xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khi cây xanh bị cắt trụi cành...

LÊ VĨNH - ANH VŨ

Nhiều cây xanh bị cắt trụi cành, nhánh gây mất mỹ quan và sức sống của cây; đồng thời khiến người dân sống bên đường và người đi đường có cảm giác ngộp thở trong những ngày nắng nóng

Cứ vào mùa mưa, nhiều cây xanh có bóng mát tốt nằm dọc các tuyến đường trên địa bàn TP HCM bỗng dưng bị cắt trụi cành lá, làm ảnh hưởng đến sự phát triển và thẩm mỹ đô thị.

Vừa nắng nóng, vừa mất thẩm mỹ

Điều đáng nói, thời điểm này ở TP HCM cũng đang trong giai đoạn nắng nóng gay gắt. Việc cắt trụi các cành cây khiến người dân sống bên đường và người đi đường có cảm giác ngộp thở.

Sáng 4-5, trên đường Kinh Dương Vương (quận 6, TP HCM), khoảng 10 nhân viên của Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP HCM tổ chức cắt, tỉa hàng cây bằng lăng được trồng ở giữa và chạy dọc theo con đường này.

Theo quan sát, đa số những cây bằng lăng được cắt, tỉa cao khoảng 10 m, có các nhánh cây phát triển tươi tốt, vững chắc. Trong vòng một buổi sáng, hàng chục cây bằng lăng trên đường Kinh Dương Vương bị nhân viên thẳng tay "hớt" cụt, chỉ còn trơ phần thân và một vài cành, nhánh nhỏ trên ngọn cây. Tại các tuyến đường lân cận, nhiều cây xanh cũng rơi vào tình trạng tương tự. Điển hình khu vực trước Trường Tiểu học Đặng Nguyên Cẩn (quận 6, TP HCM), một cây xanh cao khoảng 3 m bị cắt, tỉa sạch sẽ.

Sáng 10-5, một nhóm nhân viên thuộc Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận Tân Bình thực hiện cắt, tỉa hàng cây phượng tại đoạn đường Đồng Đen (quận Tân Bình). Những cây phượng trên đoạn đường này cao khoảng 4 m, phát triển xanh tốt nhưng bị cắt trơ trọi, chỉ còn thân và một vài cành lớn. Kế đó, hàng cây bằng lăng cũng bị cắt trụi cành, chỉ còn lác đác vài nhánh nhỏ và ít lá cây.

Chứng kiến hàng cây bị cắt tỉa dưới trời nắng nóng, ông Hoàng Văn Tùng (52 tuổi, tài xế xe ôm) thắc mắc: "Sao không để cây xanh phát triển cao thêm cho có bóng mát? Đi ngoài đường nắng nóng, có bóng mát cây xanh vẫn tốt hơn".

Là người thường xuyên từ đường Trường Chinh (quận Tân Bình) về nhà ở quận 3 vào buổi trưa để chăm sóc mẹ già, anh Phạm Văn Cường bức xúc nói: "Tôi thấy rất nhiều cây xanh trên đường phố hiện bị cắt tỉa cành cụt ngủn, trông rất kỳ cục, mất thẩm mỹ. Chưa kể, thời tiết TP HCM quanh năm nắng nóng, nhà kính nhiều, nhựa đường bốc hơi nóng hừng hực, đi lại giữa trưa cần lắm những bóng mát cây xanh, vậy mà họ lại cắt cụt hết cành cây".

Cũng theo anh Cường, cây xanh sau khi cắt, tỉa thì dường như phát triển không bình thường, các tán cây mọc không đều, cây thấp bé. "Đi dọc trên các tuyến đường, thấy nhiều cây xanh mọc rất lạ. Cành cây tỏa ra không đều, mất cân xứng. Cùng một cây xanh nhưng một bên thì cành lá um tùm, bên còn lại thì cụt ngủn, trống hoác" - anh Cường bức xúc.

Khi cây xanh bị cắt trụi cành... - Ảnh 1.

Hàng cây trên đường Đồng Đen, quận Tân Bình, TP HCM bị cắt trụi cành Ảnh: Lê Vĩnh

Đúng về quản lý, sai về chuyên môn

Theo tiến sĩ Đinh Quang Diệp, nguyên Trưởng Bộ môn Cảnh quan và Kỹ thuật hoa viên Trường Đại học Nông Lâm TP HCM, việc cắt, tỉa nhằm hạ thấp độ cao cây xanh, tránh sự cố cây ngã đổ, bảo đảm an toàn cho người dân trong mùa mưa là đúng về mặt quản lý.

"Vài năm gần đây, trên địa bàn thành phố xảy ra một vài sự cố cây xanh. Có lẽ vì vậy mà đơn vị quản lý "sợ", triển khai cắt thấp, hạ độ cao cây xanh. Tuy nhiên, việc cắt, tỉa hết cành, nhánh cây đang phát triển tốt, chỉ để lại thân cây và vài nhánh lá non là chưa đạt về chuyên môn kỹ thuật, nhất là với những cây quá nhỏ. Cắt, tỉa không bảo đảm kỹ thuật sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. Cụ thể, cành, nhánh mọc trở lại dễ bị tước; cành mọc không đúng vị trí; cây mọc xiên vẹo; mất tính thẩm mỹ của cây xanh" - tiến sĩ Đinh Quang Diệp nói.

Tiến sĩ Đinh Quang Diệp cho rằng đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, chăm sóc cây xanh cần phải đầu tư về nhân lực, kỹ thuật, trang thiết bị, nhất là trong công tác đánh giá, giám định chất lượng cây xanh trước mùa mưa bão. Điều này vừa bảo đảm an toàn, hạn chế xảy ra sự cố vừa bảo đảm tính thẩm mỹ và sự phát triển bình thường của cây xanh.

"Đội ngũ kỹ thuật phải rà soát, kiểm tra chất lượng cây xanh thường xuyên, đặc biệt là các tháng trước mùa mưa. Sau khi rà soát thì phân loại để đưa ra kế hoạch cắt, tỉa phù hợp với từng loại cây. Những cây nào có nguy cơ xảy ra sự cố ngã đổ thì ưu tiên làm trước, thường là những cây loại 3 (cây có chiều cao trưởng thành trên 15 m - PV). Còn đối với những cây loại 1 (cây có chiều cao trưởng thành dưới 10 m - PV) thì việc trồng cây ngay từ đầu phải được thực hiện kỹ lưỡng để tránh xảy ra sự cố về sau này" - ông Diệp lưu ý.

Tương tự, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cũng cho rằng cơ quan quản lý cần cắt, tỉa cây xanh có chọn lọc, tránh làm tràn lan, đồng loạt như hiện nay. "TP HCM từ xưa đến nay không có bão lớn. Nếu có thì gió cũng ở mức độ vừa phải. Như vậy, đối với những cổ thụ thì chỉ cần bảo dưỡng thường xuyên; cắt, tỉa lại các nhánh cây có nguy cơ gãy đổ thì chúng vẫn an toàn" - ông Ngô Viết Nam Sơn nêu.

Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, cây xanh đường phố có vai trò quan trọng, vừa tạo cảnh quan vừa giảm ô nhiễm. Việc chặt, cắt, tỉa cây xanh tràn lan là điều hết sức đáng lo.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo