xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gỡ bế tắc cho nhà ở xã hội

Bài và ảnh: BẠCH ĐẰNG

Quá nhiều vướng mắc trong chính sách để người nghèo có thể tiếp cận được với nhà ở xã hội

Tại hội thảo “Mô hình nào cho nhà ở xã hội (NƠXH) tại đô thị”, do Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức sáng 17-12, nhiều chuyên gia về kinh tế - xã hội nhận định công tác phát triển NƠXH phù hợp với khả năng của người dân hiện nay còn nhiều bất cập, đặc biệt là trong các chính sách.

Quá nhiều vướng mắc

Phát biểu tại hội thảo, TS Huỳnh Thế Du, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, chỉ ra nghịch lý NƠXH nhưng giá khoảng 10 triệu đồng/m2 thì hầu như những người có thu nhập bình quân phổ biến từ 5 triệu đến dưới 8 triệu đồng/tháng không thể nào mua nổi. Trong khi với thu nhập được xem là khá ở Việt Nam, từ 10 triệu đến dưới 15 triệu đồng/tháng, cũng chỉ có thể mua được nhà với diện tích khá nhỏ, từ 40-55 m2.

Một trong các rào cản đối với vấn đề này là cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện. Theo ông Phan Thái Sơn, Trường ĐH Việt Đức, trong các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội lại không có quy định cụ thể cho việc phát triển NƠXH. Đó là chưa kể các sản phẩm nhà ở đã ít lại còn bị quy định cứng nhắc về đối tượng thụ hưởng.

“Người được thụ hưởng chỉ được lựa chọn hạn chế trong vài dự án có sẵn nhưng vị trí, điều kiện của dự án không phù hợp với nhu cầu sống và làm việc của người mua. Có thể tiếp cận vấn đề này theo hướng người mua cần được hỗ trợ tài chính để họ có thể tự chọn nhà phù hợp” - ông Sơn đặt vấn đề.

 

Người có thu nhập thấp vẫn còn khó tiếp cận với nhà ở xã hội. Trong ảnh: Chung cư Bàu Cát, quận Tân Bình, TP HCM
Người có thu nhập thấp vẫn còn khó tiếp cận với nhà ở xã hội. Trong ảnh: Chung cư Bàu Cát, quận Tân Bình, TP HCM

 

Góp ý về tài chính, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, chỉ rõ với gói 30.000 tỉ đồng hỗ trợ của nhà nước, các ngân hàng (NH) tham gia chương trình này được phép sử dụng 3% tổng dư nợ năm trước để cho vay theo diện này. Khi tất toán, các NH lại được hưởng 1,5%. Ông Châu góp ý: “Đây là điểm chưa hợp lý vì các ngân hàng đã có bộ máy hoạt động sẵn và trong mọi trường hợp, họ đều hưởng lợi. Nếu giảm phần chia cho NH còn 0,5% sẽ kéo giảm lãi suất cho vay xuống 1%”.

Ông Võ Thanh Hà, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP HCM, cho rằng để giảm giá nhà phù hợp với sức mua của người dân, phải giảm chi phí xây dựng. Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích đối với nhiều công nghệ xây dựng mới có thể rút ngắn thời gian thi công, giảm nhân công, qua đó giảm giá thành.

Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Hồng Hải, kiến trúc sư trưởng Becamex Bình Dương, nhận định điểm bất hợp lý lớn nhất là chúng ta đang lấy tư duy của người giàu để xây nhà ở cho người nghèo. Các quy định, quy chuẩn về diện tích, tiện ích, phòng ngủ… của NƠXH rất rắc rối và làm đội thêm chi phí xây dựng. “Vì vậy, cần tìm hiểu sâu hơn về nhu cầu của người nghèo để có những thiết kế nhà ở linh hoạt, phù hợp” - ông Hải đề xuất.

Nên đưa vào thị trường

Một vướng mắc lớn trong chính sách về xây dựng là phải dành 20% diện tích của các dự án trên 10 ha để làm NƠXH. Theo ông Nguyễn Minh Đăng, chuyên gia bất động sản, quy định trên can thiệp quá sâu vào thiết kế, tính sáng tạo và khả năng linh hoạt của thị trường. Giá nhà phụ thuộc vào vị trí đất, dịch vụ, hạ tầng xung quanh chứ không thể áp đặt chủ quan.

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP HCM, cho rằng phải đưa NƠXH vào quỹ đạo vận hành của thị trường mới có bước phát triển hiệu quả. Xét đến cùng, NƠXH cũng là một phần của thị trường, nhà nước chỉ hỗ trợ một số mặt tương đối chứ không thể can thiệp quá sâu như thời gian qua. “Quan trọng là giá đất. Nhà nước chỉ cần lo được giá đất thì giá nhà sẽ giảm” - TS Võ Kim Cương khẳng định.

Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nam Long, cho rằng với nhu cầu quá lớn như hiện nay, nhà nước không thể bỏ tiền ra để làm, chỉ có thể điều tiết thông qua chính sách. Tuy nhiên, nhiều khi chính sách đã có rồi nhưng đưa vào thực tế vẫn rất khó. Hiện nay, có quá nhiều cơ quan cùng tham gia việc phát triển nhà nói chung và NƠXH nói riêng nhưng vẫn thiếu một cơ quan đầu mối có thể đưa ra quyết định cuối cùng.

 

Đừng can thiệp quá sâu

Ông Huỳnh Thế Du nhìn nhận chúng ta đang quá kỳ vọng vào vai trò của nhà nước trong vấn đề NƠXH nhưng một mình nhà nước chắc chắn không thể lo xuể. Đây không chỉ là kinh nghiệm tại Việt Nam mà nó đã diễn ra ở nhiều nước tiên tiến. Điều nhà nước nên làm là để cho mọi người và thị trường điều chỉnh, đừng can thiệp quá sâu hay làm thay thị trường.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo