dễ dàng, không loại trừ khả năng mạo danh công an để xâm nhập nơi lưu trú bất hợp pháp. Vì vậy, chủ nhà hoặc người được cư trú có quyền từ chối khi thấy có những biểu hiện nghi vấn hoặc không có sự phối hợp cùng lực lượng khác.

Trung úy Công an phường Trung Liệt (quận Đống Đa, Hà Nội) bị tố nhổ nước bọt vào người dân khi đi kiểm tra hành chính (ảnh cắt từ clip)
Trung úy Công an phường Trung Liệt (quận Đống Đa, Hà Nội) bị tố nhổ nước bọt vào người dân khi đi kiểm tra hành chính (ảnh cắt từ clip)

Kiểm tra cư trú bất cứ lúc nào

Về vấn đề kiểm tra cư trú đột xuất, vị trưởng công an phường cho biết chỉ có công an khu vực được quyền kiểm tra cư trú đột xuất nhưng phải đi cùng 1-2 người mà chủ nhà biết, ví dụ như tổ trưởng dân phố, trưởng khu phố... Chủ nhà cũng có quyền yêu cầu công an xuất trình thẻ ngành. Kết thúc việc kiểm tra, bắt buộc phải có biên bản dù không có vi phạm gì, chủ nhà sẽ được giữ một tờ. Muốn khám xét để tìm tội phạm nguy hiểm cần phải có giấy tờ chứng minh như lệnh khám xét, giấy truy nã đối tượng...

Còn theo TS-LS Nguyễn Hữu Thế Trạch, căn cứ khoản 1 điều 26 Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 9-9-2014, công an xã được giao quản lý cư trú tại địa bàn (còn gọi là công an khu vực) có quyền kiểm tra cư trú định kỳ, đột xuất hoặc do yêu cầu phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự.

Điều này đồng nghĩa công an khu vực được quyền kiểm tra về vấn đề cư trú bất kỳ lúc nào. Tại một số địa phương, như TP HCM có ban hành hướng dẫn về vấn đề kiểm tra này, như việc kiểm tra hộ khẩu sau 23 giờ phải được sự đồng ý của ban chỉ huy công an phường, xã, thị trấn nhằm bảo đảm đúng nội dung kiểm tra, tránh gây phiền hà cho dân.

“Tuy nhiên, theo tôi, Thông tư số 35/2014/TT-BCA chưa quy định cụ thể về thủ tục, căn cứ kiểm tra đột xuất về vấn đề quản lý cư trú. Điều này vô tình tạo điều kiện nhũng nhiễu trong quá trình thực hiện công vụ của người có thẩm quyền. Vì vậy, công an cấp tỉnh cần quản lý chặt, cụ thể hơn thông qua việc ban hành hướng dẫn về vấn đề kiểm tra đột xuất, thủ tục và giấy tờ chứng minh… Đồng thời, phổ biến quy định này cho người dân biết để tự bảo vệ mình. Bên cạnh đó, cần kiểm tra tính pháp lý của Thông tư 35/2014/TT-BCA xem có vi phạm quyền về chỗ ở của công dân đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013 hay không” - LS Trạch nói.

Có trách nhiệm xuất trình giấy tờ

Nghị định số 208/2013/NĐ-CP ngày 17-12-2013 và Thông tư số 17/2012/TT-BCA ngày 10-4-2012 quy định lực lượng thi hành công vụ khi làm việc phải sử dụng đúng trang phục (phải đội mũ kê pi khi mặc trang phục chiến sĩ công an nhân dân), phương tiện được trang bị; tuân thủ trình tự, thủ tục, kế hoạch, quy trình công tác đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ngoài ra, khi tiến hành thủ tục kiểm tra phải có chuẩn mực trong việc ứng xử, gần gũi với người dân, đặc biệt phải có trách nhiệm xuất trình giấy tờ chứng minh tư cách, chức vụ khi thi hành công vụ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo