xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Học sinh tự tử: Xã hội phải cùng thay đổi

Bùi Minh Đức (Giảng viên tâm lý học - Học viện Chính trị)

Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận, định hướng đúng đắn mục tiêu của việc học là để hiểu biết, làm việc và làm người

Vấn đề áp lực từ thành tích học tập đối với học sinh, sinh viên (HS-SV) không phải mới, đã xuất hiện rất lâu, gây nên những nhận thức, thái độ và hành vi lệch chuẩn, thậm chí tự sát. Người ta gọi là Hội chứng con vịt (Duck Syndrome). Con vịt bơi trên mặt nước trông có vẻ thảnh thơi nhưng bên dưới, đôi chân nó phải đạp liên hồi cũng như sự nỗ lực, đấu tranh, dằn vặt, tổn thương tâm lý, ý nghĩ tự sát và giải thoát âm thầm của HS trước những khó khăn, áp lực học tập.

Dưới đây là những nguyên do cơ bản gây nên hội chứng này.

Sự kỳ vọng quá lớn của gia đình

Cha mẹ nào cũng muốn con mình đạt thành tích học tập tốt, đỗ đạt vào các trường danh tiếng và có việc làm tốt trong tương lai. Một bộ phận cha mẹ gửi gắm ước mơ của mình vào việc học tập của con, hy vọng con là người viết tiếp giấc mơ dang dở của mình. Tuy nhiên, những kỳ vọng thái quá, vượt xa năng lực thực tế của con trẻ đã gây nên những áp lực nặng nề cho con khiến con luôn trong trạng thái phải cố gắng, nỗ lực để đạt thành tích mà cha mẹ mong muốn. Để rồi, khi không đạt mục tiêu quá cao đó, các em thất vọng, chán nản, buông xuôi, tự làm tổn thương bản thân để thoát khỏi áp lực.

 


Cần giúp HS cân bằng giữa học tập và tham gia hoạt động ngoại hóa, vui chơi, giải trí. Trong ảnh: Học sinh Trường THCS - THPT Thái Bình cùng nhảy flashmob Ảnh: TẤN THẠNH

Cần giúp HS cân bằng giữa học tập và tham gia hoạt động ngoại hóa, vui chơi, giải trí. Trong ảnh: Học sinh Trường THCS - THPT Thái Bình cùng nhảy flashmob Ảnh: TẤN THẠNH

 

Thay vì đặt mục tiêu quá cao, cha mẹ hãy gần gũi để hiểu năng lực, nguyện vọng và giúp con đặt mục tiêu học tập đúng mức để phát triển đam mê, sở trường; cân bằng giữa học tập và tham gia các hoạt động ngoại khóa, vui chơi, giải trí.

Thầy cô chưa là nhà tham vấn tâm lý

Có thể khẳng định hiện nay, hệ thống tham vấn tâm lý học đường chưa thỏa mãn được nhu cầu của thực tiễn. HS-SV ngày nay có rất nhiều vấn đề cần sự trợ giúp của các nhà tham vấn học đường chuyên nghiệp vì kinh nghiệm sống, tri thức của các em chưa thể giải quyết được những khó khăn tâm lý mà các em đang phải đối diện. Tham vấn để thỏa mãn những nhu cầu nhận thức, cảm xúc đến hướng dẫn hành vi an toàn và làm chỗ dựa tinh thần cho các em. Nếu làm tốt những điều này có thể giúp chúng ta phát hiện, ngăn chặn từ sớm những hành vi sai lầm, đáng tiếc.

Vì thế, về lâu dài, cần quan tâm hơn đến việc xây dựng hệ thống tham vấn trong nhà trường một cách đủ mạnh. Đồng thời, trang bị kiến thức, kỹ năng tham vấn cho cán bộ, giáo viên để thầy cô vừa là người truyền thụ tri thức, giáo dục nhân cách, vừa là bạn tinh thần của HS.

Coi trọng thành tích

Chúng ta đang quá chú trọng vào thành tích (điểm số) khi đánh giá kết quả học tập của HS-SV mà không thấy sự trưởng thành về nhân cách, tâm lý và kỹ năng của các em. Dẫn tới, chúng ta đang định hướng giá trị lệch chuẩn cho HS trong quá trình học tập, tạo ra áp lực và gây nên các hành vi học tập không phù hợp.

Mặt khác, các phương tiện truyền thông hầu như chỉ quan tâm đến những biểu tượng thành công, tạo ra những con người hoàn hảo mà ít đề cập những tấm gương thất bại, những người chưa qua trường lớp đang nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Chính điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc tự đánh giá của HS-SV, gây nên sự nhìn nhận sai lầm khi thất bại.

Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận, định hướng đúng đắn mục tiêu của việc học: Học để biết, học để làm, học để cùng chung sống và học để làm người.

HS-SV thiếu kỹ năng sống

Sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã kéo theo tính chuyên môn hóa cao trong các lĩnh vực, nghề nghiệp, cùng với đó là sự đòi hỏi con người phải làm chủ các trang thiết bị, máy móc hiện đại. Điều này đang góp phần thúc đẩy HS-SV nỗ lực vươn lên trong học tập nhưng cũng tạo ra áp lực thành tích, chi phối đến đời sống và hoạt động học tập của các em. Trong khi đó, các kỹ năng sống, như tự nhận thức, tư duy tích cực, ứng phó với khó khăn, quản lý cảm xúc... của các em còn thiếu. Từ đó, các áp lực sẽ tác động trực tiếp và gây nên những sai lầm trong nhận thức, thái độ và hành vi của HS-SV.

Hơn lúc nào hết, cần trang bị cho HS-SV những kỹ năng sống cần thiết để giúp các em đánh giá đúng bản thân; suy nghĩ và hành động tích cực khi gặp khó khăn; giải quyết các khó khăn một cách khoa học; kiểm soát, chia sẻ cảm xúc cũng như không để những cảm xúc nhất thời ảnh hưởng, gây nên các hành vi mất kiểm soát, tự làm tổn hại bản thân.

 

Đừng bắt con đi chiếc giày không vừa

Một nữ bác sĩ về tâm thần cũng là mẹ của một cô con gái 18 tuổi vừa bước vào ngưỡng cửa đại học cho biết quan điểm của chị trong việc dạy con là đừng áp đặt ước mơ của mình lên các cháu. Sự nghiệp của mỗi người như chiếc giày đi dưới chân. Bắt con giỏi như mình mơ ước nhưng không được chẳng khác nào bắt con mang giày không vừa chân. Giày không vừa thì gây đau đớn, khó đi tới nơi, mà cố lê lết thì cũng chuốc lấy thương tích.

A.Thư

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo