xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hệ quả của lối sống ảo

Vy Thư ghi

Có nhu cầu muốn khẳng định bản thân nhưng không đủ tài năng, trí tuệ, tri thức... nên nhiều bạn trẻ chơi trò “câu like” điên rồ, phản cảm, lố bịch chỉ để được nhiều người biết đến

Sau khi Báo Người Lao Động đăng bài “Đừng là đám đông vô cảm!”, nhiều bạn đọc đã gửi về tòa soạn ý kiến bàn luận trào lưu “đủ like là làm” và like cho chết.

Lệch lạc trong suy nghĩ

Facebook là mạng xã hội được người dùng đông đảo nhất hiện nay. Tất tần tật mọi thông tin “thượng vàng hạ cám”; hỷ, nộ, ái, ố của người dùng đều được chia sẻ trên mạng xã hội này. Những hình ảnh, lời nói, tâm trạng... sau khi đăng lên Facebook sẽ được cộng đồng mạng ủng hộ bằng cách like (thích) hoặc comment (nhận xét), share (chia sẻ) cho người khác trong vòng “luân chuyển” không hồi kết.

Không ai phủ nhận mặt tích cực của Facebook trong kết nối cộng đồng. Thế nhưng gần đây, trên Facebook nổi lên trào lưu “câu like” bằng mọi giá của nhiều bạn trẻ trong thế giới ảo. Khi nhận được nhiều người like thì được xem là “đẳng cấp”. Có nhiều cách “câu like”, từ đơn giản như khoe áo đẹp, xe đẹp, món ăn ngon, nhà cửa, ảnh “tự sướng” đến khoe những hình ảnh sốc, những câu nói lạ, những chuyện giật gân. Không ít thanh niên không có tài cán, “câu like” bằng cách vừa chửi vừa ghi hình, xem đó là thú tiêu khiển. Đặc biệt, gần đây rộ lên hình thức kiếm like qua lời thách đố “đủ like là làm”. Một thanh niên bỗng dưng đưa ra điều kiện: “Nếu nhận đủ 40.000 like sẽ dùng xăng tự thiêu”. Một thanh niên khác thách: “Đủ 60.000 like, 15.000 share sẽ mặc quần lót nhảy xuống sông và uống hết một ca nước sông”. Một nữ sinh tuyên bố: “7.000 like, 77 bình luận, 777 share thì mình sẽ không mặc gì chạy 7 vòng quanh Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn”. Một nam sinh khác cũng hưởng ứng mạnh với lời hứa tương tự: “Đủ 100.000 like sẽ post lên mạng clip quan hệ sắc nét”... Sốc hơn nữa, một nữ sinh trung học cơ sở ở Khánh Hòa hứa: “Nếu được 1.000 like sẽ châm lửa đốt trường”.

Tưởng chỉ là đùa cho vui, hay ít ra nhận được những lời can gián, nào ngờ cộng đồng mạng like nhiệt tình, số lượt like hơn cả con số “thách đấu”, thậm chí còn thách thức, thúc ép, gây áp lực để người câu like phải thực hiện cho bằng được để họ quay clip đăng Facebook.

Thấy gì từ phong trào này? Trước hết, đó là sự lệch lạc trong suy nghĩ của giới trẻ. Muốn chơi ngông, nhanh chóng được nổi tiếng, những người câu like sẵn sàng vì mấy ngàn lượt like mà làm liều, làm quấy, đánh đổi danh dự, lòng tự trọng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng và vi phạm pháp luật. Còn với đám đông vô tâm, vô tình, like không chỉ là ủng hộ mà còn châm dầu vào lửa để “xem thử mày làm thế nào”, “có dám không”, “có giữ lời không”…

Trào lưu này không chỉ dừng lại ở mức độ đùa vui mà đang ngày càng biến tướng, tác động tiêu cực đến suy nghĩ, lối sống của giới trẻ và thật sự nguy hiểm nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Lê Xuân Chiến

Nữ sinh đổ xăng quanh cửa phòng y tế trước khi châm lửa đốt vì bị thúc ép thực hiện lời hứa “đủ like là làm” (Ảnh cắt từ clip)
Nữ sinh đổ xăng quanh cửa phòng y tế trước khi châm lửa đốt vì bị thúc ép thực hiện lời hứa “đủ like là làm” (Ảnh cắt từ clip)

Nút like ảo, hậu quả thật

Có thể nói mạng xã hội đang dần chiếm vị trí quan trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của con người, nhất là giới trẻ. Vấn đề là chúng ta sử dụng mạng xã hội như thế nào để nó trở thành công cụ hữu ích, phục vụ cho nhu cầu của con người. Ngược lại, nó sẽ mang đến những hậu quả không lường hết được như rất nhiều vụ đã xảy ra trong thời gian qua.

Với trào lưu “đủ like là làm” cho thấy lối sống ảo của một bộ phận giới trẻ. Họ có nhu cầu muốn khẳng định bản thân nhưng không đủ tài năng, trí tuệ, tri thức, sáng tạo... để có thể nổi tiếng. Vì thế, họ chọn trò chơi “câu like”, cho dù là điên rồ, phản cảm, lố bịch thì cũng là... nổi tiếng, được nhiều người biết đến. Suy nghĩ này thật sự nguy hiểm và nếu gia đình, nhà trường, các đoàn thể thiếu quan tâm, đứng ngoài cuộc thì nhiều bạn trẻ sẽ bị lệch lạc về hành vi, tâm lý, thậm chí bị đe dọa tính mạng.

Còn về đám đông nhiệt tình like, có thể vì tò mò, vì ghét những lời tuyên bố ngông cuồng và hơn nữa, họ không chịu sự ràng buộc hoặc liên lụy gì nên dễ dàng bấm nút like. Tuy nhiên, một khi sự hiếu kỳ được đẩy lên cao sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường như: làm mất an ninh trật tự xã hội, đẩy người khác vào tình huống nguy hiểm mà điển hình nhất là vụ việc nữ sinh bị thúc ép đốt trường vì câu like đến mức đôi chân bị phỏng, tâm lý hoang mang và gặp nhiều rắc rối khác về mặt pháp luật...

Thiết nghĩ nút like dù ảo nhưng hậu quả là thật, đôi khi rất nghiêm trọng. Đã đến lúc cần tuyên truyền và có những biện pháp chế tài đủ mạnh để người sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm với từng lần nhấn nút like, share hoặc comment. Chỉ như vậy thì mới mong chấm dứt được những trò gây sốc vô bổ, những trào lưu đang hủy hoại giới trẻ kiểu như “đủ like là làm”.

Nguyễn Mai Anh

Cùng vào cuộc ngăn chặn

Theo bạn đọc Lý Nam, cha mẹ nên quan tâm hơn đến con trẻ; hằng ngày cùng làm, cùng học, cùng chia sẻ quan điểm nhằm phát hiện sớm các biểu hiện tiêu cực, từ đó xây dựng các biện pháp uốn nắn phù hợp. “Hiện nay, trong gia đình trẻ có xu hướng mạnh ai nấy ôm smartphone rồi vào Facebook “chém gió” mà ít quan tâm đến hậu quả. Đó là điều thật đáng lo” - bạn đọc Lý Nam viết.

Bạn đọc Thành An cho rằng: “Đã đến lúc cần nghiêm túc xem xét kỹ các nội dung đăng tải trên mạng xã hội, tăng cường các biện pháp kiểm soát an ninh mạng, xử lý nghiêm khắc những hành vi nguy hiểm. Song song đó, gia đình và nhà trường cũng cần có biện pháp giáo dục, khuyên bảo để các em không suy nghĩ và hành động bột phát, lệch lạc”.

Còn theo bạn đọc Thu Mai, tâm lý của thanh niên là thích chơi trội, từ đó dẫn tới những hành động lệch lạc và thậm chí có những lời nói, hành vi vô đạo đức. “Là phụ huynh có con đang độ tuổi học sinh, tôi thật sự rất hoang mang. Dù cố gắng quan tâm, lưu ý đến mọi hoạt động của con nhưng ngoài gia đình, con còn có những mối quan hệ xã hội khác. Thiết nghĩ, nhà trường và các đoàn thể phải vào cuộc bằng những hoạt động sôi động, phù hợp với lứa tuổi, thông qua đó tuyên truyền về pháp luật, kỹ năng xử lý tình huống, cách thức sử dụng internet hiệu quả… Có như vậy mới mong đẩy lùi và ngăn chặn những trào lưu vô bổ, có hại” - bà Mai nêu ý kiến.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo